PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển:

Phải kiến tạo một nền giáo dục quốc dân toàn diện

Thứ Ba, 01/05/2018, 09:30
Từ thế kỷ 20 vắt sang thế kỷ 21, đặc điểm xã hội đã thay đổi như thế nào và con người Việt Nam hôm nay thực sự đã bắt kịp với những sự thay đổi chóng mặt ấy chưa?

Phần lớn đều cho là chưa, từ đó cảnh báo hàng loạt vấn đề mà xã hội Việt Nam có thể phải đối diện trong tương lai.

Với tư cách của một Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, nghiên cứu toàn diện những vận động văn hóa của một xã hội, liệu PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng có nghĩ giống số đông hay không? Đó là câu hỏi mà cá nhân tôi đã thắc mắc từ lâu.

Một buổi chiều tháng 4 năm 2018, tôi đã có cơ duyên ngồi cùng PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng và đương nhiên tôi đã tận dụng triệt để cơ hội này để giãi bày thắc mắc bấy lâu của mình.

- Nhà báo Hải Phong: Thưa PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, bây giờ thì đọc báo, nghe đài, xem truyền hình hay truy cập mạng, chúng ta thường xuyên nghe thấy những câu chuyện bức xúc, và những lời kêu than rằng những giá trị cao đẹp dường như đang bị đẩy lùi và những giá trị thực dụng, mang màu sắc “con buôn” có vẻ lại lên ngôi. 

Thế nên nhiều người bảo cuộc khủng hoảng lớn nhất bây giờ là cuộc khủng hoảng văn hóa và nếu không cẩn thận thì cuộc khủng hoảng ấy sẽ trở thành một cơn bão tàn phá khủng khiếp đời sống tinh thần người Việt Nam hôm nay. Là một người nghiên cứu văn hóa, ông thấy những nhận xét này như thế nào?

- PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng: Hãy thận trọng khi dùng những chữ như “khủng hoảng” hay “cơn bão”, bởi mọi kết luận phải được đưa ra từ những con số thống kê đầy đủ, những cuộc điều tra xã hội học chính xác, chứ không thể cứ nói cảm tính, chung chung được. 

Nó cũng giống như việc khi bạn cùng lúc nhìn vào một bữa đại tiệc hàng ngàn mâm cỗ, làm sao bạn biết chính xác được từng mâm có những món gì và người ta ăn uống ra sao. 

Bạn chỉ có thể biết điều đó nếu hỏi nhà bếp, xem họ cung cấp thực đơn cho các mâm như thế nào, tỉ lệ thực đơn bao nhiêu, cái gì dùng đến, cái gì không dùng đến... Cho nên cần có cái nhìn nhiều chiều, toàn diện, khách quan, sáng suốt và có trách nhiệm.

Theo tôi, cái gọi là “cuộc khủng hoảng” một phần đến từ cách phản ánh của báo chí, truyền thông, mạng xã hội. Tôi đọc một số tờ báo mạng và có cảm giác nhà báo bây giờ như bị “men say” của việc làm tin cuốn theo. Hậu quả là người ta mất tỉnh táo trong việc đưa tin. Có những tin không nhất thiết phải đào sâu thì lại đào sâu. 

Và trên thực tế, nhiều khi những tin xấu, những tin giật gân rõ ràng tràn ngập nhiều hơn so với những tin tốt lành. Tôi nghĩ, nhà báo giỏi, thông minh không chỉ biết phát hiện chính xác thông tin mà còn phải có phương pháp tiếp cận thông tin khoa học, để rồi đưa tin một cách đầy đủ, khách quan và công bằng nhất, vì lợi ích của đất nước và con người đang trong tiến trình phát triển. 

Nghĩa là nhà báo cần có phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp “mắt sáng”, “lòng trong” và “bút sắc” như cố nhà báo Hữu Thọ từng tâm huyết khẳng định.

- Trong thế kỷ 21 này thì vấn đề thông tin không còn là lĩnh vực độc quyền của riêng nhà báo. Với sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, ai cũng có thể đưa tin tới số đông, và vì thế cái năng lực tiếp cận, phản ánh thông tin một cách đầy đủ, công bằng mà ông vừa nói càng khó được thực hiện triệt để.

- Con người bây giờ đang sống trong một nền kinh tế tri thức và một xã hội bùng nổ thông tin. Thế nên anh để ý cái gì cũng phải gắn vào đó hai chữ “thông minh”, nào là trí tuệ thông minh, thành phố thông minh, điện thoại thông minh... 

