Lời xin lỗi của Thủ tướng

Nhân dân luôn sòng phẳng

Thứ Ba, 06/09/2016, 11:09
Việc nhận lỗi và xin lỗi nhân dân của Thủ tướng là thông điệp gửi cán bộ cấp dưới: hãy hết sức quan tâm, lắng nghe nhân dân để kịp thời có những điều chỉnh hành vi của người cán bộ!

Chưa từng có tiền lệ trong độ một thập niên trở lại đây, lần đầu tiên một Thủ tướng Chính phủ có lời xin lỗi nhân dân vì cảm xúc tiêu cực do hành động của cấp dưới mang lại. Lời xin lỗi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính là hy vọng cho một chính phủ kiến tạo, biết lắng nghe, biết quan tâm đến cảm xúc của nhân dân.


1. Khi người đứng đầu Chính phủ lên tiếng chính thức xin lỗi trong sự kiện vừa rồi, ông đã nhận được rất nhiều sự trân trọng của người dân.

Vâng, lỗi không phải trực tiếp do Thủ tướng nhưng ông vẫn mạnh dạn nhận lỗi về mình và xin lỗi nhân dân. Đó là lời xin lỗi chân thành thể hiện trách nhiệm và hơn hết là sự quan tâm đúng mực đối với cảm xúc của nhân dân. Ở đây, cảm xúc của nhân dân đã được tôn trọng tuyệt đối.

Việc xin lỗi của Thủ tướng đã làm cho hình ảnh người đứng đầu Chính phủ càng tốt đẹp và to lớn hơn trong nhân dân, tạo được niềm tin của nhân dân với một vị lãnh đạo của đất nước. Đồng thời, việc nhận lỗi và xin lỗi nhân dân của Thủ tướng cũng là thông điệp gửi cán bộ cấp dưới: hãy hết sức quan tâm, lắng nghe nhân dân để kịp thời có những điều chỉnh hành vi của người cán bộ!

Thế nhưng, đó không phải là điều dễ gặp ở nhiều cán bộ hiện nay.

Chưa nói đến cán bộ, trong cuộc sống hằng ngày, những con người bình thường đối đãi với nhau thôi thì việc tôn trọng cảm xúc, lắng nghe nhau đã là một điều rất tuyệt vời. Bởi khi cảm xúc đôi bên được tôn trọng, người ta sẽ có cách hành xử tử tế nhất dành cho nhau.

Còn với cán bộ, người được nhân dân tin tưởng bầu ra để phục vụ lợi ích đất nước, hay nói cụ thể hơn chính là phục vụ lợi ích nhân dân thì việc quan tâm đến cảm xúc của nhân dân là điều cần thiết phải có. 

Quan tâm đến cảm xúc của nhân dân chính là quan tâm đến nhân dân. Mà để làm được điều đó, cán bộ phải luôn có tinh thần trách nhiệm, đứng vai trò là công bộc của dân chứ không phải nghĩ mình là người có quyền lực đối với nhân dân, như cái cách mà một bộ phận cán bộ ngày nay vẫn nghĩ.

2. Nếu quan tâm đến cảm xúc của người dân, thì 7 cây cầu ở một xã thuộc huyện Phong Điền (Cần Thơ), những cây cầu được xây từ tiền thuế của nhân dân để phục vụ cho việc đi lại của nhân dân đã không bị đập bỏ lan can vì tội cản trở ôtô của quan huyện. Và có lẽ, việc đập bỏ lan can những cây cầu ấy được cho là việc làm có lý, một việc làm đúng nên chẳng thấy một ai đứng ra nhận lỗi và xin lỗi nhân dân cả?

Minh họa: Hữu Khoa.

Nếu quan tâm đến cảm xúc nhân dân, hẳn những cán bộ hành chính sẽ không "hành dân" khi họ đến làm các thủ tục, trong khi vấn đề "cải cách thủ tục hành chính" đã được đưa ra nhiều lần. Và điều đáng nói, cũng chẳng mấy ai xin lỗi dân vì sự chậm trễ này.

