Mật mã cứu chuộc của Elon Musk

Thứ Năm, 13/06/2019, 15:46
Vào thời điểm Elon Musk tiếp tục vẽ ra một viễn cảnh hùng vĩ mới cho nhân loại, thì cổ phiếu của Tesla bỗng nhiên trải qua đợt giảm ghê gớm nhất trong lịch sử, với gần 5 tỷ USD bốc hơi từ đầu năm tới giờ. Rốt cục thì điều gì đã xảy ra?

Vào đêm muộn ngày 24-5 (giờ Mỹ), tên lửa Falcon 9 đưa 60 vệ tinh phát sóng Internet vào Quỹ đạo thấp (LEO), có độ cao 400km, viên gạch đầu tiên trong tham vọng phủ sóng Internet chất lượng cao toàn cầu của Elon Musk.

Starlink được khởi động từ năm 2015, lần đầu phóng thử hai vệ tinh vào quỹ đạo năm ngoái, và dự kiến sẽ phóng tổng cộng 12.000 vệ tinh, chia thành hai chòm với số lượng lần lượt là 4.409 và 7.518 vệ tinh, lên Quỹ đạo. Musk cho biết để phủ sóng toàn cầu, sẽ cần tối thiểu 400 vệ tinh, và 800 - 1.000 vệ tinh để đảm bảo được chất lượng internet tốc độ cao.

Để hiểu được động lực đằng sau dự án khổng lồ của Musk, chúng ta cần phải biết sơ qua về hạn chế của hạ tầng internet toàn cầu lúc này. Internet, định nghĩa đơn giản nhất, là một loạt các máy tính được kết nối với nhau. Chúng ta trả tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ để định tuyến dữ liệu đến và đi từ các website cũng như thiết bị. 

Bên trong một chiếc Tesla Model S tự lái.

Dữ liệu hiện tại đa số được truyền đi nhờ các xung ánh sáng qua cáp quang. Nhiều gói dữ liệu có thể đi xa hơn với tín hiệu mạnh hơn là tín hiệu điện truyền qua cáp kim loại. 

Nhưng cáp quang không hề rẻ chút nào và khó lắp đặt, đặc biệt là qua các vị trí ở hai bán cầu đối diện nhau của trái đất. Ngay cả trong một quốc gia, thì việc triển khai cáp quang đi toàn bộ đất nước cũng là điều vô cùng khó khăn.

Và cáp quang cũng có hạn chế: Ánh sáng truyền qua môi trường chân không nhanh gấp 47% tốc độ truyền qua cáp quang thông thường. Đây không phải điều có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ lướt web hoặc xem truyền hình. 

Nhưng với những khoảng cách quốc tế, nó tạo ra độ trễ (lag) thông tin, thứ sẽ được phơi bày rõ nhất trong những hội nghị trực tuyến và các cuộc điện thoại internet. Dữ liệu được truyền qua các vệ tinh hiện tại là một trong những phương thức truyền tín hiệu có độ trễ cao nhất, vì hầu hết các thiết bị vũ trụ hoạt động trên Quỹ đạo cách xa trái đất khoảng 22.236 dặm (35.786km). 

Tín hiệu được mã hóa ở thiết bị đầu, truyền lên vệ tinh, giải mã ngược và chuyển đến thiết bị cuối. Khoảng cách trên có thể khiến độ trễ lên đến nửa giây. Độ trễ đặc biệt quan trọng với các tổ chức tài chính, các thị trường trị giá hàng tỷ USD trong một giây. Thiệt hại của nửa giây là khủng khiếp.

Nếu thành công, Musk sẽ tạo ra một giao thức truyền dẫn chưa từng có: tốc độ internet sẽ tăng gấp 40 lần, và công dân toàn thế giới có thể truy cập vào mạng thông tin toàn cầu từ bất cứ đâu, với một thiết bị đầu cuối để thu phát tín hiệu từ vệ tinh dự kiến có giá khoảng 200USD.

"Musk là kẻ nói dối"

Nhưng một tuần sau khi phóng thành công 60 vệ tinh lên Quỹ đạo, hiệu ứng Musk tạo ra dường như không còn màu nhiệm như trước. 

Theo Bloomberg, cổ phiếu của Tesla đã giảm 43% tính từ đầu năm nay tới giờ, và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Công ty thường xuyên không thể giao xe cho khách hàng đúng hạn. Cuối năm ngoái, Musk bị phạt 20 triệu USD và buộc rời ghế Chủ tịch Tesla vì công bố thông tin sai sự thật.

Cùng với kế hoạch phủ sóng internet toàn cầu và đưa người lên Sao Hỏa, Musk được cho là đang tiến hành song song hơn 20 dự án viễn tưởng khác, như là chế tạo một con rồng máy, hay là đưa người đi du lịch vòng quanh mặt trăng. 

