3 cuộc chuyển giao quyền lực chính trị đầu thế kỷ XIX

Thứ Hai, 09/03/2020, 08:13
Chuyển giao quyền lực không đơn giản là sự thay thế gương mặt người lãnh đạo mà là sự tái cấu trúc các mạng lưới quyền lực. Bài viết này khảo sát 3 cuộc chuyển giao quyền lực ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX để tìm kiếm một mẫu hình của sự thay đổi các yếu tố nhà nước và chính trị.


Cho tới năm 1883, Việt Nam đã chứng kiến 3 cuộc đổi ngôi trong hoàng cung Huế:

Cuộc chuyển giao số I (Vua tiền nhiệm: Gia Long, kế ngôi: Minh Mệnh, thời gian: 1820).

Cuộc chuyển giao số II (Vua tiền nhiệm: Minh Mệnh, kế ngôi: Thiệu Trị, thời gian: 1841).

Cuộc chuyển giao số III (Vua tiền nhiệm: Thiệu Trị, kế ngôi: Tự Đức, thời gian: 1847).

Đằng sau sự thay thế vương triều này là gì? Cuộc dàn xếp đằng sau giữa các mạng lưới chính trị diễn ra như thế nào? Người cầm quyền mới dựa vào đâu để có bệ đỡ quyền lực? Các công thần, đại thần, bố vợ, ông ngoại, thầy dạy của vua và các viên chức nhận di chiếu đã ở đâu trong vòng quay quyền lực? Phe dân sự (văn quan) và quân sự (võ quan) đã tranh giành ảnh hưởng như thế nào? Và liệu có một mẫu hình lịch sử nào đó trong quá khứ phản ánh cách thức người Việt định hình nên truyền thống chuyển giao lãnh đạo và tái cơ cấu hệ thống chính trị dưới sự dẫn dắt của một gương mặt quyền lực mới? 

Đây là lúc để nhìn về các cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng ở thế kỷ XIX, quá trình chuẩn bị và các hệ quả của chuyển giao quyền lực đối với vận mệnh của lịch sử Việt Nam. Sự thay đổi hàng ngũ lãnh đạo của các vương quốc, nhà nước là hiện tượng có tính quy luật. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm dễ tổn thương của các hệ thống chính trị.

Chính trị là cuộc chơi của quyền lực. Quyền lực là cuộc chơi của mạng lưới. Chuyển giao quyền lực là quá trình tái cấu trúc lại các mạng lưới đó theo một trật tự mới. Vận mệnh của nền chính trị mới vì thế không chỉ phụ thuộc vào khả năng thiết lập hệ thống của người kế tục mà còn ở khả năng dàn xếp, tự thương lượng của hệ thống quan liêu.

Cuộc chuyển giao đầu tiên diễn ra cách ngày nay 200 năm (14-2-1820), giữa ông vua chinh phục (Gia Long) và nhà cai trị (Minh Mệnh). Sau nhiều năm đấu tranh cung đình gây cấn, hai viên quan được Gia Long tin cẩn nhất lộ diện: Lê Văn Duyệt (tổng trấn thành Gia Định, Chưởng Tả quân, kiêm quản quân Thần sách) và Phạm Đăng Hưng (sau này là thông gia với Minh Mệnh, bố vợ của vua Thiệu Trị, ông ngoại vua Tự Đức).

Cuộc chuyển giao giữa Gia Long và Minh Mệnh phản ánh cục diện phe phái thời hậu chiến với câu chuyện về tính chính danh của người cầm quyền. Cuộc chiến giữa các tướng lĩnh quân sự bao trùm lên sự chuyển giao này với vụ án “nổi loạn” của Nguyễn Văn Thành, công thần bậc nhất của vương triều.

Vụ án này phản ánh cuộc cạnh tranh khốc liệt của quá trình chuyển giao quyền lực, nơi cuộc chơi của các công thần trở  thành đấu trường sinh tử. Các quan võ là những diễn viên chính, nơi chúng ta thấy thù oán cá nhân, phe phái và các cuộc vận động kế  ngôi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trọng sự vận hành của nền chính trị, thậm chí là nguyên nhân chính gây ra bất ổn, chao đảo triều đình.

Chuyển giao quyền lực cũng là chuyển giao thế  hệ lãnh đạo. Và ở đây đã xảy ra chuyện: xung đột giữa các khuynh hướng chính trị và thế hệ lãnh đạo, với các phong cách chính trị, chính sách khác nhau.

Gia Long chọn Minh Mệnh thay vì cháu đích tôn (con trai của Hoàng tử Cảnh). Theo đó, vị hoàng tử thứ tư (30 tuổi lúc lên ngôi, được đào tạo bài bản nhưng không phải là con của hoàng hậu) mang theo các ý tưởng chính trị hoàn toàn khác với các viên tướng võ biền, công thần của cha.

