Khi Thiên tử đi tìm nhau:

Bang giao Việt-Trung và quyền lực chính trị thế kỷ XVI-XVII

Thứ Năm, 30/04/2020, 16:15
Mùa đông năm 1540, một phái đoàn từ Thăng Long tiến về biên giới Việt-Trung, dẫn đầu là Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Hơn một thập niên trước, ông đã loại bỏ vị vua cuối cùng của nhà Lê để lập ra triều đại mới: nhà Mạc trong nỗ lực chấm dứt tình trạng hỗn loạn cuối thời Lê Sơ. Tuy nhiên, bằng cách đó, ông cũng đã góp thêm vào lịch sử Việt Nam ít nhất 6 thập niên chiến tranh nữa.


Bên kia cửa ải là đạo quân Minh 120.000 người, sẵn sàng tràn qua biên giới như họ đã làm năm 1406. Lần này, họ trao thưởng 20.000 lạng vàng cho ai mang đầu cha con Mạc Đăng Dung đến hàng. Nguyên nhân là do thiên tử nhà Minh là Gia Tĩnh tức giận với hành động cướp ngôi, không chịu triều cống và thần phục của họ Mạc.

Phía Nam Thăng Long, các quan chức Lê Sơ cũ tập hợp lại từ năm 1533 và ngay lúc này, đang chuẩn bị đánh Nghệ An.

Bị kẹt giữa hai làn đạn, điều mà vị hoàng đế nhà Mạc sắp làm sẽ đi vào chính sử Đại Việt và Trung Quốc: “Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng cháu là Văn Minh và bề tôi... qua trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không đến trước mạc phủ nước Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An, trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu” (Toàn thư).

Với hành động này, Đại Việt bị hạ cấp trong trật tự thế giới của nhà Minh, từ An Nam quốc thành Đô thống sứ ty; vua Đại Việt: từ An Nam quốc vương thành Đô thống sứ, tức trên danh nghĩa, Đại Việt trở thành  một đơn vị hành chính của Đại Minh. Hậu thế sẽ còn tiếp tục đánh giá hành động của Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên, cuối cùng chiến tranh đã không xảy ra và quân phương Bắc không trở lại quan ải này trong vòng 250 năm.

Mạc Đăng Dung trở về Thăng Long (An Nam lai uy đồ sách [1571] 1988).

Đăng Dung không phải hoàng đế cuối cùng tới cửa quan biên giới. Gần 6 thập niên sau, nhà vua chiến thắng Lê Duy Đàm đánh đuổi triều Mạc khỏi Thăng Long và sẽ gõ cửa, gặp quan chức tỉnh Quảng Tây trong các nỗ lực tương tự. Trong vòng hai năm 1596-1597, Thăng Long sẽ tranh luận với Bắc Kinh [Yên Kinh] về việc Duy Đàm là thật hay giả? Cống vàng hay cống người vàng? Tư thế của người vàng? Tước được ban? Số phận tiếp theo của nhà Mạc?

Người vàng là biểu tượng về sự thần phục. Sử Trung Quốc chép việc nhà Nguyên chất vấn vua Trần lên ngôi không xin cầu phong, không đích thân sang quy phục... và giải pháp được đưa ra là dùng người vàng thế thân. “Nếu quả không thể tự mình sang chầu thì hãy gom vàng [đúc tượng] thay cho thân mình, dùng 2 viên ngọc để thay cho mắt mình...”. Lê Lợi và Mạc Đăng Dung sẽ tiếp tục nghi lễ này. Tuy nhiên, Lê Duy Đàm muốn thay đổi, chỉ dâng lên 100 cân vàng (60,5 kg) và 1.000 lạng bạc (37,8 kg). Nhà Minh từ chối. Cuối cùng, Thăng Long buộc phải chấp nhận. Ban đầu họ dự định đúc tượng đứng tự do, mặt nghiêm trang. Nhà Minh cho có ý kiêu ngạo. Các tượng trước đó của Lê Lợi và Mạc Đăng Dung được tả trong Minh sử: “đầu tóc rũ rượi như người tù, hai tay trói quặt đằng sau”. Duy Đàm bác bỏ, lập luận rằng ông là vua chính thống nên không phải chịu tội. Kết quả là hai bên đồng ý đúc một bức tượng đang cúi đầu (Nguyễn Thanh Tùng, Cống người vàng thế thân, NC&PT, 2012).

