Thành công, giàu có và khốn khó

Chủ Nhật, 07/06/2020, 09:26
Đó là tựa đề một bài báo đăng trên tờ The New York Times của tác giả Charles Duhigg viết về nỗi bất hạnh của nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa Mỹ khi phải vật lộn với một nghề nghiệp không yêu thích.

Janine là nhân viên một hãng luật cao cấp có trụ sở đặt tại Silicon Valley - cái nôi khởi nghiệp của nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. Đại học, trường luật, hôn nhân, sự nghiệp, mọi thứ trong cuộc sống của cô đều diễn ra đúng như cô dự định; ý chí quyết tâm và sự chăm chỉ của cô đã mang đến cho cô mọi thứ cô muốn. Cô là bức tranh của thành công và thành tựu. Nhưng Janine có một bí mật. 

Một số đêm, sau khi lái xe về nhà từ công ty luật (là một trong những cái tên dễ nhận biết nhất ở Thung lũng Silicon), cô sẽ ngồi ngoài bãi đỗ xe khi đèn của thung lũng bật sáng và khóc. Cô có mọi thứ mình ham  muốn nhưng cô ấy vô cùng chán nản. Janine tưởng tượng rằng có điều gì đó không ổn với cô ấy. 

Những người như Janine không đơn độc vì theo một nghiên cứu được tiết lộ trong cuốn sách "Cách thiết kế đời bạn" của hai tác giả Dave Evans  và Bill Burnett (Đại học Stanford) thì 2/3 số người đi làm không hài lòng với công việc của họ. Và 15 phần trăm thực sự ghét công việc của mình.

Ảnh: L.G.

Donald cũng là một nhân viên kiếm được nhiều tiền. Ông đã làm việc hơn ba mươi năm với cùng một công việc. Ông đã trả được món nợ mua nhà, quỹ hưu trí được đầu tư cẩn thận, các con đều tốt nghiệp đại học. (Mua nhà, phí đại học, quỹ hưu trí là ba gánh nặng đè lên vai người Mỹ). Donald có một sự nghiệp và cuộc sống vững chắc. Sáng dạy đi làm, về nhà, ngủ. Thức dậy hôm sau và lặp lại tất cả đều đặn. 

Trong nhiều năm, Donald đã hỏi cùng một câu hỏi nhiều lần. Ông mang theo câu hỏi này đến quán cà phê, đến bàn ăn tối, đến nhà thờ và thậm chí vào quán bar mà ông nghĩ men rượu sẽ làm dịu câu hỏi. Nhưng luôn luôn nó sẽ trở lại. Trong gần một thập niên, câu hỏi đã đánh thức ông dậy lúc 2:00 sáng là: "Tại sao tôi lại làm công việc này"?

Không biết lựa chọn công việc, lúc chọn lựa lại không phù hợp dẫn đến sự bất mãn, chán chường trong không ít giới công sở Mỹ, nhất là trong bối cảnh gia tăng áp lực cạnh tranh từ sự tiến bộ công nghệ và toàn cầu hoá. Vào giữa những năm 1980, khoảng 61 phần trăm lao động nói rằng họ hài lòng với công việc. 

Kể từ đó, con số này đã giảm đáng kể, xấp xỉ khoảng một nửa; điểm thấp nhất là vào năm 2010, khi chỉ có 43 phần trăm lao động hài lòng, theo dữ liệu được thu thập bởi Conference Board, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận. Các nghiên cứu khác đã ghi nhận sự gia tăng sự bất mãn trong những top nghề nghiệp như bác sỹ, luật sư.

