Bi hài những quy trình đúng!

Chủ Nhật, 09/10/2016, 08:29
Với những gì mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ ra và đang kêu gọi, chúng ta tin rằng: cái "đúng quy trình" một cách vô lý và bi hài ấy sẽ dần dần giảm bớt.

Bác Trần Quang Lê (Vũng Tàu) và tổng hợp ý kiến của một số độc giả khác: Gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin về hàng loạt các vụ việc lùm xùm bê bối trên khắp cả nước, chúng tôi được nghe rất nhiều từ "quy trình". 

Từ hàng loạt vụ việc đặc biệt gây bức xúc về vấn đề công tác cán bộ như  vụ ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng cho hàng loạt người nhà, riêng vợ ông được đưa vào danh sách quy hoạch phó cục trưởng. 

Hay trước đó, tháng 9-2015, Báo Người Lao Động phản ánh bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện,… rồi vụ ông Vũ Quang Hải, con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng năng lực quản lí yếu kém, gây thất thoát hàng trăm tỉ của công ty vẫn được bổ nhiệm, cất nhắc, thăng tiến vào những vị trí "béo bở". 

Gần đây nhất, thông tin ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang có vợ, em trai, em gái và một số người thân đang nắm giữ hàng loạt vị trí lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tại tỉnh này đang gây xôn xao dư luận. 

Tất cả các trường hợp này, khi được giải trình, được có ý kiến, được kiểm điểm nghiêm túc và trả lời công luận thì từ ông cục trưởng cục thuế, đến ông cán bộ huyện, ông bí thư tỉnh ủy, ông bộ trưởng, các ông đều nói việc bổ nhiệm người thân là đúng quy trình và được tập thể tín nhiệm. Ông Vinh còn nói chính ông đã cản nhiều lần, đã "không vui" nhưng rồi không thể từ chối được.

Bên cạnh những vụ việc trong công tác cán bộ trên, thì rất nhiều vụ việc có dấu hiệu tiêu cực bị phanh phui thời gian qua cũng đều được người có trách nhiệm ở các cơ quan hữu trách giải thích là "đúng quy trình"! 

Vụ nhà thầu Trung Quốc đầy tai tiếng với đường ống nước Sông Đà giai đoạn I bị vỡ hơn 15 lần vậy mà trong lần gọi thầu cho dự án giai đoạn II vẫn chọn chủ thầu Trung Quốc: Đúng quy trình! 

Hay vụ ông Trịnh Xuân Thanh từng làm thủ trưởng một công ty nhà nước gây thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng được đưa về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tất nhiên cũng được lý giải "đúng quy trình"!... Và cả vụ việc Formosa Hà Tĩnh xả chất thải độc gây thảm họa môi trường biển  đầy nhức nhối, nhưng khi kiểm điểm, chưa hề có một cá nhân cụ thể nào phải nhận trách nhiệm, không một ai từ chức hay bị kỷ luật,… và mọi khâu đều đúng quy trình!

Thưa nhà báo, có phải "Đúng quy trình" đã và đang trở thành một thứ "bảo bối" được đưa ra khi gặp chuyện phải trả lời công luận sau một sự cố nào đó thì phải? Và có phải rằng, mọi việc chỉ cần lý giải được rằng đã "đúng quy trình" là có thể mọi cá nhân tập thể sẽ chẳng ai có trách nhiệm cả? Chúng ta sẽ tiếp tục phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ từ những quy trình đúng nhưng đầy nhức nhối ấy?

Minh họa: Lê Phương.

Nhà báo Minh Đức: Thưa bác Trần Quang Lê và bạn đọc, việc chạy chức chạy quyền hay lợi ích nhóm là một hiện thực mà ai cũng có thể nhận thấy. Trong nhiều lần phát biểu trước Đảng và trước nhân dân, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải thừa nhận hiện thực đau lòng này. 

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn khi nói về vấn đề tìm người tài cho đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra quyết tâm của Chính phủ là "tìm người tài, không phải tìm người nhà". 

Câu nói ấy của Thủ tướng cũng gián tiếp nói đến tình trạng càng ngày càng có nhiều quan chức luôn tìm cách đưa người nhà của mình vào những vị trí quan trọng ở mọi cấp của đất nước. Những vụ việc liên quan đến vấn đề trên đang được dư luận lên tiếng và đang được các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước tiến hành điều tra làm rõ.

Cho dù muốn hay không chúng ta cũng phải nói rằng: cách lựa chọn nhân sự như thế là một hình thức loại bỏ những người có tài có đức thực sự. Nói một cách sâu rộng hơn là cách làm như thế chính là gây ra những tổn thất vô cùng lớn cho đất nước. Bởi không có tổn thất nào lớn hơn là tổn thất phí phạm nhân tài. 

