“Hạt giống đỏ” kế cận (phần 3)

Thứ Sáu, 19/06/2020, 14:35
Muốn có cây vững chắc, tất phải chú trọng từ khâu tuyển lựa, bồi dưỡng, sử dụng hạt giống. Bài học thực tiễn: Cán bộ “hạt giống” trước khi được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo cao hơn, tất yếu phải kinh qua thực tiễn công tác tại cơ sở.

Thực tiễn đó phải được thể hiện bằng lao động, bằng mồ hôi, trải nghiệm thực chất chứ không phải đi theo lập trình, chỉ mang tính hình thức, tráng men cho đẹp hồ sơ để phục vụ động cơ cá nhân, thăng tiến quan trường. Những trường hợp “ép nở hoa” quá sớm, cho con cháu “đội mũ rộng vành” khi còn non là biểu hiện rõ nét của tham vọng quyền lực và đã dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng.

Các vụ việc liên quan đến Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang, Lê Phước Hoài Bảo..., dư luận đã đề cập nhiều. Ở đây, chúng ta bàn thêm trong quan điểm về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng “hạt giống đỏ”. Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, đến cuối năm 2015 giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trở thành một trong 2 người có tuổi đời dưới 40 giữ chức vụ đứng đầu tỉnh ủy, thành ủy. Trước đó, khi mới 35 tuổi, là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư quận ủy. Phải nói rằng, lý lịch “hạt giống đỏ” Xuân Anh khá sáng, từ yếu tố truyền thống gia đình đến việc học hành (phổ thông học trường chuyên, sau đó du học nhiều năm ở Canada, Mỹ).

Quá trình “gieo hạt”, dù kinh qua nhiều vị trí song ông Xuân Anh cũng theo một quy trình, lập trình rất nhanh chóng, từ Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng đến chức vụ bí thư quận ủy chỉ 3 năm và cũng chỉ mất 4 năm tiếp theo để đi từ bí thư quận ủy lên bí thư thành ủy. Cựu Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng, việc dẫn tới những sai phạm của Nguyễn Xuân Anh là do công tác quản lý cán bộ, chọn người không đúng đưa vào cấp ủy, chọn người không qua rèn luyện thử thách, không có dấu ấn gì đối với Đà Nẵng, đó là biểu hiện “con ông cháu cha”.

Một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm.

Tương tự, trường hợp “ép nở hoa” đối với Lê Phước Hoài Bảo, sinh  năm 1985, con trai ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 (đã bị kỷ luật cách chức). Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Với cương vị người đứng đầu, ông Lê Phước Thanh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Đồng thời, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử Lê Phước Hoài Bảo đi học thạc sĩ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định...

Nếu như Nguyễn Xuân Anh làm bí thư quận ủy khi mới 35 tuổi, bí thư thành ủy khi 39 tuổi thì Lê Phước Hoài Bảo làm giám đốc sở (chức vụ tương đương bí thư quận ủy) khi chỉ vừa 30 tuổi. Còn với ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971, được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khi 40 tuổi, 5 năm sau là Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, đây đều là những “hạt giống đỏ” sinh trưởng sau ngày miền Nam giải phóng (ông Tất Thành Cang sinh trước 1975 nhưng quá trình học tập, trưởng thành cũng sau giải phóng). Họ đều sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ làm lãnh đạo, kinh tế khá giả nên “hạt giống” được dung dưỡng, bao bọc trong môi trường nhung lụa, không phải nếm trải khó khăn, thử thách gì. Việc học hành, bằng cấp được tạo điều kiện tốt nhất, như Nguyễn Xuân Anh học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học ở Mỹ, Canada. 

Nếu xét về hồ sơ, điều kiện để bổ nhiệm các chức vụ cao hơn, rõ ràng đây đều là những hồ sơ sáng láng, văn bằng chứng chỉ có đủ, thậm chí của những trường đại học uy tín cấp, lại đã từng luân chuyển, kinh qua các công tác thực tiễn tại địa phương. Nghĩa là, việc bổ nhiệm, luân chuyển đều đã “đúng quy trình”! Tuy nhiên, nếu xét rõ lý lịch công tác cho thấy, việc “đi cơ sở” của những hạt giống này dường như chỉ cho có, để hợp lý hồ sơ chứ không có giá trị rèn luyện thử thách.

Như Nguyễn Xuân Anh, khi đi cơ sở giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố (2006-2008), nghĩa là xuống cơ sở thì làm lãnh đạo ngay mà không có bất cứ thời gian nào rèn luyện qua vai trò người lao động, cán bộ nhân viên. Lê Phước Hoài Bảo cũng vậy, ra trường sau vài năm “thăm dò” một số vị trí lãnh đạo ở cơ sở là ngồi ngay vị trí phó giám đốc, rồi giám đốc sở. Con đường toàn tơ lụa, hoa hồng, không đi qua cuộc sống lao động của người dân thì làm sao hiểu được những cơ cực, khó nhọc của người dân.

