Ba trải nghiệm sống ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Thứ Hai, 18/03/2019, 17:31
Hong Kong là thành phố đặc khu của Trung Quốc có lịch sử phát triển lâu đời. Nơi đây từng được ví là trung tâm tài chính giàu có nhất châu Á, là cảnh cửa kết nối Trung Quốc với thế giới. 

Thu Phương là một nhà báo sống ở Hong Kong cùng chồng và hai con nhỏ từ năm 2018. Dưới đây là những cảm nhận của chị về Hong Kong (Trung Quốc)– với vẻ giàu có, xa hoa, và lẩn khuất bên trong bức tranh lộng lẫy đó là những cô đơn, bức xúc của phận người trong không gian sống chật hẹp với áp lực cạnh tranh khốc liệt từ công việc. 

“Đói khát” không gian sống

Cách đây không lâu, tờ báo tiếng Anh lớn nhất của Hong Kong là The South China Morning Post đăng tải phóng sự về cảnh sống của ba thế hệ gia đình trong một căn hộ 12m² ở Sham Shui Po – một quận nghèo nhất Hong Kong.

Nhiều người nước ngoài đã thể hiện sự kinh ngạc khi họ không hiểu tại sao 7 con người của ba thế hệ có thể sống trong một diện tích chỉ để vừa một giường tầng, một tủ đựng quần áo, dùng chung nhà bếp, phòng tắm với các gia đình khác? 

Nhưng dường như với nhiều người Hong Kong, cảnh sống trong những căn hộ có diện tích 6m², 12m², 14m²… không bằng một chỗ đậu xe đã trở thành một điều hiển nhiên trong thành phố rộng 1106km² mà có tới 7,5 triệu dân (chỉ có 40% diện tích Hong Kong được khai thác làm nhà ở và hạ tầng), chưa kể riêng năm 2018, xứ Hương Cảng đón 65 lượt triệu khách du lịch viếng thăm và lưu trú.

Hong Kong là thành phố “khát” không gian sống.

Jason – một người bạn người Hong Kong nói với tôi “phòng riêng” là một giấc mơ xa xỉ của trẻ con Hong Kong vì từ khi sinh ra, đa số trẻ em ở đây đều chấp nhận thực tế phải chia sẻ không gian sống cho người thân, thậm chí ở chung phòng với giúp việc, thú cưng. 

Nỗi khát khao không gian riêng đã trở thành một nỗi ám ảnh của nhiều người Hong Kong. Căn hộ tôi ở nằm ở Causeway Bay – là khu trung tâm mua sắm đông đúc nhất của đảo Hong Kong với những đoàn người chen chúc, va đập lẫn nhau trên phố từ mờ sáng đến nửa đêm, ngày thường cho đến lễ tết, nhất là dịp cuối tuần. 

Nhiều người Hong Kong chọn việc ra đường mua sắm, ăn uống, hẹn hò, giải trí như một “lối thoát” vì họ không thể làm điều đó trong những căn hộ chật chội có tới 2, 3 thế hệ cùng chung sống. (Một cặp vợ chồng mới cưới không thể mua một căn hộ dù 12m² với giá tầm 400 nghìn đôla Mỹ vì vậy họ đành chấp nhận cảnh sống chung với bố mẹ hoặc ở thuê trong nhiều năm.)

Hoạt động cuối tuần của những người giúp việc Indonesia ở Hong Kong.

Sự thiếu hụt không gian còn thể hiện qua những quán ăn chật chội mà việc bạn phải ngồi chung bàn ăn với người xa lạ là một điều hiển nhiên. 

Vào những giờ cao điểm như buổi trưa – nhiều quán ăn ở Hong Kong thiết lập một “luật riêng”, là bạn chỉ được ngồi ăn trong vòng 15 đến 20 phút rồi rời quán, vì còn cả một hàng dài thực khách đang kiên nhẫn đứng bên ngoài chờ bàn trống. Việc xếp hàng khám bệnh tại các cơ sở công lập hay nộp đơn đi học từ mẫu giáo đến trung học… đều mất thời gian từ vài tuần cho đến vài năm. 

Một người bạn người Việt Nam của tôi bị đau bụng sỏi thận vật vã cả tuần, nhưng khi khám tại một cơ sở y tế công lập tại quận Wanchai, chị được chỉ định phải chờ vài ngày để xếp hồ sơ xét nghiệm, siêu âm. 

