Phát ngôn quan chức

Giá trị của một lời nói

Thứ Sáu, 22/09/2017, 08:58
Giá trị của một lời nói có thể được đánh giá bằng cách nào? Khó lắm. Nói bâng quơ, một câu không nhiều hàm lượng thông tin, trong một cuộc trò chuyện tầm phào vô bổ, lời nói nhiều khi chẳng có giá trị gì.

Cũng không hiểu sao dạo này có nhiều phát ngôn của các vị quan chức lại vô trách nhiệm đến vậy, các vị phát ngôn mà không cần quan tâm đến cảm xúc của nhân dân, không cần quan tâm đến chuyện nhân dân sẽ nghĩ gì, nhân dân sẽ phản ứng ra sao. Những phát ngôn cứ như lực đẩy, như nhát cuốc khoét sâu thêm khoảng cách giữa quan chức và nhân dân.

Nhưng khi nó là một tuyên ngôn riêng của một cá nhân, nó bắt đầu thể hiện giá trị và tùy theo giá trị bản thân của chủ nhân tuyên ngôn, giá trị của phát ngôn ấy sẽ tương xứng.

Chúng ta không kỳ thị nhưng thực sự, phát ngôn của một quan chức có giá trị hơn phát ngôn của một phó thường dân. Dễ hiểu, phát ngôn của một phó thường dân nhiều khi chỉ liên quan đến một hay vài cá nhân đơn lẻ trong xã hội, còn phát ngôn của quan chức thì ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

Không hiểu bạn sẽ nghĩ gì khi đọc được phát ngôn của vị Thứ trưởng Bộ Tài chính rằng tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo? Vẫn biết rằng có những nhóm mặt hàng không chịu thuế bao gồm những nhu yếu phẩm thường ngày nhưng phát biểu trên cho thấy hai vấn đề. 

Minh họa: Lê Phương.

Một là xem thường giới chuyên môn kinh tế và bày tỏ quan điểm bằng một kiến thức có phần hạn hẹp. Hai là coi thường hiểu biết của mặt bằng số đông đồng thời cho rằng khi lên tiếng đảm bảo cho người nghèo thì sẽ nhận được những ủng hộ nhất định?

Tăng thuế VAT thực chất sẽ tác động rất mạnh vào thị trường, ảnh hưởng tới sức mua và làm biến động giá ở mức độ không hề nhỏ như hình dung những món hàng từ 5% VAT lên đến 6% hay từ 10% lên tới 12%. VAT là thuế gián thu và là thuế tiêu dùng. 

Bởi vậy, nó đánh trực tiếp lên người tiêu dùng và một khi tiêu thụ của tầng lớp trung lưu, thượng lưu bị làm chậm lại, nó đồng nghĩa với một cơn suy thoái thị trường và ảnh hưởng đầu tiên là người nghèo, những người làm công ăn lương ngõ hầu kiếm số thu nhập ít nhất để đảm bảo những nhu yếu phẩm hàng ngày. 

Suy nghĩ người nghèo thì không mua sắm những mặt hàng chịu điều chỉnh thuế và do đó không chịu tác động của điều chỉnh thuế là một suy nghĩ không đúng và có thể nói thiếu kiến thức thị trường một cách cơ bản. Người nghèo không mua những mặt hàng ấy, nhưng họ ăn lương nhờ vào việc làm hàng ngày vốn dĩ nằm trong dây chuyền sản xuất, phân phối những mặt hàng mà họ có thể không bao giờ mơ tới. 

Và khi thị trường vốn dĩ có khả năng tự điều chỉnh giá cả theo những điều chỉnh tăng giảm của thuế, chắc chắn người nghèo phải là những người chịu ảnh hưởng trước nhất, và nặng nề nhất. Người giàu có thể bỏ thêm vài ngàn đồng cho mỗi cân gạo họ mua mà không cảm thấy bị tác động gì nhưng khi người nghèo mất việc làm, họ còn khả năng để mua gạo hay không, kể cả là gạo trợ giá của nhà nước?

Tất nhiên, bàn về câu chuyện thuế sẽ có nhiều luồng quan điểm trái ngược nhau và mọi dự đoán cũng chỉ là dự đoán. Nhưng một khi, một quan chức cấp bộ không thể đưa ra được dự đoán cụ thể mang tính khoa học, mà thay vào đó chỉ vin vào lý lẽ dựa vào cảm tính, đó chắc chắn là một phát ngôn cẩu thả.

Điều đáng buồn là những phát ngôn như trên đang ngày một nhiều hơn, đến từ quan chức một số bộ ngành khác nhau. Chúng ta có thể đổ lỗi tại thời đại thông tin nên những phát ngôn ấy lộ diện nhiều hơn so với quá khứ, song chúng ta không dám chắc rằng trình độ cũng như thái độ vì dân của một số quan chức có vấn đề. 

Nếu điểm lại những phát ngôn của các quan chức mấy năm gần đây, có lẽ chúng ta khó có thể quên những gì một số lãnh đạo các ngành vừa nêu. Nói thế nào, lúc nào, với ai là điều mà mỗi người đều phải thận trọng, phải cân nhắc để lời nói ấy không trở thành lưỡi dao.

Trên tờ The Times của Anh hôm gần đây có một biếm họa rất đáng suy ngẫm. Đó là biếm hoạ dành cho những chính trị gia đã từng có những phát ngôn đao to búa lớn khiến dân chúng lo sợ về viễn cảnh Vương quốc Anh còn tồn tại trong EU. 

Chính vì những phát ngôn của họ, với tác động trực tiếp đến những người bỏ lá phiếu trưng cầu cho Brexit, đã dẫn đến những chia rẽ mạnh mẽ trong lòng nước Anh hôm nay khi mà Brexit càng tới gần, những nguy cơ trực tiếp với nước Anh càng hiện hình. 

Trong biếm hoạ ấy, ngoài hình ảnh đả kích những chính trị gia đã "lặn mất tăm" sau cuộc trưng cầu Brexit, có một dòng chữ mỉa mai rằng: "Bộ phát ngôn xuẩn ngốc" (Ministry of Silly Talks) với chú thích: "Nguyên là Bộ Đào thoát khỏi EU". 

Ví dụ này chắc có thể khiến chúng ta băn khoăn tại sao nó lại được dẫn dụ ra trong bài viết nhưng có lẽ, nếu điểm lại những biếm họa đã và đang có của vài tuần báo cười ở Việt Nam thời gian qua, xoay quanh những phát ngôn của các quan chức, hẳn chúng ta sẽ giật mình nhận ra rằng phản ứng của cộng đồng thực sự rất mạnh mẽ và chẳng hiểu tại sao, những quan chức ấy lại có thể giữ thái độ thản nhiên đến thế? 

Hà Quang Minh
.
.