Đi lễ, cầu gì?

Lên chùa bẻ một cành sen

Thứ Tư, 15/02/2017, 15:31
Tin tưởng, tín ngưỡng là điều trân quý mà chúng ta cần phải tôn trọng nhưng sự hỗn loạn tín ngưỡng lại là chuyện khác. 

Nếu không mưu cầu lợi lộc cho cá nhân, người ta có còn đến đề chùa nữa hay không? Chắc là cũng có, mà chắc là cũng không.


Tôi có một ám ảnh kỳ lạ với bài dân ca Bắc Trung bộ có tên Đi cấy ấy. Lời lẽ đơn giản, nhưng nhạc điệu thì hấp dẫn vô cùng. Tôi từng lên một dự án với Phạm Anh Khoa, khoảng 8 năm trước, dự án rock hóa một số ca khúc dân ca mà trong đó, tôi chọn Đi cấyTrèo lên quán dốc phối khí lại theo dạng progressive rock, thêm hiệu ứng của dàn nhạc giao hưởng. Dự án ấy bây giờ vẫn bỏ dở.

“Lên chùa bẻ một cành sen” là câu mở đầu và kết thúc bản Đi cấy ấy là câu “Cầu cho trong ấm, êm lại ngoài êm”. Cái cách lên chùa xin một cành sen, như xin lộc, để cầu cái đơn giản nhất “trong ấm, ngoài êm” là một mưu cầu rất con người, thánh thiện và tinh khiết, khát vọng mà thanh tịnh kinh khủng. 

Đúng là sen, thứ hoa gốc lấm bùn tanh mà hương thì thanh thoát như hương của cõi niết bàn. Cái lộc ấy, không phải để đạt tới giàu sang phú quý, không phải đạt tới thứ tài lộc, vinh hiển của tham vọng, mà là cái lộc biết sao vừa đủ cho mình là đã an lòng rồi. Nó vẫn rất con người mà cũng gần với cảnh giới diệt dục, diệt được tham, sân, si.

Xưa, tết Bắc có tục hái lộc sau giao thừa, và nói về hái lộc, người ta thích lộc đa, lộc sung, những thứ cây mà nghe cái tên đã cho cái ám ảnh về sự may mắn trong năm. Đa là nhiều, sung tượng trưng cho sung túc. Nhưng hái lộc ở đâu thì hái, người ta rất kỵ hái lộc ở đền, ở chùa. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Thế rồi sau này, tự dưng nảy nòi đâu ra có những người bảo phải hái lộc chùa mới tốt. Lộc chùa mà, nghe nó giống của chùa lắm. Được cái lộc ấy, coi như quanh năm ăn tiền chùa. Nghe đến hãi hùng.

May sao, mấy cái nảy nòi ấy không đủ sức thuyết phục nỗi sùng kính của người dân với chốn cửa phật. Thế nên mấy cây đa sân chùa mới được yên ổn mà sống ở thời khắc qua năm.

Nhưng chùa thì ngày càng đông hơn, đền phủ ngày càng tấp nập hơn vì con người ta ngày càng thích đi cầu ở những chốn linh thiêng ấy. Rằm, mùng một người ta lên chùa, đi đền, đi phủ để cầu đã đành. Tết nhất, người ta càng năng đi hơn, vì dường như ai cũng nghĩ cả năm đi lễ chuyện thường nhưng tết nhất mà không đi lễ là không thể được. Thế là đầu năm đi xin, cuối năm đi tạ, một vòng sùng kính, một vòng đức tin, một vòng cầu mong được toại nguyện.

Nhưng chung quy thì người ta đi cầu cái gì? Đó là câu hỏi rất khó vì thường thì ta hay khấn thầm, nên điều ta cầu xin cũng chỉ trong lòng ta biết, trời biết, đất biết. Số ít những người “lạy thánh mớ bái” như đọc diễn văn chẳng đủ để chúng ta quy kết rằng tất cả đều cầu mong như thế cả nhưng sự thực thì khó có thể chối cãi. Đó là càng là công chức nhà nước, càng là tiểu thương kinh doanh, người ta càng chăm đi lễ đền chùa. Lên đó họ xin gì, đoán mò chắc cũng ra tất thảy.