Tóm lại là cái gì cũng “thông minh” hết. Và chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể truy cập các trang báo mạng vốn ùn ùn thông tin, như những dòng nham thạch cuộc sống nóng bỏng không ngừng tuôn trào từng giờ, từng phút.

Đặc điểm “thông minh” này kéo theo những biến đổi về đặc điểm “thông tin”. Thế kỷ 20 trở về trước là thông tin một chiều, thông tin qua đài phát thanh và báo giấy. Truyền thông đại chúng thời ấy được coi là mẫu mực, được công chúng đón đợi hằng ngày.

Thậm chí, người ta đã học cách nói, cách phát âm tiếng Việt qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, học cách viết chính tả qua các tờ báo in như Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Thiếu niên tiền phong. Thời ấy, chúng ta làm ra thông tin đủ dùng, nên công chúng đọc cái gì nhớ cái ấy, xem cái gì nhớ cái ấy. 

Thời ấy lũ trẻ hơn 10 tuổi thế hệ chúng tôi say mê nghe mục “Kể chuyện cảnh giác” của buổi phát thanh Vì an ninh Tổ quốc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi đi đâu, làm gì cũng để ý xem có ai hành tung nhớn nhác để đi báo công an. 

Khi đi trên đường cũng luôn để ý xem có gì rơi không thì nhặt, rồi nộp cho công an, trả lại người mất của. Nghĩa là ý thức con người được truyền thông đại chúng chăm sóc cực kỳ tươi tốt và hiệu quả.

Bây giờ thì thông tin không còn là thông tin một chiều bị động nữa mà là thông tin hai chiều, tính tương tác cao. Và nhiều lúc nó cao tới mức “bão lụt”. Mặt trái của điều đó là trong rất nhiều trường hợp người ta sống không phải bằng sở thích, quan điểm của chính mình nữa.

- Mà là quan điểm của số đông, cho dù số đông không phải lúc nào cũng đồng nhất với chân lý?

- Bây giờ, có thể bạn sẽ mua một thứ ngay cả khi bạn không thích, nhưng nó lại là thứ mà bạn không ngừng nhận được những thông tin quảng cáo, rằng nó tốt lắm, hay lắm, tiện lợi lắm. 

Có một quy luật tâm lý nói chung là có những thứ lúc đầu bạn chưa tin ngay nhưng cứ nghe lần 1, lần 2, rồi lần 3, lần 4 thì bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng ấy có thể chưa khiến bạn tin ngay, nhưng rất có thể khiến bạn không còn nghi ngờ, ruồng bỏ nó như ban đầu nữa. 

Cơn “bão lụt” thông tin vì thế rất dễ khiến con người thời bây giờ bị lung lạc, bối rối, tổn thương. Điều này rất cần đến vai trò định hướng của truyền thông đại chúng chính thống của nhà nước với dòng thông tin chủ lưu, tin cậy.

Tôi cũng muốn nói rộng hơn rằng thế giới trước đây liên kết trên phạm vi toàn vùng hoặc toàn khối. Lại có những vùng cá biệt, không tham gia vào liên kết nào. Nhưng kể từ khi Internet ra đời và bùng nổ, khi mà chỉ cần nhấp chuột một cái là có thể biết tất cả những gì diễn ra ở nửa bán cầu còn lại thì những liên kết xưa cũ ấy bị phá vỡ. 

Cảm thức về thời gian và không gian cũng đang bị phá vỡ, thay đổi theo. Nhưng rồi công chúng hiện đại nước ta dần dần cũng đã thích nghi với xu thế mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế.

- Và chúng ta đã nghe đi nghe lại khá nhiều các diễn ngôn trên môi trường truyền thông rằng nền giáo dục của chúng ta đang gặp khó khăn trong việc tạo ra được những con người mới, phù hợp với hoàn cảnh thời đại mới. 

Công bằng mà nói, ngành giáo dục cũng đã trăn trở, cải cách đủ kiểu, nhưng có lẽ một triết lý giáo dục đúng đắn, một sản phẩm giáo dục hiệu quả cho cái thời 4.0 này vẫn còn đang lơ lửng ở một chỗ nào đó ở tương lai?

