Sóng gió từ thiện

Vương miện làm từ thiện

Chủ Nhật, 03/01/2016, 11:11
Không biết từ bao giờ, trong format bất kể cuộc thi hoa hậu quy mô từ cồng kềnh cho đến nhỏ xíu đến mức phải dùng kính lúp mới thấy đều có một hoạt động đậm đà nước mắt dành cho các thí sinh: đi từ thiện.


Tất nhiên đó là một việc tốt, không thể phủ nhận. Các cụ ta dạy, của cho không bằng cách cho. Buổi thăm hỏi các cụ già neo đơn cho đến cháu nhỏ không nơi nương tựa, các cô gái xinh đẹp dù có trang điểm nhẹ nhàng đến mấy thì họ cũng bị lệch ra ngoài quỹ đạo tấm lòng thiện nguyện bởi đám đông truyền thông và ban tổ chức giải rầm rộ tiền hô hậu ủng, biểu dương lực lượng. Đó là một cảm xúc rất cá nhân của người viết bài. 

Cứ cho nhan sắc đã là một tài năng thiên bẩm có sẵn thì nó có khẩn thiết cần đến những phụ kiện “tình người” để thêm tỏa sáng? Nhưng dáng người lóng ngóng cúi gập người thăm hỏi các cụ đang ngồi xổm dưới đất ngơ ngác đôi khi nhìn thật chạnh lòng, ban tổ chức thích điều đó.

Tháng 10/2010, khi cơn bão dữ tràn qua miền Trung và để lại những mái nhà tan hoang, nhiều người dân Quảng Bình phải di trú trong những hang núi đợi nước rút. Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác cùng nhau làm vài chuyến hàng đến tận địa phương san chia khó khăn. Lần thứ nhất đi, hàng tập kết tại sân UBND xã theo quy trình và đợi cán bộ xã mang danh sách người dân cần hỗ trợ xướng tên. Tất nhiên trong đó có nhiều anh chị đi xe máy, tai đeo khuyên vàng ta nhẽ đến cả chỉ vàng í ới dùng điện thoại di động gọi nhau đến nhận hàng cứu trợ. Chúng tôi chực khóc, khóc vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra như vậy, một thực tế không giống như những hình ảnh lam lũ trên mặt báo trong những ngày hôm ấy. 

Cũng lại tất nhiên trong lẫn lộn đó, thì cũng có những gương mặt khắc khổ áo quần không còn lành lặn, chân đất lẫn màu bùn đứng im lìm phía sau cùng đợi đến lượt. Sự tham lam luôn tồn tại song hành với những điều tử tế, nếu vì vậy mà quay lưng thì điều đó khó chấp nhận.

Thiện nguyện có nhiều kiểu “rơi vãi” như vậy, nó rớt dọc đường 7, đến được với người thực sự cần có 3 thì cũng đáng, tôi luôn nghĩ là vậy. Hoa hậu hay doanh nghiệp họ có làm “màu” bằng các hình thức mang tên tình nguyện đừng nghe lời bỉ bai của dư luận mà vứt bỏ, người nghèo vẫn cần anh chị.

Minh họa: Hữu Khoa.

Hôm qua tôi đọc một bài viết trên báo Dân Trí đưa ra vô số thông tin tương đối sốc về “nghề từ thiện”, bài viết đậm đặc màu sắc cực đoan nhưng không phải không có lý. Xin trích một đoạn như sau:

Có thể sẽ có nhiều, rất nhiều người không tin. Làm sao để tin được bởi vì chữ “nghề” được hiểu là công việc để kiếm sống, tức là có thu nhập để chăm lo cho cuộc sống bản thân, gia đình. Nên nói làm từ thiện là “đi cho” chứ ai lại kiếm chác bao giờ.

Chuyện tưởng nghe chừng vô lý, là khó xảy ra, nhưng nó lại là sự thật, thậm chí xuất hiện nhan nhản cứ như “nấm mọc sau mưa” trên… mạng xã hội facebook. Mạng thì tưởng là ảo, nhưng chuyện là thật và tiền là thật của trò kiếm sống bằng nghề “làm từ thiện” online.

Còn lại, hãy điểm xem các “nhà từ thiện” trên mạng xã hội là ai? Xin nói luôn: “Đa phần là gái đẹp”. Nói cho nó vuông, trên mạng xã hội không tài năng, không trí  tuệ mà không đẹp thì chả ai quan tâm. Mà không quan tâm thì làm gì có bạn để theo dõi, để kết bạn và để… xin tiền mà làm từ thiện.