Trong bài báo "Thành công, giàu có, khốn khổ" đăng trên tờ The New York Times - tác giả Charles Duhigg kể về một người bạn học của ông đang làm việc cho một quỹ đầu tư ủy thác với trách nhiệm mỗi ngày phải đầu tư 5 triệu đô la - một con số không tệ - cho đến khi anh này  giải thích: "Nếu tôi chỉ đặt 4 triệu đô la vào thứ hai thì tôi sẽ phải giành giật để đặt 6 triệu đô la vào thứ 3, trong lúc đồng nghiệp khác liên tục phá hoại để tìm kiếm các cơ hội thăng chức tiếp theo. Đó là một công việc căng thẳng điên cuồng và làm việc với những người mà bạn không ưa thích. Tôi có thể kiếm 1,2 triệu đô la/ 1 năm nhưng lại cực ghét đến văn phòng. Tôi cảm thấy tôi đang lãng phí cuộc đời mình? Khi tôi chết đi, ai quan tâm đến những điểm thưởng mà tôi kiếm được sau mỗi phi vụ thành công? Công việc của tôi hoàn toàn vô nghĩa".  

Anh nhận ra những đặc quyền kỳ diệu từ danh tiếng và thu nhập của mình, nhưng nỗi thống khổ chẳng biến mất. Người bạn này đã nhận được lời mời từ một quỹ khởi nghiệp cho công việc mà anh thích nhưng tiền lương lại giảm một nửa. Tất nhiên, mức lương đó chẳng thể đáp ứng cho lối sống hiện tại, vì thế, người đàn ông cứ mắc kẹt trong nỗi thống khổ về công việc.

Hàng triệu người Mỹ cũng bị khoá trong một lối sống như vậy, khi GS Clayton M.Chirstensen (Đại học Harvard) mô tả trong cuốn sách "Thước đo nào cho cuộc đời bạn": Chỉ một số ít người quyết tâm theo đuổi những khát khao thực sự có ý nghĩa với họ. Còn đại đa số chúng ta, theo thời gian, chúng ta cho phép giấc mơ của mình bị gạt bỏ. Chúng ta chọn nghề nghiệp vì những lý do không đâu và chấp nhận sống với nó. Chúng ta bắt đầu thừa nhận rằng không phải lúc nào cũng có thể kiếm sống bằng điều mình thực sự yêu thích. Rất nhiều người trong chúng ta một khi đã bước chân vào con đường thỏa hiệp này thì sẽ không bao giờ quay đầu lại được. 

GS Clayton M.Chirstensen kể về bài luận của những người bạn khi nộp đơn vào Đại học Harvard đã nói lên những khát khao sẽ dùng kiến thức của mình để chiến đấu chống lại một số vấn đề xã hội đau đầu nhất trên thế giới hay là giấc mơ trở thành doanh nhân và tạo dựng cơ ngơi riêng cho mình. Nhưng rồi, thời gian trôi qua. Chúng ta đều phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn như nuôi sống gia đình, đáp ứng kỳ vọng của bản thân, của cha mẹ, làng xóm, họ tộc, nên đã có những lựa chọn vì lợi ích trước mắt mà quên đi ước mơ lâu dài của cá nhân. 

Nhiều người chấp nhập công việc trong ngân hàng, quản lý quỹ, tư vấn và những vị trí được trọng vọng để kiếm phần thưởng tài chính xứng đáng với tấm bằng đắt tiền. Nhờ nhận những công việc này họ có thể trả nợ phí đại học, thu xếp khoản thế chấp mua nhà, mua xe, đưa gia đình vào trạng thái thoải mái về tài chính… 

Tuy nhiên, chẳng bao lâu một số người tự nhận là họ ghét công việc mình đang làm, họ nhận ra mình lựa chọn những công việc đó vì lý do sai lầm. Tệ hơn nữa họ cảm thấy mình mắc cạn. Họ đã thay đổi lối sống theo khoản tiền lương họ nhận được và bây giờ họ khó lòng quay lại như ngày xưa.

Sự bất mãn, chán nản vì lựa chọn sai công việc đã dẫn tới rất nhiều hệ luỵ như căng thẳng, lo lắng, giảm năng suất, gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho kinh tế Hoa Kỳ mỗi năm. Rất nhiều nghiên cứu đã tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao nhiều người thu nhập cao lại bất mãn với công việc họ đang làm?". Một số nhà kinh tế học đã tìm ra đáp án về động lực - yếu tố quan trọng duy trì sự hài lòng và nhiệt huyết của nhân viên như lý thuyết của nhà khoa học HERZBERG.