Vì quá sốt ruột, gia đình đã đưa chị về Việt Nam khám cấp cứu và được chỉ định mổ ngay hôm sau tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Một người Việt Nam khác phải kiên nhẫn… nộp hồ sơ 2 năm mới chờ đến lượt con được đi học cả ngày tại một trường mẫu giáo công lập. 

Ở một số trường mẫu giáo danh tiếng khác, phụ huynh phải nộp hồ sơ đặt chỗ cho con ngay từ khi họ mang thai với khoảng thời gian chờ đợi là 3 năm khi con họ đủ tuổi đến trường. 

Không những vậy, trong sinh hoạt giải trí hàng ngày như xem phim hay đặt chỗ chơi tennis, bạn phải chờ từ tờ mờ sáng để bấm số thuê sân hoặc không thể mua vé xem phim cho giờ tiếp theo tại rạp vì vé đã được bán hết từ rất nhiều ngày trước. 

Ngày nghỉ của những người giúp việc trong công viên Victoria Park.

Nhiều người Hong Kong có thể xếp hàng trong 2 tiếng để mua một cốc trà sữa tại một cửa hàng danh tiếng mới khai trương. Thói quen xếp hàng dường như đã trở thành một nét văn hoá trong đời sống người dân xứ Hương Cảng. 

Tuy nhiên, theo lời kể của Jason là một người dân Hong Kong bản địa thì việc thiếu hụt không gian sinh sống, giải trí… nhiều khi biến người dân Hong Kong trở thành những “zoombie – bóng ma” đáng sợ trong xã hội hiện đại. 

Nhiều người bạn của Jason cắm đầu làm việc 18 tiếng một ngày từ sáng sớm cho đến nửa đêm, và họ chỉ về nhà với cái xác bị vắt kiệt và ngày hôm sau lại tiếp tục nhịp độ như vậy. 

Áp lực cạnh tranh trong công việc, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, sự thiếu vắng không gian sinh tồn… tất cả những điều này đã khiến cho căn bệnh stress, căng thẳng, tự tử, và lối sống lạnh lùng, vô cảm, thiếu lịch sự ngày càng gia tăng ở Hong Kong. Sự vô cảm, định kiến, phân biệt đối xử của  con người dường như đã trở thành một “đặc sản” được tranh luận, bàn cãi rất nhiều trong các phương tiện truyền thông. 

Đặc biệt, khi đi trên hè phố hay các phương tiện công cộng, bạn sẽ hiếm thấy một người Hong Kong “nở nụ cười”. Trên xe bus hay tàu điện ngầm, nhiều bà bầu hoặc trẻ con, người già phải đứng trong khi ghế ưu tiên đã bị thanh niên hay khách du lịch chiếm. Còn nếu vô tình chạm vào chân, tay, hay túi xách của họ, bạn sẽ nhận ngay những ánh nhìn cau có, khó chịu, thậm chí là thái độ dữ dằn với những câu nói gắt gỏng.

Trong các quán ăn hay các cửa hàng, việc bạn bị đối xử bằng việc “quăng” bát đũa vào mặt hay những câu trả lời cộc lốc, những thái độ thiếu lịch sự là việc xảy ra thường xuyên.

Sống “miễn phí” ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Vậy làm sao một gia đình Việt Nam với mức thu nhập bình dân có thể tồn tại ở thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới? Hong Kong có rất nhiều trải nghiệm “miễn phí” về y tế, giáo dục, giải trí… cho người dân bản địa lẫn công dân nước ngoài. 

Về y tế, trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm miễn phí tất cả những mũi tiêm chủng bắt buộc trong đó có những mũi tiêm rất đắt tiền ở Việt Nam như vaccine 6/1 của Pháp - Bỉ hay mũi tiêm phế cầu Pháp. 

Tại các cơ sở khám bệnh công lập, tiền khám và thuốc chỉ gói gọn trong 50 đôla Hong Kong (150 nghìn VND). Nhiều người nước ngoài ở Hong Kong chọn sinh con trong bệnh viện danh tiếng như Queen Mary Hopspital với chi phí 100 đôla Hong Kong (300 nghìn VND) cho việc đỡ đẻ và nằm viện.

Những căn hộ siêu nhỏ...

Con gái tôi được học miễn phí tại một trường tiểu học dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh còn con trai thì học nửa ngày không mất tiền tại trường mẫu giáo công lập. 

