Mùi Tết

Thứ Ba, 01/03/2011, 01:23
Không hiểu sao, tôi đinh ninh một điều tuyệt đối rằng, mùi tết chỉ có ở quê chứ không phải ở bất kỳ một chốn thị thành nào khác. Mùi tết, cái mùi đặc trưng của văn hoá cổ truyền người Việt chỉ có ở những vùng quê.

Có thể, tôi thuộc về lớp người cổ hủ, cực đoan khi khăng khăng một điều như vậy. Cái cổ hủ cực đoan thường có của những người sinh ra ở quê, ở chốn đồng đất xóm làng bao phủ quanh năm bởi những lũy tre xanh nghèo khó, và bao nhiêu năm nay, hay đến hết đời ăn những cái tết quê.

1. Mùi tết chỉ có ở những làng quê Việt, nơi mà chiều 29 tết, những đụn rơm rạ cuối năm được cha vun đốt bốc khói cay xè mắt, thả lên trời bao nhọc nhằn, bao thương khó của một năm làm lụng. Khi cha gom hết rơm rạ trước sân, ngoài vườn, hay vun lá rụng trong vườn để đốt sạch, làm phong quang nhà cửa, phong quang lối ngõ ấy là khi mùi tết đã len lỏi về.

Ở quê, không khí tết ngập tràn một nỗi lưng rưng từ trưa 23 ngày cúng ông Công ông Táo về trời. Không vội vã như ở thị thành, không cấp tập chạy đua với thời gian để đón tết. Ở quê, mùi tết chầm chậm toả khắp đường làng ngõ xóm từ trưa 23, khi mà mỗi gia đình, bận việc đồng áng cỡ nào thì người đàn bà trong gia đình dù chân còn lấm bùn ruộng vẫn tất bật trở về nhà sớm hơn lệ thường để kịp chuẩn bị bát vôi bột, giục chồng dựng cây nêu trước nhà báo hiệu tết đến.

Không như ở thị thành, hay các thành phố lớn. Ngày ông Công ông Táo, ở thành thị người người nhà nhà mua quần áo, mũ mão cho gia đình ông Táo Quân, đi chợ mua cá chép, cá vàng về để chuẩn bị cúng xong mang đi phóng sinh cầu may. Trên bàn thờ nào xôi, nào gà, nào bánh chưng, bất cứ thứ gì cần cho lễ cúng đều được người thành phố bày biện vun đầy. Ở quê, ngày ông Công ông Táo đôi khi chỉ có chén nước lã, nén hương thắp lên ban thờ để báo cáo tổ tiên, xin phép tổ tiên được dựng cây nêu, dọn bàn thờ, vệ sinh bát hương...

Minh họa của Lê Phương.

Chỉ bấy nhiêu việc một năm chỉ làm có một lần thôi mà mỗi khi đến hẹn mùi tết lại bất chợt trở về len lỏi trong từng ngôi nhà, trong từng cặp mắt trẻ thơ đứng chầu hẫu xem mẹ rắc vôi bột quanh cây nêu trước ngõ hay chăm chú ngước nhìn cha dọn bàn thờ chuẩn bị tết.

Không như ở thành phố, người ta chuẩn bị tết, trang hoàng cho tết từ đường phố, vườn hoa, công viên cho đến từng cửa hàng, khách sạn, từng ngôi nhà tưng bừng đèn hoa. Bao nhiêu cái rực rỡ sang trọng đều được phô trương bằng hết. Ở thành phố, tết như một chiếc áo choàng lộng lẫy được người chỉnh trang thành phố khoác vào thay cho chiếc áo xám của mùa đông vừa qua.

Mùa nào, trang phục nấy, và trang phục tết bao giờ cũng đẹp, cũng phô trương. Thế  mà trong cái lộng lẫy, sang trọng của cờ hoa đó, mà sao mùi tết vẫn chẳng thấy về. Không biết có phải ở thành phố, dòng chảy của thời gian dường như gấp gáp hơn.

Và tết ở thành phố những ngày cuối năm bận rộn hơn vạn ngày thường. Đường phố tắc nghẽn vì dòng xe cộ chở LỄ và NGHĨA len lỏi khắp phố phường để chạy sô cho xong phần việc buộc phải thực hiện đó là: ĐI CHÚC TẾT CUỐI NĂM. Hay có thể mùi tết ở thành phố không đủ dậy lên trong một không gian quá rộng, mà lại quá chật chội bởi người người chuyển động gấp gáp.

Sáng 30, các quán phở vẫn đông chật như nêm, quán gội đầu vẫn làm việc hết tốc lực. Các cửa hàng vẫn mở... Cuộc sống như không hề có gì đó thay đổi, hay ít ra cũng mang lại chút cảm giác riêng biệt của ngày tết. Tết ở thành phố chỉ như là có thêm, đầy thêm, nhiều thêm, phồn thực thêm những thứ vẫn có trong ngày thường.

