Khi nhà thơ nằm xuống

Thứ Ba, 18/05/2021, 13:07
Không phải tất cả nhưng trong đời sống văn chương lẫn xã hội Việt Nam, trái với nỗi e ngại về sự vô cảm ngày một lan rộng, lại thường dễ mủi lòng, rồi không đặng đừng bày tỏ thương tiếc, ngậm ngùi trước sự ra đi của một thi sĩ nào đó, nhất là những thi sĩ được coi là tài năng, tài hoa.

Tại sao nhà thơ lại có một mối thâm tình rộng rãi và “biệt nhãn liên tài” như vậy, trong khi, so về tính chất công việc, chưa chắc những gì họ đóng góp đã quan trọng và hữu ích hơn so với những bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19 hiện nay?

1. Câu hỏi “nhà thơ, anh là ai?” mang đến vô số câu trả lời bởi nó không phải là một phạm trù cố định mà là sản phẩm lịch sử chịu nhiều quy chiếu khác nhau. 

Nhận thức về nhà thơ, thực chất, là nhận thức về vai trò của tác giả sáng tạo tác phẩm nghệ thuật và từ đó, cắt nghĩa được những nét riêng, những cá tính và bản sắc cá nhân. Giáo sư C. K. Stead cho biết, thời xa xưa, nhà thơ được ghi nhận với sức mạnh thần bí hoặc ma thuật, có khả năng làm cho mùa màng phát triển hoặc mưa rơi. 

Thi sĩ là kênh dẫn (channel) của các xúc cảm cộng đồng, là người đóng gói huyền thoại, trí tuệ và lịch sử. Anh ta thuộc về một cái gì đó của linh mục, nhà tiên tri. Anh ta có thể đã giao tiếp với Muse, tiếp nhận và truyền đi hơi thở thiêng liêng. 

Trong biểu tượng Hy La cổ xưa, thi sĩ gắn với cây đàn hạc Aeolian được chơi bởi những cơn gió cảm hứng, và trên đôi cánh con ngựa Pegasus, với móng guốc rong ruổi trên đỉnh Olympus, bay đến đài phun nước Hippocrene!

Cách hình dung và thêu dệt mang tính huyền thoại, thần thánh hóa thi sĩ không phải không có nguyên cớ và không phải đã mất sức hấp dẫn cho đến hôm nay. Các thi sĩ trong phong trào Thơ Mới đã từng đưa ra không ít những định nghĩa siêu hình về nhà thơ. 

Chế Lan Viên viết lời tựa cho tập “Điêu tàn” của chính mình: “Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại, nó xáo trộn dĩ vãng, nó ôm trùm tương lai. Người ta không thể hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”. 

Còn Hàn Mặc Tử thì viết thư trả lời người bạn Trọng Miên: “Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng, anh hoa, thế mới là mãn nguyện […]. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ […] Thi sĩ không phải là một người thường.

 Với sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền!”.

Các diễn ngôn đề cao phẩm chất riêng khác của thi sĩ, một mặt, xuất phát từ truyền thống triết học duy linh coi thơ ca là sản phẩm phi thường mà thần linh, thần thánh truyền tới con người thế tục, mặt khác, phù hợp với tư duy hiện đại cho rằng thi sĩ là kẻ có năng lực ngôn ngữ, biểu đạt ngôn ngữ tài tình, tài hoa. 

Trần Nhựt Tân khẳng định “thi sĩ là người duy nhất có được ngôn ngữ: hắn đã vượt thoát được ngôn ngữ. Thi sĩ là người duy nhất có thể vượt thoát được hố thẳm, lập ngôn”. 

Thi sĩ, triết gia Phạm Công Thiện lại tin rằng “Những thi sĩ không phải là loài người, họ là những thiên thần, những thánh hoặc những quỷ ma”. Còn Nguyễn Sỹ Tế thì coi thơ là những “xúc động đặc biệt được diễn tả bằng một ngôn ngữ đặc biệt của một sinh linh có năng khiếu đặc biệt mệnh danh là thi sĩ”. 

Như vậy, từ chỗ coi trọng ngôn ngữ thơ ca, nhiều quan niệm quy nhà thơ là một cá nhân có nhiều phẩm chất hơn người, trước sau đều vượt khỏi khuôn khổ con người bình thường, sánh ngang “á thánh” hoặc “thần linh một nửa”! 

Chính Octavio Paz cũng nhấn mạnh rằng thơ vốn thường được ví với chủ nghĩa thần bí, bởi nó, cũng như kinh nghiệm của tôn giáo vô thần như Phật giáo, “là sự tìm kiếm mối liên lạc với một điều siêu nghiệm”. 

Nếu thi sĩ có khả năng làm điều đó bằng ngôn ngữ, nếu nghe được những giọng nói của “một thế giới khác và cũng là của thế giới này”, thì chính là một thi sĩ đích thực. Đặt trong những ý niệm đó thì quả thật, thi sĩ là một chân dung phức tạp và đa dạng hơn mọi nỗ lực phác họa ngắn gọn.

Bức tranh "Chín nữ thần Muse" của Jacques Stella (sơn dầu, khoảng thế kỉ XVII) mô tả 9 vị nữ thần "nàng thơ" cai quản âm nhạc, thơ ca, kịch, nghệ thuật,...

2. Tuy vậy, trong bước phát triển của khoa học văn chương, thi sĩ hay tác giả, còn được nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau. Nếu chủ nghĩa lãng mạn coi tác giả sánh ngang Thượng đế vì đã sáng tạo ra thế giới của mình, “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (Xuân Diệu) thì Chủ nghĩa Hình thức coi tác giả là những người thợ thủ công, những người thạo nghề (practitioners) biết khai thác và làm mới các thủ pháp, kĩ thuật sử dụng vật liệu ngôn từ. 

