Tư duy về hưu

Chủ Nhật, 08/10/2017, 07:43
Chính cái tư duy về hưu muốn xử sao thì xử, chính cái tư duy hy sinh đời bố củng cố đời con đã khiến bao nhiêu tập đoàn thua lỗ nghìn tỷ, bao nhiêu ngang trái vô lý nảy sinh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kết luận hàng loạt các vi phạm của nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương, từ đương nhiệm như Bí thư, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng cho đến đã về hưu như Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Trưởng ban Thường trực Tây Nam Bộ… 

Có thể thấy rõ quyết tâm nói đi đôi với làm của Đảng trong công cuộc bài trừ tiêu cực, chống thoái hóa đạo đức, sai phạm trong công tác quản lý, điều hành.

Ấy vậy mà, Ngô tôi chịu hẳn với phát ngôn của ông Phạm Thế Dũng - Nguyên phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá là "nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật", khi ông này tỉnh queo: "Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử".

1. Ông Phạm Thế Dũng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật vì vi phạm trong giao đất, cho thuê đất không đấu giá, bổ nhiệm người thân không đủ tiêu chuẩn. 

Những vi phạm của ông Phạm Thế Dũng, những người thân như con trai, em gái, em rể của ông Dũng được bổ nhiệm nắm các vị trí lãnh đạo trong hệ thống hành chính của tỉnh Gia Lai các báo đã thông tin tường tận nên Ngô tôi không đi sâu vào chi tiết vụn vặt.

Chỉ có điều tôi vô cùng thắc mắc, là làm sao toàn thể cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai lại có thể để một ông chủ tịch tỉnh tự tung tự tác đến độ bất chấp vạn sự như vậy lộng hành.

Lấy ví dụ trong công tác quy hoạch cán bộ, ông Dũng quy hoạch ông em rể của mình từ nhân viên lái xe trở thành Phó chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, còn cô em gái cùng cha khác mẹ thì từ người lao động một phát hiện hữu ngay thành Phó Ban Dân tộc Tỉnh, ông con trai thì là đương kim Chánh Thanh tra Sở Nội vụ.

Thiệt ra thì câu chuyện bổ nhiệm người thân của nước mình đã thành căn bệnh mãn tính, cứ thấy cậu thanh niên nào trẻ trẻ, cứ thấy cô gái nào còn xoan xoan, ngay lập tức tra lý lịch một cái thì đúng hệt bố không làm to thì mẹ cũng làm lãnh đạo. Ngay cái ông chủ tịch tỉnh ít tuổi nhất nước hay cái ông bí thư tỉnh ít tuổi đặc biệt toàn quốc đều có những ông thân sinh làm rất to.

Sòng phẳng mà thừa nhận, bố mẹ làm to nhưng con có năng lực tốt thì việc bổ nhiệm cũng chẳng sao nếu không muốn nói là tích cực. Có điều, trên lý thuyết là vậy thôi, chứ thực tế thì khác rành rành ra. Mặc cho mọi thứ đều được gói gọn vào mấy chữ "đúng quy trình", đây đúng thực là đúng quy trình theo nguyện vọng của lãnh đạo. 

Chuyện này bàn mãi rồi cũng đâu vào đó, nói mãi rồi cũng đâu vào đó, quyết tâm mãi rồi cũng đâu vào đó. Lò dò có được vài ông cán bộ huyện bổ nhiệm người thân bị xử lý, còn lại thì kiểm tra xong cười tươi rói đổi qua đổi lại cuối cùng vẫn làm lãnh đạo cả.

Minh họa: Lê Phương.

Cái đặc tính một người làm quan cả họ được nhờ của người Việt mình ăn quá sâu vào tư duy của không ít cán bộ lãnh đạo đương nhiệm trong bối cảnh hiện tại rồi. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp không có người thân đang làm lãnh đạo. Nhưng, cảm xúc tiêu cực từ những điều hiển hiện ra trước mắt đã biến thành định kiến vô cùng xấu trong ánh nhìn của nhân dân. Dẫu vậy, biết làm sao được.

