Ai đã chọn thiên chúa giáo cho La Mã

Thứ Sáu, 19/07/2019, 11:45
Istanbul là một thành phố lừng danh. Song, vượt xa tầm vóc "thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ" mà đa số công dân của thế giới hiện đại biết đến, thành phố ấy đã từng là một địa danh lừng lẫy, gắn liền với một cái tên lừng lẫy.

Trước khi nhận cái tên Istanbul năm 1930, nó lần lượt được gọi là Byzantium, Nova Roma (Tân La Mã) hay Stamboul. Nhưng, cái tên nổi tiếng nhất là Constantinopolis (hay Constantinople), được đặt theo tên của một hoàng đế vĩ đại: Constantinus. Éo le thay, đó cũng chính là người xác lập địa vị tuyệt đối của Thiên Chúa giáo trên toàn lãnh thổ đế quốc La Mã.

La Mã, từ đa thần đến độc thần

Trước khi Chúa Jesus cùng các tông đồ xuất hiện, theo đánh giá của nhóm tác giả cuốn Văn minh phương Tây (Crane Brinton và Robert Lee Wolff - Đại học Harvard, John B.Christopher - Đại học Rochester), tôn giáo của La Mã cổ đại là thứ "tôn giáo của một thị quốc nông nghiệp". 

Sau đó, người La Mã vay mượn và "La Mã hóa" các vị thần trên đỉnh Olympus của thần thoại Hy Lạp, trao các nghi lễ tôn giáo cho các giáo sĩ - một giai cấp đầy quyền lực, do giáo chủ lãnh đạo.

Song, đến thời cực thịnh, không một tín ngưỡng đa thần sơ khai nào theo kiểu ấy còn đủ sức hấp dẫn đông đảo mọi tầng lớp dân chúng trên lãnh thổ mênh mông của đế quốc nữa. Điều đó, xét cho cùng, làm các nhà cai trị gặp nhiều khó khăn hơn.

Bên cạnh thế quyền tuyệt đối của mình, giới quân chủ và quý tộc cũng luôn cần thần quyền - thứ công cụ thống trị về mặt tinh thần, để đè nén và định hướng những đám đông bị bóc lột. Và thứ thần quyền ấy, theo thời gian, được xác định rằng nên là (hay đúng hơn: phải là) một thứ tôn giáo có tính cách phổ quát.

Công đồng Nicae trong tranh cổ.

Tín lý của Chúa Jesus, ngay khi ngài xuất hiện ở miền đông đế quốc, đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu đó. Những thông điệp mà Ngài đưa ra có tính chất tổng quát, và rất dễ hiểu. Ngài nhanh chóng thu hút được đám đông bần hàn, những kẻ thất học, những nô lệ, những người đau khổ và yếu đuối. Ngài rao giảng yêu thương và nhu hòa, khiêm tốn và thành thật, bao dung và nhân ái…, để được hưởng phước tại Thiên Đàng, trong Ngày phán xét.

Nói một cách khác, tín lý ấy hướng con người đến sự nhẫn nhục. Bởi vậy, hầu như không có học giả nào đánh giá Jesus là một nhà cách mạng (cho dù các luồng tư tưởng bài Thiên Chúa giáo cố gắng chứng minh rằng Chúa Jesus có nỗ lực xách động quần chúng để đoạt quyền ở vương quốc Do Thái Juda). Ngài là một nhà tư tưởng, với những tư tưởng khởi nguồn mang tính phản kháng nhưng cuối cùng lại có lợi cho giới quân chủ La Mã.

Có điều, thoạt đầu, các hoàng đế La Mã chưa nhận ra khía cạnh ấy. Họ chỉ thấy một mầm họa, một tư tưởng không chấp nhận trật tự xã hội đương thời, một thế lực đang lên, một địch thủ tiềm tàng…, và họ tìm mọi cách để triệt hạ địch thủ ấy.

Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá, nhưng cả xứ Syria và xứ Palestine hưởng ứng các tông đồ của Ngài. Vua Saul ở Tarsus, cải đạo từ Do Thái cổ sang Ki-tô giáo mới, trở thành Thánh tông đồ Paul, tổ chức giáo hội đầu tiên. Thánh Paul và Thánh Pierre (St Pierre - St Peter), tương truyền, rồi cuối cùng cũng đều tử đạo ở La Mã.

Những cuộc đàn áp ập xuống các tín đồ, ngay từ trước đó. Điều này không có gì khó hiểu, khi giáo dân Ki-tô luôn từ chối làm thánh lễ trước tượng đương kim hoàng đế La Mã, theo luật lệ hiện thời - một sự xấc xược không thể tha thứ. Họ không thừa nhận ông vua thế tục ấy. Họ chỉ có một ông vua, ở Nước Trời. Họ sùng tín, và họ đoàn kết.

Đến tận năm 313, những cuộc đàn áp đẫm máu mới chấm dứt. Một trong hai người quyết định điều đó, bên cạnh Licinius - hoàng đế Tây La Mã, là Constantinus - hoàng đế Đông La Mã.

Sắc lệnh Milan, đằng sau một huyền thoại

Chuyện được kể lại, rằng năm 312, trên đường chinh phạt tới Damas, Constantinus gặp một ảo giác. Ông nhìn lên trời, và chợt thấy dấu hiệu thập giá chắn trước mặt trời, với dòng chữ "In hoc signo vinces" (Nhờ dấu hiệu này mà chiến thắng). 

Ông cho thêu dấu hiệu ấy lên cờ trận của mình, quả nhiên chiến thắng, và xem chiến thắng ấy có được là nhờ sự phù hộ của Chúa Trời. Trở về, dù vẫn theo tôn giáo cũ, ông cũng bắt đầu tự xem mình là một giáo đồ Ki-tô giáo.

Và năm 313, ông ra sắc lệnh Milan. Với sắc lệnh ấy, Constantinus bãi bỏ toàn bộ các hình thức trừng phạt dành cho giáo dân áp dụng trước đó, đồng thời trả lại toàn bộ tài sản bị tịch thu cho Giáo hội. Và bởi vì tự xem mình là người lãnh đạo toàn thể tín đồ, Constantinus có thể được coi là Giáo hoàng đầu tiên, một cách không chính thức. Song, như vậy cũng đã đủ là sự xác lập ưu thế tuyệt đối - quốc giáo - của Ki-tô giáo tại  phần đế quốc Đông La Mã.

Tường thành cũ Constantinople.

Và rồi, năm 320, Licinius vi phạm Sắc lệnh Milan ở phía Tây. Constantinus lập tức động binh, đánh bại, bắt sống và xử tử Licinius (năm 323). La Mã chỉ còn một hoàng đế duy nhất. Ki-tô giáo trở thành quốc giáo của toàn đế quốc. Các thánh tích được tập trung, và các vương cung thánh đường được xây dựng ở tân đô Byzantium/Nova Roma, cũng như cựu đô Roma.

Kể từ đó đến khi qua đời (năm 337), dù vốn là một hoàng đế ưa chinh chiến và sẵn sàng thu thuế tàn khốc, Constantinus vẫn luôn luôn nâng đỡ Thiên Chúa giáo, từ tài chính đến địa vị. Tăng lữ - tầng lớp phải đến Đại cách mạng Pháp 1789 mới bị đánh đổ - thoát thai từ đó. Các giáo xứ - hệ thống hành chính giáo hội - xuất hiện từ đó. 

