Đạo đức giả, hay nghệ thuật giả?

Chủ Nhật, 04/10/2020, 14:26
Ít ai biết rằng, một thời, tượng vàng Oscar không mang tên Oscar, mà là Emilio - chân dung người mẫu tạo hình cho bức tượng. Có chút nghịch lý ở đây, bởi Emilio đó chính là một vị đạo diễn nổi tiếng trong thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Mexico - Emilio Fernandez; hay nói cách khác, ông đến từ một nền điện ảnh thiểu số so với Hollywood.

Có đến hàng ngàn chiếc tượng một người Mexico đã được trao đi trong suốt hơn 90 năm lịch sử giải thưởng Oscar nhưng Oscar vẫn luôn bị chỉ trích rằng: Oscar quá trắng.

Hashtag “Oscar quá trắng” bắt đầu nổi lên từ năm 2015 khi trong danh sách toàn bộ 20 đề cử về diễn xuất được Viện Hàn lâm dành cho diễn viên da trắng. Kể từ đó, giải thưởng này đã cố gắng làm rất nhiều thứ để chứng tỏ nó không hề phân biệt chủng tộc, đỉnh điểm là việc trao giải thưởng cao nhất cho một bộ phim Hàn Quốc vào năm ngoái. Nhưng, ngay cả chiến thắng vang dội của “Ký sinh trùng” và Bong Joon-ho năm ấy vẫn chưa đủ để xoa dịu dư luận.

Bức biếm họa tượng vàng Oscar được sơn trắng.

Cực chẳng đã, Oscar đã thực hiện, có lẽ là, điều tối hậu mà nó có thể làm về vấn đề này: đưa ra một bộ tiêu chuẩn cho những bộ phim được đề cử. Nôm na, bộ tiêu chuẩn ấy gồm 4 tiêu chí lớn liên quan đến tỉ lệ số lượng diễn viên thuộc các nhóm yếu thế như phụ nữ, người da màu, người dân tộc có xuất hiện trong phim, tỉ lệ nhân viên thuộc các nhóm yếu thế trong đoàn làm phim, hay chủ đề phim liên quan tới những nhóm yếu thế này. Và một bộ phim muốn qua vòng gửi xe thì phải đạt ít nhất 2 tiêu chí. Còn dù có xuất sắc cỡ “Bố già” hay “Forrest Gump” đi chăng nữa thì cũng không tới lượt.

Bài toán xã hội thế là đã giải quyết quá đỗi dễ dàng. Với những tiêu chí có thể tính toán theo công thức toán học, ai dám nói Oscar quá trắng, Oscar thiên vị, Oscar toàn đàn ông nữa? Nhưng, dường như có điều gì đó không ổn ở đây, khi mà người ta bắt đầu cân đếm một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật bằng những thứ bên ngoài nghệ thuật và phi nghệ thuật.

Vẫn biết Oscar xưa nay vẫn là một giải thưởng/một show diễn đậm màu sắc chính trị. Các ngôi sao đến đây nhận giải, có ai trong số họ nói về quan điểm nghệ thuật hay vẻ đẹp thuần túy của những thước phim đâu? Không có một diễn viên hay một đạo diễn nào nói một điều gì đó kiểu như “Điện ảnh không có biên giới. Nó là sợi ruy-băng của những giấc mơ”, như Orson Welles từng nói. Họ đến đây ngoài váy áo xúng xính của các nhà mode cao cấp thì còn được trang bị thêm một quan điểm chính trị cấp tiến mà chắc chắn, lời nào thốt ra cũng được vỗ tay rào rào. Joaquin Phoenix, Leonardo DiCaprio, Natalie Portman, Jared Leto, Halle Berry,... tất cả họ đều tận dụng 45 giây ít ỏi của bài phát biểu để bức xúc hay đồng cảm với tình hình chiến sự, biến đổi khí hậu, đấu tranh cho phụ nữ hay cộng đồng LGBT.

“Nếu bạn yêu phim, Oscar có thể không dành cho bạn”, một cây bút trên tờ Washington Post từng viết. Đúng vậy, nếu có khoảng đâu đó 3 tiếng rảnh rỗi trong cuộc đời mà muốn ngất ngây trong bầu không khí xi-nê thì thà rằng bạn xem lại “Bố già”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn” hay “Cuốn theo chiều gió” còn hơn là xem giải thưởng Oscar.

Nhưng, một khi tính chính trị được chuẩn hóa thành văn bản, trở thành một nguyên tắc bắt buộc hơn là một sở thích thì nó có thể là dấu chấm hết cho điện ảnh thực sự. Điện ảnh đã bị đem giam nhốt và giờ đây, nếu muốn được ca ngợi, nó chỉ có thể sáng tạo trong khuôn khổ và định hướng. Vậy là, “sự đúng đắn chính trị” (political correctness) đã chính thức “thanh trừng” đến bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa quen lắm với thuật ngữ này. Rất nhiều người chỉ biết đến nó sau khi... H’Hen Niê đi thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới và trong phần ứng xử, nhận được một câu hỏi về khái niệm ấy. Thực chất, “sự đúng đắn chính trị” là trung tâm trong cuộc chiến văn hóa giữa phe tự do và phe bảo thủ, nó mô tả tất cả những biện pháp từ ngôn ngữ đến chính sách để không gây ra xúc phạm hay thiệt thòi đến những nhóm người thiểu số trong xã hội (ta phải hiểu thiểu số ở đây không phải là số lượng mà là những người thấp bé trong hệ thống quyền lực). Một ví dụ dễ hiểu nhất thì việc cộng điểm thi đại học cho thí sinh có gia cảnh khó khăn hay người dân tộc thiểu số chính là biểu hiện của “sự đúng đắn chính trị”.

