Ánh mắt buồn của “Hùm xám Tây Nguyên”

Thứ Tư, 16/01/2019, 16:13
Bẵng đi vài năm, gặp lại võ sư Lý Xuân Hỷ, người được mệnh danh là "Hùm xám Tây Nguyên", tôi giật mình: Trời ơi, ông đã già quá rồi! 


Đến bây giờ, vẫn còn ám ảnh bởi ánh mắt của ông, khi tôi nhờ ông diễn lại tuyệt chiêu "Miêu tẩy diện", nhưng vị võ sư này đã quá già để làm việc đó.

Tuyệt chiêu "Miêu tẩy diện"

"Miêu tẩy diện", hay còn gọi là "Mèo rửa mặt", là tuyệt chiêu bí truyền của dòng họ Lý. Ngón võ này chỉ có hơn 20 động tác, nhưng khi thi triển, nếu không phải là kẻ tinh thông võ học, thì nghĩ rằng nó có đến hàng trăm động tác. 

Ông bảo rằng hơn 20 động tác ấy có thể học trong vòng 2 ngày. Nhưng để lĩnh hội được nó, thì phải khổ luyện và nhất là phải có tư duy tốt về võ. Tất cả được mô phỏng từ các chiêu, thế bắt mồi của mèo. 

Do đó, phải hết sức nhẹ nhàng; sự "im lặng" và uyển chuyển, là mối đe dọa lớn cho đối phương. Khi ra đòn, nó cũng biến hóa khôn lường, trảo thì như mèo, như hổ; còn nếu dùng ngón, có thể tước mạng sống của đối thủ bằng những điểm chỉ vào tử huyệt.

"Miêu tẩy diện" có chỗ đứng nhất định trong "hàng ngũ" các tuyệt chiêu võ thuật của xứ Nẫu; uy danh của "Miêu tẩy diện" thậm chí đến cả nước Nga xa xôi. "Ông vẫn còn nhớ sự kiện đó chứ?" - tôi gợi mở. "Tất nhiên rồi" - lão võ sư chậm rãi đáp. 

Lão võ sư tìm thú vui tuổi già trong cây cảnh.

Rồi ông ngồi im lặng, hình như suy tư nhiều hơn là hồi nhớ để kể: "Đó là năm 1990, tôi cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga tham dự Festival Võ thuật cổ truyền quốc tế, với sự góp mặt của 16 nước và thời gian là hơn 2 tháng. Đối thủ của tôi là một võ sư người Ba Lan, nặng hơn tôi 10kg. Thượng đài, trong khi đối thủ ra bộ thế hẳn hoi, thì tôi tự nhiên như không. Sau vài chiêu, vị này ra cú đấm uy lực về phía tôi. Tôi dùng thế nghễnh mặt của mèo để tiếp chiêu, rồi lách nhẹ qua người vị võ sư đó để hóa giải, rồi đảo tay lại thành thế chỏ, ra đòn quyết đoán".

Lời ông kể, ở cuối tuổi 79, với một vài bệnh tật, trông ông kém phần hấp dẫn. Nhưng thẳm sâu ánh mắt ấy, là cả một ký ức đẹp mà không phải kẻ luyện võ nào cũng có được. Một trong số ấy là ký ức khá lung linh của tầm 11 năm về trước. 

Cần phải nói thêm rằng, sau trận ông hạ gục võ sĩ Ba Lan ở nước Nga, một võ sư người Ý nung nấu ý định thách đấu. Nhưng phải đến 17 năm sau, tức là năm 2007, vị võ sư này mới tìm đến võ đường của Lý Xuân Hỷ, sau khi có thêm 3 năm học võ Tàu. Cuộc tỉ võ năm ấy, khiến cho cả thị xã An Nhơn náo nhiệt hẳn lên, bởi lâu lắm rồi, đất này mới tiếp chiêu một võ sư ngoại quốc. 

