Nếu nói không đi đôi với làm

Con người nhất quán

Thứ Ba, 27/11/2018, 11:11
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “nói phải đi đôi với làm” tựu trung lại không chỉ là đạo đức, là lẽ sống, là nguyên tắc của mỗi cá nhân. Mà đó còn là kim chỉ nam cho những cán bộ lãnh đạo đang tại vị, làm việc hay đã về hưu.

Công cuộc chống tham nhũng, chống cán bộ thoái hóa biến chất đang được Đảng với sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Hàng loạt cán bộ cao cấp từ Trung ương đến địa phương phải trả giá cho những hành vi sai trái, bất chấp pháp luật trục lợi cho cá nhân cùng nhóm lợi ích của chính mình.

Và cũng chưa bao giờ lòng dân phấn khởi vậy, khi mà chuyện ai cũng biết đã tồn tại nhiều năm trời nhưng không có ai giải quyết. Hoặc nếu có giải quyết thì cũng giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết còn ngại va chạm, còn sợ mất lòng người này người kia.


Càng quan sát công cuộc chống tham nhũng của Đảng, tôi càng nhận ra rằng, nếu cán bộ lãnh đạo chệch hướng, nói không đi đôi với làm hoặc nói một đằng làm một nẻo thì luôn có kết cục ê chề, mất trắng từ địa vị cho đến danh dự.

1. Ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM cùng các ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM) và Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định bắt tạm giam vì “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trước đó vài hôm, ông Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định hàng loạt vi phạm nghiêm trọng.

Minh họa: Hùng Dingo.

Trích từ thông cáo báo chí trên website của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “ Đồng chí Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.

Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, đồng chí đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Những vi phạm của đồng chí Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, trung tâm kinh tế xã hội của quốc gia mới trải qua cơn rúng động đến vậy. Hàng loạt quan chức đứng đầu thành phố bị bóc tách những sai phạm nghiêm trọng, bị khởi tố bị bắt tạm giam, mà nhìn lại, vi phạm nào của những quan chức này cũng khiến ngân sách bị thiệt hại nặng nề, công sản bị chảy máu không thương tiếc.

2. Tôi có thói quen thường điểm lại những phát ngôn của các cán bộ lãnh đạo vi phạm. Tuyệt nhiên không thấy phát ngôn nào không lấp lánh, không thấy phát ngôn nào không phảng phất cái không khí vì dân vì nước mà tận tâm tận lực tận hiến của các bậc tiền nhân chính khí ngày trước. Nhưng rồi, hành động của họ khác quá, khác đến một trời một vực.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo giới, nhà báo Nhị Lê – Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, một người mà tôi rất khâm phục về trình độ lý luận nói thẳng thắn: “Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đạo đức, phẩm hạnh, trước hết ở liêm sỉ, tức là sự xấu hổ, mà thiếu nó thì không trở thành người, nói gì đến trở thành đảng viên.

Tôi cũng muốn nói về bản lĩnh. Trước đây, sự sinh tử đã làm nên bản lĩnh người cộng sản, súng đạn kẻ thù đã tôi luyện ra người cộng sản. Người đảng viên đã trở thành một biểu tượng trong lòng nhân dân. Không biết tự trọng, không có liêm sỉ, thiếu trí tuệ thì làm sao nêu gương được cho ai. Điều đó đặt ra với từng đảng viên, nhất là với những đồng chí đứng đầu, những đồng chí giữ trọng trách trong Đảng.

Nếu không hành động thì nhân dân sao tin tưởng. Vì, Đảng ta là Đảng hành động chứ không phải là câu lạc bộ thăng quan phát tài. Có mấy hạng người liên quan tới vấn đề này:  nhiều đảng viên nói mà không làm, hứa đâu bỏ đấy, lấy đầu lưỡi thay cho bàn tay hành động; đáng xấu hổ nhất là nói một đằng làm một nẻo, làm ngược với nói. Như thế thì nêu gương gì?”.

Rõ ràng, đang tồn tại những cán bộ nói mà không làm, hứa đâu bỏ đấy, lấy đầu lưỡi thay cho bàn tay hành động. Và Đảng đang đẩy mạnh công cuộc loại bỏ những cán bộ như thế này.

3. Nhà báo Nhị Lê đã nói rất chính xác, rất đúng một thực trạng không còn là số ít những cán bộ lãnh đạo hiện nay. Đó là những cán bộ nói không đi đôi với làm, hoặc nói thì luôn vì cái chung nhưng làm toàn phục vụ cho cái riêng.

Họ bất chấp một chân lý cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra hay dưới ánh mặt trời không có chỗ cho đêm tối.

Và nếu không soi gương vào những khuôn mặt hôm qua còn kèn trống hôm nay đã phải thay áo đứng trước tòa, không soi để sửa đổi để răn mình, thì chắc chắn cái giá phải trả ở thì tương lai là rất đắt. Nhất là trong bối cảnh cụm từ “hạ cánh an toàn” đã không còn cơ hội để hiện hữu nữa.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.