Ông hoàng đẫm máu của Nam Phi

Thứ Sáu, 20/09/2019, 13:16
Sau Nelson Mandela vĩ đại, rất nhiều nhà nghiên cứu sẽ đồng ý rằng đó chính là người đàn ông nổi tiếng thứ hai trong lịch sử Nam Phi.

Song, cũng chính cái tên đó - Shaka Zulu - lại góp mặt trong danh sách "điểm mặt chỉ tên" của tác giả Shelley Klein, trong cuốn "Những kẻ độc tài tàn bạo nhất lịch sử" (The most evel dictators in history), "tề danh" với những Herod đại đế, Polpot hay Adolf Hitler…

Ngày đền tội

22-9-1828, trong lúc Shaka Zulu đang bàn bạc công việc với các cận thần, có hai kẻ thích khách âm thầm náu mình ở cửa ra vào phòng họp, trong các cụm lau sậy. 

Khi cuộc họp kết thúc, Shaka Zulu, vẫn như mọi ngày bình thường, ung dung bước ra. Lập tức, hai mũi giáo cùng lúc đâm sâu vào cơ thể tên bạo chúa. Không ai giúp đỡ hắn. Không ai kịp giúp đỡ, không ai có thể giúp đỡ, và có lẽ cũng không ai muốn giúp đỡ. Cái xác được gói vào một tấm da bò, rồi nhanh chóng đem tẩm liệm ở một hầm mộ.

Chẳng phải ai xa lạ, chủ mưu cuộc hành thích này chính là hai người em cùng cha khác mẹ của Shaka Zulu - Mhlangana và Dingane. Họ phao tin rằng Shaka Zulu bị ám sát bởi những sứ giả phương xa. Họ bịt miệng các nhân chứng. Rồi họ quay sang chống lại nhau nhằm tranh giành ngôi vị. Dingane chiến thắng, giết được Mhlangana. Và cũng kể từ đó, người Zulu không bao giờ còn lấy lại được "uy vũ" như dưới thời ông hoàng đẫm máu quá cố còn cai trị.

Song, đó là điều cần phải đến. Trong những năm cuối đời, Shaka đã thực sự biến thành một thứ ác quỷ khát máu, với những thú vui chết chóc, khiến cả vương quốc chìm ngập trong một bầu không khí tang thương và hoảng loạn. 

Người ta kể rằng vào tháng 10/1827, khi mẹ mình qua đời, Shaka không thể nguôi ngoai. Ông ta đi tìm sự an ủi bằng cách…tàn sát dân chúng của mình. E.A.Ritter, tác giả cuốn Shaka Zulu, viết (và được rất nhiều nguồn dẫn lại) theo lời Henry Francis Fynn - một nhà thám hiểm Anh, một chứng nhân trực tiếp:  "Đến buổi chiều, tôi tính được ít nhất 7000 người thiệt mạng trong cuộc thảm sát bừa bãi khủng khiếp ấy". Sau tang lễ, Shaka tiếp tục ra lệnh cho 120.000 chiến binh tỏa đi mọi hướng, xử tử bất cứ ai bị buộc tội không để tang mẹ mình.

Trong cả một đất nước, không còn ai đủ khả năng cảm thấy rằng mình vẫn còn được an toàn, kể cả trẻ em, người già, phụ nữ hay thậm chí phi tần trong hậu cung.

Dù sao, Shaka Zulu cũng được giới chuyên môn đánh giá là một chỉ huy quân sự thiên tài.

Chiến binh siêu đẳng

Shaka Zulu đã trở thành một con quỷ dữ như thế nào?

Sinh vào khoảng những năm 1785-1787, là con ngoài giá thú của một phụ nữ tên Nandi, Shaka lớn lên trong sự ghẻ lạnh của cộng đồng, cũng như những lời nhạo báng triền miên về thân phận của mình suốt cả thời thơ ấu. Cô độc là người bạn đồng hành quen thuộc với Shaka từ thuở đó, và lòng căm ghét loài người có lẽ cũng vậy.

