Những người Germanic và sự định hình Tây Âu Trung Cổ

Thứ Năm, 01/08/2019, 17:19
Không khác gì sự suy tàn của Đế quốc Trung Hoa triều Tấn ở bên kia đại lục địa Á - Âu, đế quốc Tây La Mã cổ cũng sụp đổ bởi sức tiến công mãnh liệt từ những sắc dân ngoại tộc có trình độ phát triển văn minh thấp hơn hẳn mình, nhưng tinh thần chiến đấu cũng như tham vọng quật khởi thì hoàn toàn vượt trội. 

Không khác gì sự suy tàn của Đế quốc Trung Hoa triều Tấn ở bên kia đại lục địa Á - Âu, đế quốc Tây La Mã cổ cũng sụp đổ bởi sức tiến công mãnh liệt từ những sắc dân ngoại tộc có trình độ phát triển văn minh thấp hơn hẳn mình, nhưng tinh thần chiến đấu cũng như tham vọng quật khởi thì hoàn toàn vượt trội. 

Tây Tấn của người Hán mất nước bởi điều gọi là "Ngũ Hồ (5 sắc dân ngoài biên địa: Hung Nô, Khương, Tiên Ty, Kiệt, Để) loạn Hoa", thì Tây La Mã cũng bị đánh bại và thống trị bởi các tộc người Germanic.

Người Visigoth, trên đống tro tàn La Mã

Cũng nằm trong hệ gia đình ngôn ngữ Ấn - Âu (Indo - Europeen) như người Hy Lạp, người La Mã hay người Celt, theo giới nghiên cứu, những bộ tộc Germanic lúc đầu định cư tại duyên hải Baltic và trên bán đảo Scandinavie (nghĩa là ở Bắc Âu), rồi sau đó mới di chuyển dần về phương Nam. 

Giống "rợ" Germanic đầu tiên được tài liệu La Mã ghi chép gọi là Goth, định cư tại phía Bắc sông Danube, trên những bình nguyên Ukraina và Romania hiện tại.

Thế rồi, như "hiệu ứng cánh bướm", những đợt tấn công của các tướng quân Vệ Thanh và Hoắc Khú Bệnh triều Hán ở phương Đông lên phía Bắc đã khiến một số lượng không nhỏ các bộ lạc Hung Nô thiện chiến (cùng những sắc dân anh em) di cư xuyên lục địa, qua Trung Á, sang đến rìa châu Âu. 

Ở đó, họ gieo rắc kinh hoàng cho cả người Goth lẫn người La Mã, và người Goth bắt đầu đầu quân, phục vụ cho cả hai đế quốc La Mã.

Bước xâm lăng của các bộ tộc Germanic.

Một bộ lạc, được định danh là Visigoth (người Goth ở phía Tây), xin được qua sông Dabube để định cư trong lãnh thổ La Mã, ở Bulgaria bây giờ. Họ được chấp thuận, nhưng lính biên phòng La Mã đối xử và lạm dụng họ một cách tàn tệ. 

Cho dù vậy, số lượng người Visigoth liều mạng sống vất vưởng quanh kinh đô Constantinople của đế quốc Đông La Mã (Byzantine) mỗi lúc một tăng cao, và tích tụ đủ tiềm lực để phản kháng lại áp bức.

Đến năm 378, lần đầu tiên, kỵ mã Visigoth đánh thắng đạo quân chính quy của hoàng đế Đông La Mã Valens, thậm chí hạ sát luôn cả hoàng đế trong trận. Đó là bước ngoặt mở toang cánh cửa cho những người đồng chủng của họ tràn vào. Tất nhiên, những đạo quân bán khai ấy chưa đủ khả năng công chiếm Constantinople, hay những trọng trấn khác. 

Song, họ liên tục di chuyển, bỏ qua các thành trì, cướp bóc và tàn phá những khu vực làng quê trù phú ở Hy Lạp hay bán đảo Balkan (kể cả thành Athens), rồi lại quay ngược lên bắc, men theo bờ biển Adriatic sang đất Ý.