Theo ông, có hai yếu tố song hành khiến người lao động yêu công việc của mình, trước tiên là yếu tố duy trì bao gồm lương bổng, chức vụ, chế độ an sinh, điều kiện làm việc, chính sách công ty; bên cạnh đó là yếu tố động viên ví dụ như công việc có thách thức, người làm được giao trách nhiệm, chủ động và được tự quyết trong chuyên môn của mình, được công nhận và tôn trọng, được phát triển cá nhân và cuối cùng là tìm được mục đích và ý nghĩa từ công việc.

Một trong những ví dụ có giá trị về ý nghĩa ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc đến từ một nghiên cứu xuất bản năm 2011. Hai nhà khoa học-Amy Wrzesniewski ĐH Yale và Jane Dutton - ĐH Michigan - muốn tìm hiểu xem tại sao những người lau dọn ở các bệnh viện lớn lại hài lòng và nhiệt tình hơn các cơ sở khác. Họ phỏng vấn một nhân viên lau dọn tại khoa chấn thương sọ não và phát hiện ra, người này không chỉ đơn thuần làm công việc thay ga giường, đổ rác, mà chị còn thích nói chuyện với bệnh nhân và người nhà của họ. 

Chị có thể nhảy, hát múa, kể chuyện hài hoặc bất kể việc gì để có thể giảm nỗi đau đớn và lo lắng của những người bệnh cũng như người thân của họ. "Nếu bạn nhìn công việc của mình như là chữa lành chứ không đơn thuần là đổ rác hay lau vết bẩn, chắc chắn bạn sẽ có ý thức hơn khi cầm cây chổi" - Hai tác giả nhấn mạnh.

Cũng như nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg kể câu chuyện tâm đắc nhất của anh là một lần Tổng thống Mỹ John F Kenedy thăm trạm điều khiển không gian ở NASA, ông thấy một lao công đang mang theo cây chổi. Ông bước lại gần, hỏi xem người lao công đang làm gì. Người lao công trả lời: "Thưa tổng thống, tôi đang giúp đưa một người lên mặt trăng". Câu chuyện này là ví dụ sâu sắc minh họa cho niềm hạnh phúc của con người khi họ tìm thấy ý nghĩa, mục đích trong công việc. 

"Mục đích chính là cảm giác khi mà ta được là một phần của điều gì đó lớn lao hơn chính ta, khi mà ta được cần đến, ta được lao động cho một điều gì đó tốt đẹp sẽ có trong tương lai. Mục đích là thứ tạo nên hạnh phúc đích thực" -  Mark Zuckerberg nhấn mạnh.

Cho những ai đang cảm thấy khốn khổ trong công việc, một nhắc nhở quan trọng rằng con đường mềm mại nhất đôi khi thất bại khi dạy cho con người về thứ thực sự đem lại sự hài lòng cho chúng ta mỗi ngày. Như nhà báo Charles Duhigg, sau khi tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard, anh đã nộp đơn xin việc vào Mc Kinsey danh giá, một quỹ đầu tư nổi tiếng, một tập đoàn bất động sản sừng sỏ, nhưng đều bị từ chối.

Thật cảm ơn vận may tồi đó đã dẫn anh đến cánh cửa toà soạn The New York Times, nơi anh trở thành một cây bút xuất sắc đạt giải Pulitzer, xuất bản nhiều cuốn sách best sellers và một biên tập viên kỳ cựu mọi toà soạn phải khao khát. 

"Tìm kiếm ý nghĩa, đối với một nhân viên ngân hàng hay một người quét dọn, là một công việc khó khăn. Chính cuộc đời, chứ không phải là một lớp học kinh doanh, là nơi để dạy chúng ta học cách tìm ra nó" - Charles Duhigg chiêm nghiệm.

"Cách duy nhất để hoàn toàn hài lòng là làm những gì bạn tin là vĩ đại. Và cách duy nhất để làm những điều vĩ đại là yêu thích những gì mình làm. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Cũng như những câu chuyện của trái tim, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy" - Steve Jobs.

Thu Phương
.
.