Ai muốn nhận 200 triệu, về hưu sớm?

Thứ Tư, 11/07/2018, 11:44
Từ 100 - 200 triệu đồng để khuyến khích một cán bộ nghỉ hưu trước thời hạn, việc ấy nên hay không nên? Thực tiễn hay phi thực tiễn? Có thể đồng tình hay nhất định không thể đồng tình? 

Thưa Tòa soạn!

Tôi rất quan tâm đến việc mới đây, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã hoàn thành dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện thôi việc. 

Trong dự thảo này thì cán bộ tuổi từ 55 trở lên đối với nam và 50 trở lên đối với nữ mà tự nguyện nghỉ việc, sẽ được hỗ trợ từ 100 triệu đến 200 triệu đồng, tuỳ theo chức vụ đảm đương của mình.

Cá nhân tôi nghĩ, những người đã thuộc vào diện "khuyến khích nghỉ sớm" hẳn là những người không còn khả năng làm việc hiệu quả nữa (nếu còn, thì chẳng ai dại dột khuyến khích họ nghỉ cả), vậy thì việc họ nhận được từ 100 - 200 triệu đồng sau khi nghỉ liệụ có thật hợp tình hợp lý hay không?

Thêm nữa, khoản 100 - 200 triệu/người được lấy từ tiền ngân sách địa phương, tức là tiền thuế do người dân địa phương đóng góp. Phải mất một khoản không nhỏ tiền của dân cho những ông/bà cán bộ thuộc vào diện "khuyến khích nghỉ sớm" thì đồng tiền của dân đã được tiêu đúng người, đúng việc hay chưa?

Còn một băn khoăn cuối cùng nữa, đó là việc "khuyến khích nghỉ sớm" được giải thích là để nhường chỗ cho những cán bộ trẻ giàu năng lực, nhưng điều gì khẳng định những cán bộ trẻ lên thay quả thật là những người giàu năng lực? 

Ở chính Đà Nẵng, từng có chuyện ông Trần Văn Mẫn, dù mới 30 tuổi đã trở thành Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư, thuộc Sở kế hoạch - Đầu tư thành phố. Ba mươi tuổi đã đứng đầu một phòng quan trọng của một sở quan trọng, nhưng dư luận đặt ra câu hỏi: đấy là vì tuổi trẻ tài cao hay vì dây mơ rễ má, bởi ông Trần Văn Mẫn chính là con trai của cựu Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng? 

Với một thực trạng như vậy, người ta lợi dụng việc "khuyến khích nghỉ sớm" để đưa những người trẻ vốn là con em, quen biết của mình lên thay thế thì sao?

Thưa toà soạn, mặc dù không phải là công dân ở thành phố Đà Nẵng, nhưng là một công dân có trách nhiệm, tôi vẫn mạnh dạn đưa ra hàng loạt những thắc mắc trên đây. 

Tôi không dám quả quyết hướng suy nghĩ của mình là đúng, nhưng một bộ phận không nhỏ bạn bè của tôi cũng đang nghĩ giống với tôi. Chính vì vậy tôi muốn chia sẻ tất cả những điều này, mong nhận được hồi đáp sớm.

Xin chân thành cảm ơn!

(Nguyễn Văn Gia, 55 tuổi, Hà Nội)

Kính thưa bác Nguyễn Văn Gia!

Thật mừng vì nhận được những chia sẻ như của bác, vì đúng như bác nói, đấy chắc chắn là những chia sẻ của một công dân có trách nhiệm trước những vấn đề xã hội, mà cụ thể ở đây là vấn đề công tác cán bộ ở một địa phương, một vấn đề luôn cực kỳ nhạy cảm và thu hút sự quan tâm to lớn.

Từ 100 - 200 triệu đồng để khuyến khích một cán bộ nghỉ hưu trước thời hạn, việc ấy nên hay không nên? Thực tiễn hay phi thực tiễn? Có thể đồng tình hay nhất định không thể đồng tình? 

Báo mạng Vnexpress đã làm một cuộc thăm dò, và tính cho đến ngày 3-7-2018 thì kết quả có được là: 18% đồng tình và 82% không đồng tình. Mặc dù tổng số người trả lời chỉ là 791 người - một số lượng chưa đủ độ bao quát, nhưng ít ra nó cho thấy số lượng người đang có suy nghĩ trùng với bác là không nhỏ chút nào.

