Gia Long, Minh Mệnh và chuyện thiết kế lại một Việt Nam thống nhất

Thứ Sáu, 16/08/2019, 15:47
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam sơ kỳ hiện đại (1600-1850) là quá trình mở rộng không gian chính trị người Việt. 

Đặc trưng của quá trình này là lãnh thổ mở rộng từ Bắc vào Nam, còn quyền lực chính trị - quân sự dịch chuyển từ Nam ra Bắc.

Cuối cùng, một đạo quân như thế đã tiến từ Gia Định ra Phú Xuân và Thăng Long, lần đầu tiên thống nhất toàn bộ miền duyên hải phía Đông Đông Nam Á lục địa thành một thực thể chính trị duy nhất vào năm 1802: Việt Nam.

Nhiệm vụ tiếp theo của người cầm quyền là phải tái cấu trúc không gian địa lý đó theo các cách thức có thể cai trị được, dung hòa các xung đột vùng và giúp vận hành hệ thống nhà nước, nếu không cấu trúc địa lý này sẽ nhanh chóng rạn nứt và sụp đổ như những gì đã diễn ra vào cuối triều Tây Sơn.

Sứ mệnh này đặt lên vai của hai vị vua đầu triều Nguyễn là Gia Long (1802-1820) và Minh Mệnh (1820-1841). Hai người này và các cộng sự tại triều đình Huế sẽ loay hoay tìm cách thiết kế lại không gian Việt Nam với tư cách là một “vương quốc”, một “lãnh thổ”, một “không gian địa lý”, “không gian văn hóa-văn minh” và một bản sắc chính trị.

Ở đó, chúng ta thấy những gian nan của cha ông thuở ban đầu trong việc xác lập nên nước Việt Nam hiện đại. Thống nhất được lãnh thổ đã khó, duy trì sự thống nhất và tổ chức hệ thống quản trị nhà nước trên vùng lãnh thổ đó còn gian lao gấp bội.

Nguyễn Phúc Ánh là người đầu tiên biến hạ lưu sông Mekong thành một thế lực kinh tế-chính trị tham gia trực tiếp vào tranh chấp quyền lực ở Việt Nam. Nhà Tây Sơn đã cố gắng làm điều này với việc cử Nguyễn Lữ vào trấn trị Gia Định. Tuy nhiên, việc chia rẽ giữa 3 anh em và cái chết của ông năm 1787 mở đầu cho sự quay trở lại của Nguyễn Phúc Ánh.

Tây Sơn là nạn nhân của chính dự án lãnh thổ mà họ triển khai. Họ gặp lúng túng trong việc tổ chức lãnh thổ mới, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc, phân phối tài nguyên và tổ chức quân sự. Tây Sơn thất bại vì họ chưa sẵn sàng làm chủ không gian lãnh thổ mà mình vừa mới giành được.

Nguyễn Phúc Ánh xuất hiện ở hạ lưu sông Mekong vào đúng thời điểm. Sau nhiều thế kỷ khai thác, vùng đất này trở thành trung tâm kinh tế mới ở Đông Nam Á. 

Các cảng thị như Hà Tiên, Gia Định..., mạng lưới người Hoa, buôn bán lúa gạo, lâm sản, trao đổi vũ khí, truyền giáo, kết nối với các mạng lưới thương nhân châu Âu... biến vùng châu thổ sông Mekong thành một trung tâm kinh tế và dân cư năng động bậc nhất trong khu vực. Đây là một trong những nhân tố quyết định sự phục hưng thành công của họ Nguyễn.

Bức vẽ vua Minh Mệnh trong sách của John Crawfurd (London, 1828).

Dù vậy, việc sáp nhập hạ lưu sông Mekong đã làm thay đổi căn bản cấu trúc địa lý và cán cân quyền lực chính trị người Việt. Vào năm 1802, Việt Nam sở hữu lãnh thổ trải dài từ Bắc xuống Nam nhưng hẹp theo chiều Đông - Tây. Vì thế, người Việt phải dàn ra trên một không gian địa lý phân tán và đường bờ biển dài hơn 3.200 km.

Bằng cách kéo dài một thực thể địa-chính trị 550 km (Lạng Sơn-Hà Tĩnh) ra một không gian dài 2.000 km (đến Hà Tiên), lãnh thổ của Việt Nam năm 1840 ít nhất gấp 3 lần so với năm 1400.

