Parasite thắng giải Oscar, có hay không một sự tính toán?

Chủ Nhật, 15/03/2020, 14:44
"Một khi bạn vượt qua được rào cản phụ đề cao cỡ 1 inch, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những bộ phim tuyệt vời", đạo diễn Bong Joon-ho phát biểu sau khi Parasite (Kí sinh trùng) chiến thắng giải thưởng "Phim nước ngoài xuất sắc" tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2020.

Chỉ một tháng sau, các thành viên của Viện Hàn lâm ngay lập tức chứng minh họ sẵn sàng vượt qua "rào cản cao 1 inch" ấy bằng cách trao cho Parasite giải thưởng quan trọng nhất: Phim xuất sắc.

Trong lịch sử 92 năm của mình, Viện Hàn lâm chưa từng trao cho bất cứ một bộ phim nói tiếng nước ngoài nào vinh dự ấy. Và Parasite không chỉ là một bộ phim nói tiếng Hàn Quốc, nó là một bộ phim được sản xuất bởi ê-kip Hàn Quốc, kịch bản Hàn Quốc, nhà đầu tư Hàn Quốc, mọi thứ đều Hàn Quốc. 

Từ lâu, người ta đã thừa nhận rằng di sản của một bộ phim chẳng thể phụ thuộc vào thành tích của nó tại Oscar cao thấp ra sao, bởi có quá nhiều những tác phẩm để đời, những đạo diễn bậc thầy của các bậc thầy đều chưa từng được Oscar vinh danh xứng đáng. Ingmar Bergman không phải vị đạo diễn mà ai cũng phải ngưỡng mộ hay sao? Nhưng ông chưa từng được giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Oscar. 

Phim của Federico Fellini không phải là những bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh ư? Vậy mà 8 ½ của ông lại chỉ thắng giải "Phim nói tiếng nước ngoài" trong khi còn không được đề cử phim xuất sắc, và phim xuất sắc năm đó là Tom Jones, một bộ phim cũng hay, nhưng chẳng thể xếp chung mâm với 8 ½.

Bong Joon-ho bội thu tượng vàng Oscar.

Sự thiếu công bằng của Oscar đã gây cho chính giải thưởng này một vài vụ "xấu hổ" như vào năm 1957, giải thưởng "lăm le" đề cử bộ phim Wild Strawberries của Ingmar Bergman. Đáp lại thịnh tình ấy, đạo diễn Thụy Điển lại tạt một gáo nước lạnh bằng cách biên thư tới số nhà 9037, Đại lộ Melrose, bang California, nội dung là ông chẳng muốn tranh giải, muốn trả lại chứng nhận đề cử của Viện, và "trong lương lai mong các ngài tha cho tôi khỏi sự quan tâm chú ý của hội đồng".

Hay trường hợp của Lý An cũng khá buồn cười. Oscar có thể ngần ngại trao cho Ngọa hồ tàng long của ông giải "Phim xuất sắc", dù phim đã tạo nên cả một trào lưu điện ảnh Hoa ngữ và gây nên cơn sốt tại phương Tây. Nhưng họ sẵn sàng trao giải ấy cho Cuộc đời của Pi, một bộ phim khác của ông, nhưng là phim nói tiếng Anh và được Mỹ đầu tư sản xuất.

Vậy nên, khi nữ diễn viên gạo cội Jane Fonda bước lên sân khấu của Oscar 2020, mở chiếc phong bì và một cách dõng dạc, tuyên bố: "Và giải Oscar được trao cho… Parasite", nó gần như là một điều không tưởng. 

Có những khán giả thừa nhận rằng, khi Parasite được xướng tên, điều họ sợ nhất là, Jane Fonda đọc nhầm, như hồi năm 2017, sau khi cả đoàn làm phim La La Land đã lũ lượt kéo lên nhận giải, ăn mừng, thậm chí xúc động cảm ơn hết người này tới người nọ, thì ban tổ chức mới lên tiếng xin lỗi vì người trao giải… đọc nhầm, bộ phim chiến thắng phải là Moonlight. 

