Hơn cả nhận trách nhiệm

Khuyết điểm và trách nhiệm

Thứ Bảy, 01/07/2017, 14:10
Ở các nước khác, những “tư lệnh ngành” sẵn sàng từ chức sau khi nhận khuyết điểm nếu như họ cảm thấy mình không còn đủ sức đảm lãnh trách nhiệm nữa. 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội này, đã có gần 200 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. 

Quan sát các phiên chất vấn, tranh luận, chúng tôi nhận thấy nhiều đại biểu Quốc hội đã chuyển đến lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ những câu hỏi cũng là nguyện vọng của nhân dân xuất phát từ tình hình thực tế, đây là tín hiệu rất đáng mừng, tín hiệu tích cực. Hơn một vị tư lệnh ngành cũng đã nhận trách nhiệm trước những tồn tại đang diễn ra, tuy nhiên nhân dân mong đợi nhiều hơn là nhận trách nhiệm.


Hai năm trước, cũng trong một kỳ họp quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã từng phát biểu rằng: "Tôi xin báo cáo và xin nhận khuyết điểm với Quốc hội về việc tổ chức thực hiện kém hiệu quả, bản thân tôi cũng thấy điều đó rất rõ, đã cố gắng làm nhưng không đạt được như mong đợi. Chúng tôi mới chỉ tập trung nhiều cho các nông, lâm trường thuộc diện quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát các nông, lâm trường thuộc diện quản lý của địa phương, của các đơn vị khác còn thiếu. Khi thanh tra, xử lý những tồn tại còn chậm và không dứt điểm".

Minh họa: Lê Phương.

Bây giờ, ông Cao Đức Phát đã không còn đảm nhận trách nhiệm người đứng đầu ngành nông nghiệp nữa rồi, nhưng nếu chúng ta xem xét lại tất cả những tồn đọng của khuyết điểm mà ông đã nhận trước Quốc hội, trước nhân dân, đặc biệt ở khâu phối hợp giữa Bộ với các địa phương trong việc kiểm tra, giám sát các nông, lâm trường thuộc diện quản lý của địa phương, chúng ta sẽ nhận ra rằng dường như không có một chuyển biến tích cực đáng kể nào cả. 

Và câu hỏi được đặt ra ở đây hôm nay chính là “các bộ trưởng nhận khuyết điểm rồi sau đó, họ sẽ làm gì?”.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã có khá nhiều bộ trưởng đứng ra nhận khuyết điểm sau những phiên đối thoại với các đại biểu và một trong số họ vẫn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định rằng người nông dân trông chờ rất nhiều vào Bộ trưởng, vào bộ máy nhà nước và ở cương vị “tư lệnh ngành”, ông phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng từ đó nhận về mình khuyết điểm khi để tình trạng dư thừa, ế ẩm nông sản trong suốt thời gian qua, gây ra rất nhiều thiệt hại cho nông dân.

Lời nhận khuyết điểm thẳng thắn bao giờ cũng vậy, như một chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa giải tỏa những bức xúc. Lời nhận khuyết điểm, giống như một lời xin lỗi, cho thấy sự cầu thị của người nhận lỗi. Nhưng để lời nói không cuốn đi theo gió bay và chìm vào lãng quên, người dân còn cần hơn thế nữa. 

Khi nhận khuyết điểm, nghĩa là biết nhìn thẳng vào vấn đề để thấy mình còn yếu, còn thiếu ở mặt nào nhưng lời nhận khuyết điểm đó chỉ có giá trị nếu như nó được đi kèm với một kế hoạch hành động nhằm triệt tiêu cái yếu, cái thiếu nhằm mục đích những khiếm khuyết từng diễn ra không bao giờ tái phát.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ đưa được ra giải pháp, kế hoạch hành động nào để ở những kỳ họp Quốc hội sau, ông hoặc người kế nhiệm ông không còn phải nhận khuyết điểm ở đúng những mặt khiếm khuyết mà chính ông đã đưa ra? Đó còn là một câu hỏi cấp bách chờ được trả lời thật sớm. 

