Những ảo tưởng về một nền giáo dục tiến bộ

Thứ Tư, 15/08/2018, 06:40
Rốt cuộc thì việc học môn đại số ở trường phổ thông có đem lại lợi ích gì không? Đấy không phải điều chỉ người Việt Nam bận tâm mà ngay cả ở Mỹ hay châu Âu, người ta cũng bận tâm. 


Và người ta cũng không chỉ nghi ngờ tính thực tiễn của đại số, mà còn nghi ngờ vô vàn những kiến thức khác được giảng dạy trong nhà trường, từ bất đẳng thức Cauchy cho đến cách tính diện tích hình chóp cụt, từ công thức tính lực hấp dẫn đến phản ứng hóa học giữa axít và bazơ... Tất cả, dường như đều vô dụng!

Nếu vô dụng, vậy tại sao nền giáo dục vẫn cứ ép uổng học sinh phải nhồi nhét những thứ tào lao ấy vào đầu? 

Để có thể sống tốt trong đời, một người bình thường không cần dùng nhiều hơn 4 phép tính cộng trừ nhân chia (mà nhiệm vụ này có thể cậy nhờ tốt vào máy tính), kiến thức về hóa học chỉ cần dừng lại ở việc kim loại có khả năng dẫn điện, còn kiến thức vật lý chỉ cần đủ để biết thay bóng đèn. Tất nhiên, bạn cũng đâu cần biết một ngàn năm trước, ông vua nào đã lên ngôi.

Hẳn nhiên, không có nền giáo dục nào hoàn hảo.

Nền giáo dục hiện hành mà Việt Nam theo đuổi có thể xếp vào chủ nghĩa giáo dục thiết yếu (educational essentialism) - một triết lý giáo dục tin rằng trẻ em cần được học kỹ lưỡng những môn học truyền thống như toán học, khoa học, văn học, đạo đức, lịch sử, ngoại ngữ,..., với những giáo trình được tuyển lựa nghiêm ngặt, với vai trò trung tâm thuộc về người đứng lớp, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra những cá nhân có học thức và một nền văn hóa gắn kết dựa trên sự tương đồng.

“Kiểu dạy học ngồi trong quán café, lại thêm sự thờ ơ của trường học trong việc đòi hỏi nhiều hơn ở học sinh, tất cả đã tạo nên sự thui chột kiến thức truyền bá giữa các thế hệ và cả giữa những thanh niên trẻ” - E.D Hirche, một trong các triết gia ủng hộ chủ nghĩa giáo dục thiết yếu từng viết. 

Rốt cuộc thì việc học môn đại số ở trường phổ thông có đem lại lợi ích gì không? Ảnh: L.G.

Theo Hirche, giáo dục cần có những quy tắc lèo lái con người để phục vụ những mục đích cao cả hơn của nhân loại thay vì yêu chiều ý thích cá nhân.

Quan điểm của Hirche cùng kiểu giáo dục “thiết quân luật” này đương nhiên ngày càng bị nhiều người lên án. Người ta đã ngán ngẩm việc phải học những thứ mà họ không thấy ứng dụng được gì vào cuộc đời, chán cả việc phải nhất nhất theo sự chỉ đạo của một giảng viên và không được làm những gì mình thích. 

Khi xã hội ngày càng cởi mở, người ta muốn một nền giáo dục có ý nghĩa hơn, cho phép con người theo đuổi đam mê, “học mà chơi, chơi mà học”, xóa bỏ sự cạnh tranh không cần thiết giữa học sinh, vứt hết bài tập về nhà hay bất cứ thứ gì khiến việc học trở thành gánh nặng, những môn học thiếu tính thực tiễn trầm trọng nên dẹp bỏ để học về những kỹ năng quan trọng trong đời sống như tư duy phản biện, các kỹ năng xã hội, làm việc nhóm,...

Tóm lại, thoạt nghe, viễn cảnh này hệt như một utopia, một địa đàng của ngành giáo dục. Nhưng nếu nó tốt đẹp như vậy, tại sao nó vẫn chưa thay thế được nền giáo dục trên khắp thế giới? 