Không phải bởi vì Parasite không xứng đáng đoạt giải, thậm chí so với những đề cử khác, Parasite chính là đề cử "mạnh" nhất, với sự vượt trội của kịch bản và tay nghề đạo diễn, nhưng sau khi chứng kiến những thất bại cay đắng của những tác phẩm tuyệt đỉnh nhất trong quá khứ, không ai tin nổi Viện Hàn lâm - những người mà đến hẹn lại lên, bị đem ra mỉa mai vì định kiến chủng tộc, có thể tôn vinh một bộ phim Hàn Quốc ngay tại thánh đường của Hollywood. Nó chẳng khác gì một lời thừa nhận rằng: phim Mỹ chưa chắc đã là nhất.

Viện Hàn lâm đã tạo nên một cú "twist" (một thuật ngữ điện ảnh chỉ tình tiết bất ngờ) ngoạn mục. Trước đêm trao giải Oscar, họ vẫn còn đang bị chỉ trích là "quá trắng". Vậy mà chỉ sau một đêm, bằng cách trao giải cho một nhóm người da vàng, họ đã nhận được vô số lời khen ngợi vì sự dũng cảm của mình. 

Chiến thắng lịch sử của Parasite nhất định là một tín hiệu đáng mừng, mở ra một thời đại mới nơi những nền điện ảnh địa phương đầy hy vọng có thể đường hoàng bước ra ánh sáng và màn ảnh rộng sẽ đa dạng hơn - không chỉ tràn ngập những câu chuyện về xã hội, cộng đồng người da trắng. 

Nhưng liệu rằng, chiến thắng ấy chỉ đơn giản vì Viện Hàn lâm - những người đại diện cho nền công nghiệp điện ảnh truyền thống của nước Mỹ - bỗng nhiên nhận ra bấy lâu nay họ thật là thiên vị, còn quyết định trao giải cho Parasite là một quyết định vô vị lợi, hoàn toàn vị nghệ thuật, hay còn có những ý nghĩa khác hơn?

Nếu coi đây hoàn toàn là một nước đi không tính toán của Oscar - một giải thưởng danh giá nhưng cũng bị thao túng bởi nhiều thế lực như mọi giải thưởng danh giá trên đời - thì quả là ngây thơ. Ngây thơ chẳng kém những nhận định cho rằng Parasite thắng giải Oscar đồng nghĩa từ nay đã hết phân biệt màu da.

Dù trước đây không trao giải thưởng cao nhất cho phim nước ngoài, nhưng theo một quan sát rất thú vị của nhà báo, nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm, thì giải thưởng được chú ý nhiều thứ hai là giải "Đạo diễn xuất sắc", trong nhiều năm trở lại đây, lại khá chịu khó  trao cho các đạo diễn ngoại quốc. 

Từ năm 2000 tới nay, không kể Bong Joon-ho, ta đã chứng kiến Lý An (Đài Loan), Michel Hazanavicius (Pháp), Roman Polanski (Ba La/ Pháp), Tom Hooper (Anh/Australia), bộ ba Alejandro González Inárritu, Guillermo del Toro và Alfonso Cuarón (Tây Ban Nha) nhận giải Đạo diễn, một số người còn nhận những 2 lần. Nhưng "trùng hợp" thay, rất nhiều người trong số đó cũng chuyển sang làm phim ở Mỹ, như Lý An với Life of Pi, Billy Lynn's Long Halftime Walk, Gemini Man, Tom Hooper với The Danish girl, Cats. 

Một số người thì từ trước khi có giải đã có nhiều "duyên nợ" với Hollywood, như Alfonso Cuarón từng làm một phần phim Harry Potter, hay Guillermo del Toro thì cầm chịch nhiều bom tấn giải trí, từ Pacific Rim đến Hellboy. Chính Bong Joon-ho cũng từng làm các bộ phim nói tiếng Anh như Snowpiercer và mới đây nhất, ông vừa ký hợp đồng chuyển thể Parasite sang phiên bản truyền hình cho đài HBO.