Như mọi thứ trên đời, sự đúng đắn chính trị có hai mặt của nó. Sự đúng đắn ấy có thể đúng đắn trong rất nhiều thứ nhưng nếu áp dụng một cách cứng rắn như rập khuôn vào nghệ thuật, thì nó có còn đúng đắn? Mới hồi đầu năm nay, chính sự đúng đắn chính trị đã “phá đền” những tác phẩm vốn được xếp vào hàng kinh điển như “Birth of a Nation” hay “Cuốn theo chiều gió”. Người ta như đeo lên một gọng kính lọc toàn bộ những thứ thiết yếu của điện ảnh để chỉ nhìn thấy duy nhất những vấn đề xã hội tồn đọng trong đó. Không ai còn buồn nhắc tới kỹ thuật dựng phim đại tài, những cú quay cận và những cú máy dài tiên phong, những đoạn hồi tưởng mà D.W Griffith đã phát minh trong “Birth of a Nation”. Những thứ mà Griffith nghĩ ra đã thành mẫu mực và nền tảng cơ bản trong quá trình làm phim hiện đại. Đáng tiếc, người ta giờ chỉ còn nhớ ông đã dọn đường cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Ku Klux Klan trở lại.

Diễn viên Ngô Thanh Vân trong “Da 5 Bloods”.

Sự đúng đắn chính trị sau khi đã đập bỏ không thương tiếc những thành quả điện ảnh của tiền nhân, vẫn chưa đủ, nó phải biến phim ảnh đương đại trở thành cái loa phóng thanh của mình. Sự kiện Oscar đặt ra bộ tiêu chuẩn cho các hạng mục đề cử hiển nhiên đã nêu rõ lý tưởng của nghệ thuật là phục vụ cho những mục đích được coi là “cao quý”. Hệ quả là sẽ có vô số những bộ phim kiểu “The Farewell” ra đời, nhận được sự ngợi ca mà nó không thực xứng đáng.

“The Farewell” là một bộ phim Hollywood nói về một gia đình Trung Quốc sống ở Mỹ. Một dàn diễn viên da vàng mắt một mí, câu chuyện về những người nhập cư, sự mất gốc của con người, sự giác ngộ những giá trị truyền thống phương Đông, thế là quá đủ để nó được giới phê bình phương Tây thổn thức. Thậm chí, với chính thế hệ trẻ châu Á đã bị Tây hóa và phụ thuộc vào truyền thông nước ngoài, “The Farewell” thậm chí còn được nhiều người coi như một tuyệt tác về Á Đông. Những bạn trẻ châu Á này, phần lớn chưa từng xem những bộ phim gia đình do chính người châu Á thực hiện, như “Nhất Nhất” của Dương Đức Xương, toàn bộ catalog phim của Yasujiro Ozu và Hirokazu Koreeda, hay ở Việt Nam, là “Mùa ổi” của Đặng Nhật Minh. So với những bộ phim như thế, “The Farewell” vẫn chỉ là một tiết mục mô phỏng Á Đông khéo léo. Nhưng, cần gì đâu, quan trọng là Hollywood đang bắt kịp trào lưu về những nhóm người ở bên lề.

Đó là một điều hết sức nguy hiểm. Thà rằng hãy cứ để Hollywood làm phim về dân da trắng - thứ mà họ am tường nhất, còn hơn gồng ép bắt họ chuyển hướng sang những đề tài mà họ chẳng hiểu gì hết cả và rồi họ lại dùng tiền bạc và năng lực marketing khó ai sánh kịp để định vị cho khán giả toàn thế giới hiểu lầm rằng, cái mà họ làm là chuẩn mực.

Trường hợp của “Mulan”, bom tấn điện ảnh đang gây ra cuộc tranh cãi dài dằng dặc từ Đông sang Tây, là một điển hình, dù đây không phải phim thuộc diện tranh giải Oscar. “Mulan” thì rõ ràng không phải một bộ phim hay và không được ai lấy làm chuẩn mực nhưng dạo một vòng quanh mạng xã hội Việt Nam - những khán giả châu Á nhìn chung là thân thuộc với phim Trung Quốc - lại thường xuyên bình luận rằng “Mulan” thật tồi tệ, chẳng bù với “Crazy Rich Asian” hay “The Farewell”, những bộ phim châu Á đích thực!

Chúng ta hẳn còn nhớ cách người Mỹ mô tả người Việt Nam trong bộ phim “Da 5 Bloods” gần đây của Spike Lee - một đạo diễn da màu tên tuổi và trong khi dân ta cứ việc bức xúc khó chịu với nhau thì “Da 5 Bloods” lại được người nước ngoài ca ngợi. Họ có kiến thức mơ hồ và ngây thơ về Việt Nam, họ chẳng thấy có gì sai sót ở đó và họ tin Hollywood. Vì thế, một Oscar mới có thể đem tới sự công bằng trên bề mặt nhưng bên dưới nó lại hình thành một sự bất công khác, một sự bất công quá tinh vi và rất khó để thay đổi, một khi đã vào khuôn. Cuối cùng, ta cũng chẳng tiến được bước nào xa hơn kể từ thời bộ phim “Apocalypse Now” - nơi những người Việt Nam gào thét mà không ai nghe hiểu.

Oscar đang cố gắng để tỏ ra mình đạo đức, để đạo đức chính trị can thiệp quá sâu vào nghệ thuật. Trong khi đạo đức có thể là giả, mà nghệ thuật thì cũng có thể là giả.

Hiền Trang
.
.