Tết - nếp nghĩ theo ký ức trôi

Thơm khói giao thừa

Thứ Năm, 11/02/2016, 23:55
Như đã thành thói quen, tôi vẫn uống một ly trà nóng sau khi cúng Giao thừa, hồi tưởng lại những tháng ngày đã trôi qua trong cuộc đời mình. Đâu đó xung quanh, khói hương bảng lảng. Khói hương chuyển mùa, luôn để lại một dư vị đặc biệt, dẫu khói hương nào không là khói hương, điều khác lạ có lẽ nằm ở tâm thức.

Những hôm tháng Chạp như thế này, nếu tôi nhớ không nhầm, người xưa gọi là Tiểu xuân, tức cái tết nhỏ. 

Nhỏ thôi, nhỏ như câu chuyện chỉ mình biết riêng mình. Nhỏ thôi, nhỏ như nỗi nhớ xa xăm ký ức. Nhỏ thôi, để trong những quyến luyến về thời gian đã qua, tự dưng cảm thấy ấm áp về yêu thương nhẹ nhàng như khói bếp thơm mẹ nhóm năm nào.

Quãng năm năm trở lại đây, tôi đã viết quá nhiều. Gần như, hôm nào tôi cũng viết. Viết mãi mà vẫn không thoát được hình ảnh ngày ấu dại, mắt hướng về cơn gió tháng Chạp, mê mải về những hôm Tết đang chầm chậm kéo về, trên chiếc lá mai ba vừa lặt hôm qua, trên manh áo mới chợ quê của mẹ, trên mùi mứt dừa sên của chị, trên nụ cười răng sún trong veo của anh.

Trước nhà tôi có cây khế tán rất râm mát, tôi trồng cũng đã lâu trên vỉa hè. Những lúc cuối năm như thế này, tôi thường ngồi dưới gốc khế nhìn bụi bay thoảng qua mặt, nghĩ những điều lẩn thẩn.

1. Tôi có cảm giác khi nào mình cũng cũ kỹ quá, cũ kỹ từ hồi rời quê lên phố trọ học, rồi mưu sinh bằng nghề báo ở nơi này. Thế nên, trong những quãng thời gian lẩm rẩm nhớ thương như thế này tôi thường nghĩ mình đang mắc kẹt ở phố, cứ như con cá suối bị tôi xúc lên rồi bỏ vào lọ kẹo thủy tinh thời mũi dãi vậy.

Tôi có cậu bạn thân, xong đại học bỏ về quê trồng cỏ nuôi bò, sau nuôi thêm dê. Mỗi khi mỏi mệt, tôi vẫn thường vào facebook của cậu bạn để xem những hình ảnh về trang trại của cậu. Tôi cực thích thú khi nhìn những hình ảnh đó. Cậu bạn có lần nói với tôi: “Về chơi, tao chừa sẵn nhiều thứ dành cho mày uống rượu”. Tôi không thích uống rượu lắm, vào lúc này. Mấy năm trước, tôi luôn sẵn sàng uống rượu. Càng có tuổi, tôi càng chán những cơn say.

Tôi lại có cậu bạn khác, cậu bạn này về quê rồi. Cậu bạn có rất nhiều rượu, vì cậu là chủ một cửa hàng bán rượu. Ngoài rượu, cậu có rất nhiều trà. Vì cửa hàng cậu cũng có trà. Ngoài ra, cậu còn rất nhiều heo rừng, bồ câu, cây cảnh vì đất nhà cậu rất rộng. Cậu bạn vẫn hay gọi điện thoại cho tôi: “Về chơi, lâu quá không ngồi với mày”.

Vài tuần trước, những người bạn thuở hoa niên của tôi có post trên facebook tấm ảnh chụp những năm cuối cấp, nhìn bức hình cũ và hiện tại, chúng tôi có quá nhiều khác biệt. Chỉ là, khi nào cũng nhớ về nhau với ấm áp hoa phượng, lưu bút.. Hay đơn giản chỉ nhớ về nhau vì cần thiết phải nhớ về nhau, đó là một quãng ký ức đã trôi qua. Một quãng ký ức thật sự rất tươi đẹp.

Tôi không biết những cậu bạn đang ở quê bây giờ có muốn trở lại thành phố không, mặc cho nhiều lúc tôi ao ước đang được ở quê như các cậu ấy. Hẳn nhiên rồi, chúng ta đều muốn hoán đổi vị trí cho nhau. Bất chấp, vị trí nào cũng luôn có nhiều nỗi niềm.

