Nỗi khổ thị dân

Nỗi khổ thị dân là nỗi khổ nào?

Chủ Nhật, 06/08/2017, 07:51
Tôi sẽ không bắt đầu câu chuyện nhàn đàm về nỗi khổ thị dân bằng những gì đã và đang xảy ra ở Hà Nội hay TP HCM vội.

Người ta hay tếu táo: "Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê thành thị". Thành thị dĩ nhiên vẫn là thiên đường của sự mưu sinh, thành thị vẫn là chốn mơ đổi đời của nhiều cá nhân.

Thành thị vốn tồn tại nhiều câu chuyện cổ tích, về một quầy bán nước sâm đủ sức mua ba căn nhà liền kề, về một quán bán phở sở hữu mấy căn hộ liên tiếp, về một quán cà phê cóc vẫn dành dụm đủ tiền sở hữu một căn nhà riêng…

Nhưng thành thị đâu chỉ có niềm vui.


Chúng ta hay chọn hai đô thị lớn nhất cả nước ấy ra làm điển hình cho đời sống thành thị. Tôi chọn Nha Trang, như một ngẫu nhiên, sau những ngày về lo việc gia đình ở thành phố biển Nam Trung Bộ.

Nha Trang khác xa so với chính nó của 17 năm trước, khi tôi lần đầu đặt chân tới. Đời sống đã khá hơn rất nhiều, thành phố sầm uất hơn, náo nhiệt hơn về đêm chứ không còn cái cảnh cứ 8 giờ tối là vắng ngắt, yên lặng như tờ của những năm 2000. Và Nha Trang cũng không còn là thành phố chỉ của riêng người Nha Trang nữa.

Người Hà Nội, người Sài Gòn đổ về đầu tư bất động sản ở đó, biến nó thành một thành phố đa vùng miền. Thậm chí, kiếm một hàng bán phở Hà Nội ở Nha Trang không khó, với vị Bắc thuần, cùng quẩy, thứ ăn kèm phở mà người Bắc đi xa vẫn thích.

Và ngạc nhiên nhất là Nha Trang kẹt xe. Cái nạn kẹt xe tưởng như chỉ có ở Hà Nội và TP HCM thôi đã xuất hiện ở đó, bắt đầu không còn lạ lẫm nữa mà thành quen dần với người Nha Trang bản xứ.

Nỗi khổ của thị dân ở Nha Trang cũng có, chứ không chỉ ở Hà Nội hay TP HCM. Chỉ có điều, Hà Nội và TP HCM là hai thành phố "điểm", nên cứ kẹt xe, ngập nước, chặt cây, cháy nhà... là báo chí rầm rộ, mạng xã hội ồn ào. Còn Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Cần Thơ ư? Mấy ai quan tâm...

Minh họa: Lê Phương.

Nói như thế để thấy, đã là thị dân chắc chắn sẽ phải chịu nỗi khổ của thị dân. Đô thị mà, đó là nơi tập trung cơ hội nên nó cũng thu hút những con người ngày ngày kiếm tìm cơ hội. Dồn cả đống lại với nhau như nước chảy chỗ trũng, nỗi khổ cũng kéo theo dồn lại thành cả đống, để rồi chỉ biết ngửa mặt than thở với nhau.

Giờ thì quay lại với Hà Nội. Mấy ngày giữa tháng 7, thời tiết trở mình, Hà Nội nước không là nước. Các bài hát chế "Em ơi Hà Nội lũ" hay "Hà Nội mùa này phố cũng như sông" lại được dịp hồi sinh trên Internet. Nghe những lời hát chế ấy, chợt thấy thị dân mình dù sao cũng lạc quan. 

Trong nỗi khổ, họ vẫn tìm ra nụ cười mà quên mất rằng, họ có thể lên tiếng đòi hỏi để các nhà quản lý phải có giải pháp cụ thể. Cái quên đó, nhiều khi đến từ chỗ thị dân đã chán, đã phó mặc cho số phận bởi họ kêu ca mãi rồi mà có gì thay đổi đâu. Con có khóc mẹ mới cho bú mà con khóc hoài mẹ không cho bú thì chắc con cũng chẳng buồn khóc nữa.