Nếu so sánh như vậy, mùi tết ở thành phố phải đậm đặc hơn mới đúng chứ.

Vì ở quê, tết đâu có phải nhà nào cũng đủ nem công chả phượng để bày cỗ cho tố hảo với tổ tiên, nói chi đến đào, quất hay các loại cây cảnh trang hoàng ngày tết. Ở quê, nghe nói đến việc người thành phố sắm những chậu phong lan dăm ba triệu đồng chơi tết hay biếu cả những chậu hoa cỡ 20 triệu, 50 triệu đồng mà cứ như là chuyện cổ tích của ai đó viết trong thời hiện đại.

Thế mà lạ lùng, có thể hoa đào chưa khoe nụ hồng rực rỡ ở gian 7 nhà, quất chưa thắp đèn lồng đỏ treo tết ở mỗi gia đình có những cái tết đơn sơ bình dị ở quê thì cái mùi tết ở quê vẫn cứ hiện hữu vô thường. Mùi tết chỉ có ở quê và chỉ khi ta bỏ lại thị thành, trở về quê ăn những cái tết hiu hiu buồn sau luỹ tre xanh kia thì ta mới cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết mùi vị của tết.

Mùi tết bắt đầu từ những đụn khói cha đốt trước ngõ cay xè mắt. Khói rơm rạ, khói của lá trong vườn khô rụng lâu ngày cay xè mắt cha, cay xè lòng những đứa con xa xứ trốn những vết trầy xước trong cuộc mưu sinh ở nơi đông đúc phố xá trở về tìm bình yên nơi ngôi nhà chứa đầy những bài vị bát hương cổ kính trên bàn thờ tổ tiên ông bà...

Khi mà tết chỉ như một sự kiện song hành tự nhiên và bình thường trong đời sống làm ăn bận rộn của con người nơi thành phố. Bình thường và hiển nhiên đến nỗi trưa 30 tết, quán cơm bụi vẫn mở như thường, quán nhậu vẫn đông khách, các cửa hàng kinh doanh vấn tấp nập bán mua thì ở quê, sáng 30 tết đường làng đã vắng, đồng làng đã hết bóng người.

Tất cả mọi người đều tập trung quây quần bên bếp lửa gia đình để chuẩn bị cho mâm cơm cúng trưa 30 tết. Con cháu đi làm ăn xa cỡ mấy, thì 29 tết cũng đã kéo nhau đùm đùm gói gói, vợ chồng, con cái túi to, túi nhỏ về đến quê nhà. Ai đã có gia đình ở quê, từ quê mà đi làm ăn xa, định cư hẳn ở các thành phố lớn nếu gia đình lớn của mình ở quê vẫn còn bố, mẹ, cô dì chú bác họ hàng thì thường không mấy khi ăn tết ở thành phố.

Vì trong tiềm thức của những con người cổ hủ, cực đoan này, tết ở thành phố sao mà lạc lõng, mà buồn tẻ, mà vô vị đến thế khi rủi may năm đó, vì lý do gì đó mà họ  buộc phải ăn một cái tết ở thành phố. Vậy cho nên, người xa quê lúc nào cũng ngong ngóng đến tết để về quê cha đất tổ. Một năm làm lụng vất vả cố dành dụm chút tiền để về quê ăn tết.

Người làm ăn tốt thì việc cuối năm về quê ăn tết cùng cha mẹ họ hàng là chuyện hiển nhiên, nhưng ngay cả với người làm ăn khốn khó thì cả năm vất vả rồi, không dành dụm được tiền để về quê ăn tết thì coi như năm đó họ không có tết. Vì vậy, kiểu gì ai đi làm ăn xa, cũng cố gắng dành dụm chút tiền đưa cả gia đình bé mọn của mình về quê ăn tết.

2. Tết ở quê mới thực là tết, khi mà mùi vị của tết quê là hương vị riêng biệt, không lẫn vào đâu được, không nơi đâu có được ngoài ở quê nhà làm xốn xang, bồi hồi, day dứt trong tâm cảm của những người con xa quê mỗi năm mới trở về nhà ăn tết cùng cha mẹ họ hàng một lần.

Tết ở quê sao mà hiu hiu buồn, sao mà vắng lặng, mà tĩnh đến thế khi đường làng vắng vẻ ngay từ sáng 30. Ai ai cũng trở về nhà, cũng đỏ đèn trên bàn thờ và chuẩn bị cho việc lễ cúng cuối năm. Và một điều đặc biệt nữa chỉ ở quê mới có, đó là ngay từ sáng 30, khi các con cháu gần xa về đông đủ, con gái, đàn bà quây quần bên bếp nấu cỗ; còn con trai, cháu trai cháu gái thường được ông nội, ông ngoại dẫn sang nhà thờ họ Đại tôn, họ Tiểu tôn để dọn bàn thờ thắp hương vái họ.