Đây chỉ là 2 trong số các sự kiện bang giao giữa Đại Việt và Trung Quốc ở thế kỷ XVI-XVII, trong một thế giới mà xung đột phe nhóm, dòng họ, triều đại ảnh hưởng sâu sắc tới vận mệnh dân tộc Việt Nam. Tương tác với bên ngoài cũng thế. Số phận của họ Lê, họ Mạc không chỉ được quyết định bởi các trận đánh hay ưu thế địa chính trị mà còn khả năng kết nối và đạt được sự bảo trợ của các triều đại phương Bắc, thậm chí với chính quyền tỉnh Quảng Tây.

Đâu là chìa khóa của quan hệ Việt-Trung trong quá khứ? Điều gì thúc đẩy cán cân quyền lực giữa hai bên? Có phải lúc nào người Việt cũng chịu lép vế trong quan hệ với Trung Quốc? Đâu là cách thức hóa giải bá quyền phương Bắc?

Lúc nào người Việt bị Trung Quốc chèn ép qua nghi lễ, tước hiệu, triều cống và quân sự? Nguy cơ của việc Trung Quốc cùng lúc công nhận (bảo trợ) nhiều thực thể chính trị ở Việt Nam? Lúc nào người Việt bắt thóp được thiên tử phía Bắc để tối ưu hóa vị thế của mình trong quan hệ với thượng quốc? Lúc nào đế chế phương Bắc dễ bị tổn thương và dành ít chú ý đối với phương Nam?

Những câu hỏi này đã ám ảnh tư duy địa chính trị và địa quân sự của người Việt 2 nghìn năm qua trong nỗ lực chung sống bên một bá quyền. Hãy xem thế kỷ XVI-XVII có thể cung cấp bài học nào đối với mô thức quan hệ quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam.

Sự chia rẽ và phân tán của nền chính trị không chỉ gây ra nội chiến mà còn làm giảm đáng kể sức mạnh đối ngoại của Việt Nam trước nhà Minh. Sự hạ cấp của Đại Việt và tước phong dành cho nhà Mạc (sau đó là nhà Lê trung hưng) là chưa có tiền lệ trong gần một thiên niên kỷ bang giao Việt - Trung. Hậu quả là vua Lê, dù 3 lần yêu cầu phong vương, đều bị từ chối. Đại Việt giữ nguyên là đơn vị hành chính lệ thuộc (Đô thống sứ ty) tới giữa thế kỷ XVII.

Sự bảo trợ cùng lúc với nhiều thế lực chính trị tại Việt Nam của Trung Quốc có thể thúc đẩy hỗn loạn ở phía Nam. Đây là điều mà người Việt ít khi chú ý tới cũng như nhận thức một cách kỹ lưỡng hậu quả chính trị của thủ thuật này. Khi nhà Lê trung hưng chống nhà Mạc, họ đã giúp nhà Minh chuẩn bị cho cuộc viễn chinh bằng cách đem “số lượng quân mã, đường tiến quân thủy bộ, khoảng cách xa gần của bản quốc dâng lên (Minh sử, Cao Tự Thanh 2020). Đổi lại, họ được thiên triều bảo trợ để tồn tại ở 4 phủ phía Nam sông Mã.

Điều tương tự diễn ra năm 1593 khi triều Lê-Trịnh truy đuổi quân Mạc khỏi Thăng Long. Nhà Mạc chạy lên vùng núi phía Bắc, yêu cầu nhà Minh bảo trợ, tấu báo lên phương Bắc rằng họ Lê đã bị diệt, chỉ còn họ Trịnh thao túng quyền lực. Việc này khiến vua Lê phải lên ải mấy lần để khám nghiệm. Nhà Mạc còn chặn đánh sứ giả cướp cống vật.

Đối lại, nhà Lê không chấp nhận dành Cao Bằng cho họ Mạc. Nhà Minh tuyên bố “không cự tuyệt họ Lê, không bỏ họ Mạc” và chất vấn, “Cả hai đều là phiên thần, ngày trước họ Lê có thể ở sông Tất Mã [Mã] thì họ Mạc lại không thể ở Cao Bằng được à” (Minh sử). Nhà Mạc vì thế được ban chức tước, thế tập và nhận được bảo đảm chính trị.