Năm 410, tộc trưởng Alaric dẫn đoàn quân Visigoth ấy cướp phá thành La Mã (Roma). Những người kế nhiệm ông tiếp tục đưa người của mình qua dãy Alpes vào đất Pháp, băng qua rặng Pyrenee xuống nam. 

Ở đây, đã hấp thụ đủ văn minh và đã chán lưu lạc, người Visigoth thành lập một đế quốc trên bán đảo Iberia. Nền thịnh trị của họ kéo dài tới tận thế kỷ thứ VII, khi bị đánh bại bởi các đoàn thiết kỵ Hồi giáo.

Người Vandal và người Anglo Saxon

Gần như cùng lúc với hành trình đó của người Visigoth, theo các tác giả cuốn Văn minh phương Tây, một bộ tộc Germanic khác là người Vandal vượt sông Rhine vào xứ Gaule (nước Pháp hiện tại), rồi cũng xuống định cư ở Tây Ban Nha vào năm 411. 

Tại đây, họ nhận được lời mời (hay đúng hơn, lời đề nghị thuê mướn) tòng quân đánh lại chính quốc từ vị thống đốc của Tây La Mã ở Bắc Phi (lãnh thổ đế quốc Carthage cũ).

Năm 429, người Vandal vượt qua eo biển Gilbrantar. Họ chiếm luôn vùng này, rồi sang đông tiến đánh Morocco và Algeria, định đô ở Carthage (nay là Tunisia). Sau đó, họ đóng tàu, thiết lập hạm đội, vượt Địa Trung Hải quay ngược về bắc đánh đế quốc Tây La Mã. 

Năm 455, người Vandal gần như tàn sát cả thành Roma, trong một cuộc đột kích khủng khiếp, mà dấu tích còn hằn in ở một danh từ thuộc hệ ngôn ngữ Latin: Vandanlisme (bạo lực, khủng bố, khát máu…)

Trong khi đó, khoảng trống quyền lực mà người La Mã để lại khi bắt đầu rút các đoàn quân viễn chinh trấn phòng ở đảo Anh cũng bắt đầu được lấp đầy bởi những bộ tộc Germanic đến từ Đan Mạch hay miền bắc nước Đức, tiêu biểu là người Anglo Saxon. Họ nhanh chóng áp đặt được ách thống trị lên người Briton gốc Celt, và chẳng bao lâu đã thành lập nên 7 vương quốc in dấu trong truyền thuyết cổ sử Anh quốc.

Tuy nhiên, khác với người Visigoth hay người Vandal - "những kẻ ngoại đạo" thù hằn và sẵn sàng tàn sát tín đồ Ki-tô giáo, người Anglo Saxon chung sống khá yên bình và đón tiếp khá thân thiện đối với những nhà truyền giáo đến từ Ireland (vẫn thuộc người Celt) hay La Mã, bất kể việc vẫn lưu truyền tín ngưỡng Bắc Âu cổ của mình. 

Bóng dáng của sự hòa nhập này được khắc họa thấp thoáng trong danh tác Ivanhoe của văn hào Anh Walter Scott, đặc biệt là ở các nhân vật trưởng lão quý tộc Saxon (như Cedric, cha của Ivanhoe), xuất hiện song song với vị tu sĩ Tuck, cùng các hiệp sĩ Thánh chiến.

Người Ostrogoth và dấu chấm hết của Tây La Mã

Như đã đề cập, từ châu Á, một nhánh người Hung Nô tràn đến biên giới phía Đông của châu Âu, tạo nên những xung lực góp phần làm rệu rã thêm những thiết chế chính trị đã mục ruỗng của hai đế quốc lớn, nhất là Tây La Mã. 