Những hạt giống được ươm mầm trong nhung lụa, được đào tạo để lấy các văn bằng cũng trong nhung lụa, đến khi ra trường đi làm việc thì ngồi ngay các ghế lãnh đạo, chỉ huy từ nhỏ đến lớn và thăng tiến theo “lập trình” một cách thần tốc. Vậy thì cái gọi là thực tiễn ở đây là gì? Đó chỉ là bề nổi, mang tính hình thức “tráng men cơ sở” không đúng với mục đích, ý nghĩa việc rèn luyện cán bộ kinh qua thực tiễn công tác mà Đảng ta đã đề ra trong công tác bồi dưỡng, sử dụng cán bộ.

Hạt giống nảy mầm, trưởng thành trong môi trường bao bọc không gió bụi, không nắng mưa, không va đập thì hạt giống đó chỉ đẹp mã bề ngoài còn trong thiếu sức sống, sức đề kháng. Hạt giống đó không sống cùng người dân, không thấm vị mồ hôi, công sức lao động người dân, không nhọc nhằn, vươn lên cùng người dân thì những quy nghĩ, hành động của họ sao có thể nói tôi luyện qua thử thách. 

Có câu chuyện rất ý nghĩa như thế này: Gia đình nọ có cậu con trai lười lao động, chỉ thích ăn chơi, phung phí tiền cha mẹ. Mỗi lần như vậy, mẹ cậu đều giấu bố, lén cho cậu tiền. Vì vậy, khi bố sai đi lao động kiếm tiềm thì cậu trốn đi chơi rồi lấy chính đồng tiền mẹ cho đưa cho bố, giả vờ nói đó là tiền do cậu lao động mà có. Ông bố biết chuyện, cầm lấy đồng tiền ném vào lửa. Cậu nhìn những đồng tiền bị cháy, vậy mà vẫn dửng dưng cười trừ. Lần một, lần hai cũng như vậy. Đến lần thứ ba, ông bố yêu cầu vợ không cung cấp tiền mà bắt buộc cậu con trai phải tự lao động kiếm tiền.

Lần này, sau những ngày lao động vất vả để có được đồng tiền công, cậu hí hửng đem về đưa cho bố. Ông bố cầm lấy và lại ném vào lửa. Nhưng khác trước, cậu bé bất chấp nguy hiểm, thò tay vào đống lửa giằng lấy đồng tiền không để nó bị cháy, đưa lên dập lửa, xuýt xoa. Bấy giờ, ông bố ôm con vào lòng và nói: “Con đã thực sự lớn khôn. Chỉ những đồng tiền do mồ hôi, công sức mình làm ra mới biết trân quý giá trị của nó”.

Câu chuyện trên thực sự là bài học sâu sắc để con người biết trân quý giá trị lao động do chính mình bỏ ra. Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần với sự thụ hưởng ngày càng cao. Rất nhiều gia đình bố mẹ làm chức tước cao, lắm bổng lộc đã định hình sự thụ hưởng cho con cái ngay từ khi lọt lòng. Thậm chí, việc học hành điểm cao, thành tích cao cũng đã có bố mẹ thu xếp với nhà trường, thầy cô nhằm có các danh hiệu đánh bóng với người đời “con nhà quan thì học hành cũng phải khác”!

Song, thực chất đó là các thành tích ảo, sự thụ hưởng quá đà khiến nhiều cậu ấm, cô chiêu sinh coi thường giá trị đồng tiền, sa vào hưởng lạc, ăn chơi trác táng. Khi được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo theo lập trình sẵn, nhiều người chẳng những không phát huy được vị trí, vai trò mà còn trở thành những “cỗ máy” tiêu tiền, vụ lợi cá nhân, cản trở sự phát triển. “Đừng thấy đỏ tưởng chín”, đó thực sự là vấn đề lớn đặt ra hiện nay. 

30 tuổi làm giám đốc sở, 40 làm bí thư tỉnh ủy hay bộ trưởng, có trẻ quá không? Nhiều người so sánh thời chiến tranh, thanh niên trên 20 tuổi đã giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, trong quân đội. Tuy nhiên, cần thấy rằng, đó là thời kỳ “tài năng không đợi tuổi”, chính những thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, chứng tỏ được năng lực khi còn rất trẻ và tôi luyện trưởng thành. Khi giao nhiệm vụ, họ đặt lợi ích quốc gia, nhân dân lên trên hết và nỗ lực với công việc được giao. Nó khác với việc quý tử học một mạch từ nhỏ đến lớn, sống trong nhung lụa và khi cầm các tấm bằng trong tay thì ngồi ngay các vị trí lãnh đạo mà không hề có tôi luyện qua thử thách, qua thực tiễn lao động.

Trong khi đó, ngày nay điều kiện kinh tế phát triển, việc điều hành, quản trị trong bộ máy Đảng, Nhà nước đòi hỏi kinh nghiệm, thâm niên công tác. Theo lẽ thường, một người muốn lên vị trí giám đốc sở thì phải lần lượt làm cán bộ, nhân viên, rồi giữ các chức vụ phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc. Ở mỗi vị trí cũng phải có thâm niên một số năm công tác. Có tấm bằng thạc sĩ khi đã 25-26 tuổi, vậy mà chỉ vài năm sau đã lên tới giám đốc sở như trường hợp Lê Phước Hoài Bảo thì phải nói siêu tốc, một biểu hiện rõ rệt của tham vọng quyền lực, ép quả chín non hay “đội mũ rộng vành” mà Đảng ta đang chấn chỉnh hiện nay.

(Còn tiếp)

An Nhi
.
.