Mười chín tuổi, trưởng thành và vạm vỡ, Shaka trở thành một chiến binh, và được vị nể hơn. Tương truyền, điều này thực sự bắt đầu diễn ra sau khi ông một mình giết được một con báo. Khả năng chiến đấu, hay nói cách khác là bạo lực, mở ra cho Shaka những cánh cửa giải thoát. Chàng trai ấy nghiền ngẫm những phương thức tiêu diệt kẻ thù hiệu quả hơn.

Đầu tiên, Shaka tự thiết kế một loại mũi giáo mới cho mình, mang tên Ixwa, mạnh mẽ hơn loại giáo cũ vẫn được trang bị đại trà. Sau đó, Shaka cải tiến chiếc khiên da bò quen thuộc, làm nó chắc chắn hơn và nặng hơn, đồng thời sáng tạo ra những ngón đòn sử dụng khiên như công cụ tấn công (chứ không chỉ là phòng thủ) trên chiến trường. Theo đó, chiếc khiên nặng sẽ có thể móc vào khiên của kẻ địch, giật tung ra và bắt đối phương hở sườn, mở đường cho nhát đâm quyết định. 

Song, chính là để sử dụng được những thứ vũ khí ấy, Shaka bắt những người lính dưới quyền mình phải tập luyện vô cùng gian khổ. Họ phải chạy hàng giờ, bằng chân trần, băng qua sa mạc, qua những bãi đá nóng, qua gai góc…nhằm tăng cường khả năng chịu đựng của bản thân.

Không có gì ngạc nhiên khi binh đội  của Shaka nhanh chóng trở thành một đoàn quân thiện chiến, đầy sức chiến đấu và vô cùng đáng sợ. Từng bước, Shaka nắm được quyền tổng chỉ huy toàn bộ quân đội bộ tộc Zulu. Hơn thế, ông khắc sâu vào tâm trí từng chiến binh rằng họ chỉ có nghĩa vụ trung thành và tuân phục một mình ông.

Năm 1815, người cha trên danh nghĩa của Shaka, cũng chính là tộc trưởng, qua đời. Shaka cứ nghĩ rằng mình sẽ được quyền kế nhiệm, nhưng không dễ dàng như vậy. Sigujana - một người em cùng cha khác mẹ - đã thách thức ông bằng việc tuyên bố mình mới là tân tộc trưởng. Có điều, những người anh em cùng cha khác mẹ khác lại nghe theo Shaka, và Sigujana bỏ mạng.

Shaka bước lên đỉnh quyền lực. Ông bắt đầu tiến hành cải cách trong toàn bộ bộ tộc Zulu, gọi nhập ngũ tất cả đàn ông, qua đó thần tốc gia tăng tiềm lực quân sự, sẵn sàng cho các cuộc chinh phạt.

Đòn tấn công mở màn nhắm vào chính E-Lageni, bộ lạc nơi Shaka lớn lên và đã phải chịu đựng bao nhiêu đắng cay tủi nhục trong những tháng ngày thơ ấu bị hắt hủi. Cho dù đội quân của E-Lageni đông đảo hơn, họ vẫn không thể chống cự nổi cuộc tập kích trong đêm, xuyên qua khoảng cách 40km mà các chiến binh của Shaka thực hiện.

Các tù nhân bị chia thành hai nhóm. Một nhóm, những người không làm gì Shaka hồi nhỏ, được tha thứ. Nhóm còn lại, tất cả đều bị xiên cọc và thiêu sống. Đến sáng, toàn bộ trai tráng còn lại của E-Lageni bị ép phải trở thành binh sĩ Zulu, phục vụ các tham vọng của Shaka.  

Lễ hội hóa trang theo truyền thống quân đội của Vua Zulu vẫn được duy trì trong thời hiện đại.

Đỉnh cao và vực sâu

Sau chiến thắng đó, hàng loạt các bộ tộc khác cũng quy thuận. Họ gửi trai tráng đến gia nhập đội quân của Shaka, và tất cả đều phải trải  qua những khóa huấn luyện mỗi lúc một thêm khắc nghiệt.

