Đi lễ, cầu gì?

Hương khói cho mình

Chủ Nhật, 12/02/2017, 11:21
Tôi vẫn giữ thói quen vào chùa một mình, thắp hương lạy phật, ngắm nhìn la hán. Cũng chẳng xin gì, cũng chẳng cầu gì. Nếu có, ắt là xin sức khỏe cho người thân. Vậy rồi thôi. Chỉ là mỗi lần như vậy, đều thấy lòng mình bình an.

Nếu không mưu cầu lợi lộc cho cá nhân, người ta có còn đến đề chùa nữa hay không? Chắc là cũng có, mà chắc là cũng không.


Đến chùa cầu nguyện, mang được lộc chùa về là tin rằng cuộc sống sẽ được như ý mà bất chấp tâm thế và hành động trước mặt thánh thần ra sao, đó thật sự là một điều thảm hại!

1. Đi chùa lễ phật hay tham gia những lễ hội truyền thống đầu năm mới vốn là một hoạt động văn hóa, tâm linh có từ nhiều đời nay. Ngày xuân đến đình, chùa thắp nén hương để cầu nguyện một năm mới an lành cho mình và người thân trong gia đình là một điều hết sức tốt đẹp, nhất là về mặt tâm hồn.

Bởi theo tinh thần nhà phật thì chư phật hay bậc thánh hiền không ban phước hay giáng họa cho bất cứ ai. Sự cầu nguyện đến phật và bậc thánh chỉ có ý nghĩa là người cầu nguyện được truyền sức mạnh của niềm tin và cảm xúc thánh thiện, tốt lành về cuộc sống này.

Nhiều người hay nói rằng, sau khi đến chùa lễ phật thì lòng họ bỗng thấy trở nên nhẹ nhàng, mọi ưu phiền dường như tan biến hết. Đó là vì sự thành tâm, tĩnh lặng trong tâm hồn và niềm tin vào điều tốt đẹp đã xuất hiện sau khi họ cầu nguyện.

Ngoài ra, sự cầu nguyện còn có ý nghĩa như một lời hứa hẹn về những điều tốt đẹp với chính bản thân mình. Bởi khi phát lời cầu nguyện trước phật và thánh hiền là bạn đã hướng đến việc cam kết rằng, sẽ cố gắng sống tốt hơn và tránh xa những điều xấu ác. Ở đây ta thấy rõ rằng, lời cầu nguyện là một chất xúc tác tinh thần tuyệt vời tạo niềm tin và sức mạnh để người cầu nguyện hành động theo hướng tích cực hơn.

Trong Trung Bộ Kinh, Phật Thích Ca có dạy về việc cầu nguyện. Phẩm kinh này thuật lại câu chuyện tôn giả Angulimala cầu nguyện cho một sản phụ đau đớn vì khó sinh. 

Chuyện kể rằng, một hôm trên đường đi khất thực, tôn giả Angulimala gặp một sản phụ khó sinh, đau đớn, nguy kịch, tôn giả cảm thương trở về bạch với đức Phật. 

Đức Phật dạy tôn giả đến cầu nguyện cho sản phụ đó bằng những lời cầu nguyện như thế này: “Thưa chị, kể từ khi tôi tái sinh trong thánh đạo đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, với sự thực ấy tôi nguyện cầu chị được an toàn và sinh đẻ được an toàn”. Sau đó, người sản phụ được mẹ tròn con vuông.

Qua phẩm kinh trên thì thấy rằng, người cầu nguyện cần phải có năng lượng tích cực thì sự cầu nguyện mới có hiệu nghiệm. Như tôn giả Angulimala, ngài đã có công năng tu tập và tích lũy công đức từ khi bước vào đời sống xuất gia qua việc “chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh” nên lời cầu nguyện lập tích linh ứng. 

Có nghĩa là khi cầu nguyện cho mình hay bất cứ ai, bản thân người cầu nguyện phải có hoặc phải tự tạo ra những nguồn năng lượng tích cực từ những việc làm công đức, từ tình yêu thương bi mẩn. Nhưng rất tiếc là ngày nay, nhiều người đi chùa cầu nguyện và chỉ mong đạt được mong muốn mà quên đi đạo lý căn bản này.

2. Mấy năm gần đây, cứ đến mùa lễ hội tháng Giêng là những hình ảnh xấu xí của người đi lễ chùa lại xuất hiện. Đó là cảnh chen lấn, xô đẩy đến đánh nhau để giành giật lộc; hình ảnh này cũng vừa xuất hiện ở lễ hội chùa Hương mấy ngày vừa qua.