Hôm qua, cậu bạn của tôi lại nhắn tin. Đó là dạng tin nhắn chùm, rủ độ ông Táo về trời thì gặp nhau một chốc. Hình như ở cái tuổi cơ nhỡ giữa thanh niên và trung niên người ta thường muốn ngồi với nhau hơn hay sao ấy, nhỉ? Đôi lúc, ngồi là ngồi thôi chứ không biết nói câu chuyện gì. Bởi chuyện quá khứ nói hoài cũng cạn. Có điều, nhìn thấy nhau là ấm áp, là vui.

Minh họa: Hữu Khoa.

2. Lâu rồi, tôi có ngồi uống vang với một vài thân hữu. Giữa chừng, có cô gái hỏi tôi, “Nhà anh cách đây bao nhiêu phút đi xe?”. Tôi đùa: “Có đêm anh đi cùng một người, lăng quăng thế nào mà đến hơn một tuần sau mới về đến nhà, em ạ”.

Tự dưng sau câu nói đùa ấy, trong tôi cứ vang vọng: “Đường về nhà, bao xa?”.

Ngày còn thanh niên, đường về nhà thăm thẳm. Bạ đâu ngủ đó, vui đâu tụ vào đó. Thời gian, chỉ là thứ khái niệm mơ hồ rất nên được vứt bỏ.

Lập gia đình, vợ ngóng điện thoại, đường kéo gần hơn.

Tiếng con thơ bi bô, đường về nhà càng gần thêm xíu nữa.

Ba má ngày càng già đi, đường về nhà đã sát bên mình.

Nhiều lúc tôi về không có ai ngóng đợi, sao thấy đường xa vời vợi. Cũng nhiều lúc tôi nghĩ, giả mà không có những người thân yêu đang chờ, tôi có muốn quay trở về nhà không?

Chắc là rồi cũng sẽ về thôi, tóc nào không điểm sương, đuôi mắt nào không hằn những vệt chân chim mỏi. Nhưng mà, xa lắc xa lơ, xa đến độ chớm nghĩ thôi đã là vượt quá sự chịu đựng rồi.

Tôi có người anh em, đổ vỡ. Người anh em say mèm, thủ thỉ: “Tớ không muốn về nhà nữa, mỗi lần nghĩ đến chuyện phải về lại nhà là tớ đớn đau. Tớ nhớ mọi thứ đã trôi qua dưới mái nhà ấy”. Tôi nghe người anh em nói, buồn hiu. Vẩn vơ lại sợ chuyện sau này, khi ba má không còn nữa, đường về nhà chắc đa đoan miên viễn lắm. Biết là làm sao, bởi chúng ta nhỏ bé và bất lực đến dường nào trước sự tàn nhẫn của thời gian.

Đường về nhà, bao xa? Xa hay gần thì có là gì đâu, nếu không có bất cứ yêu thương nào đang chờ ta ở đấy! Đơn giản, về, có phải là về đâu. Có phải chỉ là dịch chuyển đâu.

Về chỉ vì, ta được ấm êm với những gương mặt, với những nét nói cười. Như là nhẽ sống của ta trong cõi đời này. Về chỉ vì, đó là những người mà ta luôn ước ao, sẽ vĩnh viễn được ở cùng nhau, cả lành lặn hay rách nát, cả thuận lợi hay hanh thông, cả may mắn hay xui rủi, cả khóc cả cười. Sao cũng xin nhận lãnh, miễn được ở cùng nhau, dưới một mái nhà.

Như mỗi khi xem lại Phải sống của Trương Nghệ Mưu, là thêm lần tan nát. Phú Quý, nhân vật chính trong phim, công tử thế tập, ham bài bạc mà khiến đời mình sang một trang khác. Khi Phú Quý đang cố nở một nụ cười tay trắng, thì cũng là lúc biến cố ập đến. Trong đời sống này, lúc vận khí đã mất, chúng ta liên miên gặp hoạn nạn. Chúng ta bế tắc, trời xanh thường ngoảnh mặt, bằng hữu không có ai. Đời sống nhanh như gió mưa, rồi trò vui hôm nay, rồi cơn chiêm bao hôm nay, một vài năm nữa sẽ hóa thành mộng tưởng. Như giấc nào mơ hóa bướm mà thôi.

3. Thật ra, mỗi lần năm hết Tết đến, là mỗi lần chúng ta có cơ hội dọn lòng mình để đón nhận những chuyện vụn vặt như tôi vừa kể thôi mà.

Bởi suy cho cùng, ngoài ký ức ra thì chúng ta còn lại gì cho mình đâu. Không phải chúng ta đều sẽ biến mất trong cõi đời này một cách lặng lẽ, tuyệt không lưu lại dấu vết vào một hôm nào đó hay sao.

Nên may mà còn tán khế bóng râm, may mà còn hương khói giao thừa, may mà còn những đêm chấp chới tháng Chạp để mà suy tưởng nhớ thương. 

Ngô Nguyệt Lãng
.
.