Về phía chúng tôi, trong tư cách những người làm báo, chúng tôi suy nghĩ theo hướng nào? Sở dĩ một số địa phương (chứ không riêng gì Đà Nẵng) phải đặt ra vấn đề "khuyến khích về hưu sớm" vì công tác cán bộ ở địa phương đó chưa hiệu quả.

Có thể một bộ phận cán bộ cao tuổi nào đó, sau nhiều năm tại vị đã tỏ ra lạc hậu, chưa bắt kịp với những bước đi mới của thời đại, trong khi số lượng cán bộ trẻ tuổi, có năng lực lại dư thừa. Trong trường hợp này, "khuyến khích về hưu sớm" là một trong những giải pháp hướng tới việc giải quyết độ vênh già - trẻ.

Cũng có thể một bộ phận cán bộ cao tuổi nào đó, trong những năm tháng mà chúng ta vẫn hay gọi là "hoàng hôn nhiệm kỳ" đã đưa ra những quyết định bất lợi cho một guồng máy, ví dụ như chuyện… một lãnh đạo sở ở Thanh Hoá cũng "bổ nhiệm bừa" trước khi về hưu, gây xôn xao dư luận xứ Thanh trong những ngày tháng 6 vừa qua. 

Trong trường hợp này, với những vị lãnh đạo kiểu như thế này thì "khuyến khích về hưu sớm" khiến cho những nguy cơ xấu mà họ có thể tạo ra trong bộ máy được giảm thiểu một cách đáng kể.

Tuy nhiên, vấn đề chỉ có thể nằm ở hai chữ "khuyến khích", chứ không phải và không thể là "bắt buộc". Bởi nếu một cán bộ không sai trái, không phạm pháp thì không ai có thể bắt buộc họ rời khỏi cái ghế mà họ đang ngồi, dù chỉ 1 ngày trước tuổi nghỉ hưu. Do vậy điều đáng bàn tiếp theo là người ta sẽ ứng xử với cái trạng thái "khuyến khích" này như thế nào? Ai sẵn sàng chấp nhận sự "khuyến khích", ai nhất nhất nhắm mắt trước "khuyến khích"?

Ông Võ Ngọc Đồng, giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng chia sẻ với báo chí rằng, để hình thành được chính sách, sở đã phát phiếu khảo sát khoảng 300 trường hợp nằm trong độ tuổi được hưởng chính sách hỗ trợ "nghỉ hưu sớm", và đa số các ý kiến tỏ ra đồng tình. 

Thật tiếc, ông Võ Ngọc Đồng không chia sẻ xem đa số đồng tình vì lý do gì, nhưng ở góc độ của những người quan sát, chúng tôi nghĩ rằng có hai lý do cơ bản: 1/ Vì, thấy rõ sự hạn chế cá nhân, và thấy cần phải nhường lại cơ hội cho lớp trẻ. 2/ Vì, đơn giản là về lúc này thì có thể nhận được từ 100 - 200 triệu đồng.

Trong cả hai trường hợp này, cái yếu tố mà độc giả Nguyễn Văn Gia đề cập, rằng "liệu có bị lãng phí một  khoản ngân sách lấy từ tiền thuế của dân của dân hay không?" là rất đáng suy nghĩ. Mất ngân sách ở đây là có thật. 

Nhưng nếu việc "nghỉ hưu sớm" diễn ra một cách chặt chẽ, có định hướng, chứ không phải "ai muốn nghỉ cũng được" như ông Võ Ngọc Đồng chia sẻ, và nếu việc đề bạt, sử dụng cán bộ trẻ cũng diễn ra chặt chẽ, hiệu quả, từ đó có thể hy vọng vào một tầm nhìn mới, một môi trường làm việc mới thì có thể cái "được" lại lớn hơn nhiều cái "mất". 

Do đó theo chúng tôi, nếu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái "mất" mà không nghĩ đến và tìm cách hiện thực hoá những cái "được" đầy hứa hẹn thì không thể tạo ra một sự phát triển đột phá.

