Và phép màu không bao giờ xuất hiện

Thứ Năm, 19/12/2019, 14:21
Khi cả thế giới hiện đại chú mục vào những diễn biến tại Hong Kong (và trở nên chia rẽ bởi những gì mà giới sinh viên Hong Kong thực hiện), có lẽ ít người biết rằng hơn 800 năm trước, cũng đã từng có hàng nghìn đứa trẻ trở thành vật tế thần cho những tham vọng của "người lớn". Điều đó xảy ra trong cái gọi là "Cuộc Thập tự chinh của những đứa trẻ".

Ở tận cùng thất vọng

Đó không phải là Cuộc Thập tự chinh thứ tư. Cũng không phải là Cuộc Thập tự chinh thứ năm. Đó là một hành động phản ánh sự tuyệt vọng về niềm tin trong xã hội châu Âu Trung Cổ, khi những giá trị tinh thần liên tục bị xói mòn, và thậm chí là thay đổi.

Trước năm 1212 bi thảm ấy, từ năm 1189 đến năm 1192, Giáo hoàng phát động Cuộc Thập tự chinh thứ ba, do Hoàng đế Đế chế La Mã thần thánh của người Germany - Frederick I Barbarossa - dẫn đầu. Tuy nhiên, trước khi đến được Thánh địa Jerusalem, ông chết đuối ở Tiểu Á (năm 1190). Một phần lực lượng của ông quay trở lại. Một phần khác tiếp tục cuộc hành trình. Đến Palestine, họ được sáp nhập vào lực lượng của vua Pháp Phillipe Auguste và vua Anh Richard I the Lionheart.

Như chúng ta đều biết (ít nhất là qua danh tác Ivanhoe của Walter Scott), hai bậc quân chủ Tây Âu này vốn cừu nghịch với nhau. Họ tập trung vào chuyện ngáng trở nhau nhiều hơn là hợp tác với nhau để chống quân Hồi giáo. Bên cạnh đó, các lực lượng Thập tự quân Thiên Chúa giáo bản xứ cũng bắt đầu phân rã, và nhiều thành phần thậm chí còn phá hoại cuộc vây hãm hải cảng Acre (năm 1191).

Lũ trẻ được thuyết phục để tin rằng chúng thực hiện một sứ mệnh cao cả.

Tận dụng tình hình phức tạp ấy bên phía địch thủ, lãnh tụ Hồi giáo Saladin đẩy lui Thập tự quân mà không mất quá nhiều công sức. Một mặt, ông tăng cường phòng thủ Jerusalem, để ngôi thành này không bị tái chiếm. Mặt khác, ông khôn khéo ký một hòa ước với riêng vua Anh Richard the Lionheart, cho phép giáo dân Thiên Chúa giáo được tự do đến hành hương ở Jerusalem, và cho phép Thập tự quân vẫn chiếm đóng một dải đất nhỏ quanh Acre, với hai đô thị Tripoli - Antioche. Nói cách khác, theo ngôn ngữ hiện đại, Hồi vương đồng ý mở cửa một phần nhỏ lãnh thổ của mình, và đồng ý để một phần nhỏ hơn khác hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ".

Và như vậy là đủ. Thập tự quân triệt thoái, nhưng trên đường về, Richard "Sư tử tâm" bị Phillipe Auguste lừa bắt giữ, tạo điều kiện cho Hoàng tử John - em trai của Richard - lộng hành ở nước Anh. Sau sự biến này, tinh thần mộ đạo nhiệt thành hầu như không còn hiện hữu đối với giới quý tộc Tây Âu nữa, chỉ còn thuần túy là các vấn đề xung đột về lợi ích. Ngay cả khi Saladin qua đời năm 1193, đồng thời lãnh thổ Hồi quốc của ông bị chia nhỏ cho thân tộc, những phản ứng của cộng đồng Thiên Chúa giáo cũng không còn nhắm nhiều tới Đất Thánh.

