Nhìn thẳng vào thực tế

Thứ Hai, 01/04/2019, 10:29
Cữ 2010, tôi được mời tham gia những khoá huấn luyện tổ chức festival văn hoá nghệ thuật do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kết hợp với Hội đồng Anh (British Council) tổ chức. 

Hơn một tuần liền, dư luận rất sốc với thông tin các bé ở Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị ăn thịt lợn có nhiễm sán. Hình ảnh những miếng thịt lợn đầy đốm trắng rất kinh khiếp được nhiều cơ quan truyền thông chuyển tải, hình ảnh được giới thiệu là do phụ huynh của các bé đang theo học tại trường mầm non này cung cấp cho báo giới.

Song song với hình ảnh những miếng thịt lợn nhiễm sán, là hình ảnh những bậc làm cha làm mẹ đưa con mình từ Bắc Ninh xuống Hà Nội, đứng xếp hàng từ mờ sớm tại các bệnh viện để chờ đến lượt thực hiện xét nghiệm rồi âu lo chờ đợi câu trả lời cho câu hỏi, “Con mình có bị nhiễm sán lợn hay không?”. Đáng tiếc là, con số các bé dương tính với ấu trùng sán lợn ngày càng tăng tạo nên một cuộc đại khủng hoảng, ít nhất là xét về mặt thông tin.

Và thật buồn bởi trong bối cảnh đời sống như hiện nay, vẫn phải chứng kiến những hình ảnh ấy.


Đó là một khoá huấn luyện bổ ích, lý thú và nó cũng giúp gắn kết rất nhiều nghệ sĩ, nhà tổ chức chương trình ở khắp mọi miền tổ quốc. 

Nhưng có một buổi thảo luận mà chúng tôi không bao giờ quên, khi một học viên là giám đốc một Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của một tỉnh phía Bắc “nổ súng”.

Trong buổi thảo luận có góp mặt cả một quan chức cấp cao của Bộ VHTTDL ấy, học viên kia đã nói “Chúng tôi cảm ơn Bộ, chúng tôi cảm ơn Hội đồng Anh đã cho chúng tôi những kiến thức bổ ích và thiết thực trong việc tổ chức festival văn hoá nghệ thuật, để nhằm cải thiện những lễ hội văn hoá mà mỗi địa phương vẫn đang thực hiện. Nhưng chúng tôi cũng phải bức xúc mà nói rằng, chúng tôi chẳng làm được gì cả khi có những công ty tổ chức biểu diễn (vị này nói đích danh tên 1 công ty đình đám ngày ấy) được quan chức cấp cao đỡ đầu. Công ty ấy cứ xuống tỉnh là y rằng phải được chỉ định nhận thầu tổ chức chương trình. Cứ như thế thì làm sao chúng tôi lựa chọn được nhà thầu tốt đây?”.

Minh họa: Hùng Dingo.

Ý kiến thảo luận lạc đề so với một buổi huấn luyện kỹ năng và chuyên môn kể trên hoá ra lại là ý kiến tạo ra tranh luận rôm rả nhất. Hưởng ứng ý kiến ấy, nhiều đại diện đến từ các công ty tổ chức biểu diễn đã lên tiếng về những bức xúc mà họ đeo mang khi bị chèn ép trong các cuộc chơi thiếu sòng phẳng bởi chính cái công ty sân sau kia. 

Và hôm nay, gần 10 năm đã qua, tôi được biết công ty ấy vẫn sống khoẻ nhờ vào mối quan hệ chằng chịt của họ. Nhưng nếu đặt lên bàn cân so sánh với các đơn vị chuyên nghiệp trên thị trường, chất lượng chương trình của họ làm ra chỉ đáng 3/10 mà thôi.

Đó chính là ví dụ điển hình nhất của tình hình kinh tế xã hội hôm nay, của cái gọi là “các công ty sân sau của quan chức”. Và hôm nay, khi vụ thực phẩm bẩn cho các cháu học sinh Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) rộ lên, nhiều câu hỏi nghi vấn đang được cộng đồng đặt ra về tư cách của Công ty Hương Thành, một công ty đầu tư tài chính nhưng lại cung cấp thực phẩm cho 19/26 trường ở Bắc Ninh.

Dù chính ông  Lê Văn Nho, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, đã khẳng định rằng không có bất kỳ sự ưu ái nào cho công ty này và việc nhập thực phẩm là do các hiệu trưởng tự quyết đi nữa thì ngờ vực không thể nào bị xoá nhòa. 

Đơn giản, Thuận Thành, Bắc Ninh rất gần Hà Nội và không biết lý do nào mà một công ty đầu tư tài chính lại thắng thầu 19 trên tổng số 26 trường trong khi các đại gia tham gia phân phối thực phẩm sạch lại không thể chen chân. Đó là câu hỏi cần câu trả lời nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, dư luận chắc chắn sẽ có suy nghĩ ngay rằng “ắt hẳn là công ty sân sau”.