Và từ những tổn thất nhân tài ấy còn gây nên tổn thất về lòng tin. Khi được nhân dân lên tiếng và các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước kiểm tra thì những người đó đã dùng một thuật ngữ để trốn tránh trách nhiệm của mình có tên là "đúng quy trình". Nếu bây giờ, chúng ta rà soát các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở các cấp, ở các địa phương, chúng ta sẽ thấy một sự thật. 

Sự thật đó là: cha con, anh em, vợ chồng, người thân trong gia đình và bạn bè của không ít lãnh đạo đã nắm giữ những vị trí quan trọng của cơ quan ấy, tổ chức ấy và địa bàn ấy. Và khi những người trong một gia đình cùng nắm những vị trí quan trọng của một cơ quan, của một tổ chức, một ngành và một địa bàn thì cái vòi bạch tuộc của lợi ích nhóm sẽ mọc ra, khó gì cản được. 

Vấn đề phải nói là nghiêm trọng này trên thực tế càng ngày càng nhiều chứ không phải là một vài trường hợp hi hữu nữa.

"Đúng quy trình" có lẽ là lý do duy nhất để những người có quyền chức biện hộ cho việc làm của họ. Tôi phải nói rằng: việc "đúng quy trình" của họ là rất đúng quy trình. Quy trình là một thứ quá dễ dàng với cách làm nhân sự hiện nay. Người ta có thể làm ra một quy trình một cách vô cùng khôn khéo để ủng hộ những người thân và phe cánh của mình. 

Và người ta cũng dễ dàng làm "đúng quy trình" để loại bỏ những người mà người ta không ưa và những người tài mà không biết cách để làm cho lãnh đạo có một "quy trình công bằng" với cá nhân họ. Những người giữ vị trí đứng đầu của một cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa bàn có kế hoạch để tổ chức của họ tiến hành các quy trình cho người nhà dần dần nắm giữ các vị trí quan trọng. 

Những cấp dưới của các lãnh đạo "có chức năng" trong việc quy hoạch cán bộ đã xu nịnh thủ trưởng bằng sách sắp xếp người nhà thủ trưởng vào các vị trí đó có vẻ rất vô tư và họ chính cũng sẽ hưởng lợi nhiều nghĩa từ việc đó. 

Trên thực tế mà chúng ta đều biết: quy trình kiểu đó lâu nay ở không ít nơi thực chất là một sự áp đặt. Và chúng ta thử hỏi có cấp dưới nào có khả năng không chấp hành chỉ thị của thủ trưởng mình cho dù là một chỉ thị vô cùng khôn ngoan. 

Tôi từng nghe một ông thủ trưởng nói với trưởng phòng tổ chức của mình "Anh gửi chú thằng B em anh, nhờ chú quan tâm". Thủ trưởng chỉ nói một cách rất lịch sự và chung chung như thế nhưng mọi cấp dưới đều hiểu thủ trưởng của mình muốn gì và mình phải làm như thế nào. 

Thực tế, hầu như không một cấp dưới nào dám làm trái cái "chỉ thị lịch sự" đó của cấp trên trừ khi cái "thằng B em anh" ấy làm những điều mà cả cơ quan đó hay xã hội không thể chấp nhận được. 

Mọi người đều biết cái "quy trình" ấy nhưng họ không thể làm gì. Nếu có ý kiến phản đối thì người ta sẽ thực hiện ngay một quy trình vô cùng dân chủ như lấy ý kiến cơ quan, ý kiến công đoàn, ý kiến chi bộ hay chi ủy. Nhưng than ôi, cơ quan ấy, công đoàn ấy, chị bộ hay chi ủy ấy cũng là của ông thủ trưởng mà thôi.

Làm thế nào để có thể xóa đi cái "đúng quy trình" rất vô lý và nguy hiểm tới sự công bằng xã hội ấy? Câu hỏi này không phải là câu hỏi dành cho những cấp dưới hay dành cho nhân dân vĩ đại nhưng không có quyền. Câu hỏi này chỉ dành cho những người đứng đầu của một cơ quan, một tổ chức, một bộ, một tỉnh, một thành phố. Chỉ có họ với vị trí đứng đầu của mình mới có thể làm được điều đó. 

Với những gì mà Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ ra và đang kêu gọi, chúng ta tin rằng: cái "đúng quy trình" một cách vô lý và bi hài ấy sẽ dần dần giảm bớt.

Minh Đức
.
.