Đây là thách thức mới trong việc định hình bản sắc địa lý Việt Nam, tổ chức, quản lí lãnh thổ, điều tiết các mạng lưới kinh tế và vận hành hệ thống quân sự. Mỗi bước đi của Gia Long và Minh Mệnh có ý nghĩa quyết định tới tương lai của nước Việt Nam. Liệu lãnh thổ này sẽ được cai trị như thế nào? Kinh đô sẽ đặt ở đâu? Nhà nước được tổ chức ra sao? Và cuối cùng, liệu nhà Nguyễn có rơi vào tình thế của nhà Tây Sơn?

Đầu tiên là việc định đô và tổ chức lãnh thổ. Sự mở rộng đất đai quá nhanh để lộ ra những thay đổi “chết người” của cấu trúc quyền lực theo phân vùng địa lý. Nó làm đứt gãy trật tự truyền thống của không gian “Đại Việt” để thai nghén không gian “Việt Nam”. Quá trình này kéo dài 3 thế kỷ với những cơn đau dữ dội mà điển hình là các cuộc chiến tranh kéo dài giữa Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn với Trịnh-Nguyễn, Nguyễn với Tây Sơn.

Các cuộc chiến đẫm máu này phá vỡ trật tự quyền lực địa, chính trị truyền thống. Cấu trúc mới sẽ là sự tranh giành của Gia Định, Phú Xuân và Thăng Long để trở thành trung tâm của nước Việt Nam thống nhất.

Gia Long có lí do chính đáng khi chọn vùng đất của tổ tiên làm đế đô. Cách Hà Nội 700 km và Gia Định 900 km, Huế có thể nhận được báo cáo khẩn từ Hà Nội sau 4 ngày 6 giờ, từ Hà Tiên sau 12 ngày 6 giờ (1836). Có 2 điểm bất lợi làm giảm khả năng cơ động của Huế trong việc cai trị Việt Nam.

Thứ nhất, Huế là đô thị nhỏ hẹp. Sông Hương và các cửa biển xung quanh nông, thường xuyên bị cát bồi. Đó không phải là nơi lí tưởng cho các hải cảng, tập hợp quân sự, trung chuyển hàng hóa. Thứ hai, người cầm quyền gặp khó khăn khi điều hành nền chính trị từ Huế. Vương triều này sẽ phải tiêu tốn nhiều nhân lực vào việc vận chuyển lương thực và quân lính giữa Gia Định-Huế-Hà Nội. 

Vào đầu thế kỷ XIX, hằng năm, hàng vạn người và khoảng 650 chiếc thuyền đã tham gia vào hệ thống này, tiêu tốn một phần lớn tiềm lực và ngân khố nhà nước.

Gia Long không thể có một phương án khác vì ông biết tình thế nan giải về địa, chính trị của mình. Vị vua này ý thức rằng trong con mắt của vùng châu thổ sông Hồng, ông chỉ là một phiên thần nơi biên viễn, phục tùng vị hoàng đế nhà Lê. Đáp lại, ông và các quan chức ở Huế lập luận rằng vận của nhà Lê đã hết. Họ Nguyễn giành lấy ngai vàng từ tay triều Tây Sơn tiếm ngụy chứ không phải nhà Lê.

Dù vậy, nhà vua tìm cách dung hòa bằng việc tổ chức lãnh thổ vừa chiếm được làm 3 phần, đặt dưới sự cai trị của 3 trung tâm quyền lực khác nhau. 

Từ Ninh Bình ra Bắc, ông giao cho viên tướng am hiểu chính trị nhất của mình là Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn. Ông này có toàn quyền xử lí các công việc dưới địa hạt sau đó tấu báo về Huế. Tương tự, từ Bình Thuận vào Nam là chính quyền Gia Định thành. Huế thực chất chỉ kiểm soát dải miền Trung tương đối nghèo nàn so với hai châu thổ trù phú.

Sự phân tán này tồn tại trong suốt thời kỳ Gia Long và đầu Minh Mệnh. Tuy nhiên, nhà vua thứ hai có những tham vọng chính trị lớn lao về tập quyền hóa và thống nhất lãnh thổ. Ông tìm cách phá vỡ hệ thống tự trị của hai vùng châu thổ bằng cách sắp xếp lại hệ thống hành chính ở Bắc thành và Gia Định thành (1831-1832), thay thế toàn bộ các dinh trấn bằng cấp tỉnh.