Cuộc Thập tự chinh thứ Tư, do Giáo hoàng Innocent III hô hào, chẳng đi đến đâu ở phía Đông, nhưng lại giành được những bước tiến đáng kể ở bán đảo Iberia, khi dồn được người Hồi giáo vào tiểu quốc Granada góc Đông Nam. Dòng Hiệp sĩ Teuton của người Germany thì ngược lên bắc, chinh phạt duyên hải Baltic của người Lithuanie và người Slave.

Chính nội bộ hệ thống thần quyền Thiên Chúa giáo Tây Âu cũng có những xáo trộn. Thay vì chống lại người Hồi giáo, đến lúc đó, Giáo hoàng hứa hẹn ban phát mọi sự cứu rỗi cho ai chống lại bất cứ kẻ thù nào của mình - những vương hầu Thiên chúa giáo châu Âu "cứng đầu". Còn tại Đất Thánh, những thế hệ thực dân mới hòa huyết với người bản địa, chấp nhận các tập quán văn hóa Trung Đông, trở thành một chủng tộc mới hầu như không còn giữ mối liên hệ nguồn gốc nào với quê hương hay tôn giáo cũ.

Những chuỗi diễn biến ấy, các giai tầng dưới đáy xã hội Tây Âu rất khó nắm bắt. Họ trở nên hoang mang và lạc hướng, khi chính tôn giáo - thứ ánh sáng dẫn đường quen thuộc của họ - cũng đã trở nên quá trần tục.

Và những đứa trẻ bị đẩy lên tuyến đầu...

Chúng sẵn sàng chịu đựng mệt mỏi, vượt qua cả dãy Alpes sang đất Ý.

Cơn mộng mị hão huyền của lý tưởng

Ghi chép ngắn gọn đến gần như sơ sài, các thư tịch cổ không có được sự thống nhất tuyệt đối với nhau về thời điểm diễn ra Cuộc Thập tự chinh của những đứa trẻ, nhưng lại không hề khác biệt về những đường nét chính.

Đó là những ngày hè năm 1212. Hàng nghìn đứa trẻ đến từ các làng quê Đức và Pháp tập trung ở Genoa, bên bờ Địa Trung Hải, sau khi đã lặn lội vượt dãy Alpes theo chân các vị lãnh tụ tinh thần (Nicholas - linh mục ở Cologne, Đức; và Stephen - linh mục ở Cloyes, Pháp). Chúng cứ đứng đó, và cầu nguyện rằng mọi chuyện sẽ diễn ra như trong Kinh Thánh: Nước biển rẽ làm đôi, tạo nên một con đường dẫn thẳng tới Đất Thánh, để chúng thực hiện sứ mệnh cải đạo cho những người Hồi giáo, dưới sự che chở của Chúa).

Song, dĩ nhiên, chẳng có phép màu nào như thế có thể xảy ra. Mòn mỏi đợi chờ, rồi đói ăn khát uống và hầu như chẳng được ai giúp đỡ, bọn trẻ phải tản mác theo những con đường khác nhau, đứa đến Ancona, đứa về Marseille, cũng có đứa theo tàu buôn sang được Jerusalem. Rất ít trong số chúng nhìn thấy được làng quê cũ (cũng y như những người nông dân chân chất từng mở đầu Cuộc Thập tự chinh thứ nhất). Khá nhiều trong số chúng bị bán làm nô lệ. Có đứa gục chết trên đường, khi không thể xin ăn để tự cứu chính bản thân mình. Tuy nhiên, sau tất cả, có lẽ điều đau khổ nhất đối với những đứa trẻ còn sống sót là sự sụp đổ của niềm tin.

Nhưng, Địa Trung Hải không thể rẽ nước thành đường đến Jerusalem.