- Rõ ràng phải nhìn nhận vấn đề từ góc độ giáo dục, nhưng giáo dục như thế nào thì phải xem cho kỹ. Tôi đã nói trong một hội thảo mới đây với Bộ GD&ĐT rằng chúng ta không thể chỉ quan tâm đến chuyện ngành giáo dục đã, đang và sẽ tiếp tục làm gì, mà phải quan tâm đến việc kiến tạo một nền giáo dục quốc dân trong xã hội đương đại trên cơ sở kế thừa tinh hoa truyền thống dân tộc, tiếp nhận và phát triển những tri thức mới của nhân loại.

Phải là một nền giáo dục quốc dân toàn diện nhằm mục đích xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Một nền giáo dục quốc dân?

- Đúng vậy. Chúng ta từng nghe truyền thông nói nhiều về một nền kinh tế quốc dân trong phát triển. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần nói đến một nền giáo dục quốc dân toàn diện. Đó là một nền giáo dục ưu tú, hiện đại, một xã hội học tập có sự tham gia của toàn dân, có sự phối hợp và phát triển đồng bộ giữa giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. 

Giáo dục nhà trường là công việc giáo dục bài bản có nội dung, có phương pháp, có thầy cô và được chuẩn chỉ hóa. Giáo dục xã hội lại khổng lồ hơn rất nhiều, vì nó ngoài nhà trường và nó được tạo nên bởi vô vàn yếu tố.

Anh hãy tưởng tượng, chúng ta đi trên đường phố, chứng kiến tất cả các hành vi trên đường phố và tất cả các hành vi ấy một cách vô thức đã “giáo dục” chúng ta, ảnh hưởng tới con người chúng ta, đặc biệt là tác động đến lớp trẻ, lứa tuổi vị thành niên - những người đang trong quá trình phát triển, chưa ổn định nhân cách. 

Vậy thì phải làm thế nào để trên đường phố có nhiều nhất những hành vi tốt, và ít nhất những hành vi xấu? Đấy là một câu chuyện lớn và ở đó thì truyền thông đại chúng sẽ đóng một vai trò quan trọng. Và cuối cùng, yếu tố thứ tư trong cấu trúc vận động của nền giáo dục quốc dân chính là ý thức tự giáo dục của mỗi con người.

- Cái thứ tư này là cái mà dường như chúng ta đang rất yếu?

- Hãy thử quan sát thế giới thảo mộc thiên nhiên mà xem. Ta thấy, cái cây trong rừng, nó phải biết tự thò rễ ra ở đâu thì mới có nước, mới có khoáng chất để vươn lên cao. Con người cũng phải tự ý thức xem mình cần gì, phải học tập, hoàn thiện nhân cách như thế nào để tự mình phát triển. 

Mỗi ngày, khi mở mắt ra thì phải có ý thức về việc làm một cái gì đó chứ. Inamori, chủ tịch một tập đoàn hàng không nổi tiếng của Nhật Bản có một kiểu tư duy về văn hóa mà bản chất của nó chỉ xoay quay câu hỏi: Là người thì phải tự trả lời xem cái gì là đúng? 

Câu hỏi ấy đánh thức tiềm năng nhân bản tốt đẹp của con người và khi tiềm năng được đánh thức thì mỗi người phải tự đi tìm bộ y phục trí tuệ, nhân cách phù hợp cho chính mình (tất nhiên cũng phải phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội).

Tại sao khi Nick Vujic sang Việt Nam nói chuyện, hàng chục nghìn người Việt Nam đã khóc? Vì một con người sinh ra không hoàn hảo, nhưng “trình độ người” của anh ấy lại khiến chúng ta vô cùng ngạc nhiên và kính nể. Anh ấy chính là tấm gương lớn về sự tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân. 

Ngược lại, trong cuộc sống nhân loại ngày nay, vẫn có những người cơ thể sinh học lành lặn, nhưng do thiếu ý thức tự giáo dục, tự hoàn thiện mà trình độ người lại vô cùng thấp kém, dễ sa ngã, tha hóa, thoái hóa biến chất trước tác động của những cám dỗ tầm thường.

- Chúng ta ngưỡng mộ và đã xúc động đến phát khóc trước một tấm gương lớn như Nick Vujic, nhưng rồi sau đó thì sao? Liệu chúng ta có chuyển hóa được niềm xúc động khôn tả ấy thành ý thức tự lập cho chính mình và thể hiện, ứng dụng nó từng ngày, từng giờ một cách hiệu quả hay không?

- Trên bình diện chung, phải thấy là con người ở thế kỷ 21 có vẻ ít tự lập và ít vận động cơ học hơn so với con người của những thế kỷ trước đây. Vì con người thế kỷ 21 có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ máy móc. 