Và còn rất nhiều trường hợp mà cán bộ có những lời nói, hành động sai lệch, khiến dân bức xúc nhưng cán bộ đó vẫn không một lời xin lỗi về hành vi của mình. Hoặc có chăng cũng chỉ là một câu nói rất khuôn mẫu theo kiểu nói để cho qua chuyện, như câu "nhận một phần trách nhiệm".

Dẫu biết, chẳng phải lúc nào trách nhiệm cũng thuộc về một cá nhân cán bộ nào đó, song thay vì "nhận lỗi" và quan trọng là nói ra lời "xin lỗi" nhân dân thì người ta lại lấp liếm bằng câu "nhận một phần trách nhiệm" rồi thôi.

Rồi có bộ phận cán bộ làm sai lại "xin rút kinh nghiệm", rồi lại làm sai. Điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua rằng: "Chúng ta thường có tình trạng làm xong rồi là rút kinh nghiệm và sợi dây này nó dài từ năm này tháng nọ, rút hoài không hết. Hôm nay lại rút kinh nghiệm nữa. Đối với dân chúng ta làm chưa hết, chưa đủ".

Lời xin lỗi với cán bộ công quyền lại có vẻ khó khăn như vậy là vì căn bệnh quyền lực làm tha hóa con người. Một số cứ nghĩ xin lỗi là hạ mình xuống, bởi mình là người có quyền hành với nhân dân. Nhưng thực ra cán bộ biết cách xin lỗi mới là nâng vị trí của mình lên trong mắt nhân dân.

Vừa qua, Thủ tướng đã chứng minh điều này cho cán bộ thấy. Hy vọng, sau lời xin lỗi đó của Thủ tướng, sau này nhân dân sẽ được quan tâm cảm xúc nhiều hơn từ những ông quan, nhất là các quan địa phương, nơi gần gũi với nhân dân nhất của bộ máy nhà nước.

Nhưng nói như thế không có nghĩa xã hội hoàn toàn thiếu vắng những lời xin lỗi chân thành từ cán bộ công quyền. Trái lại, có nhiều lắm.

Tôi chỉ xin lấy một ví dụ mà tôi nhớ rất rõ, đó là trường hợp của ông Nguyễn Sự lúc còn làm Bí thư Thành ủy Hội An, Quảng Nam. Ông từng rất nhiều lần xin lỗi dân, ông nói thẳng là vì ông làm sai nhiều nên phải xin lỗi nhiều. Ở đây, không phải là những cái sai cố tình mà là những cái sai ông không lường trước được từ những việc làm tích cực trước đó.

Chẳng hạn, ông cho trồng hoa sữa trên tuyến phố mới Hai Bà Trưng. Tất nhiên, con phố được phủ bóng mát, hoa thơm thì còn gì bằng. Song, hoa ra nhiều nên bay mùi khó chịu, dân phản ứng. Vậy là ông phải đứng ra nhận lỗi và xin lỗi. Tất nhiên, dân bên đường sẵn sàng tha thứ, họ chấp nhận lời xin lỗi đó và quý mến ông hơn.

Rồi ở TP HCM, lãnh đạo thành phố cũng có yêu cầu thủ trưởng sở ngành, chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực... Trong đó, tôi chú ý đến nội dung: Người đứng đầu các đơn vị phải triển khai nghiêm túc việc thực hiện thư xin lỗi đối với các hồ sơ giải quyết trễ hạn...

Cổ nhân nói "nhân vô thập toàn", làm người chẳng ai mà không có lúc mắc lỗi lầm, cán bộ hay bất cứ ai cũng đều vậy. Và nhân dân cũng chẳng ai lại hẹp hòi với một cán bộ làm sai nhưng nghiêm túc nhận lỗi và xin lỗi. Thật sự, con người khoan dung lắm; dân đối với cán bộ càng thế bởi khi đó họ thấy được rằng, tiếng nói của họ, ý kiến của họ được cán bộ tôn trọng.

Nhân dân luôn sòng phẳng.

Hoàng Lãm
.
.