Sự công nhận này không có nghĩa là nhà Mạc không đem quân đánh Thanh Hóa hay nhà Lê không đánh Cao Bằng. Ở đây, chúng là một phần của lá bùa hộ mệnh chính trị. Khi họ Mạc bị truy đuổi, quan quân có thể chạy qua biên giới Trung Quốc lánh nạn. Vì thế, công nhận cùng lúc nhiều chư hầu ở Việt Nam là sự chủ động tạo ra sự chia rẽ và xung đột chính trị - lãnh thổ. Nhà Minh cũng tìm kiếm ảnh hưởng nhờ thám báo và khai thác các điểm yếu về sự chia rẽ này. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bấy giờ [1594] nhà Minh sai người sang dò la sự tình, hầu như không ngày nào là không có”.

Đế triều phương Bắc, vì nắm thóp được hai triều đại Mạc, Lê, đã áp đặt một mô thức ngoại giao bất đối xứng có tính chèn ép.

Tuy nhiên, gió sẽ đổi chiều khi người Việt nhận thấy sự suy yếu, khủng hoảng, chiến tranh, sụp đổ và thay đổi quyền lực ở phương Bắc. Sự phản ứng này cho thấy nhãn quan chính trị của các thể chế Việt khi tương tác trực tiếp với thay đổi trật tự quốc tế Đông Á. Từ đầu thế kỷ XVII, nhà Minh gặp khủng hoảng. Hoạn quan, bè đảng tranh giành, đặc biệt là chiến tranh với người Mãn. Nhận thấy khả năng can thiệp quân sự của nhà Minh hầu như không còn, Thăng Long ngay lập tức thể hiện rõ sự thờ ơ bang giao. Nhiều lần vua mới không báo tang hay xin sắc phong hoặc xin muộn. Có 3 lần họ xin cống bù (1614, 1622, 1626). Tuy nhiên, nhà Minh cũng không có phản ứng lớn nào.

Việc nhà Mạc xác lập hệ thống quân sự ở Cao Bằng thúc đẩy giao thương qua biên giới. Thăng Long cũng tìm cách gây ảnh hưởng tới các thủ lĩnh này. Hệ quả là gia tăng quân sự hóa ở các nhóm dân tộc thiểu số vùng biên mà từ năm 1606 gây ra các cuộc tấn công thường xuyên sang Trung Quốc.

Các cuộc tấn công trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của quan chức biên giới Quảng Tây, Vân Nam. Ít nhất 3 lần họ yêu cầu tăng quân và trữ bạc để trả lương cho binh đồn trú. Thậm chí còn có đề xuất đóng biên giới, cấm thương mại. Mặc dù vậy, tình hình không được cải thiện. Bản thân nhà Mạc cũng tiến hành 2 chiến dịch tràn sang cướp bóc bên kia biên giới.

Cuối cùng, khi nhà Minh sụp đổ (1644), một bộ phận quan lại chạy về Nam Kinh, lập ra nhà Nam Minh. Thăng Long nhanh chóng lợi dụng tình thế này xác lập tương quan ngoại giao mới. Cả vua Lê và chúa Trịnh đều cầu phong. Tình thế éo le của triều đại mới buộc họ phải tìm kiếm sự ủng hộ của các phên dậu phía Nam. Đại Việt nhanh chóng được nâng cấp lên “An Nam quốc”, vua Lê: “An Nam quốc vương” và chúa Trịnh: “An Nam phó quốc vương”. Nhà Lê - Trịnh cũng lợi dụng sự thay đổi từ Minh sang Thanh và hỗn loạn quân sự ở miền Tây Nam Trung Quốc để kết liễu số phận họ Mạc ở Cao Bằng.

Địa chính trị của Việt Nam đã thay đổi theo sau các biến động từ phương Bắc nhiều hơn là người Việt vẫn nghĩ.

Câu chuyện bang giao vượt qua các ngôn từ khoa trương hay nghi lễ. Đó là phép thử về tương quan lực lượng, về chuyển dịch địa chính trị và về khả năng kết nối của người Việt trong chuyển đổi địa chính trị Á Đông. Quan hệ Việt - Trung là tương tác quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam trong quá khứ. Và cả tương lai nữa. Vì thế cần hiểu cặn kẽ các mẫu hình quá khứ của nó để có được những hành xử thích hợp trong tương lai.

Vũ Đức Liêm
.
.