Chẳng hạn, cũng nhờ sự tiên tiến của máy móc trong lĩnh vực y tế mà tuổi thọ của con người ở thế kỷ 21 cao hơn. Con người sống lâu hơn, thọ hơn. Nhưng trên thực tế, nhiều người sống lâu hơn mà lại không khỏe hơn, nếu chẳng muốn nói là yếu hơn. 

Vì sao vậy? Vì khả năng hỗ trợ từ xã hội bên ngoài khá tốt, còn khả năng nội lực, tự kiểm soát, chống đỡ bên trong của con người lại đang yếu đi.

- Ngày xưa phải bắc lửa nấu một nồi cơm, bây giờ thì có thể ỷ lại cho nồi cơm điện...

- Phân tích cụ thể chuyện nấu cơm mà anh vừa nói nhé. Nếu anh biết nấu một nồi cơm ngon, anh cũng sẽ biết tổ chức một gia đình hạnh phúc. Bởi khi nấu cơm anh sẽ hiểu, nếu to lửa một chút sẽ cháy, sẽ khê và non lửa một chút sẽ thì cơm sượng và sống, phải làm thế nào đó để vừa lửa thì cơm ngon. Giờ thì tất cả các công đoạn ấy được khoán hết cho nồi cơm điện. 

Thổi cơm thì có thể ỷ lại cho nồi cơm điện. Sinh con thì có thể ỷ lại cho phương pháp “sinh mổ” vì nó đỡ đau. Nuôi con thì có máy hút sữa, cho ăn sữa ngoài là chính và có người giúp việc đỡ đần. Ru con thì ỷ lại cho các băng đĩa được thu âm sẵn. 

Thậm chí, có nhiều người mẹ trẻ bây giờ không biết ru con, dỗ con, nựng con. Và đặc biệt phụ nữ hiện đại bây giờ cũng rất ít may vá, thêu thùa. Anh đừng nghĩ rằng vá một cái áo cho chồng con chỉ đơn thuần là việc vá áo. Công việc ấy rèn cho người phụ nữ tính kiên nhẫn, dịu dàng, khả năng chờ đợi... 

Tóm lại là với sự “lên ngôi” của máy móc và sự phát triển của xã hội thông tin - xã hội dịch vụ, con người của thế kỷ 21 dường như ỷ vào những đối tượng ngoài mình nhiều hơn và do đó khả năng tự lập bị suy giảm.

- Nhưng chúng ta không thể quay ngược lại bánh xe lịch sử, trở về những thế kỷ trước để gìn giữ và bảo vệ những giá trị tốt đẹp mà những thế kỷ trước đã định hình nên, thưa ông? 

Tôi hiểu là những so sánh vừa rồi của ông đơn giản chỉ để gợi ra một cách nhìn, cách nghĩ. Chứ thực tế là thế kỷ 21 có đặc thù của thế kỷ 21 và việc đáng bàn là phải làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục gìn giữ những giá trị tốt đẹp được tạo nên bởi những thế kỷ trước ngay trong thế kỷ này? 

- Tôi vừa nói là nấu nồi cơm bằng bếp củi hay rơm rạ có những giá trị của nó nhưng như thế không có nghĩa là nấu bằng nồi cơm điện thì sẽ không thành người. 

Không! Không phải như vậy. Nấu nồi cơm điện, anh vẫn phải chọn gạo, đãi gạo, nhặt sạn, phải lấy nước phù hợp, nghĩa là vẫn có những công đoạn không thể ỷ lại kia mà! Thời kỳ nào có công việc của thời kỳ ấy, vấn đề là có làm chủ được mình trong từng thời kỳ hay không.

Ví dụ ở trên tôi có nói, vì bị ảnh hưởng bởi những lời quảng cáo không ngừng rót vào tai và cả hiệu ứng lan truyền đám đông mà bây giờ nhiều lúc chúng ta mua những sản phẩm mà thoạt tiên mình không thích. Rồi chúng ta cũng mua những sản phẩm mà sau đó không hề dùng nó một phút nào. 

Xã hội tiêu dùng đặt ra thực trạng ấy - thực trạng mà xã hội phân phối trước đây không hề có. Thế thì phải giải quyết thực trạng mới bằng cách phải rèn luyện mình trở thành những “người tiêu dùng thông minh”. 