Chính xác là trên khắp thế giới, bởi kể cả ở Mỹ hay phương Tây, đa số vẫn đang đi theo chủ nghĩa giáo dục thiết yếu, chỉ là ở một phiên bản tốt hơn so với Việt Nam mà thôi. 

Một số người cho rằng, bởi nền giáo dục tiên tiến như mô tả mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây, cho nên sức ảnh hưởng của nó còn đang ở giai đoạn nảy mầm, nhưng chỉ trong tương  lai ngắn, nó sẽ được công nhận là phương pháp giáo dục tối ưu.

Điều đó là không chính xác. Vì sự thật là, triết lý giáo dục ấy đã xuất hiện ít nhất từ khoảng 100 năm nay, với cội rễ từ hàng trăm năm trước, với tên gọi “giáo dục cấp tiến” (progressive education) và suốt 100 năm nó vẫn chưa giành được lòng tin của tất thảy mọi người, vì chính nó đã từng thất bại.

Nhiều tài liệu đồng ý Jean-Jacques Rousseau vĩ đại là một trong những người đầu tiên bàn về lối giáo dục cấp tiến này trong một tác phẩm chỉn chu. Tác phẩm ấy ngày nay vẫn giữ được giá trị của mình và vẫn là cuốn sách tham khảo đáng đọc bậc nhất với những nhà giáo đương thời, đó là cuốn Emile, hay là về giáo dục. 

Tự bản thân Rousseau, người đã viết nên bao công trình minh triết bất hủ, cũng thừa nhận đây là “quyển hay nhất và quan trọng nhất trong mọi trước tác của tôi”, dù nó được ông công bố cùng năm với Khế ước xã hội. 

Trong Emile, Rousseau mô tả việc giáo dục một cậu bé từ khi còn nhỏ đến khi lớn lên cùng những phương pháp hết sức tự nhiên để đưa anh ta trở thành một người tự do, có trí thức, thẩm mỹ và tình cảm. Rousseau đưa ra nhiều triết lý nhưng một trong số đó là quan điểm rằng việc ghi nhớ những kiến thức hay nghe lời một giáo viên không đưa đến sự khai minh thực sự.

Tầm nhìn của Rousseau đã đi vượt thời đại ông đang sống, nhưng xét cho cùng, một tác phẩm triết học vẫn dựa trên những giả thiết và điều kiện quá hoàn hảo. Còn xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội bất toàn. Và lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết, còn cây đời vẫn mọc ngoằn ngoèo theo cách của mình.

Những năm đầu thế kỷ 20, triết gia John Dewey cùng những cộng sự đã dấy nên một phong trào mà qua đó, đưa một phần tầm nhìn của Rousseau thành hiện thực. Họ cố gắng đưa triết lý giáo dục cấp tiến của mình đến các trường công ở nước Mỹ nhằm thay đổi thực trạng đáng buồn của nền giáo dục. Mọi chuyện ban đầu vô cùng suôn sẻ.

Giai đoạn Đại Khủng hoảng ở Mỹ, một tổ chức về giáo dục cấp tiến đã tiến hành một cuộc thử nghiệm trên 1.500 học viên, theo đó, những người này được học chương trình giáo dục mới trong 4 năm, sau đó người ta đem so sánh thành tích của họ với một số lượng chọn lọc những học viên của nền giáo dục truyền thống thì thấy mọi chỉ số của học viên cấp tiến đều tốt hơn hẳn. Nhưng chuyện này không kéo dài được lâu.

Khi triết lý giáo dục cấp tiến lan tỏa rộng hơn thì vấn đề bắt đầu xuất hiện, chẳng hạn như: nếu mỗi học sinh có một sở thích khác nhau thì phải làm sao để tổ chức hoạt động lớp học phù hợp cho mọi thành viên, một đứa trẻ có nên được day dỗ theo kiểu nó là trung tâm xã hội không khi mà cộng đồng mới đích thực là trung tâm của xã hội, và rồi, nhiều nhà giáo dục tá hỏa phát hiện, lũ trẻ nếu để phát triển tự nhiên thì đa phần đều không ưa thích gì các bộ môn toán học lằng nhằng hay những môn khoa học khô khan. 