Shaka liên tiếp "bình định" những bộ tộc đối nghịch. Và ở mỗi nấc thang quyền lực, sự tàn bạo cũng theo đó mà gia tăng. Có điều, xen giữa chiến trận sắt máu, Shaka lại luôn chứng tỏ được mình là một vì vua thông thái. Điểm nhấn của khía cạnh này là chuyện ông buộc được một nhóm đồng cốt phải thừa nhận rằng mình đã "sử dụng pháp lực không đúng cách", để rồi xác quyết: Chỉ có duy nhất một mình ta mới có quyền quyết định rằng một người nào đó có tội hay không.

Về binh pháp, Shaka cũng sáng tạo nên đội hình chiến đấu "con trâu", được cấu tạo bằng bốn cánh quân. Theo đó, hai "sừng trâu" sẽ tấn công vào hai sườn kẻ địch, phần "ức trâu" chặn đứng tiền quân địch, và phần hông chính là đội hậu bị. Hằng ngày, lính của Shaka buộc phải hành quân thao luyện ít nhất 70-80km. Bất cứ ai rớt khỏi hàng ngũ cũng sẽ bị hành hình làm gương. Có lẽ, cũng vì thế, sự tàn nhẫn lây nhiễm rất dễ dàng từ người chỉ huy tối cao đến từng người lính Zulu.

Nhờ tất cả các điều đó, Shaka và quân đội Zulu của mình không có đối thủ tại Nam Phi. Năm 1818, lãnh địa của Shaka đã lên tới 11.000 km², sau khi "thu thập" hơn 30 bộ lạc vào đế chế của mình. 

Đối thủ lớn cuối cùng - bộ tộc Ndwandwe của thủ lĩnh Zwide, vốn đã kình chống Shaka Zulu suốt bao năm - cũng bị đè bẹp. Zwide vẫn trốn thoát, song không còn khả năng hồi phục. Tuy nhiên, để bù đắp cho cơn thịnh nộ của Shaka về việc này, tất cả những ai dính líu đến Zwide đều bị tàn sát. 

Riêng mẹ già của ông, Shaka cho nhốt vào lều qua một đêm, cùng một con linh cẩu - điều mà tác giả Ritter giải thích: "Loài thú ăn xác chết ấy sẽ khiến bà mẹ sống dở chết dở".

Và Shaka vẫn không ngừng chinh phạt. Và ngay cả đối với những người lính của mình, ông ta cũng tỏ ra mỗi lúc một tàn bạo. Đã từng có những lần cả trăm người bị xử tử ngay trước mặt đồng đội, chỉ vì không trình được chiến lợi phẩm quy định (mũi giáo của kẻ thù) sau một chiến thắng.

Bạo phát thì bạo tàn. Chính ở thời điểm Shaka nghĩ rằng không ai cản được ông thi hành những chính sách đẫm máu tùy thuộc vào tâm trạng, như một thú vui bệnh hoạn nữa, thì vụ ám sát xảy đến. Và những nhà thám hiểm Anh - những người thực sự khâm phục trí tuệ cũng như thành quả của Shaka - lại có dịp sử dụng tư liệu góp nhặt được, để xuất bản những cuốn sách li kỳ…

* Chỉ trong 12 năm, từ một lãnh địa nhỏ bé, Shaka Zulu đã xây dựng được một vương quốc rộng lớn. Từ 170 km² ban đầu, lúc qua đời, ông ta áp đặt ách cai trị lên 340.000 km². Từ chỗ chỉ có chưa đầy 500 chiến binh trong tay, khi chết, quân đội của Shaka có quy mô khoảng 500.000 người, được vũ trang đầy đủ và tuân thủ kỷ luật chặt chẽ.

* Henry Francis Fynn ghi lại: "Chúng tôi vô cùng kinh ngạc trước tính quy củ và kỷ luật ở những nơi mà chúng tôi đi qua. Các doanh trại quân đội thể hiện rằng sạch sẽ là một thói quen được duy trì hằng ngày, không chỉ ở trong các căn lều mà cả ở những khoảng đất trống bên ngoài".  

Phi Hồ
.
.