Phải biết đến đâu là đủ, thế nào là đủ và cái gì cần cho mình chứ! Trong cơn cám dỗ chi tiêu mua sắm bây giờ, rất nhiều người thật ra vẫn không biết thế nào là đủ, thế nào là cần. Như thế rõ ràng là chưa thể làm chủ được mình, chưa thể tự lập tích cực trong thời đại mới. 

- Tự lập trong suy nghĩ, tự lập trong hành động, tự lập trong việc thiết kế lộ trình của cuộc đời mình, thay vì ỷ lại hoặc chịu ảnh hưởng bởi những tác nhân ngoài mình, đây rõ ràng là một vấn đề lớn của người trẻ hiện nay. Nhưng nhiều lúc tôi nghĩ, nó cũng không chỉ là câu chuyện của riêng người trẻ. Ông có nghĩ thế không?

- Cách đặt vấn đề của anh làm tôi nhớ đến tâm lý truyền thống của người phương Đông nói chung và những xã hội thuần nông nói riêng, đó là luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ gia đình nhiều thế hệ. 

Thậm chí là gia đình “tam đại”, “tứ đại” đồng đường thường được coi là tiêu chí của chữ Phúc. Mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau và có khi quan tâm đến mức thái quá. Bố mẹ nào mà chẳng thương con, chẳng sẵn sàng giúp đỡ con và cuối cùng thì “bao bọc” con quá mức, giống như chăm cây cảnh trong chậu. 

Vô tình, điều đó làm giảm đi khả năng tự lập của con người. Rồi đến khi về già thì rất có thể người ta lại có tâm lý chờ đợi sự báo hiếu của những đứa con. 

Ở một góc độ nào đó, nét tâm lý truyền thống này đang chi phối đến tinh thần tự lập, tự phấn đấu của con người trong xã hội hiện đại. Hiện nay, tại nhiều gia đình, con cái không chịu vươn lên, chỉ muốn cậy nhờ cha mẹ đến mức phụ thuộc khá lâu. Và cha mẹ, ông bà có khi phải vắt kiệt sức vì con, vì cháu. 

Về sau, những đứa con sẽ báo đáp công ơn bố mẹ là một truyền thống tốt đẹp, cần giữ gìn, phát huy. Tuy nhiên, ở góc độ của những người làm bố làm mẹ, nếu không chuẩn bị cho tuổi già của mình, mà ủy thác tất cả vào sự báo đáp của những đứa con thì lại rất thiếu chủ động. Thậm chí còn làm phức tạp cuộc sống gia đình nhiều thế hệ.

Tôi nghĩ, những ai rèn được tính tự lập, chăm chỉ lao động từ bé thì sẽ không bao giờ đòi hỏi gì ở bố mẹ mình, và ngược lại, khi mình thành bố mẹ thì cũng không đòi hỏi gì ở con cái. 

Thế nên tôi đồng tình với anh, rằng câu chuyện về sự tự lập không chỉ là câu chuyện của riêng người trẻ mà là câu chuyện của ngay cả những bậc làm cha làm mẹ. 

Khi chúng ta làm cha, mẹ, chúng ta hiểu rằng sẽ chuẩn bị đối diện với tuổi già, cho nên cũng phải tự lập chuẩn bị cho giai đoạn tuổi già sau đó, chứ không nên phụ thuộc quá nhiều vào thế hệ sau.

Ảnh trong bài: Minh Trí.

- Chúng ta vừa bàn đến khía cạnh thứ tư, khía cạnh mà ông đặc biệt coi trọng trong kết cấu của nền giáo dục quốc dân, đó là sự tự giáo dục của mỗi con người. Ông có cho rằng yếu tố thứ tư này chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố thứ nhất - giáo dục gia đình hay không? Bởi trong một gia đình mà bố mẹ không tự lập thì không thể tạo nên thế hệ những đứa con tự lập?

- Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục gia đình. Hiện nay giáo dục gia đình đang có nhiều vấn đề đặt ra, nếu không muốn nói là khá nhiều chuyện chưa tốt. 

Rất nhiều người làm bố, làm mẹ chưa đạt chuẩn trên cả 3 phương diện: sinh - dưỡng - giáo. Tôi đã tận mắt chứng kiến rất nhiều cặp uyên ương khi quyết định tổ chức đám cưới chỉ quan tâm đến việc sẽ phải ăn mặc đẹp đẽ như thế nào, rồi chờ đợi người ta khen ngợi, mừng đám cưới mình ra sao... mà thiếu đi những sự chuẩn bị tốt cho tương lai, khi hai người chính thức ở với nhau và chính thức đối diện với rất nhiều vấn đề của cuộc sống hôn nhân, gia đình. 