Và lần này,  võ sư người Ý có cân nặng 120kg, 42 tuổi; còn võ sư Lý Xuân Hỷ chỉ nặng hơn 70kg và đang ở tuổi… 67. Chính vóc dáng bên ngoài và tuổi tác khá chênh lệch, nên khi võ sư Lý Xuân Hỷ nhận lời thách đấu, ai cũng lo cho ông. Nhưng rồi ông gạt phăng tất cả: "Đấu thì đấu. Tôi không chết đâu mà lo. Dễ gì chết!". 

Mặc dù vậy, trước khi tỉ thí, võ sư Lý Xuân Hỷ ra giao kèo với võ sư người Ý là chỉ có 30 phút cả đấu lẫn trao đổi võ học. Lần ấy, khi trận tỷ thí bước qua phút thứ 3, thì võ sư họ Lý dùng tuyệt chiêu "Miêu tẩu diện" để… kết thúc đối phương.

Nỗi lo tuổi già

Trước khi xuất ngoại và 2 lần khuất phục võ sư nổi tiếng ngoại quốc, cái tên Lý Xuân Hỷ trong các thập niên 50, 60 luôn "hot" trong làng võ. Từ lúc thượng đài đầu tiên vào năm 18 tuổi, đến năm 35 tuổi, ông mới có trận thua đầu tiên và duy nhất đến lúc này. 

Thời đó, với "Miêu tẩy diện", và đặc biệt là sự biến hóa của các thế chỏ, hễ mỗi lần chuẩn bị thượng đài, người ta đều biết phần thắng sẽ thuộc về ông. 

Nhưng như bao võ sĩ khác, khi tuổi trẻ đi qua, lúc ngồi ngẫm lại, ông mới chắt lọc cho mình những trận đánh để đời thời ấy. Và đó là trận đấu rúng động đất Tây Nguyên, để rồi sau chiến thắng lẫy lừng ấy, người ta phong cho ông danh xưng "Hùm xám Tây Nguyên".

Khi ấy, tiếng tăm của ông khá lẫy lừng, và vì thế có rất nhiều người thách đấu. Trong số này có một võ sư tên Long, thuộc phái Thái cực đạo của Quân đoàn 2 (thuộc Việt Nam cộng hòa). Vị này theo học võ Taekwondo của Hàn Quốc, đã đeo đai Tứ đẳng huyền. 

Mặc dù muốn tỉ thí với võ sư Lý Xuân Hỷ, nhưng vị này không đưa ra bất cứ lời khiêu chiến chính thức nào. Biết chuyện, võ sư Lý Xuân Hỷ nghĩ trước sau gì cũng… không thoát, nên vừa tăng cường tập luyện, ông vừa tìm dịp để thách đấu với võ sư Long.

Một buổi sáng tầm giữa năm 1969, khi đang chạy bộ, ông thấy võ sư Long đang ngồi uống cà phê nên cũng chạy thẳng vô quán. Tuy nhiên, võ sư họ Lý giả bộ không thấy "đối thủ tương lai", liền đến bàn của bạn bè đang ngồi, rồi nói lớn cốt để cho đối thủ nghe, rằng dạo này thể lực xuống quá. 

Đúng như ông dự đoán, sáng hôm sau, các đoàn đến cáp chạn (gầy độ) để tối đánh, và lần này, võ sư Long thách đấu đích danh Lý Xuân Hỷ, rằng "đêm nay hạ Lý Xuân Hỷ, đêm mai hạ Minh Cảnh".

Khi thượng đài, võ sư Long liên tục tung cước đầy uy lực về võ sư Lý Xuân Hỷ. Về phần mình, Lý Xuân Hỷ liên tục vận dụng các chiêu thức trong "Miêu tẩy diện" để hóa giải các đòn hiểm đó. 

Đến giữa hiệp 2, khi võ sư Long tung cước, thay vì hóa giải như những lần trước, Lý Xuân Hỷ lại thoái lui vài bước. Tưởng đối phương rơi vào thế yếu, võ sư Long liền lao tới, đánh thẳng vào mặt võ sư Hỷ với tràn trề hy vọng kết thúc trận đấu. 