Thật ra, chuyện người ta đi chùa để cầu nhiều thứ, từ sức khỏe, giàu có, thành công, hạnh phúc hay bình an... tất cả những mong ước đạt được đó đều là nhu cầu rất chính đáng của mỗi người. 

Song, đi chùa là để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhưng hành động ngay trước thánh nhân lại xấu xí như thế thì sự cầu nguyện ấy chỉ là cầu nguyện suông; hay thẳng thắn mà nói, đó là một kiểu cầu nguyện rất hình thức, mê tín bởi quan niệm dựa dẫm thánh thần.

Có lẽ, một số người nghĩ rằng chỉ cần đến chùa cầu nguyện và làm sao mang được lộc nhà chùa về là cuộc sống của họ sẽ được như ý, bất chấp tâm thế và hành động trước mặt thánh nhân ra sao. Đó thật sự là một điều thảm hại, một xu hướng vô cùng nguy hiểm!

Tôi có biết Thượng tọa Thích Huệ Đăng ở chùa Thanh Quang (Đà Lạt) - nhà tu hành nổi tiếng với công trình nghiên cứu và trồng thành công cây sâm Ngọc Linh từ nuôi cấy mô; thầy rất trăn trở về xu hướng mê tín, nặng hình thức cầu cúng, lễ bái trong sinh hoạt tâm linh của một bộ phận người trong xã hội hiện nay. 

Thầy chủ trương với các phật tử của thầy rằng, hãy tiết giảm việc cầu bái linh đình lại, thay vào đó là phát tâm từ bi mà hành động, làm những điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tinh thần này trở thành kim chỉ nam trong nội dung mà thầy truyền dạy cho các bạn trẻ ở những lớp Yoga của thầy.

Tất nhiên, thầy là tấm gương trong phương pháp tu đó. Là một nhà tu hành nhưng nhiều năm qua thầy vẫn mày mò, nghiên cứu trồng sâm Ngọc Linh để giúp ích cho đời. 

Đến nay, sản phẩm từ calus sâm Ngọc Linh được thầy thường xuyên phát miễn phí cho người nghèo. Thầy cũng đã mở nhiều trung tâm Yoga với mong muốn người đời sẽ được nhiều sức khỏe, trí tuệ. Ở chùa Thanh Quang, không khí trang nghiêm và thanh tịnh, dù nhiều nghi thức lễ bái cầu cúng đã được thầy chủ trương lược giản.

Vài lần lên Đà Lạt thăm thầy, ông vẫn hay hỏi tôi một câu: làm sao để người đời hiểu đúng về Phật giáo mà tránh mê tín đây? Câu hỏi này, chỉ là ông đang chia sẻ về trăn trở hiện tại của ông mà thôi.

Không riêng gì thầy Huệ Đăng, tôi vẫn thấy ở rất nhiều nơi chùa chiền hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà sư vẫn hay nói về việc lễ phật, cầu nguyện thế nào cho đúng với tinh thần nhà Phật. Song việc “mua thần, bán thánh” vẫn thường xuyên diễn ra. 

Ở đây, ngoài chuyện hiểu sai ý nghĩa cầu nguyện, tôi nghĩ một phần lớn còn là câu chuyện về ý thức của mỗi người. Bởi nếu có ý thức, hẳn đã không có những hình ảnh xấu xí như đám đông ở chùa Hương vừa qua.

Nói đến cầu nguyện, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện liên quan. Rằng ngày xưa ở làng nọ có hai anh em, người anh làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn nghèo, trong khi người em thì ngày càng giàu có cứ như của cải tự theo nhau về. Một đêm buồn quá, người anh ngồi khóc. Bụt hiện ra và cho anh một điều ước. 

Nhưng Bụt cũng cho biết rằng, anh ước gì thì người em sẽ được gấp đôi bởi số phận đã định như vậy. Suy nghĩ hồi lâu, người anh ước với Bụt rằng: “Con ước bị mù một con mắt”. Nghe xong, Bụt không nói gì mà lặng lẽ quay đi và từ đó không bao giờ trở lại trần gian nữa.

Ông Bụt trên câu chuyện trên kinh sợ trước sự đố kỵ ra sao thì có lẽ, khi nhìn cảnh chen lấn và có những hành vi hung bạo của đám đông ở chùa Hương vừa qua, thánh thần ở đó cũng... phát sợ!

Ngô Nguyệt Lãng
.
.