Nhưng những thất bại liên tiếp đã làm nảy sinh phản biện vào thành trì Musk, người đã tạo dựng cho mình hình ảnh đáng mơ ước của một vị thánh đang cứu chuộc thế giới.

Cuối năm ngoái, nhà đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak, tuyên bố: Tôi không còn tin Elon Musk nữa. Wozniak trước đó là một fan bự của Tesla, nhưng cho biết rằng những lời hứa hẹn suông của Musk đã khiến ông cảm thấy mệt mỏi. 

Trước đó không lâu, Bill Smith, Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của Quỹ đầu tư Blaine Capital, đã giật một quả bom: Khi trả lời phỏng vấn kênh CNBC trên sóng trực tiếp, ông đã gọi Musk là "kẻ nói dối, sẵn sàng nói bất cứ điều gì để giữ giá cổ phiếu không xuống".  

Đấy là lần đầu tiên Musk bị lăng mạ một cách công khai, và cũng là lần đầu tiên thị trường phản ứng ngả theo những chỉ trích nhắm vào Musk: Cổ phiếu của Tesla giảm thê thảm.

Sau đó là những sự kiện cho thấy con đường vươn đến những vì sao của Musk không hề hoàn hảo. Tesla đốt khoảng nửa triệu USD mỗi giờ, với nguồn vốn từ các nhà đầu tư và chính phủ. Vào tháng ba năm ngoái, một người đã thiệt mạng sau khi thử chiếc xe tự hành Model X. 

Hai tháng sau, NTSB công bố một cuộc điều tra sau khi hai thiếu niên tử nạn trong một chiếc Tesla Model S, với pin xe bốc cháy sau vụ tai nạn. 

Bộ phận An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp của California đã mở nhiều cuộc điều tra nhắm vào môi trường làm việc của Tesla sau những khiếu nại của nhân viên, trong khi đó, Musk lên Twitter và viết rằng mình tự hào vì những chiếc xe điện Tesla đang được sản xuất ra từ… những cái lều.

Cái giá của giấc mơ

Câu chuyện cuộc đời của Elon Musk, giống như rất nhiều doanh nhân vĩ đại khác đi trước ông, đọc như huyền thoại, và Musk như bước ra từ truyện tranh (người ta đã so sánh ông với Iron Man của truyện Marvel). 

Ông là một thần đồng với trí thông minh tuyệt hảo, từng đọc hết bách khoa toàn thư chỉ để… cho vui; từng bị những kẻ bắt nạt đố kỵ đến mức đẩy xuống cầu thang và đánh đập thậm tệ. 

Nhưng vượt trên tất cả, Musk được nhìn nhận như một người bị ám ảnh bởi một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới này, với những dự định hết sức điên rồ. Musk bắt tay nghiêm túc vào dự án đưa con người lên sao Hỏa từ những năm 2000, với số tiền 180 triệu USD từ việc bán PayPal, công ty lớn đầu tiên của ông, để thành lập tập đoàn tên lửa tư nhân SpaceX. 

Vài năm sau, Musk đầu tư hàng triệu USD vào nhà máy sản xuất ôtô điện Tesla. Những thất bại liên tiếp ập đến. Tên lửa đầu tiên của SpaceX phát nổ, rồi đến cái thứ hai, và thứ ba.

Vào năm 2008, khi thị trường tài chính thế giới lâm vào khủng hoảng, mọi chuyện trở nên vô cùng tồi tệ. Những chiếc xe điện Tesla đã chậm tiến độ ra mắt vài tháng, và Musk chỉ còn đủ tiền cho một lần phóng tên lửa. 

Nếu tên lửa lại nổ và xe không chạy, cuộc chơi kết thúc. Musk sẽ phá sản, và trở lại với cuộc đời của một kẻ vô danh. 

Musk thừa nhận mình đã ở bên bờ vực, và rồi tất cả đột nhiên quay lại: Vụ phóng tên lửa thành công, NASA ký với SpaceX một hợp đồng khổng lồ; những chiếc xe điện đầu tiên được bàn giao; và Musk chiến thắng.

Hình ảnh mô phỏng hệ thống vệ tinh phủ internet toàn cầu của Elon Musk. Dự kiến sẽ có 12.000 vệ tinh được phóng lên Quỹ đạo thấp ở độ cao 400km.

Ở thung lũng Silicon lúc này, anh sẽ không thực sự thành công cho đến khi anh nếm trải, hoặc là đến rất gần… thất bại. Thất bại – hoặc gần như thất bại – giống như tấm huy chương đầy tự hào. Đó dường như là điều đã trở thành nghi thức, và ăn sâu vào văn hóa luôn tiến lên của người Mỹ. 