Nhưng không ngờ, khi võ sư Long vừa lao tới và ra quyền, võ sư Hỷ luồn người, áp sát chặn đòn, rồi thuận thế, tung liên hoàn chỏ vào chấn thủy, mặt khiến cho võ sư Long gục tại chỗ, đành chịu thua trận.

Tuyệt chiêu "Miêu tẩy diện" giúp võ sư Lý Xuân Hỷ thanh trấn thiên hạ bao nhiêu, thì càng khiến ông đau đáu sợ thất truyền bấy nhiêu. Bởi theo quy định của họ Lý (cũng như các tộc võ trước đây), thì tuyệt chiêu của gia tộc không dành cho người ngoài. 

Và đúng là sau Lý Xuân Hỷ, thì "Miêu tẩy diện" của họ Lý không tìm được truyền nhân đúng nghĩa trong hàng con cháu. Để rồi khi cái tuổi già thêm lủng lẳng trên đầu, võ sư Lý Xuân Hỷ xin phép tổ tiên truyền dạy "Miêu tẩy diện" cho những người ngoài dòng tộc.

Võ sư Lý Xuân Hỷ đắp thuốc cho thanh niên bị trật tay.

Lương y tận tâm

Hôm tôi đến, võ sư Hỷ vừa chào biệt một người đàn ông trung niên quê ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Ông này bị gãy tay, sau thời gian chữa trị các nơi không thuyên giảm, bèn đến cậy nhờ vị võ sư họ Lý. 

Một lúc sau, anh Nguyễn Công, 49 tuổi, người cùng phường với võ sư Hỷ, bị thoái hóa khớp vai đến tìm ông chữa trị. Khi anh này vừa rời đi, thì một thanh niên khác, cũng người địa phương, bị trật tay khi đá bóng. 

Sau khi xem xét kỹ, ông trải chiếc chiếu cho chàng thanh niên nằm xuống, rồi dùng đôi tay "rà" các khớp xương, bỗng cái "rắc", chàng thanh niên chỉ kịp giật mình, rồi nhoẻn miệng cười, khi lúc lắc cổ tay thử, thì thấy đỡ hẳn. 

Tiếp đến, võ sư bắt bếp gas để đun nóng thuốc, rồi bôi vào nơi cổ tay bị trật, trước khi dùng băng gạc quấn kỹ, rồi dặn: "Nhớ cẩn thận nghen con".

Cuộc trò chuyện của chúng tôi hôm ấy, phải thêm mấy lần gián đoạn như thế. Khi những bệnh nhân rời đi rồi, ông nhìn tôi hiền hòa: "Dân mình khổ lắm con ạ". 

Nên ông chỉ lấy tiền công cho… có, vì nếu không lấy, sợ họ tự ái không đến nữa. Mà cái tâm của người bốc thuốc, là đừng bao giờ để người bệnh xa lánh mình. Tôi trộm nhìn khuôn mặt của ông, và nghĩ, phải chăng đây là niềm an ủi của ông đương tuổi xế chiều? 

Có thể lắm, vì bây giờ tuổi cao, sức yếu, ông không thể trực tiếp dạy võ nữa, mà giao hẳn cho người con trai trưởng của mình, là võ sư Lý Xuân Vân. Nhưng ông vẫn luôn thường trực ở võ đường, để khi cần, sẽ chỉ giáo thêm cho con mình.

Còn việc làm thầy thuốc, nhiều khi ông còn dốc tiền thuốc để giúp đỡ bệnh nhân. Như cách đây không lâu, một người phụ nữ ở Phú Yên tìm đến, nhờ ông chữa trị. Người này bị thương do trượt chân ngã lúc đi núi.

Nằm trạm xá mấy hôm, phần vì không thuyên giảm, phần vì không có tiền, bà bỏ. Mỗi lần từ Phú Yên ra nhà võ sư Hỷ chữa trị, bà phải ké xe, hoặc hôm nào "khấm khá" thì đủ tiền xe một chiều. Biết chuyện, võ sư Hỷ không những không lấy tiền, mà còn cho người đàn bà này tiền xe đi về.

Xuân Thọ
.
.