Những tiền đề cho tương lai

Năm của chinh phục

Thứ Năm, 31/01/2019, 18:54
Không gì nhanh hơn thời gian. Mới đó, quay đi quay lại, một năm đã qua nhanh không ngờ. 

Như thông lệ, mỗi năm những người thực hiện Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng đều nhìn nhận lại những vấn đề tích cực, những niềm tin hy vọng, những cảm hứng trong năm cũ để lạm bàn.

Năm 2018, một năm của nhiều sự khởi sắc, từ kinh tế cho đến văn hóa thể thao. Đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng, chống cán bộ thoái hóa biến chất ngày càng được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tất cả tạo thành một tiền đề rất tốt để hoàn toàn có thể trông chờ vào một năm 2019 nhiều thành tựu hơn.


Và chỉ giờ này, đúng một năm trước, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu được nhen nhóm lên để đến hôm nay, ngoảnh lại, chúng ta nhận thấy năm Tuất vừa trôi qua là một năm đầy biến động, những biến động thực sự lạc quan.

Một năm trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một phát ngôn thực sự đáng suy ngẫm. Đại ý, Thủ tướng muốn cách làm thương hiệu, kinh doanh, sản xuất… phải thay đổi hoàn toàn. 

Cụ thể, ngày xưa chúng ta thường kêu gọi nhau rằng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để lấy tinh thần ái quốc, tinh thần tự tôn dân tộc làm bản lề cho hàng Việt. Nhận thấy đó là một kêu gọi thụ động, Thủ tướng mở ra vấn đề: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Minh họa: Lê Phương.

“Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, đó không phải là một khẩu hiệu mà nó là một nhiệm vụ thức thời. Nó phản ảnh đúng bản chất của thị trường. Nó đặt vị thế của người tiêu dùng lên hàng đầu và đòi hỏi những nhà sản xuất phải tìm mọi cách để thu hút được lực lượng quan trọng bậc nhất trong thị trường ấy. 

Và nó càng là nhiệm vụ tối thượng hơn khi chúng ta chính thức tham gia vào Hiệp định CPTPP năm 2018 vừa rồi, nơi mà cạnh tranh sẽ sòng phẳng và công bằng hơn, với nhiều áp lực hơn.

“Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” đã không dừng lại ở một hiệu triệu của Thủ tướng mà thực sự đã trở thành một phong trào, được thực hành bởi chính các tập đoàn, doanh nghiệp, thậm chí là cả các cá nhân sản xuất kinh doanh đơn lẻ trong nước. 

Câu chuyện có lẽ tạo nên trao đổi tích cực bậc nhất có lẽ là việc ra mắt của VinFast ở Paris. Thực sự, ở cương vị cá nhân, tôi không bị VinGroup thuyết phục lắm từ trước tới nay. Nhưng phải thừa nhận, những điều họ làm đã khuất phục tôi nhanh chóng. “Think Big” (Nghĩ chuyện lớn) thì mới có thể làm được việc lớn. 

Việc họ mời David Beckham (chứ không phải những ngôi sao giải trí của Việt Nam) làm đại sứ giới thiệu chiếc xe của mình tại Hội chợ triển lãm ôtô Paris đã gây chấn động. Đó là nước cờ tốn tiền khôn khéo. 

Chỉ cần ngôi sao David Beckham xuất hiện thôi, mọi camera, ống kính đều phải hướng về phía anh ấy. Và nhờ đó, VinFast trở thành tâm điểm thu hút mang tính toàn cầu. Điều VinFast làm được đã không chỉ dừng ở “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” nữa mà bắt đầu những viên gạch đầu tiên của việc chinh phục người tiêu dùng quốc tế. 

Và nhìn lại những gì VinGroup đang làm, tôi đã phải giật mình. Họ có y tế, giáo dục, siêu thị thực phẩm sạch… Chừng đó thôi, họ đang tạo ra một hệ sinh thái riêng, với chuỗi giá trị riêng mà dù có không thiện cảm với họ đến mấy đi nữa, người tiêu dùng cũng sẽ có xu hướng trở thành khách hàng của hệ sinh thái ấy.

Đó là ví dụ về một doanh nghiệp lớn. Còn ví dụ về những nhà sản xuất nhỏ lẻ, mới bắt đầu hình thành cũng thú vị không kém. Hồng, một người tôi biết và nể phục, đã từng lừng danh với việc mang vịt biển trở thành mô hình chăn nuôi thương mại thành công, đã trải cả năm 2018 của mình cho những sản phẩm nông sản tự nhiên với những thương hiệu rất cá tính của mình. 

Bây giờ, Hồng đang bắt đầu có những thành công nho nhỏ với thương phẩm tinh dầu mùi (cây ngò rí trong cách gọi của người miền Nam). Để làm được điều đó, cậu trai ấy đã bỏ phố lên rừng, bỏ tiện nghi để làm người nông dân thực sự. 

Nhưng đó là người nông dân của thời công nghệ cao chứ không phải làm ăn theo kiểu chờ thời đợi vụ đơn thuần. Và cái cách cậu quảng bá cho sản phẩm của mình cũng rất ấn tượng. Chắt lọc tệp khách hàng tiềm năng đúng; đưa ra hình ảnh, thông điệp và cam kết chuẩn xác, đó là tất cả những gì Hồng đã và đang làm. 

Nỗ lực của cậu đã thu hút không ít qũy đầu tư và chắc chắn, sẽ không lâu nữa, thương hiệu của cậu sẽ xuất hiện ở trong nhiều hộ gia đình.

Và trong cả một chuỗi các nỗ lực của những doanh nhân, những cá nhân đang tham góp trong nền kinh tế Việt Nam hôm nay, tôi đọc được cả một tín hiệu đáng mừng của những người nghiên cứu với mong mỏi đóng góp cho hoạt động sản xuất của nước nhà. 

Cái tin “Lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành”. đã được nhiều tờ báo bình chọn là 1 trong 10 sự kiện kinh tế nổi bật cho thấy những biến chuyển tích cực thực sự của năm 2018. 

Với vaccine này, người nông dân Việt sẽ tiết kiệm được rất nhiều (hàng chục triệu USD mỗi năm) so với việc phải mua vaccine ngoại nhập. Đó có phải là hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ luôn là “Có”.

Một năm mới tới sẽ nhiều thách thức hơn nhưng với nền tảng lạc quan đã có của 2018, có lẽ những thách thức cũng không còn là mục tiêu bất khả nữa. Điều cần cải thiện hơn nữa lúc này chỉ là sự hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước mà thôi. Bộ máy ấy cũng cần phải tinh gọn hơn, năng động hơn, hiện đại hơn để “chinh phục các nhà sản xuất Việt Nam”. 

Những nhà sản xuất sẵn sàng đầu tư trí tuệ, công sức, tài lực để chinh phục người tiêu dùng Việt nhưng họ cũng cần lắm sự hỗ trợ mật thiết của quản lý nhà nước, của các hiệp hội, của các đơn vị xúc tiến thương mại để thực sự tạo ra một chuỗi giá trị của hàng Việt, tạo ra một môi trường tiêu dùng hàng Việt tự tin, lạc quan và tự hào.

Hà Quang Minh
.
.