Để lời nói không đóng băng
- Chính phủ kiến tạo
- Vì sao Thủ tướng yêu cầu ‘tìm người tài, không tìm người nhà’?
- Thủ tướng: "Thi tuyển để tìm người tài chứ không phải gài người nhà"
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang thể hiện những nỗ lực vượt bậc, những phát ngôn mạnh mẽ vì sự phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi, những người thực hiện chuyên đề này, cho đến thời điểm hiện tại luôn ủng hộ quyết tâm của Chính phủ. Tất cả đều hy vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp mà quốc gia xứng đáng được thụ hưởng. |
Tính tôn nghiêm, sự chính nghĩa thông qua biểu hiện nói đi đôi với làm, nói được làm được.
"Con đường xa nhất ở nước ta là từ lời nói đến hành động", đó là một thực tế. Thế nên, phải làm mọi cách, kể cả cứng rắn, để xóa bỏ toàn bộ con đường này.
1. Nguyên tắc để đạt được sự vững mạnh, bền vững trong nhiều triều đại lịch sử đã trôi qua gói gọn trong 4 chữ "cầu ngôn, cầu hiền". Nghĩa là, cầu lời nói thẳng nói thật, nói đúng, nói chính xác. Kế đến, là cầu hiền tài.
Lời nói thẳng, nói thật, nói đúng, nói chính xác có thể khiến người nghe khó chịu. Huống hồ, đến lãnh đạo cao cấp vốn bận trăm công nghìn việc, thời gian luôn luôn thiếu hụt. Nhưng nếu đã quyết tâm kiến tạo thì bắt buộc không thể bỏ qua yếu tố cầu ngôn.
Trong bài Nhiều việc bị lấy cớ là "nhạy cảm" để không minh bạch thông tin của TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, có đoạn rất hay, xin mạn phép trích dẫn để bạn đọc rõ hơn.
"Trong một xã hội tiến bộ, việc minh bạch thông tin có vị trí rất quan trọng, mọi người dân đều có quyền tiếp cận thông tin, không ai được bưng bít thông tin, giống như "ánh sáng ban ngày" thay cho "đêm tối", để cái xấu, cái ác không còn nơi ẩn nấp, phải lộ rõ nguyên hình. Lâu nay ở Việt Nam ta còn rất nhiều việc chưa được minh bạch, kể cả việc nhỏ và việc lớn, kể cả những chủ trương, quyết định và những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, sai lầm.
Minh họa: Hữu Khoa. |
Chính sự không minh bạch này đã làm cho nhân dân nghi ngờ, mất lòng tin. Nghi ngờ dung túng, bao che, cùng "lợi ích nhóm". Nhiều việc được cho là "nhạy cảm" để lấy cớ đó mà không minh bạch thông tin. Chính việc không minh bạch ấy đã làm hạn chế hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng và "lợi ích nhóm", nếu như không muốn nói rằng nó cản trở các công việc ấy.
Một nhà nước của dân, cớ sao không báo cáo đầy đủ cho nhân dân biết? Nếu lãnh đạo không có ai dính dáng gì tiêu cực trong đó thì tại sao lại sợ minh bạch? Muốn minh bạch thông tin thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải mở rộng hành lang hơn nữa cho tự do ngôn luận và báo chí, còn bản thân báo chí cũng phải dũng cảm, bản lĩnh và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhà báo dám dấn thân cho lẽ phải và không để bị mua chuộc.
Cũng có ý kiến lo ngại rằng, khi minh bạch thông tin về các vụ việc thì nhân dân sẽ mất lòng tin hơn nữa. Tôi không nghĩ như vậy. Không minh bạch mới làm mất lòng tin. Ai cũng có quyền nghi ngờ cả. Và người lãnh đạo tốt cũng mang tiếng lây. Không dám minh bạch vì sợ mất lòng tin thì đó là thứ lòng tin bị đánh lừa, lòng tin nhầm lẫn".
2. Cụm từ "việc nhạy cảm" là cụm từ quen thuộc của những người làm báo, đó như là một thứ bùa chú để trấn yểm nhiều vấn đề trong đời sống. Điều đáng buồn là những vấn đề của đời sống ấy lại không liên quan đến cá nhân, toàn là những việc liên quan đến cái chung, đến sự vận động của xã hội, an toàn của nhân dân.
Điển hình như một dự án kinh doanh của một doanh nghiệp tồn tại nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, những nghi vấn về công nghệ, nguồn vốn. Ấy là một vụ việc hết sức bình thường để báo giới phản biện, tuy nhiên không hiểu bằng ý chí nào đó lại nảy sinh sự nhạy cảm. Báo giới đang vồ vập bỗng nhiên như chiếc xe bị đạp phanh gấp, như một trận cầu bóng đá đang sôi động bỗng nhiên tất cả cổ động viên đều biến mất vô thanh vô ảnh.
Thế nên, mới có chuyện một công ty tự nhiên được cả hệ thống chính trị tỉnh Long An có công văn yêu cầu các ban ngành bảo vệ tính bí mật cho dự án này. Chuyện đời thật như đùa, hơn mười năm theo nghề báo, lần đầu tiên tôi chứng kiến một bí mật cho dự án của công ty tư nhân. Mà đấy lại là dự án liên quan đến môi trường, vốn dĩ cần phải nhất nhất công khai để người dân có thể giám sát, để báo giới có thể đưa tin, để các chuyên gia có thể phản biện.
3. Công cuộc kiến tạo luôn là một hành trình gian nan, vất vả. Thậm chí, là phải vượt qua rất nhiều rào cản về nhóm lợi ích, sự thâu tóm quyền lực, sự nhũng nhiễu, cạm bẫy lẫn cám dỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì kiến tạo chính là giải pháp duy nhất để hy vọng.
Tư duy nhiệm kỳ, thái độ trục lợi vinh thân phì gia, tình trạng con nối ngôi cha làm quan, người nhà theo người thân làm lãnh đạo, kéo bè kết cánh... đã thật sự đẩy quốc gia vào tình thế khó khăn. Đó là chưa kể đến những chướng ngại vật mà đầu tàu của xã hội là các doanh nghiệp đang lần mò vượt qua, những chướng ngại vật có tên hành chính. Doanh nghiệp ngoài đối diện với khó khăn thương trường còn phải oằn mình chống trả với sự "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Có những doanh nghiệp được ưu ái đến ngạc nhiên nhưng cũng có những doanh nghiệp đầy côi cút.
Chính vì vậy, thổi một luồng gió mới trên mặt trận thông tin để tăng cường sự giám sát nhằm đấu tranh với cái chưa đúng, cái tiêu cực, cái nguy cơ hậu họa chính là điều tối quan trọng cho quá trình kiến tạo.
Một chính phủ kiến tạo là một chính phủ không ngần ngại lắng nghe, không ngần ngại chuyện mất lòng vì lời nói. Quan trọng hơn, lắng nghe để hành động, để bảo vệ sự tôn nghiêm và tính chính danh của công cuộc ấy. Chứ không phải lắng nghe rồi để đấy.
Mong lắm thay.