Quy trình cho ai?

Quy trình quan trọng nhất

Chủ Nhật, 10/07/2016, 16:54
Phải thừa nhận, chúng ta hay nói với nhau về cái sự “đúng quy trình” thật. Bất kỳ một đáp án nào, từ phía quan chức công quyền, về một thắc mắc nào đó của dân đều tìm đến ba tiếng “đúng quy trình” như một giải pháp an toàn. 


Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, không có gì chúng ta có thể khẳng định được nó sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong một loạt các yếu tố cả. Vạn vật sở dĩ quân bình với nhau, theo như cách sắp xếp của tự nhiên và chẳng có yếu tố nào có quyền xếp trên yếu tố nào, theo một quy định chung nào đó. Còn cái cách chúng ta nói với nhau rằng một điều gì đó “quan trọng nhất” chẳng qua nó chỉ là một cách nhấn mạnh theo cách nhìn riêng của mình mà thôi. 

Và cách nhìn riêng thì mỗi người mỗi khác. Bởi thế, lắm cái có thể trở thành “quan trọng nhất” lắm, đặc biệt là khi con người ta, vốn dĩ, lúc nào cũng thích mình là “quan trọng nhất”.

Nhưng nếu chỉ xét trong một khoảng thời gian hẹp, vẫn có thể có những yếu tố trở nên nổi trội hơn các yếu tố khác ở trong khoảng thời gian đó. Chuyển sang một giai đoạn khác, sẽ có một yếu tố khác nữa nắm lấy vai trò nổi trội ấy. Sự quân bình của tự nhiên nằm ở đó, khi nó sắp xếp một cách khéo léo vai trò của vạn vật, theo từng không, thời gian khác nhau.

Và câu hỏi bỗng bật ra trong tôi, khi trò chuyện với đồng nghiệp về cái gọi là “quy trình”, chính là: “Khi chúng ta đang sống với việc lúc nào cũng phải nghe cụm từ “đúng quy trình” đến mức nhàm tai, quy trình nào sẽ là quan trọng nhất đây?”.

Phải thừa nhận, chúng ta hay nói với nhau về cái sự “đúng quy trình” thật. Bất kỳ một đáp án nào, từ phía quan chức công quyền, về một thắc mắc nào đó của dân đều tìm đến ba tiếng “đúng quy trình” như một giải pháp an toàn. 

Nhưng khổ nỗi, quy trình là cái gì thì dân đâu có hiểu. Thế nên, trong khi người trả lời tìm kiếm sự an toàn (mà họ biết là vô cùng lỏng lẻo) trong cái gọi là đúng quy trình thì người nhận được đáp án lại vô cùng bối rối trong chính cái sự an toàn lỏng lẻo ấy. Một bên thì bối rối, một bên thì không chắc chắn, cả hai đối diện nhau một cách thiếu tự tin cũng chỉ vì thực sự họ không thể hiểu nổi quy trình mà họ nói tới ấy nó là cái gì.

Minh họa: Hữu Khoa.

Bây giờ, nếu chúng ta đặt ngược lại câu hỏi cho bất kỳ cán bộ công quyền nào trả lời ta rằng “Việc này chúng tôi làm đúng quy trình” bằng một câu hỏi kiểu cắc cớ: “Vậy quy trình ấy là cái gì?”, chắc chắn tình thế sẽ đảo ngược. Đó sẽ là lúc chúng ta lại rơi vào sự an toàn lỏng lẻo khi đưa ra một bài toán là một câu hỏi mới trong khi người vừa cho chúng ta đáp án sẽ rơi vào tình trạng bối rối vì thực chất họ không thể hiểu nổi cái quy trình mà họ vừa dùng làm điểm tựa kia hình dong cụ thể nó thế nào.

Về ngôn ngữ, quy trình là một từ ghép với “quy” có nghĩa là quy định, quy tắc và “trình” chính là trình tự, thứ tự. Như vậy, quy trình chính là các quy định kèm theo các trình tự thực hiện quy định ấy. Giải thích như thế thì dễ hiểu quá. Nhưng áp cái quy trình dễ hiểu ấy vào bất kỳ một việc cụ thể nào, tự nhiên lại thấy khó hiểu vô ngần. Tại sao lại có cái “quy trình” biến một điều dễ hiểu bỗng dưng trở thành khó hiểu đến thế? Đơn giản, có hai lý do cơ bản, và ở trong giai đoạn này (tức là trong một khoảng thời gian hẹp hiện tại), đó là hai lý do quan trọng nhất.

Thứ nhất, nhiều khi các trình tự thực hiện của một sự việc cụ thể nào đó lại chống chính cái quy định áp lên nó. Chỉ cần đơn cử một chuyện có thật, mà chính gia đình tôi phải trải qua, chúng ta sẽ nhận ra cái phi lý của việc những trình tự phải đi song hành với những quy định soi chiếu lên chúng. Và những gì gia đình tôi đã trải qua, chắc hẳn nhiều người cũng đã trải qua cũng như nhận được sự đồng cảm.

Số là cuối năm 2015, vợ tôi sinh con trai. Cả hai vợ chồng đều là dân nhập cư vào TP HCM lâu năm nhưng vẫn giữ hộ khẩu gốc của mình. Vợ hộ khẩu Nha Trang, chồng hộ khẩu Hà Nội. 

