Giàu ảo, giàu xổi, giàu bền vững
Thông qua các buổi diễn thuyết lấp lánh với những chiêu thức kiếm tiền dễ như bỡn mà Phạm Thanh Hải vẽ ra, đã có tới 2.725 tỷ đồng của người dân được huy động, và cho đến thời điểm trước khi bị truy tố, Hải hoàn toàn không có khả năng trả lại khoản tiền khổng lồ này.
Như thế có nghĩa, tất cả những người tin vào chuyện "làm giàu không khó", tin vào việc cứ ném tiền vào túi Hải để nhận những khoản lãi suất cao hơn hẳn so với lãi suất ngân hàng bây giờ có nguy cơ... mất trắng.
Chuyện mới không? Không! Ở quốc gia mình đã từng có không biết bao nhiêu câu chuyện quanh việc người dân ham làm giàu, ham những khoản lãi suất trên trời để rồi phải trả giá đau. Nhưng sau những vụ án, sau những bài học, sau những sự trả giá, rốt cuộc người ta lại vẫn ham, và vẫn phải trả giá như thường. Lần sau y như lần trước, thậm chí đau hơn lần trước. Điều ấy nói lên cái tư duy muốn được làm giàu, và tin vào việc "làm giàu không khó" của phần đông người Việt.
Khát vọng làm giàu là chính đáng. Một đất nước mà mỗi một con người đều bị tiêu diệt khát vọng làm giàu hoặc phải hy sinh khát vọng ấy cho những tín điều lấp lánh về mặt lý thuyết nào đó thì mới đáng sợ. Thế nên không ai chỉ trích khát vọng làm giàu. Nhưng cách thức làm giàu thì phải nghiên cứu kỹ. Ở trên đời này, có thật làm giàu không khó?
Có thể, nếu đấy là giàu xổi, giàu ảo. Nhưng sẽ là không thể, nếu đấy là giàu căn cơ, giàu bền vững. Nhưng dường như phần đông người Việt Nam luôn bị hấp dẫn bởi cách làm giàu thứ nhất, và cứ lao theo cách làm giàu thứ nhất hệt như những con thiêu thân điên cuồng lao vào đám lửa.
Quan chức lao theo kiểu của quan chức, mà những đại án ngân hàng đang diễn ra đã cho thấy tất cả. Ở đấy, những nhân vật chóp bu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam kết hợp với một ngân hàng thương mại cổ phần để rút ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bất chính.
Người dân lao theo kiểu của người dân, mà rõ nhất là việc hết lần này đến lần khác, người ta tin vào những khoản lãi suất "trên trời" của những kẻ luôn rao giảng về việc "làm giàu không khó" để rồi cuối cùng khuynh gia bại sản.
Có một mệnh đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa từng nhắc đến: dân giàu - nước mạnh. Nhưng không có nghĩa dân cứ giàu thì tất yếu đất nước sẽ mạnh. Nếu dân giàu bền vững thì việc tích lũy tài chính của một đất nước sẽ bền vững, các chiến lược khai thác, đầu tư, phát triển kinh tế của đất nước sẽ bền vững. Và khi đó nước sẽ mạnh dần lên. Nhưng nếu dân giàu xổi, giàu ảo, giàu theo kiểu "bỗng chốc trở thành đại gia" rồi "bỗng chốc trở thành con nợ", thậm chí "bỗng chốc trở thành tội nhân" thì làm sao quốc gia mạnh được.
Chỉ khi nào tư duy làm giàu phổ quát phải là một thứ tư duy bền vững, và tư duy ấy thấm vào từng cá thể đến từng tập thể, từng hộ gia đình đến từng doanh nghiệp, từng công ty nhỏ đến từng tập đoàn lớn thì mới hy vọng một sự thay đổi nền tảng. Còn cứ với tư duy như bây giờ thì chuyện nhiều người dân tiếp tục bị lừa, nhiều "đại gia" tiếp tục đi lừa, nhiều quan chức tiếp tục tạo ra những cơ chế nhằm vinh thân phì gia e là còn tiếp diễn.
Vấn đề nằm ở tư duy.
Và cái tác động tới tư duy, có khả năng làm thay đổi tư duy là thể chế và văn hóa.