Tất nhiên, chúng ta có thể đổ lỗi cho quy hoạch, cho quản lý, cho tư duy nhiệm kỳ, cho việc bổ nhiệm cán bộ còn chưa hợp lý mà điển hình nhất là có nhiều lãnh đạo địa phương thực sự không gắn bó với địa phương mình đang điều hành, không hiểu được chính bản chất của đô thị mà người lãnh đạo ấy đang cầm nắm sinh mệnh. 

Để rồi họ không có bất kỳ một quyết sách nào làm thay đổi diện mạo một cách tích cực hoặc nếu có thì cũng là những quyết sách bất cập và không đi vào lòng người.

Nhưng nếu nói về nỗi khổ thị dân mà chỉ chăm chăm soi vào cái yếu, cái thiếu của khâu quản lý thì cũng quá bất công. Thị dân khổ bởi vì đâu? Có một phần rất lớn vì họ đang không hành xử như thị dân, dù thực sự khoác tấm áo thị dân.

Trước mặt văn phòng của bạn tôi, ở đường Pasteur, quận 3, TP HCM, ngày nào cũng kẹt xe hai bận: trưa và tan tầm. Con đường một chiều nhỏ hẹp phải gánh quá nhiều xe hơi, xe gắn máy khiến ùn tắc đã thành bạn quen với con người. Và khi đợi bạn ở đó, không biết bao nhiêu lần tôi đã phải né. Xe gắn máy lao thẳng lên vỉa hè, lao thẳng vào chính những người đang đứng trên lề đường.

Dường như, thị dân vội vã mang sẵn suy nghĩ "Trước xe có động cơ, kiểu gì chúng nó cũng phải tránh mình" thì phải? Còn xe buýt ư? Họ sẵn sàng lách sát tận mép vỉa hè, với một thái độ ưu tiên "nghênh ngáo". Tất cả cùng chẳng coi văn minh đô thị là gì. Vậy thì có thị dân thực sự hay không? Theo tôi, thị dân thực sự, hiếm lắm.

Người đàn bà ngoài ba mươi tuổi bước xuống đường lăng mạ, túm ngực áo, tát vào mặt chiến sỹ CSGT ở ngã tư Hàng Xanh có xứng đáng là một thị dân hay không? 2 cậu thanh niên xăm trổ lao vào đánh một người nước ngoài ở phố Trần Khát Chân (Hà Nội) có xứng đáng là những thị dân hay không? 

Và hàng ngàn ví dụ dễ thấy nữa, ta hãy thử đi một vòng thành phố và tự hỏi những người có hành vi kỳ dị đập vào mắt mình đúng một câu hỏi "họ có xứng đáng là thị dân hay không?", ta sẽ tự trả lời được rằng mình đang sống trong một môi trường con người hoang dã thế nào.

Và giữa một đô thị mà đa số cư dân của nó hành xử đầy hoang dã, chúng ta nói đến nỗi khổ thị dân là nỗi khổ nào? Nó là nỗi khổ mà những thị dân đích thực phải oằn mình gánh chịu hay là nỗi khổ của những đô thị phải tải trên lưng nó những kẻ không thuộc về nó?

Căn nhà cháy ở phố Vọng (Hà Nội) gần đây cũng gióng lên một cảnh báo khác (nhưng quen thuộc) về phố thị. Những ngôi nhà hình ống không lối thoát khi hỏa hoạn, không lối vào để dập lửa khi hỏa hoạn là lỗi của quy hoạch tổng thể nhưng cũng là lỗi của những con người cố tình biến nhà mình thành lô cốt với tâm thức tận dụng được càng nhiều không gian càng tốt. 

Họ ích kỷ, họ bất chấp, họ gói mình trong vòng lợi ích riêng của mình. Mà sinh hoạt ở đô thị, ích kỷ, bất chấp pháp luật, thiếu văn hóa ứng xử thì dứt khoát không thể đáng được gọi bằng hai tiếng thị dân.

Hà Quang Minh
.
.