Một số trung tâm thương mại 5 sao như Times Square, Lee Garden… đều dành một góc cho khách nghỉ chân và trẻ con được thoả thích chơi nhà phao, lego, đồ chơi gỗ, đồ chơi vận động… 

Những store như Lego, ToyRUS, Ikea, các nhà sách… đều trưng bày những loại đồ chơi miễn phí với lời chào mời rất hấp dẫn “Try me” (Chơi thử). Cứ cuối tuần, các cửa hàng lại chật cứng trẻ em vào thử nghiệm chơi hoặc lê la đọc sách – những dịch vụ tương tác hoàn toàn miễn phí. Hong Kong có lẽ là một trong những thị trường marketing phong phú, đa dạng và nhiều ý tưởng tuyệt vời nhất thế giới. 

Chỉ cần dạo qua các con phố mua sắm ở khu Causeway Bay vào cuối tuần, bạn sẽ nhận những món quà miễn phí hoặc là trải nghiệm các trò chơi thú vị của các thương hiệu khi bạn chịu tải apps hay share, like hình ảnh của họ trên các mạng xã hội Facebook, Instagram. 

Từ kem chống nắng, mỹ phẩm dưỡng da, phụ kiện điện thoại… cho đến nước uống, bóng bay, chocolate, kẹo dẻo, popcorn… cái gì cũng có. Chỉ là những món đồ nho nhỏ như vậy thôi nhưng cũng đủ làm cho những đứa trẻ cảm thấy “phấn khích” .

... ở Hong Kong.

Không những vậy, sống ở Hong Kong, bạn có thể trải nghiệm việc học tiếng Anh hay học tiếng phổ thông Quảng đông, chụp ảnh, nấu ăn, làm đồ thủ công… miễn phí ở những trung tâm như Hope, English for Asia hoặc tại một số nhà thờ Thiên chúa giáo. 

Ngoài ra, bạn có thể tải app Meetup Hong Kong – nơi có hàng trăm hội nhóm với những sở thích khác nhau để chọn cho mình một nhóm phù hợp tham gia. 

Ví dụ, tôi muốn nâng cao tiếng Anh nên đã tham gia một số nhóm thực hành ngoại ngữ thường xuyên vào những buổi cuối tuần qua các hình thức trao đổi về văn hoá, lịch sử, review sách hoặc chơi các trò chơi luyện phát âm, giao tiếp. Bạn chỉ phải mất 30 đến 50 đôla Hong Kong cho tiền nước uống, còn lại là cả một buổi chiều thoả thích nói về các chủ đề với đủ loại người từ khắp thế giới.

Vào các thứ 4 hàng tuần, bạn có thể đưa trẻ con đến tham quan hoặc dự các workshop nghệ thuật /khoa học miễn phí ở những bảo tàng như bảo tàng lịch sử, khoa học, văn hoá, nghệ thuật, hàng hải,... 

Với những workshop nghệ thuật, trẻ em được hướng dẫn cách cảm nhận nghệ thuật và được thực hành qua các bài vẽ, thủ công. Còn vào workshop khoa học thì là các mô hình, thí nghiệm, trải nghiệm được hướng dẫn dễ hiểu và chi tiết. Nhưng vì số lượng người tham gia quá đông nên bạn phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt. 

Một trải nghiệm vô cùng yêu thương và thiện lành là bạn có thể tham dự các buổi workshop về thiền và các phương pháp giải quyết các xung đột, mâu thuẫn, stress… tại một số trung tâm Phật giáo. Bạn có thể tham gia miễn phí hoặc tự nguyện đóng góp tuỳ tâm. 

Những buổi dạy thiền định hoặc hướng dẫn cách để giải toả stress, cách để yêu thương - thiện lành với bản thân và cuộc sống được các nhà tu hành chia sẻ, hướng dẫn bằng thứ tiếng Anh đơn giản nhưng sâu sắc, đi vào lòng người.

Những osin “vô hình” trong thành phố

Con trai của Linda sẽ tròn 9 tuổi vào tháng này ở một ngôi làng nghèo khó tại hòn đảo xa xôi quanh năm đối mặt với bão lũ của tỉnh Davao - Philippines. Từ Hong Kong, nơi Linda đang làm nghề giúp việc gia đình, đã 7 năm nay, cô không được thổi nến hay hát tặng con trai bài hát mừng sinh nhật. 

Vào ngày này, cô chỉ biết khóc thầm và cố gắng chắt chiu thêm những đồng lương ít ỏi gửi về cho cha mẹ già giúp cô nuôi con. Linda là một trong hơn 360 nghìn người có quốc tịch Philippines hay Indonesia đang làm nghề giúp việc gia đình tại Hong Kong với mức lương tối thiểu là 560 đôla Mỹ/tháng. 

