Người Tây tạng có thể “tái sinh?

Chủ Nhật, 23/09/2018, 12:43
Cách đây 5 năm, lần đầu tới Tây Tạng, tôi không ngỡ ngàng với những ngọn núi tuyết hay những tu viện huyền bí, mà ngỡ ngàng với những cuộc tái sinh ngoạn mục ....

Từ đó đến nay, tôi  đi lang thang nhiều nơi dưới chân Hy Mã Lạp Sơn và cố cắt nghĩa con đường tái sinh kì lạ này.

1. Ai đến Tây Tạng, dù chỉ một lần cũng đều phải  ghé thăm Lhasa -  trái tim của Tây Tạng. Gọi Lhasa là trái tim của Tây Tạng quả thực không phải cách gọi ước lệ, bởi nếu không có trái tim Lhasa thì có lẽ cũng không có một nền văn hoá Tây Tạng từng rất hùng cường, từng tạo ra những công trình kì vĩ như cung điện Potala hay những tu viện cả có cả vạn tăng sĩ.

Tôi đến Lhasa lần đầu tiên vào đầu năm 2014, khi ấy thủ phủ của Tây Tạng đã mang dáng vẻ của một thành phố hiện đại. Chuỗi đồ ăn nhanh, những cửa hàng thời trang của các thương hiệu quốc tế xuất hiện nhan nhản trên các con phố. 

Rất nhiều người khi mới đến Lhasa  dễ bị thất vọng vì những điều đập vào mắt mình như thế. Có lẽ tôi may mắn hơn vì đã lựa chọn một hành trình ngược chiều để đến Lhasa. 

Thay vì đáp chuyến bay đến thẳng sân bay Lhasa, một trong những sân bay cao nhất thế giới, tôi quyết định đi đường bộ sau hành trình băng qua biên giới Nepal. Đó là một con đường hiểm trở hơn, tốn công sức hơn nhưng lại thực sự đáng để trải nghiệm hơn.

Có hai nơi khi đến Lhasa bất cứ ai cũng phải ghé qua, ấy là Potala Palace (Cung điện Potala) và Jokhang Temple (Đền Đại Chiêu). Nếu như Jokhang là ngôi "Đền Mẹ" thì Potala là "Cung Cha" - một nơi khai sinh ra Phật giáo Tây Tạng, còn một nơi là biểu tượng của thần quyền và cả chính quyền Tây Tạng một thời.

Những bậc thầy của Phật giáo Tây Tạng từng đưa ra những lời sấm truyền mà đến giờ sau một ngàn năm, người ta càng tin rằng, các bậc đại thành tựu này đã nhìn thấy trước tương lai xứ sở.

Padmasambhava hay Liên Hoa Sinh Đại Sư - vị Tổ truyền giáo pháp Phật giáo vào đất Tây Tạng từ thế kỉ thứ 10, thời điểm Tây Tạng mông muội và chưa được giáo hoá, từng truyền dạy: "Khi chim sắt bay trên bầu trời và ngựa sắt chạy trên đường, chúng ta biết rằng thời kỳ giáo pháp kết thúc đã đến. Tại thời điểm này, Phật giáo Tây Tạng sẽ lan truyền khắp địa cầu. Khi nào chim sắt bay và ngựa chạy trên bánh xe, người dân Tây Tạng sẽ phiêu bạt khắp thế giới như loài kiến, và Giáo pháp sẽ đến với vùng đất của những người da đỏ".

Người Tây Tạng có thể vượt hàng ngàn cây số xuyên qua bão tuyết...

Lời sấm của Padmasambhava đã dự báo trước về giai đoạn "mạt" của pháp. "Chim sắt" và "ngựa sắt" chẳng phải ám chỉ đến máy bay và phương tiện cơ giới hiện thời mà thế giới văn minh đang sử dụng đó sao? 

Còn "Vùng đất của người da đỏ" chẳng phải là một cách nói để chỉ châu Mỹ hay nước Mỹ đó sao? 