2. "Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử", mấy chữ nói ra như không này khiến Ngô tôi thật bối rối trong chuyên mục phiếm đàm của số báo này. Mạn phép viết thẳng thì nói thế này quá Chí Phèo uống rượu say vặt chuối xanh rạch mặt ăn vạ.

Quan trọng hơn, về hưu thì sao, về hưu thì không thể hồi tố à, về hưu nghĩa là có sai phạm gì trước đó cũng không sao à. Sự tự tin đến vô cùng hoang đường.

Phàm sinh ra trong cõi đất trời này, phàm sinh ra may mắn được làm con người, thì thứ quan trọng nhất là sự tự trọng. Phải có sự tự trọng thì mới giữ được danh dự, phải giữ được danh dự thì mới nảy sinh ra khí chất.

Mấy ông mấy bà cứ mang chuyện Hàn Tín luồn háng tên đồ tể hay Việt Vương Câu Tiễn nếm phân cho Ngô Phù Sai để khuyên người ta nhẫn nhịn mưu cầu việc lớn.

Bậy bạ, thế phải thế thế thời phải thế. Lâm thế thì đành chịu, mai sau công hầu khanh tướng thì muốn nói sao chẳng được, chứ hôm xưa không luồn háng, nó chém cho một đao thì Hàn Tín thành Hàn Bại ngay, còn ông Câu Tiễn không nhịn Ngô Phù Sai thì một tiếng bằm nhuyễn làm nhân bánh bao ngay tắp tự. 

Nhìn Tây Thi thèm ngang chửa thèm chua cũng phải cung kính dâng cho Ngô Phù Sai thì xá gì chuyện chịu nhục hơn thêm chút nữa, đời mà đến giai nhân mình thích còn phải nhường thì chuyện gì lại không dám làm. Ngô tôi tếu táo cho đỡ chán đời thôi, quý độc giả đừng cáu làm gì, kẻ hậu sinh sao dám xét chuyện xa xăm.

Nói như vậy để thấy rằng cái câu, "Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử" nó mất tự trọng ra sao, nó mất tư cách ra sao, nó mất khí chất, mất danh dự ra sao.

Mình thân là lãnh đạo một tỉnh, được Trung ương tin tưởng giao phó công việc điều hành, tỉnh mình lại là một tỉnh nghèo. Đáng lẽ ra phải ra sức làm việc, đốc thúc cấp dưới hành động phục vụ cho nhân dân. 

Trước là chứng minh cho Trung ương thấy đã tín nhiệm không nhầm người, sau là vì cuộc sống của người dân trong tỉnh phụng hiến. Bởi không có thành quả nào tốt đẹp hơn trong cuộc đời của một lãnh đạo, trong hành trình hoạn lộ của một quan nhân bằng lời khen của nhân dân.

Ngô tôi đi rồi ngồi với nhiều người từ am tường triều ca cho đến bình dân cần mẫn, đều cấm nghe thấy lời nào nói không tốt về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lẫn nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, ai nhắc cũng đều thương mến. Hay như nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, trả xong món nợ sơn hà cáo lão hoàn dân, lấy ruộng vườn làm thú vui, lấy trồng cây hái trái làm tiếng cười. Thật sự là những người xứng đáng nhận được sự kính trọng.

Không chỉ có những nguyên lãnh đạo mà Ngô tôi vừa kể, còn có hàng loạt những lãnh đạo khác được dân thương, dân thờ.

Đi Đà Nẵng, đố ai dám ngồi trên xe taxi nói xấu ông Nguyễn Bá Thanh, bất chấp ông đã mất rồi. Đến Quảng Bình, đố ai dám nói không đúng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thậm chí cho đến lúc này, ông khoán hộ Kim Ngọc người dân vẫn còn thương. Ông Phan Thế Phương - nguyên Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế còn được dân lập đền thờ…

Dân trời Nam mình hiền lành, nhẫn  nhịn, biết đúng biết sai. Ai giúp một lần thì cả đời không quên ơn, ai chỉ cho đường hướng làm ăn thì tự thấy cả đời phải mang nợ tìm dịp mà báo đền.