Nên hễ các người đẹp chỉ đăng một status than vãn thì có hàng trăm, hàng nghìn người vào bình luận nào thương, nào chia sẻ, tiền hô hậu ủng rất… xôm trò.

Họ thương cho những em bé vùng cao mùa đông không có áo ấm. Họ thương cho những cụ già neo đơn, cô độc không nơi nương tựa. Họ thương cho những thiên thần nhỏ sớm mắc bệnh hiểm nghèo… Họ thương và họ thương để cuối cùng, là đưa số tài khoản của họ để mọi người thương cùng. Đứng trước một số phận éo le, lại qua lời thỏ thẻ, không bỏ tiền túi ra để chia sẻ thì cảm thấy day dứt với lương tâm lắm.

Thôi thì “nhà từ thiện” làm từ thiện để lấy danh, khiến công việc kinh doanh, buôn bán của mình phất lên cũng không có gì để nói, để trách. Nhưng cái đáng nói là các nhà từ thiện lại không sống bằng nghề đi buôn, mà sống bằng chính nghề… “làm từ thiện online” của mình.

Họ, những “nhà từ thiện” trên mạng xã hội đều làm từ thiện theo kiểu đi xin tiền, xin quà của người khác để phát cho thiên hạ, làm từ thiện theo kiểu “kêu gọi cộng đồng chung sức chứ không phải rút tiền túi của mình để làm”, thậm chí, còn sống nhờ hảo tâm của người khác.

Thế nên có những người quanh năm chả thấy làm nghề gì, chỉ làm… “nghề từ thiện” mà tiền trong túi rủng rẻng, đi xe sang, dùng điện thoại xịn, ăn mặc sành điệu khiến thiên hạ cứ gọi là lác mắt.

Ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn là một trong những điều độc ác. Thế nên ai đang nghĩ, đang suy tính hay đang lọc lừa bằng cách “lấy từ thiện làm nghề mưu sinh”, ắt hẳn chưa bao giờ có được một giấc ngủ trọn vẹn. Họ mới chính là những người đáng thương hơn cả những người có số phận không may, kém may mắn, phải không các bạn?

Mạng xã hội cũng lại ầm ỹ cả tuần qua chuyện cô gái trẻ tên L.Đ sống tại Nghệ An đã có nhiều biểu hiện bất minh tiền bạc do cộng đồng gửi ủng hộ một vài trường hợp cụ thể. Cô L.Đ tự quyết hoàn toàn những đồng tiền được vun đắp bằng tình người của cộng đồng để giải quyết theo kiểu “Tôi làm từ thiện theo cách của tôi và làm như thế nào do tôi quyết định”. Lòng tốt đặt sai chỗ không khác gió thổi đồng hoang.

Tôi cũng biết có những bạn trẻ khác trên mạng xã hội facebook làm từ thiện theo một cách rất riêng, không ồn ào. Họ góp nhau một số tiền tương đối lớn và đi tạm ứng cho các bệnh nhân hiểm nghèo trong bệnh viện để chữa trị kịp thời, khỏi bệnh thì trả dần lại “quỹ” để đi giúp người khác. Các bạn không cho không ai, chỉ cho đi sự nhiệt thành trong vắt nhân văn. Họ không lên mạng than vãn về cuộc đời người khác.

Dù như thế nào đi chăng nữa, tôi cũng cần nói rõ rằng, từ thiện một nửa chính là lựa chọn của rất nhiều người trong chúng ta. Chúng ta lớn lên trong một xã hội Á Đông, mang trong mình dòng máu sám hối và bộ não luôn ám ảnh về nhân quả. Chúng ta chành chọe nhau từng tí một, nhưng một phần não lại nhắc nhở rằng thần phật biết cả, liều liệu. 

Vì thế, nếu sáng nay chúng ta nhận đút lót 1 triệu, thì chiều ta sẽ cho bà cụ ăn xin hai nghìn. Nếu năm nay chúng ta mua gian bán lận vài tỷ, thì cuối năm ta sẽ hóa vàng vài triệu. Và nếu chúng ta lâu lắm chả thăm nom gì bố mẹ, thì chúng ta sẽ nức nở lên chùa vào lễ Vu Lan”.

Sau khi viết xong bài ngồi đọc lại, tôi bỗng thấy cách làm từ thiện kiểu hoa hậu có khi cũng hay hay là.

Hoàng Minh Trí
.
.