2016 – một năm nhìn lại

Niềm tin bổ nhiệm

Thứ Hai, 23/01/2017, 09:13
Thật ra khi dư luận như lên đồng với những câu chuyện bổ nhiệm người thân, họ hàng, anh em, cha con, vợ chồng… thì đám đông đã vô tình hay hữu ý mà quên mất rằng đây không phải là một câu chuyện mới.

Có rất nhiều sự chuyển động diễn ra trong đời sống suốt một năm qua, tuy nhiên ở chuyên đề này chúng tôi chọn ra ba vấn đề mà theo nhận định chủ quan của chúng tôi là nổi bật trong năm 2016. Nhìn lại là để đi tới.


Mới vừa năm trước, những giám đốc sở, lãnh đạo tỉnh có bố là quan to cũng đã ầm ĩ khắp nơi.

1. Bất cứ ai cũng có quyền đứng trên đôi vai người không lồ, nếu có điều kiện. Nhiều năm trước, tôi đã viết như vậy khi xảy ra nhiều luồng xung đột tư tưởng về vấn đề con nhà giàu thụ hưởng, con nhà nghèo vất vả.

Việc con em, người thân, chồng vợ... của cán bộ lãnh đạo đương nhiệm được đề bạt vào một vị trí lãnh đạo nào đó cũng không có gì là không đúng. Nói như kết luận thường gặp sau mỗi đợt thanh tra kiểu này thì là luôn: “Đúng quy trình”.

Đúng quy trình nghĩa là có giới thiệu, có quy hoạch, có bỏ phiếu tín nhiệm, có bổ nhiệm. Một chuyển động tròn đều hoàn toàn không sai lệch, không mất đường hướng.

Vậy thì tại sao nhân dân lại phản ứng? Lẽ đơn giản, đó là di sản để lại của cán bộ lãnh đạo có người thân tiếp tục làm lãnh đạo.

Nhìn một chút sang Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long nối tiếp nhà khai quốc vĩ đại Lý Quang Diệu làm lãnh đạo. Singapore vẫn phồn vinh, Singapore vẫn an nhàn phát triển. Kế thừa cung cách lãnh đạo của bố, ông Lý Hiển Long tạo được nhiều thiện cảm vì thái độ thân thiện đối với nhân dân. Những tấm ảnh selfie, những thông báo trên Facebook về tình trạng sức khỏe... cho thấy điều này.

Còn tại nước ta, sòng phẳng mà thừa nhận thì những đổi thay tích cực trong hệ thống quản lý vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Những hiện thực có phần tương phản với phát biểu, phát ngôn, biểu thị thái độ quyết tâm của một nhóm cán bộ lãnh đạo càng khiến niềm tin của nhân dân bị bào mòn. Mà một khi niềm tin không còn hiện hữu thì rất khó nhận được một điều gì đó có thể tạm gọi là tốt đẹp.

Minh họa: Lê Phương.

Ngay câu của tiền nhân xưa: “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa/ Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”. Ấy chỉ là cách nói trong những thời đại suy vi của triều đình phong kiến, chứ những vị vua anh minh truyền ngôi cho con là anh tài thì miệng thế gian cũng không đọc lại câu ca dao ấy làm gì.

Phận dân bao giờ cũng khiêm nhường, dễ chấp nhận và thỏa mãn. Hãy nhìn cách người dân ủng hộ những sự chuyển động của những người đứng đầu Chính phủ sẽ hiểu điều này, một sự ủng hộ vô cùng chân thành vì ngày mai tràn đầy hy vọng. Trong đó, có cả tôi. Bởi như tôi từng nêu rất nhiều lần quan điểm của mình, còn sống là còn hy vọng.

Một điển hình rõ nhất cho di sản để lại chính là trường hợp của ông Vũ Quang Hải - Phó Tổng Giám đốc Sabeco, con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Không cần biết ông Vũ Quang Hải tài năng ra sao, đi học ngoại quốc thế nào, thần đồng kinh tế xuất chúng đến đâu. Nhưng nhìn cái cách ông Vũ Huy Hoàng điều hành Bộ Công thương với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về bổ nhiệm thì rõ ràng ông Vũ Quang Hải đã mất hoàn toàn tính chính danh khi đảm đương bất cứ vị trí nào đó trong hệ thống của Bộ Công thương.

2. Việc bổ nhiệm người nhà vào các vị trí lãnh đạo, như trần tình của ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang với đại ý, “Anh em đòi bổ nhiệm người thân của mình, mình gạt ra nhưng anh em nhất định không chịu. Mình nói cũng không được vì đúng quy trình thì biết là làm sao?”. 

Tôi tin là ông Triệu Tài Vinh nói chính xác điều này, tôi cũng tin vào thực tế là có những câu chuyện quyết tâm đề bạt con em cán bộ lãnh đạo đương nhiệm. Tuy nhiên, có một điều mà ông Triệu Tài Vinh cũng như những vị lãnh đạo đương nhiệm có người thân được đề bạt không bao giờ đặt câu hỏi, chính là “Vì sao người thân của mình được bổ nhiệm?”. Hoặc giả như có lúc họ nghĩ đến chuyện này, nhưng rồi im lặng lờ cho qua.

Đề bạt con em lãnh đạo đương nhiệm, đó chính là món quà dành tặng cho cán bộ lãnh đạo đương nhiệm. 

Giáo sư Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Pháp luật - Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) đưa ra quan điểm: “Liên hệ với khía cạnh tham nhũng, chúng ta phải thấy rằng nếu từ trung ương tới địa phương không kiên quyết trong việc đấu tranh chống tham nhũng, từ việc đơn giản nhất là việc tránh việc bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba thứ tư là “ệ” gì đó sau cùng mới đến trí tuệ và tài đức”. Trí tuệ, đạo đức đứng cuối như thế thì cực kỳ nguy hiểm. Tham nhũng quyền lực không khác gì tham nhũng tài sản, thậm chí còn tệ hơn. 

Chính vì thế điều chúng ta cần phải làm là củng cố niềm tin, trước mắt phải chống được tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng từ hành vi nhỏ nhất của cán bộ nhà nước giữ cương vị thấp nhất tới cấp cao”.

Tôi cho rằng còn nguy hại hơn cả tham nhũng quyền lực, thì việc bổ nhiệm người thân của lãnh đạo cao cấp đương nhiệm tại địa phương hay Trung ương thì đó là một hình thức, “hối lộ quyền lực”. Như trường hợp của người thân ông Triệu Tài Vinh là một dạng hối lộ quyền lực.

3. Vẫn dẫn lời giáo sư Lê Hồng Hạnh: “Tôi có thể nói rằng tham nhũng là nguy cơ đang đẩy Đảng khỏi nhân dân. Đó là điều bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng phải ý thức được. Khi mà Đảng tự mình tách khỏi nhân dân rồi thì hết chỗ dựa, vì dân là gốc mà. 

Câu nói “phải lấy dân làm gốc” có từ trong lịch sử dân tộc ta, đã được nói từ thời Trần Hưng Đạo, đến Nguyễn Trãi và sau này Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh. Khi Đảng không tự mình đưa ra giải pháp làm trong sạch bộ máy do chính Đảng dựng lên thì dân mất niềm tin và nguy cơ này treo lủng lẳng trên đầu Đảng của chúng ta”.

Nhận xét này rất chính xác và thẳng thắn, vấn đề chính là lãnh đạo cao cấp thể hiện quyết tâm bằng hành động như thế nào trong công cuộc khôi phục và xây dựng niềm tin xung quanh công tác trọng yếu là bổ nhiệm cán bộ mà thôi.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.