Hàng giáo phẩm (linh mục, giám mục, tổng giám mục, hồng y giáo chủ và Giáo hoàng) cũng bắt đầu hình thành từ đó, liên kết chặt chẽ với thế quyền, đóng vai trò biểu tượng tinh thần, hưởng thụ mọi đặc quyền đặc lợi (và có người cũng nhiễm đủ mọi thói hư tật xấu thế tục…

Trở lại với câu chuyện "In hoc signo vinces", có lẽ bất cứ ai có hứng thú tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử quốc tế đều khó có thể tin rằng đó đơn thuần chỉ là một ảo giác. Đó là một huyền thoại đẹp đẽ, cũng giống như huyền thoại Lý Thái Tổ thấy rồng vàng Thăng Long ở Việt Nam, được lan truyền nhằm tạo thêm sức thuyết phục cho những vận động chính trị cần thiết. Vua Lý muốn dời đô về đất rộng, xa các thế lực quý tộc Đinh - Lê tiền triều ở Hoa Lư, gần nơi phát tích của mình là Bắc Ninh.

Còn Constantinus? Ông cần một cái cớ để sử dụng một công cụ cai trị mới: thần quyền. Nói cách khác, ông thông minh và khôn khéo hơn các hoàng đế La Mã tiền nhiệm, khi lợi dụng thay vì tiếp tục đàn áp một tôn giáo mới, đầy sức hấp dẫn và phù hợp với bối cảnh lịch sử.

Dưới lá cờ in dòng khẩu hiệu thần thánh kia, Constantinus đã thắng một trận lớn. Với việc "làm hòa" cùng Ki-tô giáo, ông thống nhất đế quốc, trở thành Đại đế. Năm 313, thập giá từ một công cụ hành hình trở thành biểu tượng "Thánh giá".

Tượng Constantinus ở York, nước Anh.

Năm 325, Constantinus chủ trì Công đồng Nicea - đại hội nghị thống nhất giáo lý của các giáo phái Ki-tô, điều chưa hề xảy ra suốt quãng thời gian tồn tại trước đó của tôn giáo này. Ki-tô giáo nguyên thủy bị khai tử, thay vào đó là cơ cấu tổ chức và hệ thống tín điều được Constantinus lựa chọn và chuẩn y.

Với việc tìm thấy "Những cuộn giấy ở Biển Chết" - những bản ghi chép được cất giấu trong các vò sành qua cả 2.000 năm, thành tựu nổi bật của ngành khảo cổ thế giới đầu thế kỷ trước - nhân loại biết rằng có những bản Phúc âm lạ của các tông đồ đã bị gạt khỏi giáo lý chính thống (có lẽ bởi chúng quá ít tính "thần thánh" và quá nhiều tính "trần tục" - nghĩa là không có nhiều giá trị sử dụng - khi kể lại về cuộc đời Chúa Jesus) tại Công đồng Nicea.    

Năm 340, hoàng đế kế nhiệm Constantinus đặt cho Ki-tô giáo danh xưng chính thức: Catholica Roma (Thiên Chúa giáo La Mã), mà "catholica" có nghĩa là "mang tính toàn cầu".

Những tham vọng không nhỏ ẩn chứa trong các tiểu tiết đó. Chưa ai quên, thực dân Tây Ban Nha và thực dân Bồ Đào Nha đã phải viện đến Giáo hoàng để phân chia lãnh thổ thuộc địa giành được vào thời cực thịnh như thế nào, trên đường "mở mang nước Chúa".

Nhưng hiện tại, Constantinople (Thành phố của Constantinus) đã trở thành Istanbul - một trong những đô thị lớn nhất và quan trọng nhất thuộc thế giới Hồi giáo… 

* Constantinopolis, trong một quãng rất dài của lịch sử, là kinh đô của đế quốc La Mã, kinh đô của đế quốc Đông La Mã/Byzance (sau khi La Mã phân ly), thủ phủ của các lãnh thổ Latin (mà Thập tự quân Tây Âu lập nên trong các cuộc Thập tự chinh), rồi kinh đô của đế quốc Ottoman.

* Ở một khía cạnh khác, Constantinus có lẽ cũng chính là người khởi xướng tinh thần bài Do Thái, với những quy định cấm đoán đi ngược lại tinh thần khá khai phóng nguyên thủy của đế quốc La Mã.

Đông Quân
.
.