Chẳng có gì là sai trái nếu ai đó đứng trước ban thờ phật cầu xin năm nay thăng chức, tiền bạc vào ào ào, gia đình trong ấm ngoài êm. Khát vọng được thăng tiến, được phú quý, được vinh hoa cũng là khát vọng chân chính cả mà. 

Có phải đó là thứ đồi bại, hủ lậu đáng lên án đâu. Nhưng suy cho cùng, cái sự cầu xin ở ta nó lạ lắm. Nó là đại diện cho thứ mong mỏi kiểu sung rụng vào mồm, tức là chỉ mong được mà không nghĩ đến chuyện mình phải làm gì, cần làm gì, làm như thế nào để những mong được nhận về lộc thánh.

Sự thực thì chính cái việc tin vào một siêu nhiên nào đó sẽ ban cho những điều kể trên mà quên mất mình còn phải lao động nó cho thấy cái yếm thế kinh khủng của thị dân bây giờ. 

Trước siêu nhiên, con người luôn luôn yếm thế nhưng sự yếm thế lên đến đỉnh điểm là khi người ta biết mình không thể vươn tới điều gì đó vì sự bất lực của một thực thể bất toàn. Chính sự bất lực của một thực thể bất toàn khiến người ta cống hiến trọn vẹn niềm tin vào siêu nhiên, mong siêu nhiên ban phát cho mình những điều hoàn toàn là bất khả. 

Bởi thế, sẽ có người thừa hiểu mình không có khả năng lãnh đạo nhưng vẫn cầu xin được bổ vào một ghế nào đó một cách may mắn bất ngờ. Và điều gì sẽ xảy ra nếu như một thực thể bất toàn và bất lực lại được ở vị trí mà anh ta hoàn toàn bất khả thực thi? Đó sẽ là một mối nguy cho cả xã hội.

Tin tưởng, tín ngưỡng là điều trân quý mà chúng ta cần phải tôn trọng nhưng sự hỗn loạn tín ngưỡng lại là chuyện khác. Ở giữa một xã hội mà con người ta thánh cũng tin, phật cũng tin, Chúa cũng tin thì con người ta rất khó có thể hướng thiện. Bởi thế, người ta càng dễ hoang mang hơn khi niềm tin không nhất quán và dẫn đến cầu xin cũng loạn. Nơi này xin một ít, nơi kia xin một ít, thánh nào, phật nào chứng cho họ đây.

Cũng nhân bàn chuyện này, tự dưng nhớ lại cái dòng trạng thái của một nữ nghệ sỹ trẻ để trên Facebook một ngày đầu năm. Cô viết: “Năm nay không chùa chiền, không cầu nguyện, không giải hạn, chỉ đúng một tâm nguyện “đức năng thắng số”. Ấy vậy mà sao cứ cảm giác chuẩn bị một năm bầm giập tơi tả lắm. Cứ thấy hoang mang khi mới bắt đầu phải gồng mình lên để chiến với cuộc sống sắp tới! Làm nhiều việc tốt vậy cớ sao vẫn cứ lận đận?”. Cái hoang mang nó nằm ở đó chứ ở đâu nữa. Và không ít người cũng đang hoang mang như thế.

Tôi nhớ, 3 năm trước, ngồi với một ông anh, cũng dân xã hội ngầm. Ông ấy cũng hay đi chùa nhưng luôn nói rằng “Anh chỉ xin được bình an. Anh nói thật, thằng nào bị truy nã mà lên chùa xin phật độ, thằng ấy bị bắt ngay. Phật nào mà chứng cho thằng trốn truy nã em ơi. Phật cho nó bị bắt, là mở cho nó đường quay về thiện. Đấy là độ chứ còn là gì nữa”.

Ngẫm lại cho cùng, có khi hiểu về cái “xin - cho” cửa phật, nhà thánh, có khi khối ông quan chức, trí thức không hiểu bằng một tay anh chị nửa mùa...

Hà Quang Minh
.
.