2016 – một năm nhìn lại

Kiến tạo là nhiệm vụ không của riêng Chính phủ

Thứ Ba, 31/01/2017, 08:08
Nếu phải bình chọn một trong những từ khóa tiêu biểu nhất của năm cũ, có lẽ “Chính phủ kiến tạo” là từ khóa hàng đầu cần phải nhắc tới.

Có rất nhiều sự chuyển động diễn ra trong đời sống suốt một năm qua, tuy nhiên ở chuyên đề này chúng tôi chọn ra ba vấn đề mà theo nhận định chủ quan của chúng tôi là nổi bật trong năm 2016. Nhìn lại là để đi tới.

Và khi “Chính phủ kiến tạo” trở thành từ khoá quen thuộc, điều đó đã cho thấy một điều không thể phủ nhận, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo được một dấu ấn rất mạnh mẽ ngay trong thời gian đầu tiên của nhiệm kỳ, một việc không phải dễ dàng gì.

Có một từ khóa của năm 2016 mà có lẽ sang 2017 sẽ vẫn còn nóng hổi nữa là hai tiếng “khởi nghiệp”. Người ta nói đến khởi nghiệp mọi lúc, mọi hoàn cảnh, như một thứ thời thượng. Và móc nối giữa kiến tạo với khởi nghiệp, tôi chợt nhớ đến những câu chuyện ở các nước phát triển trên thế giới. Đó là ở rất nhiều nước, những doanh nghiệp thành công sẽ cam kết mỗi năm đỡ đầu cho 1 hoặc 2 dự án khởi nghiệp.

Điều kiện đánh đổi rất đơn giản. Doanh nghiệp khởi nghiệp được đỡ đầu phải cam kết sau 5 năm, khi đã vững mạnh, họ sẽ phải đỡ đầu cho 1 hoặc 2 doanh nghiệp khởi nghiệp mỗi năm, trong một hạn định bao nhiêu năm cụ thể. Tất cả những gì chúng ta có thể mô tả cho chuỗi đỡ đầu ấy chính là “kiến tạo”.

Phải thừa nhận, giữa trào lưu khởi nghiệp mạnh mẽ như hôm nay, “Chính phủ kiến tạo” đã xuất hiện rất đúng thời điểm, đúng một cách xuất sắc, và cũng cho thấy Chính phủ cực kỳ dũng cảm khi việc kiến tạo vẫn còn rất nhiều trở ngại, thách thức ở phía trước, cả chủ quan lẫn khách quan.

Và khi Thủ tướng Chính phủ sử dụng khái niệm kiến tạo, điều đó cho thấy ông đã nhìn vấn đề rất rộng, bởi bản thân kiến tạo là một khái niệm rộng, với nội hàm vô cùng đa dạng. Song, dù khó khăn và thách thức còn đầy rẫy như chúng ta vẫn thấy, chúng ta phải thừa nhận rằng, việc Thủ tướng Chính phủ đảm trách vai trò kiến tạo, tức là vai trò làm nền cho sự phát triển xã hội, rõ ràng là một tín hiệu vô cùng tích cực.

Minh họa: Lê Phương.

Câu hỏi đầu tiên cần trả lời chính là kiến tạo cái gì? Chúng ta vẫn nghĩ đến cơ hội mỗi khi được nghe tới hai từ kiến tạo. Đúng, kiến tạo cơ hội là chuẩn xác nhưng không phải là đầy đủ.

Một chính phủ luôn biết kiết tạo cơ hội phát triển sẽ chỉ là một chính phủ làm tròn bổn phận của mình mà thôi.Còn một chính phủ có thể kiến tạo những cách tân, kiến tạo sự minh bạch, kiến tạo những hành lang phục vụ phát triển xã hội và vượt trên hết là kiến tạo niềm tin tuyệt đối của dân chúng mới là một chính phủ xuất sắc. 

Và chúng ta hãy tin tưởng rằng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ muốn xây dựng một chính phủ làm tròn bổn phận. Trong những năm tháng đầu tiên của mình, ông đã có những hành động và phát ngôn tích cực, quyết liệt đủ để cho thấy ông đang muốn tạo nên một không khí khác: Một chính phủ xuất sắc.