Quá trình lan toả Phật giáo Tây Tạng khắp thế giới, tới cả những quốc gia mà  giá trị vật chất được đặt trên những yếu tố tâm linh đã mang lại một may mắn không tưởng cho số phận của văn hoá Tây Tạng. 

Nhờ thế, nền văn hoá này được bảo tồn, được trân trọng ở nhiều nơi, biến Tây Tạng từ một dân tộc với dân số chỉ vỏn vẹn 6 triệu người trở thành một dân tộc có truyền thống tâm linh lan toả mạnh mẽ ở khắp các châu lục.

Điều thú vị trong dòng chảy "Văn hoá Tạng truyền" của Tây Tạng là nó không đi theo dòng chảy của những con sông như các nền văn hoá cơ bản khác, mà lại lan toả theo những ngọn núi.

Ở đấy, những vị Đại sư được gọi bằng danh xưng "Pháp vương", và  trong những năm trở lại đây thì những Pháp vương cũng đã đến Việt Nam, thu hút sự quan tâm của cả người theo đạo Phật lẫn những người không biết gì tới đạo Phật.

2. Một năm sau khi thực hiện hành trình đường bộ xuyên Tây Tạng từ Nepal, tôi quyết định diện kiến đỉnh Everest bằng cách đặt chân đến Everest Base Camp (Trại chính núi Everest). Trước chuyến đi này tôi đã làm lễ bái sư, chính thức được quy y theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng và được ban pháp danh. 

Trước đó, với những nhân duyên cùng dòng truyền và một tu viện theo truyền thống Mật tông, tôi đã tìm đến vị Rinpoche mà giờ đây trở thành sư phụ của tôi để xin được quy y. Nhưng thầy tôi vốn nổi tiếng  khắt khe và rất kĩ trong việc lựa chọn đệ tử. Lần đầu ấy, tôi chỉ được đảnh lễ ngài mà chưa được ngài thu nhận.

Lần trở lại Kathmandu vào giữa năm 2015, lần thứ hai tôi bày tỏ nguyện vọng với ngài và nói rằng tôi sắp có một chuyến đi tới chân đỉnh Everest. 

Hôm đó, bằng một kết nối nào đó ngài đã gọi vị Lama thị giả mang kéo để cắt nhúm tóc tượng trưng và quy y cho tôi. Tuân theo những nguyên tắc của truyền thống Mật thừa, tôi sẽ không tiết lộ dòng truyền và đạo sư của mình.

Lần đầu tiên có mặt ở Everest Base Camp, chúng tôi đã suýt bỏ mạng trong đêm. Hội chứng sốc độ cao nguy hiểm và khủng khiếp hơn những gì chúng tôi từng biết. Và chúng tôi nhận ra mình đã quá chủ quan khi đi thẳng từ độ cao 3000m ở thị trấn Tingri lên hơn 5000m ở Everest Base Camp. 

Ở độ cao này đã từng có không ít người bỏ mạng. Sau lần ấy tôi hiểu rằng Tây Tạng khắc nghiệt hơn tôi tưởng tượng. Đó không chỉ là một vùng đất chỉ có núi tuyết và núi tuyết, mà đó còn là nơi con người ngay từ khi sinh ra đã phải có một sức chịu đựng phi thường. 

Có lẽ không nơi nào trên trái đất này khiến người ta nghĩ về sự sống và cái chết nhiều như Tây Tạng cũng là vì thế chăng?

3. Người Tây Tạng là một dân tộc luôn muốn giải nghĩa cuộc sống sau cái chết và cũng luôn khát khao giải phóng linh hồn sau cái chết để thoát khỏi luân hồi. Năm năm với những chuyến đi như được "trở về", tôi tìm những luận giải khác nhau cho những câu hỏi về kiếp người, về sự sống và cái chết. 

Nếu bất chợt có ai đó hỏi bạn: "Có sợ chết không?" có lẽ bạn sẽ khựng lại vài giây để suy nghĩ trước khi có được câu trả lời. Nhiều người cũng chưa chắc có thể xác tín về câu trả lời cho câu hỏi muôn thủa ấy.

Lhasa - trái tim của Tây Tạng. Ảnh: L.G.

