Hơn cả nhận trách nhiệm

Hành động thay trách nhiệm

Thứ Sáu, 30/06/2017, 07:00
Thời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn điều hành các phiên chất vấn, ông đã có một câu nói rất hay khiến tôi nhớ mãi: “Bộ trưởng cho Quốc hội đi du lịch rất mệt”.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội này, đã có gần 200 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 lượt đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Quan sát các phiên chất vấn, tranh luận, chúng tôi nhận thấy nhiều đại biểu Quốc hội đã chuyển đến lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ những câu hỏi cũng là nguyện vọng của nhân dân xuất phát từ tình hình thực tế, đây là tín hiệu rất đáng mừng, tín hiệu tích cực. Hơn một vị tư lệnh ngành cũng đã nhận trách nhiệm trước những tồn tại đang diễn ra, tuy nhiên nhân dân mong đợi nhiều hơn là nhận trách nhiệm.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói điều này khi cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cứ trả lời vòng vo các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chính cựu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng để lại một câu trả lời lừng lẫy.

1. So sánh giữa du lịch nước ta và hai nước Lào cùng Campuchia, đại biểu Phạm Thị Hải đặt vấn đề cho Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh hết sức đơn giản: “Đến bao giờ du lịch Việt Nam được như nước bạn?". Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra câu trả lời khiến nghị trường vỡ òa những tiếng cười: “Với câu hỏi này, tôi xin phép không dám trả lời, xin để bộ trưởng nhiệm kỳ sau”. 

Và trong tháng 6 năm nay, cũng ở một phiên chất vấn của Quốc hội khóa mới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vẫn chưa có câu trả lời mà người tiền nhiệm của ông là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã để lại, thay vào đó ông nhận trách nhiệm về một chuyện mới toanh khác là “cơn tăng động” của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Nghĩa là trách nhiệm này chưa trả xong, đã đến trách nhiệm khác ập đến.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mặc dù trả rời rất cương quyết, thẳng thắn nhưng cũng phải nhận trách nhiệm về tình trạng khó khăn của người nông dân hiện tại. Nếu tôi nhớ không nhầm, người tiền nhiệm của ông là Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng từng nhận trách nhiệm về việc này.

Minh họa: Lê Phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận trách nhiệm vì còn nể nang với các bộ, ngành trong việc chuyển giao vốn đầu tư hằng năm. Ông không nhận trách nhiệm trong quản lý đầu tư công thường kém hiệu quả.

“Chúng tôi cũng chưa thực sự nghiêm túc và còn nể nang chia sẻ những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm đó và xin hứa với Quốc hội sẽ làm sao vẫn phải thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công nhưng cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình”, lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận trách nhiệm về tình trạng loạn kê đơn thuốc, mua thuốc không cần đơn thuốc.

2. Nhận trách nhiệm tại nghị trường với truyền hình trực tiếp, với sự loan tin của hàng trăm nhà báo là điều không hề dễ dàng. Có thể gọi là một hành động đáng biểu dương, bởi phải dám nhìn nhận vào thực tế, phải dám thừa nhận những cái chưa được, những cái khiếm khuyết thì mới có tiền đề để sửa chữa, để khắc phục và phát triển. Nhưng quan trọng hơn, điều mà tôi nghĩ nhân dân, cử tri cần chính là hành động của các vị tư lệnh ngành chứ không chỉ đơn thuần là nhận trách nhiệm.

Có quá nhiều tồn tại đang diễn ra nhưng lại có cảm giác các tư lệnh ngành đang phản ứng hết sức chậm chạp, nếu không muốn nói là thụ động.

Lấy ví dụ như ở mảng nông nghiệp, người nông dân khóc ròng bên đàn lợn, bên vườn trái cây chín rộ mà giá thì rớt thảm hại, bên luống hành bán rẻ như cho, bên cây ớt đỏ như mắt những hôm mất ngủ vì lo lắng, bên gốc tiêu mặn đắng nỗi cơ cực rồi khóc ngất cắt đi... 

Không chỉ tận khổ là vậy, người nông dân còn nhọc nhằn trong mê hồn trận phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, rồi giống kém chất lượng. Đó là chưa kể những khoản tận thu theo lối lề luật riêng của các địa phương.

Mà trong bối cảnh đó, có vẻ như các quan chức nông nghiệp vẫn còn rời xa người nông dân lắm, vẫn còn thờ ơ với cơn khổ của người nông dân nhiều lắm. Cũng chưa thấy có giải pháp bền vững nào, cũng chưa thấy điểm sáng nào cho tương lai người nông dân từ những kế hoạch được đề ra.

Rồi như vị tư lệnh ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư công hiện tại đúng nghĩa là xót xa, là phung phí nội lực của quốc gia vốn dĩ đang cần phải tích dưỡng hơn bao giờ hết. Đầu tư công nào cũng đội vốn, cũng kém hiệu quả. 

Thậm chí có những trụ sở ủy ban to đùng trên một địa phương nghèo, những nhà thi đấu nghìn tỷ nằm giữa đồng không mông quạnh. Đầu tư công thì thất bại mà nhà quan chức địa phương cứ ngày càng to ra trên truyền thông.

Rồi du lịch của nước mình, bao nhiêu năm không thấy gì mới mẻ, bao nhiêu năm không thấy có phát kiến nào hiệu quả. Quanh đi quẩn lại chỉ là ăn bám vào thiên nhiên, mà thiên nhiên hiện tại thì cũng đang bị băm nát nham nhở để phục vụ cho du lịch. Thiệt tình chẳng đâu ra đâu.

Rồi y tế, rồi giáo dục, rồi giao thông vận tải... lĩnh vực nào cũng điểm tối lấn át điểm sáng.

3. Chính phủ đang nhiều việc quá, người đứng đầu Chính phủ đang gánh nhiều việc quá. Mà nhiều bộ trưởng thì cứ đủng đà đủng đỉnh không hiểu làm sao, nói bỏ quá cho chứ ngay cả một vụ tang thương như vừa xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, khuya muộn còn thấy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xuất hiện. Mà không thấy Bộ trưởng xuất hiện.

Thủ tướng Chính phủ đang cứu vãn được rất nhiều cảm xúc của nhân dân, niềm tin của nhân dân. Nhưng nếu các bộ trưởng cứ nhận trách nhiệm thay vì hành động thì cũng không dám tiên liệu là mọi thứ sẽ đi đâu về đâu nữa.

Mà có quyết tâm hay năng lực nào có thể được minh chứng rõ nhất hơn hành động đâu!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.