Bây giờ, cần phải bàn đến trường hợp cuối cùng, trường hợp của những người nhất nhất giữ ghế. Với những trường hợp này thì đừng nói là 200 triệu đồng, có lẽ ngay cả khi treo trước mắt họ 2 tỷ, 20 tỷ hay 200 tỷ đồng cũng không bao giờ có chuyện họ chủ động về hưu sớm. 

Mọi thứ xét cho cùng cũng vẫn từ "được - mất" mà ra, bởi cố ngồi thêm 1 năm, 1 tháng, 1 ngày...họ có thể thu được một giá trị nào đó lớn hơn nhiều so với con số 200 triệu đồng "bé nhỏ" kia . 

Giá trị mà chúng tôi nói ở đây không đơn thuần chỉ là giá trị vật chất, mà có thể còn có những giá trị về danh dự, về sở thích, về tinh thần. Bởi chúng ta không lạ gì với những cán bộ mắc bệnh "nghiện quyền lực", "luỵ quyền lực" đến nỗi khi không còn quyền lực nữa thì họ không thể sống yên ổn được.

Còn một chi tiết nữa mà độc giả Nguyễn Văn Gia đề cập, đó là ngay cả khi cho rằng việc "khuyến khích nghỉ hưu sớm" để tạo cơ hội cho những cán bộ trẻ là hợp lý thì điều gì khẳng định cán bộ trẻ thay thế sẽ thực sự là những người tài năng? 

Liệu có ai đó nhân cơ hội này để gửi gắm con em mình vào không? Đây rõ ràng là một vấn đề lớn trong công tác cán bộ, không chỉ của một địa phương.

Ở một thời đại mà thi thoảng chúng ta lại nghe đến câu: "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ..." thì chuyện gửi gắm hoàn toàn có thể xảy ra, và thậm chí có thể được bọc trong cái vỏ bọc "đúng quy trình" đáng sợ. 

Nhưng rõ ràng là công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ thời gian qua là cực kỳ quyết liệt, khiến cho vấn nạn "tham nhũng cán bộ" bị trừng phạt và giảm thiểu tối đa. 

Nếu một thời, người ta vẫn nói đến khái niệm "hạ cánh an toàn" thì bây giờ chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường hợp "hạ cánh" rồi vẫn phải lo ngay ngáy. Bối cảnh mới hy vọng sẽ giúp cho công tác cán bộ nói chung và việc đề bạt, sử dụng cán bộ trẻ nói riêng diễn ra một cách minh bạch, hiệu quả hơn.

Viết tới đây, chúng tôi chợt nhớ đến câu chuyện của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành ủy thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 2015, ông Nguyễn Sự đã chủ động "cáo quan" về hưu sớm mà chẳng cần bất cứ khoản hỗ trợ 200 triệu đồng hay 200 tỷ đồng nào cả. 

Vị lãnh đạo từng đề ra phong trào "nói không với phong bì" này lý giải chuyện về hưu sớm của mình: "Tuổi tôi giờ đã lớn, không còn xông xáo được như trước. Mà tôi còn ngồi vị trí Bí thư thì cứ như cây đa, cây đề vô hình trung tạo thành cái bóng quá lớn khiến anh em kế cận không phát triển được tài năng. Anh em ngại nói ra những điều mới thì cũng làm lụi đi những tư duy mới, táo bạo để phát triển Hội An. Chưa kể đến việc tôi còn ngồi vị trí này cũng khiến nhiều anh em dựa dẫm, tạo thành tính ỷ lại, như thế là không tốt".

Giá mà vị quan chức nào cũng thấm đẫm cái đạo làm quan như ông Nguyễn Sự thì người ta đã không phải đau đầu bàn đến việc treo 200 triệu đồng để khuyến khích về hưu!

"Tuổi tôi giờ đã lớn, không còn xông xáo được như trước. Mà tôi còn ngồi vị trí Bí thư thì cứ như cây đa, cây đề vô hình trung tạo thành cái bóng quá lớn khiến anh em kế cận không phát triển được tài năng. Anh em ngại nói ra những điều mới thì cũng làm lụi đi những tư duy mới, táo bạo để phát triển Hội An. Chưa kể đến việc tôi còn ngồi vị trí này cũng khiến nhiều anh em dựa dẫm, tạo thành tính ỷ lại, như thế là không tốt".

Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành ủy TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Nhà báo Vương Trọng Tín
.
.