Nhưng nếu cuộc sống tình cờ đưa bạn đến Tây Tạng, nhìn thấy người Tây Tạng suy nghĩ về sự sống và cái chết, có lẽ bạn sẽ không mất nhiều thời gian để trả lời cho câu hỏi của mình, bởi trong quan niệm của người Tây Tạng, chết là một cách để tái sinh. 

Lần đầu tiên tôi gặp một vị Rinpoche tái sinh là ở Nepal. Khi ấy sư ông Đạo Ấn - một vị tăng người Việt đang tu học ở tu viện Kanying Sherub Ling đưa chúng tôi đến gặp một vị Rinpoche rất trẻ của dòng truyền thừa Sakya. Ngài mới 16 tuổi và là một bậc hoá thân quan trọng của dòng truyền thừa Sakya, một trong 4 nhánh chính của Kim Cương Thừa. 

Trước mắt chúng tôi là những người đang đảnh lễ vị Rinpoche trẻ tuổi một cách thành kính và rạng ngời hoan hỉ, còn chúng tôi thì vô cùng lóng ngóng. 

Sau đó chúng tôi được Rinpoche ban phước và giảng giải về ý nghĩa của việc kết nối với Bậc thầy trong Phật giáo Tây Tạng. Tôi thấy một luồng điện chạy dọc cơ thể, và một cách tự nhiên, tôi nghĩ mình sẽ sớm trở thành một Phật tử của Phật giáo Mật tông. 

4. Nói về chuyện tái sinh thì không chỉ có ở Tây Tạng mà nhiều nơi dưới chân rặng Himalaya cũng tin vào việc tái sinh và đầu thai sau cái chết. Phunchock là một người Ladakhi, dân bản địa ở vùng Ladakh- một vùng đất chịu ảnh hưởng mạnh của văn hoá và tôn giáo Tây Tạng, thuộc bang Jamu & Kashmir -  Ấn Độ. Tôi đã làm bạn với Phunchock được hơn hai năm nay. 

Một lần khi dẫn tôi vê ngôi làng nơi mình sinh ra và lớn lên ở ngoại ô thành phố Leh, Phunchock kể: "Làng tôi sắp tới sẽ có những ngày trọng đại khi chúng tôi được rước một vị Tulku tái sinh". (Tulku là một cách gọi khác của các hành giả hoá thân giống như các Rinpoche nhưng mức độ nhỏ hơn). 

Theo lời anh kể thì vị này nhiều đời trước từng là tu viện trưởng một tu viện ở đây. Sau khi vị này viên tịch, ngôi làng vắng bóng một điểm tựa tinh thần, nhưng may thay cách đây 4 tháng vị Tulku đã trở lại.

Vẫn theo lời Phunchock, vị Tulku đã tái sinh ở một ngôi làng cách đó tới 100km, và đến năm 3 tuổi "cậu bé" tái sinh kì lạ ngay từ lần đầu biết nói đã đòi bằng được bố mẹ đưa về "ngồi nhà trước đây". 

Và khi trở lại đúng căn phòng trong tu viện, "cậu bé" nói chính xác những câu chuyện mà một cậu bé ba tuổi bình thường không thể nào nói được. 

"Ai cũng hiểu rằng vị Tulku, người thầy tâm linh của ngôi làng đã trở lại. Chúng tôi rất vui mừng và sẽ rước ngài về trong vài ngày tới", Phunchock hồ hởi.

Với người phương Tây, và có thể với chính bạn - người đang đọc bài viết này, câu chuyện của Phunchock thật hoang đường. Ngay cả tôi khi thoáng nghe qua cũng không tránh khỏi một thoáng hồ nghi. 

Nhưng theo như tôi biết thì chính một bộ phận những người phương Tây khi đi sâu vào nền văn hoá Himalaya và Tây Tạng lại là những người đầu tiên công bố với thế giới rằng, rất nhiều người Tây Tạng có thể đã tái sinh.

Tin hay không, tuỳ bạn, nhưng ở đây, trong văn hoá Tây Tạng, người ta tin như thế!

Mạnh Duy
.
.