2016 – một năm nhìn lại

Câu chuyện môi trường

Thứ Ba, 24/01/2017, 09:18
Có rất nhiều sự chuyển động diễn ra trong đời sống suốt một năm qua, tuy nhiên ở chuyên đề này chúng tôi chọn ra ba vấn đề mà theo nhận định chủ quan của chúng tôi là nổi bật trong năm 2016. Nhìn lại là để đi tới.

1. Trong năm 2016 vừa qua, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển từ vi phạm xả thải của Formosa Hà Tĩnh có lẽ là vấn đề nóng nhất, được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt nhất. Nguyên nhân không phải chỉ vì những hậu quả nặng nề mà nó để lại cho môi trường, cho đời sống của hàng ngàn ngư dân ven biển mà từ vụ việc này, nhiều vấn đề khác liên quan đến hoạt động của các dự án nhà máy, xí nghiệp cũng đã được đưa ra mổ xẻ quyết liệt.

Formosa - thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung trong tháng 4-2016 đã cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi về hành vi vi phạm xả thải của mình. Hiện tại thì biển miền Trung đã dần phục hồi, hải sản cũng đã an toàn để dùng, các hậu quả đã được Fosmosa nghiêm túc khắc phục... 

Tuy nhiên, những gì từ vụ việc này vẫn là một bài học quá đắt giá nhất thiết cần ghi nhớ, nhất là trong thời đại mà cả xã hội như đang trong cơn say của phát triển kinh tế, công nghiệp hóa như hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh trong một hội nghị về môi trường rằng: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân”. Người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp như thế, song để thông điệp này trở thành hiện thực, ngoài quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức người đứng đầu mỗi địa phương rằng, bất chấp môi trường đế đổi lấy kinh tế là hủy hoại sự sống trong tương lai. 

Những gì mà Formosa tác động đến môi trường, đời sống nhân dân ven biển miền Trung là một ví dụ điền hình. Hệ sinh thái biển bị hủy hoại, cá chết hàng loạt vì nước biển ô nhiễm, du lịch như chấm hết trong một thời gian, đời sống ngư dân vốn cơ cực lại càng khốn khó.

Nhưng thậm chí ngay cả bài học nhãn tiền từ Formosa vừa diễn ra thì dự án thép Cà Ná - một dự án quy mô tương tự Formosa vẫn được tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai, bất chấp những khuất tất trong vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch của dự án. Đương nhiên với một dự án mà nguy cơ gây hại cho môi trường quá lớn như vậy thì việc phản ứng của dư luận là tất yếu. 

Song, có lẽ Bộ Công thương vẫn quyết liệt với dự án thép này sau khi người đại diện tuyên bố: “Ngay cả khi Hoa Sen rút khỏi thì thép Cà Ná vẫn được đưa vào quy hoạch lại”. 

Bất cứ người dân nào, nhất là những người dân xung quanh vùng biển Ninh Thuận không mong muốn một dự án có quá nhiều nguy cơ hủy hoại sự sống của họ ra đời để khi sự việc đã rồi, ai đó đứng ra nhận trách nhiệm! Fosmosa đã nhận trách nhiệm hủy hoại bờ biển miền Trung vì xả thải sai quy định, họ chấp nhận bồi thường thiệt hại, song điều đó cũng không thể nào cứu nổi một vùng biển bị tàn phá, là những rối loạn xã hội đã diễn ra.

Có lẽ, người ta đang nhầm lẫn về cái gọi là “trách nhiệm xã hội”, trách nhiệm xã hội là một giá trị đầy thực tế và luôn song hành cùng lợi ích của mọi người xung quanh chứ không phải từ những dằn vặt lương tâm sau những hậu quả đã gây ra.

2. Cũng cần phải nói thêm rằng, việc cho ra đời một dự án có những nguy cơ ảnh hưởng và việc hiện thực gây hại đến môi trường là hai việc hoàn toàn khác nhau. Những ngành công nghiệp sản xuất gang thép, dệt nhuộm, thuộc da, hóa chất... đều là những ngành công nghiệp có chất thải độc hại, đặc biệt nguy hiểm với môi trường nếu không được xử lý đúng quy chuẩn trước khi thải ra ngoài. 

Nhưng không phải nhà máy nào thuộc nhóm ngành này cũng đều gây ô nhiễm môi trường bởi trước khi được phép đưa vào vận hành tất cả đều phải hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải.

Tuy nhiên, đó chỉ là mặt lý thuyết, còn sự thật hệ thống đó có đảm bảo công nghệ, có vận hành nghiêm túc hay không hay chỉ là công cụ qua mắt cơ quan chức năng thì còn tùy thuộc vào mỗi ông chủ. Và đây mới chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Đó là sự gian manh của con người.

Có ý kiến cho rằng, sự gian manh của con người sẽ có lúc trở thành lối sống phổ biến trong xã hội hiện đại. Người ta gọi đó là “gian manh chi đạo”, tức cái đạo gian manh, đạo ở đây là con đường, là thói quen của số đông. Ở hiện tại, sự gian manh có phải là lối sống của số đông hay không thì chưa thể khẳng định được, song có một thực tế là người ta có thể nhìn thấy sự gian manh có thể thể hiện ở bất cứ môi trường và con người nào. 

Từ sự cân điêu của người bán hàng ngoài “chợ cóc”, đến cái nhãn hàng hóa lập lờ của doanh nghiệp, đến bảng báo cáo thiệt hại của chính quyền nhiều địa phương mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh... và sự gian manh trong vấn đề xử lý chất thải để bỏ túi số tiền dư ra mà bất chấp hiểm họa với môi trường và con người.

Không phải chỉ Formosa có khả năng đầu độc môi trường mà thực tế là bất cứ xí nghiệp nào khác cũng có thể làm điều đó. Bởi có một thực tế động trời rằng, rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp hiện nay chỉ đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho đúng quy định nhưng ít khi dùng đến. 

Lý do là chi phí xử lý nước thải rất đắt tiền, nó đắt hơn nhiều lần so với số tiền phạt khi không may bị đoàn kiểm tra môi trường phát hiện. Vì thế, họ sẵn sàng chịu phạt và cứ xả thải ra môi trường. Hệ thống xử lý chỉ vận hành khi đến thời hạn có đoàn kiểm tra. Thậm chí khi có đoàn kiểm tra đến thì chỉ cần những cái bắt tay và những phong bì trong bóng tối là sau đó sẽ có kết quả: xả thải đúng chuẩn; trong khi đó thì những con sông xanh sau nhà máy đang chết dần(!).

Điều đó cho thấy, sự gian manh ở đây không hẳn chỉ là câu chuyện đạo đức mà đó còn là một căn bệnh, một thứ ký sinh. Khi mà sức đề kháng của xã hội kém đi, khi mà các cơ quan thực thi pháp luật, hệ thống giám sát hoạt động không hiệu quả thì căn bệnh ấy, loài ký sinh ấy sẽ được tự do phát triển mà thôi! Đó cũng chính là vấn đề trong câu chuyện về ô nhiễm môi trường từ các nhà máy hôm nay.

Hoàng Lãm
.
.