Các câu chuyện về phá sản và thất bại được viết nhan nhản trên Medium, Autospy.io, và đặc biệt là FailCon, một dự án tập hợp kinh nghiệm từ thất bại của các start-up.

Các câu chuyện dường như đều diễn ra theo cùng một mô-típ: Đầu tiên là một ý tưởng tuyệt vời và kế hoạch chinh phục thế giới. Tiếp theo là những khó khăn thử thách khí phách của doanh nhân.

Cuối cùng, kinh khủng nhất, là sự sụp đổ, thông thường là vì… hết tiền. Nhưng theo sau kết cục này bao giờ cũng là một ý nghĩa và bài học đi kèm, khôi phục sự lạc quan, rằng điều tuyệt vời rồi sẽ đến từ trong khổ nạn: Hiểu biết sâu sắc hơn, quyết tâm hơn, và có thể nắm bắt tốt hơn những gì quan trọng nhất.

Tại sao Thung lũng Sillicon, biểu tượng của tiền bạc và sự thống trị trí tuệ, lại luôn bị ám ảnh bởi sự đau khổ và cách một người vượt qua bóng tối? Tại sao mọi người vẫn còn phấn khích ngay cả với những thất bại của Elon Musk?

Một cách vô thức, các doanh nhân đã lan truyền một trong những mật mã văn hóa mạnh mẽ nhất của người Mỹ, thứ giờ đã trở nên phổ biến trên toàn cầu: Câu chuyện về nghịch cảnh và sự cứu chuộc.

Cuộc sống luôn hỗn loạn, và những câu chuyện này cho người ta một xương sống để hình dung và phấn đấu cho cuộc đời mình. Theo đó, nghịch cảnh không phải một sự đau khổ vô nghĩa để tránh né hoặc chịu đựng, mà là một bước cần thiết trên con đường phát triển và hoàn thiện bản thân.

Trong 15 năm qua, Daniel McAdams, Giáo sư tâm lý học của Đại học Tây Bắc ở Illinois, đã khám phá câu chuyện này và tìm ra 5 giai đoạn cuộc đời là kết cấu cho nó : (1) Cảm giác đầu đời rằng mình khác biệt hoặc đặc biệt; (2) Cảm giác mạnh mẽ về sự kiên định và các quyết tâm xoay quanh đạo đức; (3) Trải qua những khó khăn, thử thách khủng khiếp; (4) Đổi lại bằng những chuyển đổi tích cực thành kinh nghiệm và sự phát triển bản thân; (5) Tiếp thêm nhiệt thành để thay đổi xã hội.

Câu chuyện của Musk chính là chất liệu hoàn hảo cho định dạng văn hóa ấy của người Mỹ, và thực tế là nó đã được kể đi kể lại ở Thung lũng Silicon, một biểu tượng toàn cầu. Để rồi từ đó, nó đã giúp Musk gọi vốn hàng tỷ USD, và triển khai những giấc mơ có thực.

Nhưng cái giá phải trả cũng là không nhỏ. Tháng 11 năm ngoái, Elon Musk xuất hiện trong một buổi phát trực tuyến trên Youtube với điếu cần sa và khói nghi ngút. 

Trước đó, trong bài phỏng vấn với tờ New York Times, Musk tiết lộ là đã khóc nhiều lần khi trò chuyện, thừa nhận mình lạm dụng thuốc ngủ Ambien đến mức sinh ảo giác. Một người hùng đang rệu rã vì những giấc mơ.

Starlink là một trong những canh bạc lớn được kỳ vọng sẽ kéo Musk trở lại với quỹ đạo của một đấng cứu thế, bởi vì tầm vóc to lớn của nó: Thông tin sẽ phủ đến một nửa dân số chưa sử dụng internet trên hành tinh này, một viễn cảnh phi thường. Nhưng như đa số những giấc mơ chưa hoàn thiện, đấy có thể là thêm một cái cớ để những người chỉ trích Musk là kẻ lừa dối có thể vin vào.

Nhưng cho dù đấy có thể là ảo ảnh và cái giá phải trả là rất đắt đi chăng nữa, thì theo Giáo sư Adams, đó cũng là những ảo ảnh có giá trị. Nó giữ cho con người tiến lên, cố biến điều xấu thành tốt, cải thiện hoàn cảnh, và chống lại tạo hóa để định đoạt cuộc đời vốn vô nghĩa của mình.

Và Musk, vẫn đang đi tiếp, dù bước chân đã xiêu vẹo, và đầy rẫy những nghi ngờ.

Ban Cầm
.
.