Tấc đất tấc vàng, tấc tàn tấc tệ
Vụ đụng độ bằng súng tự chế khiến 3 người tử vong và 16 người khác bị thương tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho thấy vẫn chưa có hồi kết cho những bi kịch xung quanh chuyện bồi thường trong quá trình thu hồi đất. |
Và trong buổi gặp gỡ, đối thoại với dân ấy, một người dân địa phương, ông Nguyễn Công Tố, đã cất lên một câu hỏi cật vấn mà từ câu hỏi đó, chúng ta chắc chắn sẽ hiểu rằng còn phải mất rất nhiều thời gian để lý giải những ẩn khuất đằng sau câu chuyện.
"Tại sao tỉnh, huyện lại cấp đất cho Công ty Long Sơn khi dân cư đã yên ổn làm ăn nhiều năm rồi? Bao nhiêu lá đơn đi từ Trung ương đến địa phương, cuối cùng lại về với dân chỉ với một tờ giấy. Tôi nghĩ không có người chết thì chưa chắc đã có buổi làm việc hôm nay", đó chính là câu hỏi lớn của một người dân bé nhỏ, câu hỏi "tại sao?", câu hỏi mà không ai có thể thẳng thắn trả lời một cách minh bạch được.
Cách đây chưa lâu, chắc cũng chỉ hơn chục ngày thôi, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đã trả lời một câu hỏi phỏng vấn rằng "các vụ việc tham nhũng ở cấp tỉnh, Trung ương không phát hiện được nhiều vì người dân khó giám sát".
Từ câu hỏi của một người dân, là ông Tố ở Đắk Nông, liên hệ đến câu trả lời phỏng vấn của một quan chức chống tham nhũng, chúng ta nhận ra một câu hỏi khác mà tất cả đều có quyền đặt ra: "Có hay không những khuất tất, thậm chí là tham nhũng, trong công tác cấp đất dự án cho các công ty, các tập đoàn, nhất là những mảnh đất mà trên đó nông dân đang canh tác?".
Người ta nuôi cái suy nghĩ rằng "nông dân thấp cổ bé họng" hoặc "nông dân ít học thì biết gì" để rồi bịt mắt dân, bắt nạt dân và những sự vụ như thế ở cấp địa phương, Trung ương khó có thể nào có được thông tin cụ thể chỉ cho đến khi nổ ra những sự việc đáng tiếc như Đặng Văn Hiến vừa qua.
Minh họa: Lê Phương. |
Và thậm chí, có những nơi, Trung ương không phải không biết đến những rắc rối xung quanh vấn đề đất đai. Cụ thể, chính ở Đắk Nông chứ nào xa, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trực tiếp chỉ đạo rồi, đưa ra hướng xử lý rồi. Nhưng cấp địa phương có thực hiện không? Hay họ cho rằng "xa mặt trời thì không rát mặt" nên cứ theo đúng cái lệ của địa phương mà thực hiện. Để rồi khi nổ súng xảy ra, tỉnh lại trả lời rất vô trách nhiệm rằng "Công ty Long Sơn không hề cho chúng tôi biết gì cả".
Người ta không cho biết gì cả thì cấp đất cho người ta để làm gì? Khi người ta chưa khai thác được trên đất đó, mà người ta đã qua mặt quan đầu tỉnh để làm liều thì đến khi đất sinh ra hoa lợi, họ có tìm mọi cách mà bịt mắt chính quyền địa phương hay không? Với những tập đoàn, công ty đã có cái dã tâm như thế, cấp cho họ một khu đất chẳng phải là nuôi một mối họa sao?
Hôm 3-11 vừa rồi, một thống kê mới cho thấy, người tỷ phú đô la thứ hai ở Việt Nam đã lộ diện sau khi 2 cổ phiếu của 2 tập đoàn của ông ta lên sàn. Cổ phiếu lên sàn, giá trị tài sản tăng tất nhiên là do cổ phiếu, cũng như nó có thể giảm bất kỳ lúc nào, nếu một mai cổ phiếu ấy chỉ còn là giấy vụn.
Nhưng nói gì thì nói, ông này cũng tương đồng với khá nhiều đại gia Việt Nam khác ở thời đại này. Đó là giàu lên nhờ đất, mà toàn đất được các địa phương cấp theo dạng dự án cả.
Cái việc một loạt nhân vật bỗng dưng thành đại gia nhờ vào đất đã khiến viễn cảnh đại gia gần hơn với nhiều người. Và bởi thế, đầu tư ngoài ngành nó mới phình ra; có những người đang làm tốt, ăn chắc một nghề, cũng lao vào cơn say đất dự án. Mà để làm đất dự án thì cần gì?
Cần tiền, tất nhiên rồi, nhưng hơn cả là cần quan hệ. Cầm tiền đi nuôi quan hệ, quan hệ lại cho ra cơ hội đẻ ra tiền, nhờ vào đất dự án. Để rồi dự án khắp nơi, địa phương nào cũng có. Chỉ có những người tự dưng bị tước đi cái nghiệp sở trường của mình là khổ thôi. Họ là ai? Họ là nông dân đấy. Nông dân mà không có đất thì còn là dân gì nữa đây?
Các cụ vẫn nói "tấc đất, tấc vàng" nhưng ở cái thời này, có lẽ nó còn là "tấc tàn, tấc tệ" nữa thì phải. Rất nhiều người giàu, cái nôi trưởng thành cũng từ nông thôn mà ra, ông bà, cha mẹ có khi cũng một thời mảnh ruộng, góc vườn, con trâu, cày cuốc.
Nhưng bây giờ, vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng tàn tệ với quê hương, chỉ để nuôi một giấc mơ tỷ phú, triệu phú đô la dựa trên những dự án được ký duyệt cũng vô tội vạ bởi những người mà ông đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng gọi là "tham nhũng hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật"...