Cũng giống như cô con gái chào đời trước đó 3 năm, chúng tôi làm đúng thủ tục để xin nhập hộ khẩu cho cháu về Hà Nội, theo cha. Nào là đơn của mẹ; xác nhận của mẹ chấp thuận cho con nhập hộ khẩu theo cha; bản công chứng hộ khẩu gốc của mẹ chứng minh rằng cháu chưa nhập hộ khẩu theo mẹ; cam đoan của mẹ cháu không nhập hộ khẩu theo mẹ. Tất cả đều có xác nhận của địa phương đầy đủ. Kèm theo hồ sơ đó là giấy khai sinh của cháu, rất rõ ràng theo đúng pháp luật quy định. 

Ông nội hớn hở tưởng sẽ lại trôi chảy như con gái tôi trước đó nhưng cuối cùng, khi lên nộp hồ sơ, câu trả lời xanh rờn là: “Không được. Trừ phi ông mang hộ khẩu của mẹ cháu ở Nha Trang bản gốc để chúng tôi đối chiếu mới cấp được”. 

Khi phụ huynh tôi hỏi lại: “Trước làm cho con bé, cũng ngần này giấy tờ, sao giờ lại phải cần hộ khẩu gốc trong kia mang ra làm gì?” thì ông nhận được câu trả lời: “Trước khác, giờ khác. Phải có hộ khẩu gốc đối chiếu đề phòng nhập hộ khẩu hai nơi”. 

Và dù bố tôi giải thích rằng bản công chứng hộ khẩu mới vừa được lập trước đó có 5 ngày thôi và theo pháp luật quy định thì bản công chứng có giá trị 6 tháng thì câu trả lời chỉ là: “Quy trình nó thế”. 

Cuối cùng, khi chúng tôi quyết định nhập hộ khẩu cho cháu về Nha Trang theo mẹ cho tiện thì cũng chẳng tiện hơn. Vẫn là câu trả lời cũ, y như đầu Hà Nội và cho đến bây giờ, tôi, một phóng viên của một tờ báo lớn, vẫn có một cậu con trai 10 tháng chưa nhập hộ khẩu vào đâu cả.

Ví dụ đó cho thấy rõ cái sự “trình” nó chống lại cái sự “quy” một cách mạnh mẽ như thế nào. Quy định rất rõ nhưng trình tự thực hiện thì lại trái hoàn toàn với quy định ấy. Nó biến mọi thứ thành mê cung mà cả cán bộ lẫn người dân đều không thoát ra được. Và họ đành ở tạm trong mê cung kia một cách không an toàn với câu trả lời “quy trình nó thế”.

Nhưng lý do thứ hai mới thực sự là lý do quan trọng nhất (ở giai đoạn hiện tại này) để những thứ “quy trình nó thế” trở thành mê cung thực sự. Đó chính là sự minh bạch. 

Quy trình muốn không trở thành mê cung phải thực sự minh bạch. Dân phải được biết rõ quy định là gì; dân càng phải được biết rõ trình tự như thế nào và cơ bản, dân phải được quyền có ý kiến đóng góp (và phải được thực hiện nếu ý kiến hợp lý) khi nhận ra trình tự đang chống lại quy định. 

Ở thời đại này, kiếm tìm một văn bản pháp luật quy định một sự việc cụ thể nào đó không khó. Trên Internet phổ cập rất nhiều, ngay cả trong các website chính thức của cơ quan hành chính công. Nhưng kiếm tìm trình tự chuẩn thì không có. Để rồi từ đó dẫn tới chuyện nói không đi đôi với làm, tức là trình tự thì một nơi, quy định lại một nẻo.

Một ví dụ điển hình cho việc thiếu minh bạch về quy trình chính là chuyện cấp phép làm nhà. Rất nhiều người dân, khi làm nhà, xin phép đầy đủ nhưng khi thực hiện vẫn có khả năng bị phạt vì trình tự chưa đúng. Ai cũng nói làm nhà ở Việt Nam rắc rối và đổ lỗi cho giấy phép. 

Xin thưa, giấy phép làm nhà ở Việt Nam như thế là còn ít. Tôi hỏi Bằng Kiều về chuyện anh tự làm căn nhà gỗ của mình ở Mỹ. Anh trả lời: “Úi giời ơi. Hơn 40 cái giấy phép chú ạ. Nhưng được cái nó rõ ràng. Nó quy định cụ thể, nhà bằng chừng nào thì cần giấy phép nào, làm thêm gì thì giấy phép gì và cơ bản là nó chỉ cho mình luôn, thực hiện các giấy phép ấy ra sao. Thế là mình cứ đúng thủ tục mà làm thôi”. 

Vâng, hơn 40 cái giấy phép mà vẫn trôi vì đơn giản, quy định và trình tự đều minh bạch, logic và phù hợp đời sống xã hội.

Như vậy, lúc này đây, trong khoảng thời gian hẹp này đây, cái quy trình quan trọng nhất đã bộc lộ. Ấy chính là quy trình minh bạch hóa để dân dễ thở, cán bộ dễ thực hiện công tác giám sát quản lý của mình. Cái quy trình minh bạch hóa ấy càng phải làm sớm càng tốt. Nhược bằng không, mối ngờ vực trong dân chúng về chuyện “không có quy trình thế, cán bộ lấy gì mà sống” sẽ càng cao. Và khỏi cần giải thích, ai cũng hiểu cái ngờ vực đó nó nguy hại với xã hội đến chừng nào…

Hà Quang Minh
.
.