Thực tế là vị vua này phải dành 3/4 thời gian cai trị để dẹp loạn và để xác lập các ý tưởng chính trị tập quyền. Một lần nữa, số phận bi thảm của Lê Chất, Lê Văn Duyệt góp thêm bài học cho các cuộc chuyển giao quyền lực, khi tầm vóc, ý tưởng và dự án của người cầm quyền mới tạo ra xung đột trực tiếp với các mạng lưới quyền lực cũ.

Ở một khía cạnh nào đó, đây là câu chuyện lựa chọn nhân sự của mọi thời đại: cuộc tranh đấu giữa những người theo quy hoạch, thăng tiến đúng quy trình và các nhân tố mới nổi bật nhưng nằm ngoài hệ thống. Sự chuyển giao này hướng tới sự lựa chọn giữa tính chính thống, thể chế và việc dũng cảm lựa chọn những người có khả năng thúc đẩy và tạo đột phá cho hệ thống.

Ở thời đại của Minh Mệnh, điều đó quyết định khuynh hướng của cuộc chuyển giao quyền lực và vì thế định đoạt cách thức nước Việt Nam hiện đại được thống nhất bởi nhà vua thứ hai của vương triều; người đã thay thế các phương thức thực hành chính trị mới nghi lễ, tập trung... lên hoàng cung của cha mình, trùm phủ lên các viên nhất phẩm đại thần võ biền ở giai đoạn sơ khởi.

Hai cuộc chuyển giao tiếp theo phản ánh quá trình quan liêu hóa của nền chính trị. Khi hệ thống hành chính được tổ chức ngày càng phức tạp thì hệ thống văn quan lên ngôi và những sự sắp đặt này sẽ ngày càng lùi sâu vào hoàng cung. Chính vì thế, chuyển giao quyền lực không còn là sự bàn tán ồn ào giữa các tướng lĩnh mà là sự chuẩn bị âm thầm của các viên cơ mật đại thần gần gũi với ngai vàng.

Cuộc chuyển giao số I: Năm 1820 (quan chức nhận di chiếu: Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng. Võ quan: Lê Văn Duyệt, văn quan: Phạm Đăng Hưng).

Cuộc chuyển giao số II: năm 1841(quan chức nhận di chiếu: Trương Đăng Quế, văn quan: Trương Đăng Quế).

Cuộc chuyển giao số III: năm 1847 (quan chức nhận di chiếu: Trương Đăng Quế, Lâm Duy Thiệp, Vũ Văn Giải và Nguyễn Tri Phương. Võ quan: Nguyễn Tri Phương, văn quan: Trương Đăng Quế, Lâm Duy Thiệp, Vũ Văn Giải và Nguyễn Tri Phương).

Sự ồn ào, hỗn loạn của giới võ biền nhường chỗ cho cuộc đấu giữa các văn quan nhằm giành đôi tai của nhà vua. Sự ra đời của Nội các và Cơ mật Viện đã làm dịch chuyển trung tâm quyền lực từ các quân và các bộ về phía các cơ quan hoàng cung, nơi các sắp xếp chuyển giao quyền lực được thực thi.

Trong ý nghĩa đó, lịch sử chuyển giao quyền lực triều Nguyễn là một chuỗi những sự kiện gây cấn, bất ngờ và cũng nhiều bi kịch. Một diễn viên lớn tham gia vào sự chuyển dịch ngai vàng này với vai trò dựng vua, phò vua chính là viên đại thần hàng đầu Trương Đăng Quế. Sau cái chết bất ngờ của Hà Tông Quyền (1839), Trương Đăng Quế hầu như không có đối trọng ở Nội các và Cơ mật Viện.

Sinh năm 1794 tại Quảng Ngãi, Đăng Quế là quan chức quyền lực nhất ở Việt Nam từ 1832-1863. Thăng tiến cực nhanh dưới thời Minh Mệnh, ông chỉ mất 13 năm để đi đến nấc thang quyền lực cao nhất (1832, thượng thư). Vị quan này có sự tin cẩn đặc biệc của Minh Mệnh, người giao cho ông quản lí Văn thư Phòng, Nội các và Cơ mật Viện. Vào ngày 11-1-1841, ông là người bên ngoài duy nhất được Minh Mệnh, lúc này đang trên giường bệnh, triệu hồi, cùng với các hoàng tử và thân công để tuyên bố về việc kế ngôi của Thiệu Trị.

Ông được tin cẩn cầm nến tới trước giường để nghe dặn dò:

Minh Mệnh dụ Trương Đăng Quế: “Hoàng tử là Trường Khánh công lấy về ngôi thứ là hàng trưởng, lấy về đức, về tuổi, nên nối ngôi lớn. Ngươi nên hết lòng hết sức giúp rập, hễ việc gì chưa hợp lẽ, ngươi nên dẫn lời nói của ta mà can gián: Ngươi trông mặt ta, nên ghi nhớ lấy”.