Có thể Hương Thành chẳng phải là công ty sân sau của quan chức nào cả nhưng rõ ràng, sự ngờ vực của dư luận cho thấy tình trạng công ty sân sau đã phổ biến tới mức buộc xã hội phải luôn bật ra nghi ngờ khi có sự vụ nào nghiêm trọng xảy ra. 

Và nếu tìm lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ở Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước hồi tháng 11-2018, chúng ta sẽ nhận thấy tình trạng này trầm kha đến mức nào. 

“Có những người không chỉ có 1 mà có tới 14, 15 sân sau”, đó là những gì Thủ tướng đã nói và chắc hẳn, mỗi chúng ta khi nghe tới con số ấy rồi đối chiếu lại với tài sản hiện thời của quan chức, chúng ta sẽ tự có câu trả lời lý giải mọi ngờ vực của mình.

Trong sự chuyển dịch từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh thế thị trường mở, mấy chục năm qua đã có biết bao doanh nghiệp tư nhân được hình thành. Và trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chết yểu vì khả năng cạnh tranh kém. Song song, cũng có những doanh nghiệp trở nên hùng mạnh, thống lĩnh cả thị trường. 

Vậy thì có bao nhiêu phần trăm số doanh nghiệp chết yểu do năng lực cạnh tranh kém là tự thân họ yếu kém và bao nhiêu phần trăm là do họ bị tiêu diệt bởi chính những đối thủ mạnh hơn về quan hệ? Tương tự, bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp trở nên hùng mạnh là do tự thân và bao nhiêu phần trăm là bởi họ có một thứ quyền lực rất mạnh chống lưng? 

Cái sự hùng mạnh đáng ngờ ấy chính là tư bản thân hữu hay nôm na là thứ chúng ta đang gọi là lợi ích nhóm hôm nay. Và xin đừng vội nghĩ lợi ích nhóm hay tư bản thân hữu chỉ “ăn” những miếng bánh khổng lồ. Ở “khẩu phần ăn” nào cũng có bàn tay của lợi ích nhóm hết cả. Miếng bánh lớn thì cần quyền lực lớn, miếng bánh vừa thì cần quyền lực vừa và miếng bánh nhỏ thì cần quyền lực nhỏ. 

Đơn cử, một người bạn của tôi chuyển địa điểm nhà hàng của anh từ quận này sang quận khác ở nội thành TP HCM do địa điểm cũ chủ cho thuê bán nhà.

Và khi tới địa điểm mới, anh phải cho một loạt nhân viên nghỉ việc vì “bãi trông xe bắt buộc phải giao cho người đã được phường chỉ định, giá 20 triệu mỗi tháng” (nguyên văn lời chủ đầu tư kể lại). Vâng, đó chính là loại lợi ích nhóm vụn vặt nhan nhản tồn tại trong đời sống hôm nay. 

Và cứ ở mỗi tầng mức lại xuất hiện những nhóm lợi ích kiểu ấy hoành hành, thử hỏi nền kinh tế đã bị kéo chậm lại bao nhiêu lần chỉ vì những thứ đội phí vô lý kiểu ấy, những lãng phí kiểu ấy?

Từ lâu, chúng ta đã sống quen với câu ngạn ngữ “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Chính cái sự “được nhờ” ấy nó nảy sinh ra một thứ tệ lậu gọi là “làm ăn”. Biết được có dự án lớn sắp mở, tất nhiên sẽ có những quan chức thoái hoá bắn tin cho người nhà để rồi bắt đầu có những doanh nghiệp được thành lập mới cấp tập. 

Họ không cần kinh nghiệm, họ bỏ qua chuyên môn, họ chỉ cần mối quan hệ chống lưng để chắc chắn thắng thầu và từ đó cùng nhau “làm ăn”. Đó chính là bi kịch của quốc gia khi những tài sản của quốc dân lại được mang ra chia chác trong các cuộc “làm ăn” kín nhưng chẳng hề bí mật như thế. Và bản thân hai tiếng “làm ăn” nó cũng cho thấy bản chất của cuộc chơi tham nhũng quyền lực kiểu này. Nó đầy sự gian trá, chộp giật, bẩn thỉu và tác hại để lại thì lâu dài khó có thể thống kê chi tiết.

Vẫn biết trong hoàn cảnh hiện nay, khó ai có thể sống bằng lương, đặc biệt là viên chức nhà nước. Nhưng nếu chỉ với lương đơn thuần, kể cả là mức lương cao nhất, không ai có khả năng mua được biệt thự hay căn hộ sang trọng. 

Và câu chuyện kê khai tài sản quan chức vẫn còn là câu chuyện dài bởi nếu kê khai minh bạch, làm cho tới nơi tới chốn, khả năng con số sân sau còn lớn hơn con số mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra ở Hội nghị đổi mới, nâng cao năng lực doanh nghiệp nhà nước hồi cuối năm vừa rồi.

Hà Quang Minh
.
.