Vậy thì ai sẽ kế thừa những kiến thức cột trụ cho nền văn minh của loài người, nếu tất cả chỉ làm thơ, ca hát? Nhà lý luận Mortimer Smith mỉa mai: “Việc học làm đầu hay ướp hương nước hoa cũng quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn cả lịch sử và triết học”.

Một gáo nước lạnh nữa tạt vào phong trào cách mạng giáo dục này là khi phương pháp dạy đọc kiểu mới của họ thất bại toàn tập. Cụ thể là thay vì ép học sinh học bảng chữ cái a,b,c,... mà họ cho là quá gò ép, những nhà giáo dục cấp tiến dạy học sinh Mỹ đọc từng từ theo kiểu học tiếng Hoa. 

Nhưng họ đã làm công tác của mình quá tuyệt vời đến mức học giả Rudolf Flesch phải viết ra cuốn sách phản biện Vì sao Johnny không biết đọc? Mặc dù vậy, một số nhà giáo dục cấp tiến vẫn khăng khăng cho rằng mình không sai. 

“Các phẩm chất nhân tính là vô cùng cần thiết cho cuộc sống - quan trọng hơn so với việc học đọc. Chúng ta có thể sống với một người đọc tệ hại nhưng một kẻ xấu xa là mối nguy hiểm cho tất cả mọi người”, nhà tâm lý Arthur W. Comb cố gắng bao biện cho sự thất bại của phương pháp dạy đọc cấp tiến.

Quay trở lại câu chuyện việc học môn đại số ở trường phổ thông có đem lại lợi ích gì không, thực tế đây cũng là nội dung một bài báo được đăng tải trên CNN. Và tác giả của bài viết đã dõng dạc trả lời: Không. Chỉ 5% người trưởng thành thực sự cần tới đại số để tiến thân trong sự nghiệp, trong khi tới 60% người bỏ học là vì họ không kham nổi bộ môn khó hiểu này. 

Nhưng điều bất ngờ là, khi bài báo được đăng tải lại trên một website khác, nó đã nhận được hàng trăm bình luận phản đối từ chính người Mỹ. Họ không muốn tụt hậu. Đúng, đại số, hình học, vật lý, hóa học, chúng nghe thì có vẻ rất xa xôi và không thực tế nhưng chính chúng từ hàng ngàn năm qua là cột trụ của nền văn minh vật chất, là cốt lõi của một cuộc sống tiện nghi mà con người đang hưởng thụ. 

Chúng ta đã sống quá dễ dàng và chính sự dễ dàng ấy có thể  sẽ hủy diệt ý chí khai phá của con người. Chúng ta đã trở thành giống loài mạnh mẽ nhất vì có bộ não nắm được những định luật cơ bản của vũ trụ. Sẽ ra sao nếu chúng ta đánh mất điều đó?

Trùng hợp thay, gần đây tuyển tập Zadig hay số phận của Voltaire được dịch và xuất bản tại Việt Nam, trong đó có câu chuyện kể về một gia đình bỗng dưng trở thành quý tộc. 

Người cha và mẹ đã mời một vị thầy giáo về dạy dỗ cho con trai nhưng người thầy đã từ chối dạy tất cả các môn học mà ông cho là không có ích với những lí lẽ hùng hồn: học thiên văn để làm gì khi ngày tháng, sự kiện nguyệt thực nhật thực đã có cả trên lịch, học địa lý làm gì khi chỉ cần leo lên một cái xe ngựa là có người đưa đến tận nơi muốn đến, học tiếng Latin làm gì khi kiện tụng hay nói lời yêu đương không ai nói tiếng Latin,... 

“Cứu cánh của con người là thành công trong xã hội, mà tri thức khoa học thì chẳng đóng góp được gì trên con đường đạt tới thành công đó”, người thầy kết luận.

Câu chuyện của vài trăm năm trước không ngờ lại điểm trúng huyệt xã hội hiện đại.

Hiền Trang
.
.