“Hạt giống đỏ” kế cận

Thứ Năm, 14/05/2020, 15:54
Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.

Khi tính độ tuổi nhân sự đại hội, chúng ta thường lấy mốc những người sinh ra, lớn lên trong thời kỳ chiến tranh và những người sinh ra, lớn lên trong thời bình. Những kỳ đại hội trước đây, cán bộ giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy Đảng, Nhà nước hầu hết đều kinh qua cuộc chiến, được hun đúc, tôi luyện qua năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Một vài nhiệm kỳ gần đây đã có sự kế tục, trong đó thế hệ sinh ra trong thời bình hoặc sinh ra trong giai đoạn nửa cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và lớn lên trong thời bình. Họ lần lượt đảm nhận những vị trí trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị các cấp. Đến kỳ đại hội lần này cũng là thời điểm 45 năm hòa bình, thống nhất đất nước.

Như vậy, với những người sinh ra từ 30-4-1975 trở về sau thì họ cũng đã ở độ tuổi trưởng thành, đã kinh qua một số vị trí và có trên dưới 20 năm công tác - một khoảng thời gian đủ để tích lũy kinh nghiệm. Trong khi đó, với những người sinh ra trong giai đoạn nửa cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1965-1975) thì quá trình học tập, trưởng thành cũng thuộc giai đoạn hòa bình, không thuộc lớp người cầm súng.

“Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ.

Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức mới đối với cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Ảnh: CTV.

Với cơ cấu độ tuổi theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, việc cán bộ thế hệ 7x tham gia cấp ủy các cấp trong nhiệm kỳ 2021-2026 đang tăng lên. Cụ thể, độ tuổi cấp ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025, ban hành kèm theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII quy định rõ: Những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, đối với cấp tỉnh, ít nhất nam sinh từ tháng 9-1965, nữ sinh từ tháng 9-1970 trở lại đây. Đối với cấp huyện, ít nhất nam sinh từ tháng 6-1965, nữ sinh từ tháng 6-1970 trở lại đây.

Như vậy, độ tuổi tham gia cấp ủy lần đầu, cao nhất là nam sinh năm 1965 thì thời điểm 30-4-1975, họ tối đa 10 tuổi, với nữ tối đa mới 5 tuổi. Có nghĩa, dù sinh trước 1975 thì với độ tuổi như vậy, quá trình học tập, trưởng thành khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Với những người sinh ra từ 1965-1975 còn trải qua giai đoạn bao cấp khó khăn, những thách thức do khủng hoảng kinh tế kéo dài đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.

Nhìn nhận hai thế hệ cán bộ như vậy, đặt ra vấn đề gì? Xuyên suốt thời gian dài, cán bộ, đảng viên trưởng thành trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, gắn với quá trình đào tạo, bồi dưỡng trong môi trường giáo dục bao cấp và đào tạo tại Liên Xô, Đông Âu. Với sự tôi rèn trong khói lửa chiến tranh và trong khó khăn, thử thách như vậy đã tạo ra các thế hệ cán bộ, đảng viên trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp trên các vị trí công tác. Qua năm tháng đất nước gian nan, kham khổ, những cán bộ, đảng viên trong thời kỳ này tỏ rõ bản lĩnh, can trường, đặc biệt sự đồng cam, chịu khổ, họ biết cách để vượt qua thách thức.

Những điểm trên là đặc tính rõ nét của những cán bộ đi qua giai đoạn đất nước chiến tranh và khó khăn thời bao cấp nên khi bước vào thời kỳ chuyển giao, nhiều sự lo ngại đã được đặt ra. Đó là, với những cán bộ sinh ra, lớn lên trong thời bình, không kinh qua thời kỳ gian khó của đất nước, nhất là lớp người quen với hưởng thụ, cuộc sống sung túc từ nhỏ, liệu họ có đủ bản lĩnh để đương đầu với thách thức?

Một quy luật tâm lý, sự từng trải, vượt lên khó khăn, thách thức đem lại cho con người sự can trường, dũng khí, trung thành với lợi ích dân tộc. Những cán bộ sống trong thời bình, không bản lĩnh trận mạc, đặc biệt với xu hướng con em sinh trưởng trong gia đình giàu có, quen với hưởng thụ, liệu họ có nối tiếp được chí hướng như bậc ông cha? Số học viên du học, đào tạo tại các nước tư bản phát triển ngày càng tăng, việc học tập, sống trong môi trường tư bản sẽ tác động đến tư tưởng, tâm lý các em ra sao, liệu những “hạt giống” này khi về nước, đảm nhiệm các vị trí trọng yếu trong bộ máy Đảng, Nhà nước có đảm bảo yếu tố chính trị, tư tưởng?

