Nếu nói không đi đôi với làm

Tài sản và di sản

Thứ Ba, 04/12/2018, 09:34
Khi thông tin đề xuất kỷ luật Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang được công bố, kèm theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của ông Tất Thành Cang là “rất nghiêm trọng”, thực sự không nhiều người cảm thấy ngạc nhiên. 

Công cuộc chống tham nhũng, chống cán bộ thoái hóa biến chất đang được Đảng với sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Hàng loạt cán bộ cao cấp từ Trung ương đến địa phương phải trả giá cho những hành vi sai trái, bất chấp pháp luật trục lợi cho cá nhân cùng nhóm lợi ích của chính mình.

Và cũng chưa bao giờ lòng dân phấn khởi vậy, khi mà chuyện ai cũng biết đã tồn tại nhiều năm trời nhưng không có ai giải quyết. Hoặc nếu có giải quyết thì cũng giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết còn ngại va chạm, còn sợ mất lòng người này người kia.


Dư luận có thể không biết tường tận đường dây mối nhợ dẫn đến các vi phạm nghiêm trọng của một quan chức cao cấp nhưng thực sự, họ đã có những ngờ vực lâu nay. Và chúng ta không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn ở Việt Nam hôm nay là phần lớn các quan chức bị quần chúng nghi ngờ về sự minh bạch đều có dấu hiệu bất minh cả. 

Rất nhiều trong số đó đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khi vụ án được công khai, quần chúng còn thấy bàng hoàng hơn khi so sánh mức độ sai phạm với ngờ vực trước đó của mình.

Ngay sau khi thông tin đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang được đưa ra, việc bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Hữu Tín đến ngay tắp lự cũng không khiến dư luận quá bất ngờ. 

Việc công bố rộng rãi những sai phạm của các cán bộ cao cấp đó chỉ khẳng định thêm những ngờ vực mà quần chúng lâu nay vẫn đeo mang mà thôi. Quần chúng vốn dĩ đã xì xào khá nhiều về các sai phạm ấy và chỉ khi chúng được công khai, bị soi chiếu bởi pháp luật, những xì xào mới chấm dứt. 

Minh họa: Hùng Dingo.

Điều đó cho thấy, người dân thực sự không phải dễ bị bịt mắt. Tất cả những gì cán bộ, quan chức đang làm, người dân đều nhận ra cả. Chỉ có điều, họ chưa thể công khai nói ra những ngờ vực khi chưa có một bảo chứng thông tin từ cơ quan thanh tra, cơ quan pháp luật. 

Và cuộc đại chiến với tham nhũng mà Đảng đang dấy lên lúc này chính là việc đưa ra các bảo chứng để xoá bỏ các ngờ vực cũng như lấy lại niềm tin trong dân.

Nói đến đây, chúng ta nên quay lại với một điểm trong Nghị quyết Trung ương 8 vừa rồi là “cán bộ phải có tinh thần nêu gương”. Cái sự nêu gương ấy thực tế nên cần được hiểu rằng thái độ và niềm tin của quần chúng nhân dân chính là tấm gương rõ rệt nhất. Mỗi người cán bộ, quan chức, Đảng viên cần phải soi mình vào đó. 

Nếu trên tấm gương hiện lên dấu hiệu của ngờ vực, người cán bộ cần phải xem lại chính mình, tự kiểm điểm lại chính mình. Còn nếu chỉ hiểu nêu gương là đi đầu trong việc làm người tốt là chưa đủ. Bởi đơn giản, kỹ nghệ đóng kịch có thể giúp con người ta hoá thân mình thành một người giản dị, liêm chính qua các hình ảnh truyền thông. 

Song hình ảnh đóng kịch kiểu đó sẽ chỉ càng lố bịch hơn nếu tấm gương soi mang tên quần chúng vẫn hiển hiện lên các dấu hiệu của sự nghi ngờ.

Và trong việc đề cao tinh thần nêu gương kể trên, rất cần phải có những xử lý mạnh tay đối với các cán bộ sai phạm để làm gương. Người tài là nguyên khí của quốc gia nhưng kẻ có tật cũng làm tổn hại nguyên khí quốc gia rất lớn. Và nếu làm lãnh đạo mà vừa bất tài, vừa có tật, vừa tham lam đến bất chấp thì e rằng nguyên khí quốc gia sẽ chẳng còn.

Nhiều đại án trong thời gian vừa qua đã cho thấy vấn nạn tham nhũng trầm trọng đến mức nào. Và cái nguy hiểm hơn là thời đại mới này đã rất khác với thời phong kiến khi một ông quan có thể coi trời bằng vung, một tay khuynh đảo cả một vùng. 

Ở thời đại này, không một quan chức đơn lẻ nào có thể làm được những vụ sai phạm tày trời. Họ có những “đường dây” bắt tay với nhau để cùng bao che và lũng đoạn. Nếu dùng từ “tập đoàn mafia chính trị” thì có vẻ nặng lời nhưng thực tế, tình trạng ấy không phải không có. 

Và công cuộc chống tham nhũng đang tuyên chiến với những bóng ma như thế, những bóng ma mà đằng sau nó là những nhóm tư bản thân hữu đang lũng đoạn thị trường, bòn rút tài nguyên quốc gia một cách bất chấp.

Công cuộc ấy đã và đang treo một thanh gươm Damocles lơ lửng trên đầu những con sâu và hình ảnh đó cũng không khác gì một tấm gương răn đe cho những ai đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Họ cần phải hiểu, nếu mình trong sạch, sẽ chẳng có một thanh gươm Damocles nào đe doạ mình cả.

Nếu chúng ta truy tìm thông tin về những vụ cướp mộ, chúng ta sẽ thấy gần như đa số các lăng mộ vua chúa, quan lại thời xưa đều đã từng bị những kẻ trộm mộ khai quật. 

Tại sao lại là mộ của những nhà giàu thường bị trộm ghé thăm? Câu hỏi này quá dễ để trả lời. Đồ tùy táng của họ toàn là của cải quý giá cả nên nó mới hấp dẫn đám trộm mộ là thế. 

Và câu chuyện xoay quanh những người trộm mộ cho chúng ta suy nghĩ gì? Tài sản ư? Chúng ta sẽ chẳng thể mang theo được gì khi đã nằm xuống huyệt mộ. Cái còn lại của con người từng sống không phải là tài sản, mà cần là di sản. Mà di sản thì được tạo dựng từ đạo đức, năng lực, nỗ lực và thành tựu có tác động tích cực đến nhiều người chứ không phải bằng cách nào khác.

Ai rồi cũng phải chết. Vậy thì giữa tài sản và di sản, ta sẽ chọn gì? Nên nhớ, nếu ta là một quan chức, và ta chọn lựa tài sản bất minh, thứ ta để lại không phải là tiền tài, mà là một vết nhơ rất lớn không thể xóa nhoà. Đặc biệt, nếu ta không thể “hạ cánh an toàn” mà cuối đời vẫn phải đặt chân ra trước vành móng ngựa. 

Hà Quang Minh
.
.