Thực tế, sự phân rã Đại La Mã thành hai mảnh ấy cũng là một nguyên nhân khiến sức phản kháng trước sự xâm thực yếu đi, bên cạnh yếu tố mà sử gia cổ đại Tacitus nhấn mạnh: Sự suy đồi và bạc nhược trong đủ đầy thịnh vượng của chính các thế hệ công dân La Mã.

Attila the Hun (Attila người Hung Nô) - cái tên sáng chói nhất của dân Hung Nô ở châu Âu (cũng là người tạo nên địa danh Hungaria), thậm chí còn bắt hoàng đế Đông La Mã triều cống. Sau cái chết của ông, dù người Hung Nô quay lại châu Á, vẫn còn hàng loạt bộ tộc du mục khác noi gương "hành hạ" đế quốc: Người Avar, người Bulgar hay người Magyar…

Thế nhưng, những giống dân ấy chỉ áp đặt quyền lực và tìm kiếm những mảnh đất định cư. Những sắc dân Germanic, cuối cùng, vẫn đảm nhiệm vai trò giáng xuống các nhát búa cuối cùng.

Romulus Augustulus thoái vị.

Ostrogoth (người Goth ở miền Đông) nổi lên khi đế quốc Hung Nô tan rã. Họ tiến vào đất Ý giữa một thời điểm động loạn, khi các hoàng đế Tây La Mã thật ra chỉ còn là những công cụ chính danh của các thủ lĩnh Germanic hùng mạnh ở gần đó. 

Một thủ lĩnh như vậy, Odovacar (Odoacer), truất ngôi Romulus Augustulus - hoàng đế cuối cùng của Tây La Mã, năm 476. Và Theodoric - thủ lĩnh người Ostrogoth, người được giáo dục tử tế ở Constantinople, người ngưỡng mộ cả văn minh Hy Lạp lẫn định chế đế quốc La Mã - tiến đánh Odovacar, trên cương vị là thống đốc Đông La Mã.

Theodoric cùng triều đình của mình (đóng đô ở Ravenna) là sự manh nha xác lập bước phát triển vượt bậc của các bộ tộc Germanic trên lãnh thổ Tây La Mã cũ. Họ không còn chú tâm vào cướp phá nữa, mà đã sẵn sàng thay thế người La Mã làm chủ mảnh đất ấy theo đúng nghĩa. 

Theodoric thông hôn với các thủ lĩnh Vandal hay Visigoth, nhưng không tin họ. Ông chịu mệnh từ Zeno - hoàng đế Đông La Mã, nhưng vẫn chuẩn bị chiến tranh với Constantinople.

Vấn đề là ông mất quá sớm, và giấc mơ dang dở của ông, sứ mệnh mà ông hướng tới, tham vọng chính trị to lớn của ông chuyển vào tay một bộ tộc Germanic khác: Người Franc (Frank), những người mang lại cho nước Pháp cái tên hiện đại (France), với đại biểu kiệt xuất nhất: Charlemagne.

Nhưng, kể từ Odovacar và Theodoric, định chế hai đế quốc La Mã song song đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Chỉ còn lại một ở phía đông, và người ta gọi nó là Byzance. Và thời Trung Cổ bắt đầu. 

* Theo một số ghi chép, Theodoric đã vây hãm Odovacar suốt ba năm, nhưng không thể chiến thắng. Hai phía hẹn nhau giảng hòa, và chính ở hội nghị đó, phục binh của Theodoric đã giết Odovacar.

* Chưa công trình nghiên cứu nào chắc chắn được về kết cục của Romulus Augustulus sau khi bị ép thoái vị. Có nguồn ghi là ông bị Odovacar bức tử, nhưng cũng có những nguồn phản bác, cho rằng ông vẫn còn được bảo toàn sinh mệnh tại một tu viện, khi đã không còn gì trong tay đủ để gây nguy hại cho chính quyền mới. Lập luận này dựa vào vài bức thư của Theodoric, cũng như việc Hoàng đế Đông La Mã Zeno tuyên bố tái xác lập quyền cai trị của mình ở cả phần Tây của đế quốc.

Phi Hồ
.
.