Đại biểu vắng họp, đại biểu thích đùa

Nỗi buồn đại biểu

Thứ Ba, 30/07/2019, 15:10
Như đã dẫn ở trên: Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải lên tiếng về tình trạng đại biểu vắng mặt rất nhiều.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa thêm lần lên tiếng than phiền về tình trạng đại biểu Quốc hội vắng họp. Đây cũng không phải là chuyện hiếm xảy ra, đây cũng không phải là chuyện lần đầu được đề cập.

Cũng có thể lý giải, nhiều đại biểu Quốc hội đang nắm nhiều vị trí quan trọng ở các bộ, ngành.. nên lịch họp của Quốc hội trùng với lịch công tác, tiếp đón... Đại biểu đành vắng họp.

Tuy nhiên, cơ quan đầu não bàn về quốc kế dân sinh mà "có ngày vắng đến 100 đại biểu" (lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân) thì thật sự vừa buồn vừa bùi ngùi vậy.


Thật ra, đây không phải là điều hiếm gặp ở các kỳ họp Quốc hội, nếu không nói là trái lại, đó là chuyện thường xuyên xảy ra. Đã không ít lần, tình trạng này đã được lên tiếng, nhưng xem ra căn bệnh không hề thuyên giảm. Dẫu không có điều luật nào bắt các đại biểu Quốc hội phải dự 100% thời gian họp nhưng việc vắng mặt quá nhiều đại biểu như vậy là một biểu hiện đáng buồn.

Chúng ta đều biết, đại biểu Quốc hội do dân bầu nên để đại diện nhân dân, cử tri phản ánh những mong muốn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình đối với các vấn đề lớn của đất nước; và cả những vấn đề nhỏ liên quan đến miếng cơm manh áo. Người dân thì bao giờ cũng mong mỏi người đại diện cho mình phải là những người có trí tuệ, có trách nhiệm với dân, với nước.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Nhưng biểu hiện của một số vị đại biểu Quốc hội đã cho thấy niềm tin mà nhân dân dành cho họ đã không được đáp ứng như kỳ vọng! Nhiều đại biểu Quốc hội vắng mặt với lý do không đáng có, tức là họ bỏ qua việc thảo luận, biểu quyết một vấn đề quốc kế dân sinh. Như vậy thì nghĩa vụ và trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội ở đâu?

Tôi nhớ từng có ý kiến nghiêm túc về việc cần phải điểm danh đại biểu, bằng cách phát thẻ từ ra vào để hạn chế tình trạng đại biểu bỏ họp quá nhiều. Nhưng tất nhiên chỉ dừng lại ở ý kiến, chứ đại biểu Quốc hội mà phải đi điểm danh họp thì có lẽ chuyện không còn gì để nói!

Song, chuyện đáng buồn ở nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện qua các kỳ họp không chỉ có vậy, không chỉ có sự thiếu trách nhiệm khi vắng mặt mà còn cả những biểu hiện không nghiêm túc khi ngồi họp.

Nếu theo dõi những kỳ họp, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh có những vị đại biểu vào phòng họp nhưng lại làm chuyện khác. Có đại biểu ngủ gật trong hội trường, thậm chí ngay trong phiên khai mạc; có đại biểu thì điềm nhiên đọc báo trong khi Chủ tịch Quốc hội đang kết luận; thậm chí có đại biểu ngang nhiên mở iPad làm việc riêng khi Thủ tướng đang trả lời chất vấn...

Nói đến họp Quốc hội thì bất cứ ai cũng nghĩ đó là một nơi tôn nghiêm, mọi hoạt động diễn ra trong đó phải rất nghiêm túc. Đại biểu dự họp cũng phải như vậy, từ y phục, từ lời ăn tiếng nói, cho đến cả dáng ngồi đều phải thể hiện là người “đại biểu của nhân dân”. Nói cách khác, người ta phải nhìn thấy ở đây là nơi mẫu mực về phong cách làm việc, về ứng xử văn hóa, về trí tuệ của từng người.

Chính những cảnh “chướng tai gai mắt” xuất hiện tại các kỳ họp đã làm cho không ít cử tri ái ngại về tính nghiêm túc và ý thức trách nhiệm, kỷ cương của một số đại biểu Quốc hội.

Mà nói đến phát ngôn, lại không thể không nói đến trường hợp một đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM tại kỳ họp vừa qua với ý kiến gây dậy sóng về “chiếc lu chống ngập” và trục xuất cư dân vì “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”.

Đầu tiên là đề xuất dùng lu để chống ngập cho thành phố đã tạo nên chuyện đàm tiếu mạnh mẽ trong cộng đồng vì một ý tưởng thiếu thực tiễn. Phát biểu về chuyện cái lu chống ngập của vị đại biểu dù có phần ngây ngô nhưng vẫn có thể được nhiều người cảm thông, bởi nó gây cười và không gây hại.

Song, phát biểu về việc thành phố cần mạnh tay hơn với những người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố, và đề xuất đưa họ trở về quê cũ, thậm chí là giễu cợt họ bằng một câu hát: “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”, thì là chuyện khác. Phát ngôn đó không còn là một phát ngôn buồn cười nữa mà nó thể hiện tư duy của một đại biểu.

Là một chính khách, dù là cấp tỉnh thành, cũng có nghĩa là người có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách công của thành phố. Với cương vị đó, phát ngôn thiếu cẩn thận của vị đại biểu hội đồng nhân dân có thể không chỉ gây tổn thương tình cảm của những người dân nhập cư, nguồn lao động chính tạo nên sức sống của TP HCM, mà còn có khả năng gây ra sự chia rẽ giữa các nhóm cư dân. 

Đó là chưa nói đến một điều hiển nhiên rằng, quan điểm “trục xuất” dân nhập cư đã phủ nhận quyền tự do cư trú của người dân, đã được bảo vệ và ghi rõ trong hiến pháp. Đây là một trong những điều cơ bản liên quan đến pháp luật mà không thể nào một đại biểu lại không nắm rõ.

Không quá khó để thấy được rằng, trong nhiều kỳ họp Quốc hội hay hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành được truyền thông đưa tin, những phát ngôn kiểu thiếu cân nhắc và cẩn trọng là không hiếm gặp. Đến mức, không ít người đã đặt câu hỏi về trình độ của một số đại biểu hiện nay.

Như đã nói, đại biểu Quốc hội hay là đại biểu cấp tỉnh thành cũng vậy, đều được hiểu rằng đó là những con người đại diện của nghiêm túc, văn hóa và thông tuệ. Nhưng đáng buồn thay, những biểu hiện gần đây đang làm lu mờ hình ảnh đó của đại biểu.

Công bằng mà nói, có rất nhiều lĩnh vực mà không phải bất kỳ đại biểu nào cũng có thể am hiểu được, bởi họ không có chuyên môn về ngành nghề, lĩnh vực đó… Cho nên, nếu đại biểu có phát ngôn buồn cười thì ở một góc độ nhất định nào đó, còn có thể cảm thông được!

Nhưng, có một điều không thể thông cảm, đó là sự thiếu nghiêm túc của một số đại biểu. Và việc đại biểu bỏ họp không lý do, ngủ gục, đọc báo, làm việc riêng… khi đang họp là điều đang rất cần phải chấn chỉnh! 

Hoàng Lãm
.
.