Kiến tạo cho ai cũng là câu chuyện rất rộng với nhiều nội hàm riêng mà khó có thể được giải quyết chỉ trong một vài năm, hoặc khó có thể được giải quyết một cách đồng loạt và đại trà. Nó cần sự khôn ngoan và tinh tế của những người hoạch định chính sách bậc thầy. Ai cũng hiểu dân số Việt Nam đang ở tỷ lệ vàng, và việc kiến tạo các cơ hội cho tuổi trẻ là cấp thiết thế nào. 

Nhưng câu chuyện về nạn kẹt xe mãn tính ở Hà Nội và TP HCM cũng cho một bài toán hấp dẫn hơn về phát triển. Đó là đã đến lúc cần kiến tạo để các địa phương khác trở thành các đô thị sầm uất và văn minh, đủ sức chia sẻ gánh nặng dân cư với hai thành phố lớn, nơi được cho là có cơ hội lập nghiệp tốt hơn, điều kiện sinh hoạt, y tế, giáo dục vượt trội hơn. 

Nhưng cũng từ bài toán kiến tạo cho các địa phương khác cũng sẽ lại nảy sinh ra một bài toán hóc búa không kém. Ấy là kiến tạo phát triển nhưng cũng phải kiến tạo được một môi trường sinh thái cân bằng, thứ mà chúng ta không thể đánh đổi để lấy thành tựu của phát triển nóng, với hồi kết là giá phải trả đè lên vai con cháu mình. 

Bởi vậy mới nói kiến tạo là việc không phải chỉ một mình nội các của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải đảm trách, mà nó còn là nghĩa vụ của những nội các nối tiếp ở những nhiệm kỳ sau này, những nội các cũng phải ám ảnh với việc xây dựng mình thành một chính phủ xuất sắc như những mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Riêng câu hỏi kiến tạo như thế nào thì lại nên được đặt chung với một câu hỏi cuối, nhưng không hề kém tầm quan trọng, là “ai cũng phải đảm trách vai trò kiến tạo cùng Chính phủ?”. 

Nhiệm vụ tạo dựng một chính phủ kiến tạo không thể là của một mình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà nó còn phải được tất cả những lực lượng khác, cá nhân khác trong xã hội chung vai gánh vác. Chỉ nội một câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuyện tòa nhà 50 tầng dự kiến xây dựng ở trung tâm triển lãm Giảng Võ đã đủ là một ví dụ xuất sắc. 

Thủ tướng Chính phủ muốn kiến tạo ra một thay đổi cho bộ mặt quy hoạch đô thị và ông sẵn sàng hành động mọi cách để đạt được thay đổi ấy. Nhưng nếu các cấp ở dưới, những cán bộ lãnh đạo cỡ nhỏ và vừa không chịu thực thi các động thái phục vụ mục tiêu mà Thủ tướng đề ra thì sự kiến tạo kia có còn tồn tại không? 

Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng một lần phải lên tiếng về vấn nạn này, vấn nạn cấp lãnh đạo chính phủ quyết sách rất đúng nhưng cấp dưới không chịu tận tâm thực thi, chỉ làm chiếu lệ hoặc thậm chí chây ì thì làm sao người dân có thể tin tưởng được vào lời hứa của Thủ tướng Chính phủ đây. 

Mà rõ ràng, “Chính phủ kiến tạo” là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không muốn chỉ tồn tại như một lời hứa suông, hay như một khái niệm nghe có vẻ bóng bẩy. Ông muốn nó đi vào hành động cụ thể, ngay và sớm.

Và như vậy, chính mỗi chúng ta, những con người nhận lương ngân sách, làm việc trong bộ máy nhà nước, phải là những người đầu tiên mang ý thức kiến tạo, kiến tạo cho nhân dân được một môi trường sống thuận tiện và dễ dàng hơn. Rồi các cá nhân ngoài bộ máy nhà nước cũng phải đảm lãnh trách nhiệm kiến tạo, như cái ví dụ về khởi nghiệp ở trên chẳng hạn. 

Song vượt trên hết, Đảng cần phải kiến tạo cho Chính phủ một môi trường, một hành lang hành động thực sự. Dễ hiểu, công tác xây dựng Đảng là công tác được ưu tiên hàng đầu. 

Và để có được những con người dám đảm nhận trách nhiệm kiến tạo, công tác xây dựng Đảng phải khắt khe hơn nữa trong việc xây dựng con người của Đảng. Đó cũng chính là cách kiến tạo ra một môi trường nhân sự văn minh, hiện đại, tận tụy để giúp Chính phủ thực sự kiến tạo.

Hà Quang Minh
.
.