Sự thay đổi này đặt nền móng cho tổ chức lãnh thổ và đơn vị hành chính của nước Việt Nam hiện đại. Ngay cả người Pháp sau này cũng dựa trên hệ thống phân cấp hành chính đó.

Tuy nhiên, sự sắp đặt này đã phải trả một giá đắt. Đó là thập niên chiến tranh và bạo lực xã hội (1826-1836) trải dài từ Bắc đến Nam, từ vùng biên giới Việt-Trung cho tới Campuchia, thu hút từ các nông dân làng xã ở châu thổ cho tới người dân tộc thiểu số.

Công cuộc cải cách hành chính của Minh Mệnh là một trong các nỗ lực lớn nhất của nhà nước tại Việt Nam thời tiền thực dân nhằm mở rộng ảnh hưởng xuống địa phương. Ông đã thiết kế lại Việt Nam của Gia Long bằng cách thu hồi quyền lực tự trị địa phương và vùng dân tộc thiểu số, thay bằng các quan chức do Huế bổ nhiệm.

Để thúc đẩy hệ thống hành chính và lãnh thổ mới này, nhà Nguyễn tạo ra một hình dung địa lý mới và không gian bản sắc mới cho Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên, chỉ một năm sau ngày thống nhất lãnh thổ, Gia Long yêu cầu Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định tiến hành biên soạn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, ghi chép chi tiết hệ thống đường sá và thông tin. Việc xây dựng hệ thống liên lạc và đồn lũy quân sự cũng giúp củng cố hình dung địa lý mới về nước Việt Nam. Mạng lưới này được mở rộng với hơn 150 dịch trạm chạy dọc theo đường Quan Lộ.

Phải mất nhiều thập niên, hệ thống đường sá, kênh đào mới được xác lập, tạo ra các mạng lưới kết nối không gian lãnh thổ Việt Nam. Đó chính là lúc ra đời các ý tưởng về một Việt Nam/ Đại Nam nhất thống chí và toàn đồ.

Các sách địa chí và bản đồ này sẽ góp phần tạo dựng nên bản sắc của thực thể chính trị Việt Nam. 

Vào những năm 1830, Việt Nam sẽ được mô tả như một đại quốc. Minh Mệnh tuyên bố vào năm 1838 rằng “nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng, đều thuộc vào trong đồ bản, bãi biển xó rừng khắp nơi theo về cả” (Đại Nam thực lục).

Cuối cùng, bài viết này gợi ý về các nỗ lực của Gia Long và Minh Mệnh trong việc tái cấu trúc lại Việt Nam bằng cách tiến hành các thử nghiệm hành chính và lãnh thổ nhằm xác lập quyền lực nhà nước. Dự án chính trị này cho phép chúng ta tìm kiếm những lí giải khác về sự phức tạp của mô hình lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX.

Xem xét sự sắp đặt của Gia Long và Minh Mệnh không chỉ giúp hiểu về sự đa dạng tộc người, thực hành văn hóa mà còn khuynh hướng mở rộng lãnh thổ, lí giải tại sao Việt Nam lại xuất hiện với hình hài ngày hôm nay và với các đặc trưng chính trị, xã hội, quan hệ vùng miền như nó đã diễn ra 2 thế kỷ qua.

Lịch sử Việt Nam và sự định hình bản sắc Việt Nam hiện đại sẽ không thể hiểu được nếu như không có góc nhìn tham chiếu với các sắp đặt lãnh thổ và hành chính này. Dĩ nhiên, điều này không có ý tuyệt đối hóa vai trò của Gia Long hay Minh Mệnh đối với cấu trúc và các đặc trưng của nền chính trị Việt Nam hiện đại.

Không phải tất cả chính sách của họ đều hoàn hảo và chúng ta không nên quên rằng để có được không gian Việt Nam, dân tộc Việt Nam và bản sắc Việt Nam như ngày hôm nay, không chỉ là sản phẩm dự án của người Việt mà còn là đóng góp, hội tụ tinh hoa và cả hy sinh mất mát của nhiều nhóm người khác nhau để tạo nên một Việt Nam thống nhất và đa dạng.

Vũ Đức Liêm
.
.