Lẽ thân làm quan, thân làm chủ tịch tỉnh phải lấy những tấm gương trước soi vào mình, còn gì thích hơn là khi về hưu vẫn có người đến chơi nhà, bước ra đường vẫn có người chào. Chứ về hưu rồi lại nhơn nhơn, đương chức bao nhiêu sai phạm vừa rời ghế quan trường đã lên giọng thách thức, "Xử sao thì xử".

3. Mình làm sai, để lại một đống hệ quả cho tổ chức, để lại tiếng xấu cho Đảng, để lại dư luận không tốt trong nhân dân. Nhẽ ra nếu là người còn tự trọng, mình phải thấy tự xấu hổ vì những gì mình đã làm. Mình sai đến đâu thì phải cố gắng phối hợp cùng tổ chức để khắc phục được chút nào hay chút đó, hoặc tỏ ra ăn năn, nói lời xin lỗi đường hoàng. Đằng này lại nói một câu thú thiệt là không ai chấp nhận được.

Trên hết, qua phát ngôn của ông Phạm Thế Dũng mới thấy rõ ràng công tác xử lý đối với những sai phạm của cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương vẫn chưa đủ sức răn đe, phần nhiều thiên về danh dự hơn là hình luật. Trong lúc, rõ ràng đã có thể khởi tố để điều tra.

Phải có những thực tế minh chứng không làm được gì người đã về hưu ngoài chuyện cắt các chức vụ từng nắm giữ, thì mới có kiểu phát ngôn dị hợm như của ông Phạm Thế Dũng. Chứ thử có ông quan nhân về hưu nào đứng trước tòa chịu mức án nào đó thì cá nhân ông Dũng có dám thách thức như vậy không?

Cái tư duy về hưu này, đích xác chính là cái tư duy nhiệm kỳ, thứ tư duy đã biến bao nhiêu thành tựu của đất nước mình thành mây thành khói, không thành mây thành khói thì cũng lâm vào cảnh bán thân bất toại, dở dở ương ương. Chính cái tư duy nhiệm kỳ này đã biến những đại ca, đại gia có thao túng cán bộ địa phương, biến những vị trí phục vụ nhân dân thành vị trí ban phát cho người thân, biếu tặng cho đàn em… 

Ngay câu chuyện đang thời sự hiện nay chính là bài toán vô cùng nan giải BOT, nếu không có tư duy nhiệm kỳ thì Ngô tôi tin rằng không ai dám ký duyệt cho doanh nghiệp làm đường tránh một đằng lại đặt trạm thu phí ngay tuyến quốc lộ huyết mạch của quốc gia một nẻo.

Rồi cũng chính cái tư duy nhiệm kỳ, chính cái tư duy về hưu muốn xử sao thì xử, chính cái tư duy hy sinh đời bố củng cố đời con đã khiến bao nhiêu tập đoàn thua lỗ nghìn tỷ, bao nhiêu ngang trái vô lý nảy sinh, bao nhiêu là thất thoát, bao nhiêu mồ hôi của nhân dân, ngân sách của quốc gia chảy ào ạt về tư gia của cá nhân nào đó.

Trong nhiều bài viết của mình, Ngô tôi rất hy vọng chúng ta sẽ có được "trách nhiệm nhiệm kỳ" để chống lại "tư duy nhiệm kỳ" hay "tư duy về hưu". Luật định sẵn rồi, cứ căn cứ mà làm thôi.

Có lẽ, với phát ngôn đầy tính chất bất phục thiện này của ông nguyên chủ tịch tỉnh, đã đến lúc cần một án lệ.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.