Nếu như ở một số quốc gia phát triển, việc có một người giúp việc là điều xa xỉ, thì điều này lại phổ biến ở cả những gia đình bình dân ở Hong Kong do chính phủ có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân thuê giúp việc. Chỉ cần trả mức lương 4.410 đôla Hong Kong/ tháng, kèm theo việc cung cấp chỗ ở, bảo hiểm… là một gia đình người Hong Kong có thể thuê một giúp việc trợ thủ cho họ trong việc đưa đón, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, trông coi thú cưng. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi này là rất những câu chuyện và bi kịch nhiều nước mắt.

Chỉ cách đây mấy hôm, báo chí truyền thông ở Hong Kong xôn xao vụ án một người giúp việc người Indonesia bị ông chủ lạm dụng tình dục, hay một người khác bị bỏ tù 6 tháng vì tội cố tình đổ hoá chất vào bồn tắm của gia đình chủ nhân, hoặc một phụ nữ bị sa thải tức thì sau khi bị phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung. 

Có rất nhiều nghiên cứu, điều tra của các tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra 30% số người giúp việc ở Hong Kong phải làm việc từ 13 đến 16 giờ một ngày và bị chủ nhà đối xử thậm tệ. 

Ví dụ, có người bị bắt ăn đồ ăn để trong tủ lạnh 5 ngày hoặc chỉ được cấp 4 đôla (12 nghìn VND) cho một bữa ăn nếu họ không ăn cùng nhà chủ, hoặc là hầu hết giúp việc phải ngủ ở ghế sofa, trong bếp, ngoài ban công hoặc ngủ cùng phòng cho thú cưng. 

Hầu hết giúp việc đều không ăn cơm cùng bàn với nhà chủ mà chỉ ăn một mình tại góc riêng. Mối quan hệ giữa người giúp việc và người chủ rất rõ ràng và minh bạch theo đúng quan hệ “người làm thuê” và “người trả tiền”. 

Theo đó, giúp việc ở Hong Kong được đào tạo, huấn luyện rất chuyên nghiệp và họ luôn phải làm việc theo một danh sách các việc nhà một cách thành thục và đạt đúng tiêu chuẩn, từ việc đi chợ, nấu cơm, lau dọn… cho đến trông trẻ con, chăm sóc người già – giống như những con robot đã được lập trình.

Nhiều du khách đến Hong Kong ngạc nhiên khi vào mỗi ngày chủ nhật, thành phố như mang một bộ mặt khác với những người Indonesia, Sri Lanka hay Philippines… ken đầy trên những chuyến xe điện, xe bus, hay trên tàu điện ngầm. 

Ở các công viên như Victoria Park hay Cửu Long Park, hoặc những hầm cầu thang đi bộ, những bãi cỏ, mái che, vỉa hè, các tấm bìa, nilon được trải ra với thực phẩm, món ăn, đồ uống, thậm chí cả massage, tầm quất, xăm henna, cắt tóc, vẽ móng, hát hò, chuyện trò. Đó là ngày nghỉ duy nhất của gần 400 nghìn người giúp việc trong thành phố. Vì thiếu không gian nên những phụ nữ này chỉ biết tràn ra đường tụ tập và dành trọn một ngày để xả hơi sau một tuần lao động vất vả. 

Trong công viên Victoria Park ở Causeway Bay, vỉa hè biến thành một khu chợ mini với những gian bán trái cây, chè, bún, mỳ, phở, quần áo, trang sức… do chính những người Indonesia và Philippines lập ra để bán cho đồng hương của mình. Rũ bỏ bộ quần áo thường ngày, những phụ nữ Indonesia khoác lên mình bộ quần áo Hồi giáo truyền thống và tụ tập ở một góc nhỏ để cầu nguyện. 

Những người khác không theo đạo có thể mặc váy ngắn, áo trễ vai, trang điểm cầu kỳ, lộng lẫy để chụp ảnh,  hoặc nói chuyện facetime với người thân ở quê nhà. 

Họ ăn uống, cầu nguyện, cười nói trong bầu không khí tưng bừng dù rằng cảnh tụ tập này trông nhếch nhác so với lối sống văn minh, chuẩn mực và đúng luật lệ của người Hong Kong. Tuy nhiên, nếu không được “xả van” thì không biết “lò bức xúc” của mối quan hệ giữa người làm thuê và người chủ sẽ còn bùng nổ đến mức nào?

Học sinh chơi lego miễn phí ở trung tâm thương mại.