Những lo ngại trên là có cơ sở khi chúng ta biết rõ tác động của môi trường đến việc hình thành nhân cách con người. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, những tác động của môi trường sống tự do, phóng khoáng, sung túc sẽ định hình tâm lý hưởng thụ, “ngồi trong phòng lạnh sao thấu hiểu người ngoài cánh đồng”! Tuy nhiên, cuộc sống phát triển, thời gian buộc chúng ta phải có sự điều chỉnh thích nghi. Thế hệ kế cận là sự tiếp nối tất yếu khách quan, theo đúng quy luật vận động của cuộc sống “tre già, măng mọc”.

Thật khó để ràng buộc cho lớp trẻ sự trưởng thành bằng khổ luyện như xưa. Môi trường đổi mới, hội nhập quốc tế, việc con em học tập trong nước hay ra nước ngoài, đào tạo lĩnh hội kiến thức và ảnh hưởng cả lối sống ở các nước tư bản bốn phương là yếu tố khách quan. Sự tương tác đó cho họ tầm nhìn rộng hơn, mới mẻ hơn và linh hoạt hơn, sự tiếp cận trình độ kỹ thuật, ngoại ngữ, tin học cũng luôn ở một vị thế khác hẳn trước. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, như đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Vấn đề là dù đào tạo ở đâu, trong hay ngoài nước thì để giới thiệu, đưa vào diện quy hoạch, bổ nhiệm, bầu vào các vị trí quan trọng, số này phải được kinh qua thực tiễn công tác, nhất là thực tiễn tại địa phương. Đặc biệt, phải đưa vào khuôn khổ môi trường, kỷ luật công tác, gắn với đào tạo lý luận chính trị trong nước, tùy vào chức vụ đảm nhận.

Trong công tác cán bộ, yếu tố chính trị luôn được đặt lên hàng đầu. Trong chữ “đức” đã bao hàm phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống. Chúng ta chấp nhận hội nhập, đào tạo cán bộ ở các nước không phân biệt địa lý, thể chế nhằm tiếp thu tinh hoa, cái hay, cái mới của người. Cuộc sống mới, không thể đòi hỏi gieo “hạt giống đỏ” trong đất cằn, khắc nghiệt để thử thách, tôi luyện. Khi cả vật chất lẫn tinh thần đều khá lên, môi trường tốt lên thì “hạt giống” trưởng thành có các yếu tố thuận lợi để vươn lên nhanh hơn, mạnh hơn, sắc bén hơn. Nhưng đối với chính trị, phẩm chất này là gốc, phải giữ cái chất, không thể “hòa tan”.

Dù học tập, đào tạo trong môi trường nào, trong nước hay nước ngoài, phương Đông hay phương Tây thì yêu cầu về nhận thức và lập trường chính trị là cốt lõi. Quy định số 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý ghi rõ 5 tiêu chí, trong đó tiêu chí đầu tiên là chính trị, tư tưởng: “Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước...”.

Trong thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, điều khiến nhân dân lo lắng nhất chính là tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, vụ lợi, thực dụng cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Mấy năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, những cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, chủ yếu là vi phạm về đạo đức, lối sống, do tham ô, tham nhũng, bòn rút của công, làm thất thoát tài sản Nhà nước, nhiều vụ đình trệ hoạt động ở cơ quan, tổ chức người đó đảm nhận và gây bức xúc dư luận.

Điều đáng nói là, việc suy thoái đạo đức, lối sống dường như không phân biệt độ tuổi, không kể người từng cầm súng kinh qua trận mạc hay thế hệ kế tiếp sau này. Nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui, xử lý gần đây, không ít cán bộ, đảng viên thuộc thế hệ đi qua cuộc chiến, thậm chí tỏ rõ sự can trường, bản lĩnh trong trận mạc “đạn địch bắn không chết” nhưng lại gục ngã bởi “đạn bọc đường”. Đó thực sự là tổn thất, là điều day dứt sau bản án, sau quyết định cánh cửa phiên tòa.

Trong nền kinh tế mở, thách thức lớn nhất, ghê gớm nhất chính là thách thức vượt qua cám dỗ đồng tiền, là vượt qua lòng tham cá nhân. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.

(Còn tiếp)

An Nhi
.
.