Nhưng ít ra, ông Nguyễn Xuân Cường còn nói được một ý tưởng ngay tại phiên họp Quốc hội, một ý tưởng thôi nhưng cũng đủ để người dân hi vọng rằng ông sẽ lập tức phát triển được nó thành một kế hoạch khả thi, và hành động kiên quyết, rốt ráo ngõ hầu người dân không phải mỏi mòn chờ đợi thêm nữa. Đó chính là ý tưởng về việc kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để phục tráng lại giống bản địa, tập trung phát triển thành đặc sản địa phương và hướng vào tiêu thụ phục vụ du lịch. 

Ý tưởng ấy có thể thuyết phục người này và chưa thể thuyết phục người khác nhưng dù sao nó cũng cho thấy việc một bộ trưởng sau khi nhận khuyết điểm đã nghĩ ngay tới giải pháp. Tất nhiên, giải pháp không phải là thứ có thể vội vàng đưa ra trong một khoảnh khắc nhưng người dân đã quá dư thừa những lời nhận lỗi chung chung suốt nhiều năm nay rồi. Họ cần hướng hành động và hành động, để tin rằng mình luôn có một chỗ dựa vững chắc thực thụ.

Phải thừa nhận một thực tế rằng bấy lâu nay, nhiều người trong số chúng ta vẫn thường hay sử dụng những ví dụ ở các nước tiên tiến để làm thước đo tham khảo và so sánh mỗi khi ở Việt Nam có một sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội nào đó diễn ra. 

Và trong câu chuyện các bộ trưởng nhận khuyết điểm lần này, chắc hẳn cũng sẽ có những người đưa ra ví dụ Âu - Mỹ nào đó để chỉ ra rằng các chính sách quản lý của các “tư lệnh ngành” còn những khiếm khuyết nào. Đúng là khiếm khuyết còn nhiều nhưng chúng ta nên hiểu, Việt Nam vẫn đang còn trên con đường hoàn thiện chính sách, một con đường rất dài. 

Vươn tới một chính sách hoàn thiện, sở hữu nó, chắc chắn hoạt động của các ngành sẽ trơn tru hơn rất nhiều và tránh được các cuộc khủng hoảng giống như kiểu khủng hoảng dư thừa thịt lợn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đối diện. Nhưng sẽ không bao giờ ta có thể hoàn thiện được chính sách nếu như lời hứa, lời nhận lỗi của các “tư lệnh ngành” không được tiếp nối bằng những kế sách cụ thể. 

Nhận lỗi để nhìn ra lỗ hổng trong chính sách của mình và giải quyết triệt để các lỗ hổng ấy mới là cần thiết chứ không phải chỉ đưa ra một giải pháp tạm thời theo kiểu vá lỗi. Giải pháp tạm thời ấy không bao giờ cho ta được thấy một chính sách hoàn thiện sẽ tồn tại trong tương lai.

Đằng sau khuyết điểm bao giờ cũng phải là trách nhiệm. Trách nhiệm các bộ trưởng là phải hoàn thiện chính sách để ngành nghề của mình có một môi trường phát triển thực sự tốt chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết các khủng hoảng tạm thời. 

Và việc đảm lãnh trách nhiệm đó mới đáng giá và nặng nề hơn việc dám nhìn nhận khuyết điểm rất nhiều lần. Đó chính là lý do tại sao ở các nước khác, những “tư lệnh ngành” sẵn sàng từ chức sau khi nhận khuyết điểm nếu như họ cảm thấy mình không còn đủ sức đảm lãnh trách nhiệm nữa. 

Còn lúc này, khi các bộ trưởng vẫn tự tin mình còn sung sức, còn dồi dào ý tưởng và còn khát vọng hoàn thiện chính sách, họ phải chứng minh bằng trách nhiệm của mình sau khi đã nhận lỗi một cách sòng phẳng và công khai.

Hà Quang Minh
.
.