Cho nên, khi gặp khó khăn thì giữa hai người trẻ tuổi ấy dễ lập tức xuất hiện xung đột, lúng túng trong phương án giải quyết và đó chính là nguyên nhân sâu xa của hàng loạt cuộc ly dị chóng vánh, tan vỡ gia đình, con cái bơ vơ, khiến dư luận xã hội không thể không quan ngại.

- “Số lượng vụ án ly hôn trong giới trẻ tăng đến báo động...” - đó là một tít báo mà tôi vừa đọc được

- Tôi đã nhiều lần phát biểu rằng, phải chăng nên tổ chức những lớp học tiền hôn nhân (trước khi được công nhận đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường) để những người chuẩn bị làm vợ, làm chồng hiểu được trách nhiệm của một người vợ, một người chồng, một người cha, một người mẹ.

Trong xã hội hiện đại, sức ép của công việc mưu sinh đã khiến nhiều người đi suốt ngày, con cái phó mặc cho người giúp việc hoặc “khoán trắng” cho ông bà nội ngoại. Thêm nữa, chuyện dạy con trong nhà đang bị bỏ ngỏ. 

Hiện nay trong nhiều gia đình, con cái cứ khóc một tý là các bố mẹ trẻ lại ném cho cái điện thoại. Nhiều đứa trẻ cả ngày đối diện với điện thoại, cả ngày chơi điện thoại, tối cũng chơi điện thoại, đi ngủ thì ôm điện thoại, không biết rằng sóng ngắn của điện thoại đang ảnh hưởng như thế nào. 

Và rồi đứa trẻ có thể suy dinh dưỡng, chậm nói, thậm chí có nguy cơ tự kỷ rất cao. Thế hóa ra người dạy dỗ những đứa trẻ là cái điện thoại, chứ đâu phải là những người cha, người mẹ nữa? 

Mà cứ để cho cái điện thoại “dạy dỗ” như thế, những đứa trẻ sẽ lớn lên xơ cứng, thiếu khả năng đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh và không biết nhân cách sẽ được hoàn thiện như thế nào. Rồi tất cả lại “giao phó”, “trăm sự, nghìn sự” nhờ thầy cô giáo ở trường...

Đã đến lúc chúng ta cần xác định vị trí đặc biệt quan trọng của những người cha, người mẹ - những người thầy đầu tiên của con trẻ, để mọi gia đình có được chuẩn mực văn hóa gia đình của thời đại mới.

Hãy sống bằng tình thương và trách nhiệm xã hội cao nhất đối với thế hệ trẻ. Người lớn phải gương mẫu, ông bà, cha mẹ thảo hiền để con cháu ngoan ngoãn. Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, truyền thông xã hội phải đồng bộ, phối hợp, phải đề cao trách nhiệm và có tình cảm cao quý đối với cộng đồng, đất nước, dân tộc và nhân loại. 

Tất cả phải chung tay, góp sức để xây dựng và vận thông một nền giáo dục quốc dân toàn diện, ưu việt, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện đại, những “hiền tài - nguyên khí quốc gia”, sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Nguy hiểm nhóm xã hội dư thừa thời gian

“Trong xã hội hiện đại có một nhóm xã hội quá dư thưa về thời gian. Nguồn gốc nào sinh ra nhóm xã hội này? Thế kỷ trước, một người ban ngày không đi làm thì đến chiều tối sẽ không có cái gì để ăn. 

Nhưng đến thế kỷ này, có tình trạng một người rất giàu, rất rất giàu, một đại gia chẳng hạn đủ sức nuôi cả nhà, cả họ. Nhóm xã hội dư thừa thời gian kia là nhóm người không sống bằng tiền lao động của mình mà bằng tiền của bố mẹ, người thân mình.

Chính vì dư thừa thời gian nên nhóm xã hội này mải miết lao vào các xa lộ thông tin trên Internet, trở thành những “anh hùng bàn phím” hay những gì đó đại loại như vậy. Chúng ta phải tìm cách giải quyết nhóm xã hội dư thừa thời gian này nếu không sẽ tạo ra những hệ lụy không nhỏ và sẽ làm đà phát triển chung bị kéo chậm lại”.

Hải Phong (thực hiện)
.
.