Công việc sang nhà thờ họ là công việc thường niên của mỗi năm khi tết đến, hay lễ rằm, giỗ họ các con cháu đều về lễ bái, vậy mà mỗi lần sang nhà thờ họ là một lần hồi hộp không thể quên. Ở quê, dòng họ nào cũng có nhà thờ họ Đại tôn và họ Tiểu tôn.

Dòng họ nào phương trưởng, nhiều người thành đạt giàu có thì nhà thờ họ to hơn, khang trang hơn. Còn dòng họ nào nghèo hơn, ít thành đạt hơn thì nhà thờ cũng bé hơn chút ít. Nhưng tục lệ ở quê, dù thiếu ăn, thiếu mặc thì chớ nhưng ai cũng cố gắng dành dụm đóng góp tiền của để xây nhà thờ và sắm sửa khang trang. Nhà thờ họ là nơi thờ cúng tổ tiên dòng tộc, là chốn linh thiêng để con cháu trở về thắp hương báo cáo với tổ tiên.

Nhà thờ họ cũng như là sợi dây neo mỗi người con đi làm ăn xa trở về với nguồn cội. Cái cảm giác tĩnh lặng của sáng 30 tết, cùng các cháu con đi sang nhà thờ họ thắp hương báo cáo tổ tiên dòng tộc để xin lộc của tổ tiên thật linh thiêng và đáng nhớ.

Khi ngày 30 đã xế sang chiều và làng quê trở nên yên tĩnh, thì đó cũng là lúc đi trên đường làng, ngõ xóm, mùi tết theo khói hương lan toả đến tận ngõ ngách trong tâm khảm của mỗi người. Nhà ai cũng đốt hương trầm, mùi hương quện theo gió khắp ngõ xóm. Đó là lúc mùi tết trở nên rõ rệt và nồng đượm hơn bao giờ hết.

Mọi người đi trong hương vị tết, thấy thương nhớ làng quê, thương những luỹ tre xanh cả đời chôn mình trong làng quê, thương nhớ những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Thương nhớ cô dì, chú bác mỗi năm một lần được gặp mặt. Mỗi một lần gặp mặt, những gương mặt ấy lại cũ kỹ đi, già hơn, xa xăm hơn bởi thời gian.

Không biết có phải ở làng, chiều 30 tết không có nhiều tiếng xe máy, không có khói bụi ôtô, không tắc đường, chen lấn, xô đẩy dành nhau từng milimét đường như ở thành thị nên mùi tết ở quê mới dậy hương nồng nàn đến vậy.

Lẫn trong mùi tết là nỗi buồn thăm thẳm của làng. Là sự hiu hắt man mác đâu đó trong khói hương, trong những câu chuyện được mất của cháu con bên mâm cơm ngày 30 tết. Lẫn trong mùi tết là hạnh phúc đơn sơ bình dị của trẻ con khoe áo mới và tiền mừng tuổi. Là tiếng thở dài của người già sau lận đận những được mất ở đời.

Là giọt nước mắt ngậm ngùi của mẹ cha khi biết trong số những đứa con của mình trở về lỡ mang một số phận không tròn đầy như mơ ước. Hay là những nỗi buồn quặn ruột của những người con xa quê, trở về quê nhà trót mang theo nỗi mất mát, hay những vết trầy xước trong cuộc bán buôn mưu sinh ở chốn thị thành.

3. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn thế này. Nếu một ngày nào đó, ai trong tất cả chúng ta, trong những cuộc phiêu bồng cùng số phận bỗng nhiên lạc bước. Lỡ không còn quê nữa để mà về, không còn có tết nữa để mà nhớ tết, hay trong nỗi sợ đầy tự kỷ của chính mình, lỡ mình đã làm điều gì khiến mẹ cha thất vọng, làng quê thất vọng, gia đình thất vọng, họ mạc thất vọng thì không biết chúng ta, những người con sinh ra ở quê như tôi sẽ neo vào đâu để tìm chút bình an nương tựa khi mà bản thân chúng ta đã tự chối từ chính mình.

Lỡ một ngày nào đó, cha mẹ già cả rồi sẽ khuất núi, tôi trở về căn nhà xưa trống trơn, nơi gia đình lớn của tôi đã sinh tôi ra để tìm không thấy đâu hơi ấm bếp lửa của mẹ, mùi tết nơi bàn tay cha chiều 29 tết đốt rơm rạ, dọn bàn thờ... thì không biết tôi có còn có những cái tết thực là tết nữa không?

Nếu lỡ ai trong chúng ta làm cha mẹ buồn, để những cái tết về quê trở thành nỗi muộn phiền ám ảnh, thì lúc đó không biết tết của chúng ta ở đâu hay ta vĩnh viễn không bao giờ còn có tết. Tôi sợ vô cùng cảm giác này, cảm giác không phải mùi tết không còn, mà sợ một ngày nào đó, trong cơn lạc bước, mùi tết sẽ không còn trở lại trong tâm cảm của tôi nữa, để tôi ngẩn ngơ đi tìm lại mùi tết cho mình trong một nỗi không cùng

Như Bình
.
.