Kinh thành Huế. Ảnh: L.G

Minh Mệnh dụ Thiệu Trị: “Trương Đăng Quế thờ ta đến nay là 21 năm, trọn đạo làm tôi, một lòng công trung, bày mưu dưới trướng, ra sức giúp việc ngoài biên, thực là một người công thần kỳ cựu của triều đình, ngươi nên đãi ngộ một cách ưu hậu, hễ nói gì phải nghe, bày mưu kế gì phải theo, ngày sau có thể được theo thờ vào nhà Thế thất”.

Địa vị thống trị của Trương Đăng Quế có vẻ đã làm Thiệu Trị không thoải mái, đó là lí do ông nâng cấp cho hai người khác là Vũ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cự. Cả ba người này, Thiệu Trị chỉ gọi tên quan chức, không gọi tên thật. Thiệu Trị sau đó cũng hỏi cưới con gái Vũ Xuân Cẩn cho hoàng tử Hồng Nhậm (vua Tự Đức tương lai).

Có lẽ ý thức được sự bất cân bằng quyền lực này, ngày 25-10-1847, Thiệu Trị gọi 4 viên đại thần Trương Đăng Quế, Lâm Duy Thiệp, Vũ Văn Giải và Nguyễn Tri Phương tới giường bệnh để trao di chiếu. “Các con ta, Hồng Bảo tuy lớn [là hoàng tử trưởng] nhưng là con vợ thứ, mà lại ngu độn, ít học, chỉ ham chơi, không thể để cho kế thừa nghiệp lớn. Hoàng tử thứ hai là Phúc Tuy Công thông minh, ham học giống ta, có thể nối ngôi”.

Nhà vua Thiệu Trị băng hà ngày 4-11-1847, con trai thứ hai là Hồng Nhậm nối ngôi, niên hiệu là Tự Đức. Tuy nhiên, cuộc chuyển giao này tạo ra nhiều sóng ngầm và bất ổn hơn chúng ta đọc được từ các công trình sử học hiện có. 3 nhân tố sau đây đổ thêm dầu vào các hoài nghi về câu chuyện chuyển giao quyền lực này.

Thứ nhất, anh trai Tự Đức là Hồng Bảo sau đó nổi loạn, bị giam và ông tự thắt cổ chết năm 1854. Nhiều cuộc nổi loạn sau đó vẫn lấy danh nghĩa của nhân vật này.

Thứ hai, các cuộc sửa soạn chính trị của Trương Đăng Quế đặt ra nhiều dấu hỏi về một sự can thiệp nào đó của vị quan này đối với quá trình chuyển giao quyền lực. Trương Đăng Quế đã loại bỏ một đối thủ lớn là Nguyễn Đăng Tuân. Tuân là thầy dạy của Thiệu Trị và được nhà vua đặc biệt quý trọng. Không may là ông mất năm 1845. Hai viên quan khác mà Trương Đăng Quế đã tìm cách điều phái ra khỏi Huế bao gồm Nguyễn Tri Phương (vào Nam) và Nguyễn Đăng Giai (ra Bắc). 

Thứ ba là các tư liệu của người Pháp, đặc biệt là của giáo sĩ phương Tây thì tuyên bố thẳng về sự sắp đặt của Trương Đăng Quế để Tự Đức lên ngôi. Cũng chính ông tìm cách giăng bẫy Hồng Bảo khi ông này liên lạc với tín đồ Thiên chúa và chuẩn bị sang Singapore để kêu gọi giúp đỡ của người Anh nhằm giành lại ngai vàng. (Tsuboi, nước Đại Nam...). Những người Pháp này rõ ràng không hài lòng với Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Trương Đăng Quế... Tuy nhiên, các bài tường thuật của họ cũng góp thêm góc cạnh khác cho thấy sự phức tạp của cuộc chuyển giao lần thứ ba này.

Điều thấy rõ là nền chính trị thời Tự Đức đã dần chuyển giao vào tay các viên đại thần như Trương Đăng Quế, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản...

Cuối cùng, sự tiến hóa của nền chính trị triều Nguyễn cho thấy quá trình quan liêu hóa đã làm chuyển giao quyền lực ngày càng hẹp, trong các toan tính hoàng cung. Khi đó, rủi do của chuyển dịch quyền lực phụ thuộc vào khả năng dàn xếp giữa các nhóm. Như trong trường hợp vua Tự Đức, tính ổn định của hệ thống chính trị không chỉ đơn giản trông đợi vào sự dàn xếp này mà hơn hết, cần tạo ra cơ chế để dung hòa các tương tác này vì những nguy cơ của các xung đột sau chuyển giao luôn tiềm ẩn mà cuộc nổi dậy của Hồng Bảo là ví dụ. Một cơ chế chuyển giao quyền lực chặt chẽ cũng góp phần làm lu mờ bớt ảnh hưởng của những viên đại thần, những người dựng vua (king maker). Như đã thấy vào đầu thế kỷ XIX, chính họ là một trong những chìa khóa vận hành nền chính trị Việt Nam mà đáng tiếc đến nay chúng ta vẫn chưa biết nhiều về vai trò của họ.

Vũ Đức Liêm
.
.