Trong suốt 8 tháng tham gia vào một group tình nguyện cho Enrichhk – một tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi cho lao động nhập cư vào Hong Kong, tôi đã gặp gỡ và chứng kiến nhiều câu chuyện buồn về thân phận của những phụ nữ giúp việc. Đa số đều đến từ những vùng quê nghèo của các quốc gia Philippines, Indonesia với những hoàn cảnh trái ngang như mồ côi cha mẹ, mẹ đơn thân, ly hôn, chồng ruồng bỏ, thất học… 

Olive – một người giúp việc đã sống gần 20 năm ở Hong Kong nói “không một người mẹ nào có thể đành lòng dứt bỏ đứa con nhỏ dại để lại cho chồng hoặc bố mẹ nuôi dạy” nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, hàng nghìn số phận đã phải bỏ quê hương ra đi để đến một đất nước xa lạ mưu sinh nhằm kiếm được đồng lương ít ỏi để con cái họ có thể tiếp tục đến trường. 

Không những phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử, bóc lột hay cô đơn nơi xứ người, nhiều phụ nữ còn phải trải qua những nỗi đau xé lòng khi người chồng quê nhà dùng đồng tiền của vợ để chơi bời, nghiện ngập hay bồ bịch. 

“Rất nhiều người vợ đã tìm đến tổ chức của chúng tôi để nhờ hỗ trợ thủ tục ly hôn hoặc đòi tài sản, đòi quyền nuôi con khi họ quyết định chấm dứt hôn nhân” – Karen, một tình nguyện viên chia sẻ. 

Như Mary – một người giúp việc Philippines gần đây đã bị chồng đoạn tuyệt không cho nói chuyện với hai đứa con vì chị không gửi tiền về cho người đàn ông nghiện ngập này. 

“Anh ta luôn luôn uống rượu và cặp kè với phụ nữ ngay cả khi sống bên vợ. Khi tôi mang thai đứa con thứ 2 được ba tháng, anh ta đã đánh đập đến mức tôi phải nằm viện điều trị. Tôi đã cố gắng kiên nhẫn và chịu đựng vì tôi muốn giữ gia đình cho con và vì trong đức tin của tôi, ly hôn là một điều cấm kỵ. Nhưng chồng tôi vẫn không dừng lại…”. 

Vì muốn có một tương lai tươi sáng hơn cho những đứa con, Mary đã dứt lòng ra đi nhưng những bi kịch vẫn cứ nối tiếp và một viễn cảnh mất con vĩnh viễn đang hiện ra trước mắt chị…

Có một triển lãm ảnh của con gái một người giúp việc Philippines ở Hong Kong mang tên We like air (Chúng tôi như không khí) là một cụm từ đặc tả số phận hàng trăm nghìn “osin” trong thành phố này – những người tồn tại vô hình nhưng là thành tố vô cùng quan trọng cho sự thành công của xứ Hương Cảng. 

Họ là những người phụ nữ lam lũ, vất vả len lỏi mua bán trong những khu chợ ở North Point, Causeway Bay. Họ là những người cặm cụi đẩy những chiếc xe lăn chở cụ già hay xe nôi em bé trên hè phố chật hẹp. Họ là những chiếc bóng vô hình tồn tại trong một căn gác xép hay một góc bếp tăm tối. Họ có thể là những uất ức bùng lên thành nước mắt khi bị cấm đặt chân vào một câu lạc bộ hay một nhà hàng chỉ vì thân phận giúp việc. 

Nhưng những hy sinh thầm lặng này chính là để con cháu họ có thể sống một cuộc đời tốt đẹp và tươi sáng hơn… 

Hong Kong là thành phố đặc khu của Trung Quốc có lịch sử phát triển lâu đời. Nơi đây từng được ví là trung tâm tài chính giàu có nhất châu Á, là cảnh cửa kết nối Trung Quốc với thế giới. 

Dân số Hong Kong là 7.6 triệu người trong đó người Trung Quốc chiếm 94,9% dân số với ngôn ngữ chính là tiếng Quảng Đông. Nhiều người nuớc ngoài chọn Hong Kong là nơi làm việc và sinh sống vì thành phố có một hệ thống giao thông rất tiện lợi, an ninh an toàn, cảnh quan thiên nhiên đa dạng với núi nong rừng biển, những trung tâm thương mại khổng lồ và những trường đại học danh tiếng châu Á. 

Do lịch sử từng là thuộc địa của Anh quốc nên đa số người Hong Kong đều có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh. Đây là một trong những nhân tố giúp thành phố này mang đẳng cấp thế giới.

Nguồn ảnh: SCMP

Thu Phương
.
.