Nhà thơ lúc đó được đánh giá cao chủ yếu vì nỗ lực phá vỡ hệ đo thẩm mĩ cũ, xóa bỏ những hình thức quen thuộc nhàm chán, “quanh quẩn mãi với vài ba dáng điệu” để vươn tới những hình thức và nội dung tân kì, mới lạ. 

Chủ nghĩa cấu trúc thì không cho rằng có một tác giả cụ thể mà với họ, mọi văn bản đều là sự tham gia của nhiều văn bản, nên tác giả không phải là người độc sáng mà chỉ là người tổ chức, cấu trúc hóa các mã mà thôi. Đến thời các nhà Hậu cấu trúc và Thuyết người đọc thì một lần nữa, tác giả không còn hiện diện. 

“Tác giả đã chết” là tuyên bố có phần quyết liệt để nhấn mạnh các chiều kích hội tụ trong một văn bản thơ, đồng thời cho phép quyền tự do diễn dịch của người đọc. Dĩ nhiên, tác giả của văn bản thơ chính là người đã hoàn tất “cái gút trong một mạng lưới lớn” (chữ dùng của Michel Foucault) thì độc giả mới tiến đến thao tác giải mã, diễn dịch được.

Nói chung, dù có nhiều cách hiểu khác nhau rằng thi sĩ là ai thì người đọc vẫn thường có cảm giác hàm ơn nhà thơ. Bởi nhà thơ, dẫu đang là một người không hạnh phúc hoặc đang phải che giấu nỗi thống khổ sâu sắc trong lòng mình, nhưng đã thốt lên những lời lẽ, bao gồm cả tiếng thở dài và tiếng khóc, khiến người khác cảm thấy chính mình đang được an ủi. 

Bởi nhà thơ đã làm cho những vật vô tri vô giác trở nên sinh động, đã nhìn thấy “trái đất ba phần tư nước mắt” không như cái nhìn của các nhà địa lí, đã thu hẹp cái bao la bất tận vô thủy vô cùng của vũ trụ trong một khoảnh khắc “niệm thiên địa chi du du”, đã phát hiện trong nét bình thường “Lá thu rơi xào xạc” một hình ảnh khác thường “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. 

Không có thi sĩ, mỗi người vẫn có và cảm nhận được tất cả tình yêu, hạnh phúc hay nỗi buồn, đau khổ của cuộc đời. Nhưng có thi sĩ, những trạng thái tinh thần ấy sẽ được cộng thông, chia sẻ và diễn đạt một cách tường tận đến ám ảnh khôn nguôi, “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán).

Không có thi sĩ, lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc vẫn diễn ra và tiến triển bình thường nhưng có thi sĩ, những lĩnh vực rộng lớn và phức tạp ấy sẽ được ghi lại, được cảm nhận và lưu giữ một cách dài lâu theo cách thức rất khác biệt: “Nhưng nếu chẳng thơ Đường/ Nếu không màu tranh Tống/ Không huyền ảo chiêm bao/ Chắc gì trong cuộc sống/ Liễu đã mang thơ vào/ Chắc gì mắt em như lá liễu/ Đã cắt lòng anh một nét dao” (Tế Hanh). 

Sẽ hài hòa hơn khi bên cạnh sử gia, triết gia, các nhà khoa học hay các nhà phát kiến, có một thi sĩ đem “lời quê chắp nhặt” để “mua vui” vài trống canh. Cho dù Cao Bá Quát từng băn khoăn: “Thử nhân hà sự tác thi ông?” (“Tại sao có lúc mình là nhà thơ nhỉ”?), dù Nguyễn Du không khỏi cay đắng: “Nhất sinh từ phú tri vô ích/ Mãn giá cầm thi đồ tự ngu” (“Một đời chuyên về từ phú biết là vô ích/ Sách, đàn đầy giá chỉ tự mình làm ngu mình”), dù Xuân Diệu từng than thở “Cơm áo không đùa với khách thơ”, dù T. Andorno đã day dứt: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là một điều dã man”,…, thì thi ca vẫn không ngừng xuất hiện và thi sĩ vẫn không ngừng được tôn vinh.

Nhà thơ đóng vai là người đầu tiên mà cũng có thể là duy nhất nhìn mọi thứ không theo bất kì quy luật nào song đều được chấp nhận.

3. Nhà thơ, sau mọi so sánh và phân biệt, cuối cùng chỉ đóng vai là người đầu tiên mà cũng có thể là duy nhất nhìn mọi thứ không theo bất kì quy luật nào song đều được chấp nhận. 

Và tôi tin, như lời thi sĩ Ko Un danh tiếng, “mọi người sinh ra đã là một thi sĩ hoặc đã được sinh ra trong chất thơ”, chỉ có điều, cũng như mọi qui luật đều đáng chấp nhận, mỗi người sẽ có một lựa chọn “thi tính” cho riêng mình trong công việc, cuộc sống của họ. 

Do đó, nhấn mạnh khả năng, vai trò của nhà thơ, rút cuộc, cũng để mở ra một tinh thần dân chủ hơn trong việc tiếp cận thi ca so với các loại hình văn chương nghệ thuật khác. Không đòi hỏi và không đặt quá kì vọng vào nhà thơ nhưng cũng không thể xem nhẹ những đóng góp của họ, đặc biệt ở phương diện mà họ có thể làm chủ sáng tạo nhất: ngôn ngữ. 

Khi một nhà thơ tài hoa nằm xuống, ngôn ngữ mà anh ta gầy dựng nên, sẽ nảy nở thêm và âm vang trong kí ức cộng đồng như một vệt sáng mà không nhiều người với tới được.

Mai Anh Tuấn
.
.