Lắng nghe để kiến tạo

Kiến tạo và quyền được biết

Thứ Bảy, 22/10/2016, 07:07
1. Thời gian gần đây, chúng ta nghe rất nhiều về cụm từ "Chính phủ kiến tạo". Đó là chủ trương xây dựng chính phủ trong thời đại mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang thể hiện những nỗ lực vượt bậc, những phát ngôn mạnh mẽ vì sự phát triển kinh tế xã hội.

Chúng tôi, những người thực hiện chuyên đề này, cho đến thời điểm hiện tại luôn ủng hộ quyết tâm của Chính phủ.

Tất cả đều hy vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp mà quốc gia xứng đáng được thụ hưởng.

Cụ thể, chính phủ kiến tạo là một chính phủ vận hành trên nền tảng thượng tôn pháp luật, đổi mới, sáng tạo để phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ kiến tạo còn là chính phủ phải dũng cảm đương đầu, dám làm dám chịu trách nhiệm; là một mô hình chính phủ hiệu quả, tinh gọn và liêm chính từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương; sử dụng tốt từng đồng thuế của người dân, vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ phát triển...

Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân không chỉ dừng lại ở trung ương mà quan trọng là phải làm sao đưa được mô hình này về địa phương; phải làm sao cho chính quyền cơ sở tận tụy phục vụ nhân dân, doanh nghiệp chứ không còn hành dân, xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân như đã bị phản ánh rất nhiều trước đó. Và nhất là phải xây dựng được lớp cán bộ liêm chính.

Rõ ràng rằng, chủ trương xây dựng chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là đúng đắn, có đủ những quyết tâm mạnh mẽ và những mục tiêu rất rõ ràng. Vấn đề là mọi thứ sẽ được chính quyền các cấp tiến hành thực hiện như thế nào, có đi đúng với con đường, mục tiêu mà Thủ tướng đưa ra hay không?

2. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, mục tiêu quan trọng nhất của chính phủ kiến tạo đó là "phục vụ nhân dân". Nhân dân thì có rất nhiều nhu cầu cần được các cấp chính quyền phục vụ để phát triển cuộc sống, đó có thể là nhu cầu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, có một nhu cầu đang trở nên rất bức thiết đó là nhu cầu được biết, hay nói cách khác là nhu cầu thông tin về những vấn đề, sự kiện được dư luận xã hội chú ý quan tâm.

Minh họa: Hữu Khoa.

Thời gian qua, xã hội đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự,... Những vụ việc này đã gây hoang mang trong dư luận khi thông tin xuất hiện trên mạng xã hội. Thế nhưng, báo chí chính thống thì lại đi sau khá lâu hoặc thậm chí có những vụ còn trở thành "vùng cấm" với báo chí chính thống.

Chúng ta đang sống ở thời đại mà báo chí không còn là nguồn thông tin duy nhất của nhân dân, từ khi mạng xã hội ra đời, nó đã và đang chiếm ưu thế thông tin hơn bằng tốc độ và cả những biên độ thông tin rộng lớn, không có vùng nào gọi là "vùng cấm" với mạng xã hội cả.

Như vậy có nghĩa là dẫu có quy định quá nhiều "vùng cấm", vấn đề "nhạy cảm" thì cũng không thể ngăn cản sự biết của nhân dân. Mà sự biết ấy tiềm ẩn những nguy hiểm khôn lường bởi nguồn tin trên mạng xã hội là nguồn tin không "chính quy", thiếu kiểm chứng.

Thậm chí, một sự kiện nào đó là thật nhưng khi được đưa lên mạng xã hội, nó có thể trở nên méo mó theo ý đồ của chủ nhân mạng xã hội đó. Và một khi những thông tin kiểu xuyên tạc sự thật như vậy tiếp cận với quá nhiều người, nó sẽ gây hoang mang, thậm chí dẫn đến rối loạn tâm trạng xã hội. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm.

3. Mọi người hẳn vẫn còn nhớ vụ Formosa Hà Tĩnh. Việc chậm công bố thông tin cá chết, nguyên nhân gây chết cá, thủ phạm thật sự gây ô nhiễm nguồn nước... đã khiến nhân dân vô cùng bức xúc.

Rồi đến sự "im lặng" gần đây của báo chí chính thống về siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná cũng khiến nhân dân đặt ra nhiều câu hỏi và tất nhiên là có cả những bức xúc và hoang mang. Tại sao một dự án lớn có khả năng ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các vấn đề về kinh tế, môi trường, an ninh xã hội của cả một khu vực như vậy lại rơi vào "vùng cấm" thông tin?

Hãy thử tưởng tượng, nếu những dự án có tác động môi trường xã hội lớn như dự án thép tại vùng biển Cà Ná (Ninh Thuận) đều trở thành "vùng cấm" với báo chí chính thống thì khi đó, niềm tin của nhân dân vào quyền thông tin của báo chí sẽ mai một dần.

Khi đó, có thể kênh thông tin của nhân dân dần chuyển từ báo chí sang mạng xã hội và từ đó sẽ dẫn đến những hệ lụy thật khó lường. Thực tế thì đây không phải là một xu hướng chuyển dịch chưa hề xảy ra, nó đang âm thầm như vậy.

Cũng liên quan đến nhu cầu được biết, có lần Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu trước Quốc hội rằng: "Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn!". Và chỉ hai ngày sau khi "lỡ lời" phát biểu câu nói trên, ngài Bộ trưởng đã vội vàng đưa ra lời xin lỗi tới nhân dân vì đã diễn đạt gây hiểu lầm.

Thế nhưng, xem ra đó là lời xin lỗi sai vì phát ngôn của Bộ trưởng đã nêu đúng vấn đề tồn tại lâu nay liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân, đó là quyền được biết đã không được thực thi nghiêm túc.

Nhân dân không biết bữa cơm hằng ngày của mình có độc hay không nhưng nhân dân can trường vẫn phải ăn vì không còn lựa chọn nào khác. Vì không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là bẩn nên họ có cảm giác không an toàn với tất cả thực phẩm, dù trong đó có cả những thứ an toàn.

Như vậy, phát biểu trên của Bộ trưởng Cao Đức Phát là một sự thật cần phải được nói ra. Đó là điều cốt lõi, là bản chất của nỗi hoang mang đã và đang bao phủ đời sống của nhân dân hôm nay, không riêng gì vấn đề thực phẩm bẩn mà là vì quyền được biết dần bị hạn chế!

Tóm lại, thông tin kịp thời của cơ quan chức năng, của báo chí chính thống là vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác để tránh gây hoang mang cho người dân, đồng thời đảm bảo quyền được biết của nhân dân. Nếu lấy thước đo nhu cầu được phục vụ của nhân dân làm mục tiêu của chính phủ kiến tạo thì nhu cầu được biết là một thước đo quan trọng cần được quan tâm hơn để có thể xây dựng thành công mô hình chính phủ như mong muốn!

Hoàng Lãm
.
.