Cuộc Thập tự chinh bi thảm ấy chưa phải là dấu chấm hết, nhưng cũng có thể xem là tiếng kêu tuyệt vọng cuối cùng của tinh thần Thiên Chúa giáo cổ điển. Bảy năm sau biến cố đau thương ấy, Cuộc Thập tự chinh thứ năm mới bắt đầu, và lụi tàn ở Ai Cập. Frederick II Đại đế - vị hoàng đế đầy học thức - mở Cuộc thập tự chinh thứ sáu, nhưng chủ yếu là để ký một hòa ước với cháu của Saladin vào năm 1229, với thời hạn 10 năm đình chiến.

Rồi vua Louis IX - Thánh Louis trong lịch sử nước Pháp, nổi tiếng công minh và mộ đạo - mở Cuộc Thập tự chinh thứ bảy, năm 1250, chỉ để thấy mình bị bắt giam và phải trả một núi tiền chuộc. Ông trở về, và lại khởi động Cuộc Thập tự chinh thứ tám (năm 1270), rồi mất tại Tunis trên đường hành quân. Quân Hồi Mameluks đến từ Ai Cập chiếm Tripoli năm 1289, chiếm Acre năm 1291, tàn sát khoảng 60.000 tín đồ, tàn phá tất cả các công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo.

Nhưng Tây Âu không còn thiết tha gì với các cuộc động binh nữa, bất chấp bao nhiêu của cải và xương máu đã từng bỏ ra trong cả một kỷ nguyên dài. Và đó cũng đã là thời điểm vó ngựa Mông Cổ của quân Thành Cát Tư Hãn, dưới sự chỉ huy của Triết Biệt và Tốc Bất Đài, chuẩn bị đánh sang đến tận phương Tây.

Cuộc Thập tự chinh của những đứa trẻ, căn nguyên và hệ lụy về tinh thần đi kèm với nó, bởi vậy, cũng nhanh chóng bị lãng quên. Chúng đã đóng tròn sứ mệnh lịch sử của mình: những thân phận bị lựa chọn làm vật tế thần cho niềm tin vào sự màu nhiệm, giữa những xung đột nghiệt ngã của thực tại.

* Theo những nghiên cứu hiện đại, chính Nicholas - một bậc chăn chiên vùng Rhineland, Đức - thuyết phục đám trẻ và cha mẹ của chúng rằng Địa Trung Hải sẽ rẽ nước thành một con đường đến Đất Thánh, và rằng các vương quốc Hồi giáo ở quanh Jerusalem sẽ sụp đổ nếu có thể cải đạo mọi người dân ở đó sang Thiên Chúa giáo. Ông dẫn khoảng 7.000 đứa trẻ vượt dãy Alpes đến Genoa. Tại đây, dù bị nhiều trong số đó chỉ trích về sự lừa dối, Nicholas không thừa nhận sai lầm. Dẫn theo vài "cận thần" trung thành nhất, Nicholas đến triều kiến Giáo hoàng, và được khen ngợi nhiệt liệt trước khi trở về. Tuy nhiên, ở quê nhà, phụ thân của ông bị treo cổ trong cơn giận dữ của cha mẹ đám trẻ.

Trong đoàn này, có những đứa trẻ tốt số được chính quyền thành bang Genoa đề nghị cấp quyền công dân. 

* Trong khi đó, từ Pháp, 30.000 đứa trẻ vị thành niên theo chân Stephen - người nói với chúng rằng đã được giao một bức thư vua Pháp gửi cho Chúa. Cho dù triều đình Paris cũng như giới học giả thần học đưa ra những cảnh báo, Stephen vẫn đi vòng quanh nước Pháp và thu thập được đám đông tín đồ khổng lồ, trước khi tập trung ở Vendome, để xuống thuyền sang Marseille (cuối tháng 6-1212). Không chịu được cực khổ, đói khát, phần đông trong đám trẻ ấy tìm cách trốn về nhà, bỏ lại Stephen.

Đông Quân
.
.