Nỗi khổ thị dân

Thị dân loay hoay

Thứ Sáu, 28/07/2017, 08:12
Hạ tầng cơ sở luôn đặt ra nhiều vấn đề cho nhà các nhà quản lý hoạch định đô thị, thế nhưng câu chuyện cứ mưa là ngập, cứ mưa là thị dân tao tác như kiến vỡ tổ là điều mà tôi cho rằng thật sự phi lý đến cùng cực.

Người ta hay tếu táo: "Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê thành thị". Thành thị dĩ nhiên vẫn là thiên đường của sự mưu sinh, thành thị vẫn là chốn mơ đổi đời của nhiều cá nhân.

Thành thị vốn tồn tại nhiều câu chuyện cổ tích, về một quầy bán nước sâm đủ sức mua ba căn nhà liền kề, về một quán bán phở sở hữu mấy căn hộ liên tiếp, về một quán cà phê cóc vẫn dành dụm đủ tiền sở hữu một căn nhà riêng…

Nhưng thành thị đâu chỉ có niềm vui.


Đặc biệt là trong bối cảnh hàng nghìn tỷ đồng đã ném ra để thực hiện hàng loạt dự án chống ngập.

1. Bây giờ thì thị dân đã quen với cảnh đường sá ngập lụt sau mưa, bây giờ thị dân cũng đã quen với cái cảnh đường phố kẹt cứng sau mưa, bây giờ thị dân đã quen với cảnh đọc tin thời sự sau mỗi cơn mưa phản ánh về tình trạng ùn ứ, ngập nước. Thú thật là nhiều năm theo nghề viết, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra được cảnh một cơn mưa bình thường cũng có thể trở thành một vụ việc như hiện nay.

Bất lực, là hai chữ rõ nhất phản ánh tình trạng quy hoạch cơ sở hạ tầng cũng như các giải pháp chống ngập hiện nay ở các thành phố lớn, trong đó có hai thành phố quan trọng nhất nước là Hà Nội và TP HCM.

Mà cũng lâu rồi, thị dân không được nghe nói về các giải pháp chống ngập úng nữa, mà cũng lâu rồi không có lãnh đạo sở, ngành nào nêu ra quyết tâm về chống ngập úng nữa. Mọi thứ loay hoay giảm xe máy, cấm xe máy, phố đi bộ, phố đi xe... Trong lúc ai cũng biết rằng, làm sao có thể hy vọng vào một sự phát triển ở một đô thị nếu như cứ lặp đi lặp lại cảnh mưa là ngập, mưa là nỗi hốt hoảng của người tham gia lưu thông.

Minh họa: Lê Phương.

Tôi lưu ngụ Sài Gòn hơn 15 năm, ngày càng sợ hãi những cơn mưa. Những cơn mưa mà xưa kia còn ấp ủ giấc mộng văn nhân, cứ mãi vuốt ve viết về nó, ngay cả các ông nhạc sĩ thi sĩ tài ba còn thi vị hóa cơn mưa Sài Gòn, mưa như người tình nhỏ sớm tối đi về, mưa như nụ hoa nở che chở dấu si mê.

Vậy mà phút chốc, những cơn mưa phố thị hóa thành một bộ phim kinh dị lúc nào không hay không biết.

Không chỉ ở Sài Gòn, tôi đọc báo xem tin tức, thấy cảnh ngập lụt ở Hà Nội cũng khủng khiếp không kém TP HCM là mấy. Hà Nội ngập lụt cũng kỳ lạ, một vùng đất đẹp đến vậy, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về sông ngòi ao hồ kênh rạch đến vậy cũng ngập đến vậy thì thật không biết phải dùng từ ngữ nào để diễn tả sự thất vọng nữa.

Hôm qua, TP HCM có cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ. Vẫn thói quen cũ, tôi dạo ra vỉa hè trú mưa để chuyện phiếm với những người đứng cùng, cậu thanh niên người Huế nói, quê em có ngập lụt lên đến nóc nhà nhưng chưa bao giờ thấy chán như lúc này nghe anh. Anh thấy không, mới mưa có chút xíu nước cống đã lên đen kịt đường rồi. Tôi cười, vì không lẽ đáp lời cậu thanh niên ấy là chuyện này tôi đã thấy từ lâu rồi.

Áng chừng 5 năm trở lại đây, cứ sau mỗi cơn mưa là phố thị lại ngập năm sau nhiều hơn năm trước, năm sau nhiều điểm hơn năm trước. Ngập đến độ người sinh sống ở thành thị đã quen với điều này và thôi tỏ ra ngạc nhiên hay bức xúc nữa. Và cũng có lẽ từ đây, tâm lý của các nhà quản lý có vẻ như đã bắt đầu cảm thấy bình thường, không còn cảm xúc với vấn đề trước mắt nữa.

2. Năm 2007, tôi sắm được bộ máy ảnh rất xịn bèn quyết dành ra vài ngày để lang thang Sài Gòn chụp ảnh "lô-cốt". Sài Gòn thời điểm đó ken dầy "lô-cốt", người người khó chịu nhưng vẫn chấp nhận với hy vọng các công trình phục vụ cho việc chống ngập này sẽ khiến đời sống của thị dân được cải thiện theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Vậy mà sau 10 năm, mọi thứ còn tồi tệ hơn trước.

Sẽ có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho câu chuyện này, là ý thức người dân, là kênh rạch bị san lấp để nhường cho chung cư cao cấp, khu đô thị mới, cho đường vành đai, rồi tình trạng quá tải về dân nhập cư... Có thành phố nào lại không phải đối diện với những điều này, nhất là tình trạng dân nhập cư. Nhưng chính vì vậy, thì mới cần đến những nhà quản lý, mới cần đến những viện quy hoạch, những lãnh đạo của các sở, ngành. 

Chính vì vậy nên ngân sách mới rót hết tỷ này đến tỷ kia cho các giải pháp chống ngập. Chứ nếu cứ đưa ra nguyên nhân gây ngập rồi lặng thinh khi tiền tỷ trôi theo dòng nước đen ngòm xuống cống mỗi lúc sau mưa thì nói làm gì.

Ngay cả khi thực hiện chuyên đề này, chúng tôi cũng hoàn toàn không có ảo tưởng sẽ thay đổi hay đánh động tư duy của các nhà quản lý cũng như yêu cầu các nhà quản lý phải vì cuộc sống của thị dân mà gắng sức phục vụ. 

Tuy nhiên có một điều mà chúng tôi tin rằng nếu chúng tôi ở vị trí các nhà quản lý chúng tôi sẽ biết xấu hổ khi chứng kiến những con đường hóa thành sông sau một cơn mưa, những bức ảnh chế giễu lan truyền khắp trên Internet, những người dân bất lực khi xe chết máy, những hang cùng ngõ hẹp lềnh bềnh rác rưởi...

Tôi chỉ nghĩ rằng, có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý nghiêm túc hơn trong công tác tìm giải pháp chống ngập, xem đó là điều kiện ưu tiên và tiên quyết nhất để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đô thị. Từ đây, đô thị mới là đầu kéo cho sự phát triển của các đô thị vệ tinh, các tỉnh thành khác.

Những cơn mưa không có lỗi, những con đường không có lỗi, lỗi là ở những người nắm giữ vị trí đã bất lực trong phạm vi trọng trách mà họ được phân công nắm giữ, được trả lương và thụ hưởng các quyền lợi tương xứng khác. Cho đến giờ có thể gọi đó là những nhà quản lý thất bại.
Ngô Nguyệt Lãng
.
.