Nói gì thì nói, Hollywood cực kỳ nhanh nhạy và thức thời. Chẳng việc gì phải tỏ ra "dân tộc chủ nghĩa" một cách thái quá, người Mỹ sẵn sàng làm mọi thứ ra tiền. Họ chẳng tiếc tiền làm phim Kungfu Panda ca ngợi văn hóa Trung Hoa hay Memoirs of a geisha về văn hóa Nhật Bản, miễn là họ thu về lợi nhuận. Cho nên Hollywood luôn sẵn sàng đón chào những nhân tài nước ngoài, và Oscar cũng có thể coi như một phương tiện để lấy lòng và tuyển mộ những đạo diễn vàng đến từ các miền đất khác, đưa họ về làm việc tại kinh đô điện ảnh. 

Vậy thì, chiến thắng của Parasite, có lẽ nó cũng mở ra những con đường mới cho các nhà đầu tư Hollywood - những người chắc chắn sẽ dõi đôi mắt về phía các châu lục bên ngoài để tìm kiếm thêm những cơ hội mới, và nhiều khả năng, sẽ lên kế hoạch thao túng điện ảnh thế giới bằng những đồng dollar của mình. 

Hay nói cách khác, Hollywood sẽ hợp tác (hoặc sáp nhập hay nuốt lấy) những nền điện ảnh nhỏ hơn, từ đó mở rộng biên giới của chính nó, không bị giới hạn bởi ngôn ngữ hay đề tài hay quốc tịch ê-kip làm phim, kiểu như một tập đoàn đa quốc gia vậy.

Chuyện ấy nếu xảy ra, có lẽ cũng là tất yếu. Thế giới của chúng ta vẫn luôn tồn tại những nghịch lí, nên việc một sự kiện vốn dĩ để tôn vinh tính đa dạng, lại có thể là chất xúc tác để làm mất đi ý nghĩ của tính đa dạng, cũng là bình thường.

Đạo diễn Bong Joon-ho trên trang bìa tạp chí Vanity Fair, với dòng tiêu đề: "Sức mạnh Parasite: Làm thế nào đạo diễn Bong Joon-ho tạo ra bộ phim giật gân hoàn hảo và dạy Hollywood cách ngưng lo lắng và yêu phần phụ đề".

Chính Parasite, bản thân bộ phim cũng là một nghịch lý tréo ngoe. Câu chuyện về một gia đình dưới đáy cùng xã hội "kí sinh" trên một gia đình thượng lưu phô bày khoảng cách giàu nghèo không thể san lấp trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, tưởng như mang một thông điệp đầy tính thời đại về góc khuất của chủ nghĩa tư bản, những xa hoa giả tạo của một nền kinh tế thịnh vượng cùng mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc một cách tinh vi. 

Nhìn bề ngoài, Parasite là một vở kịch đả kích xuất sắc với giới chaebol tại Hàn Quốc. Nhưng ai đứng đằng sau Parasite và hưởng lợi từ những thành công của Parasite tại phòng vé cũng như các liên hoan phim? Chính là những nhà tư bản đã không tiếc tiền đầu tư cho tác phẩm.

Parasite được sản xuất bởi CJ Entertainment, một công ty con của Tập đoàn CJ. Và người đứng sau thành công của Parasite chẳng ai khác là nhà sản xuất Milky Lee, người phụ nữ bé nhỏ nhưng tham vọng và tài năng thì xuất chúng, người hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn CJ và là người thừa kế quyền lực của đế chế Samsung.

Những nhà tư bản là như vậy, họ chẳng ngại bôi xấu chính giai cấp của mình qua các tác phẩm nghệ thuật để đời, miễn là có lợi ích về kinh tế. Và văn hóa thì là một nguồn tài nguyên khủng khiếp để mà phung phí. Lợi nhuận một bộ phim Jurassic Park bằng lợi nhuận của 60.000 chiếc xe ôtô Hyundai. 

Song, bi quan quá cũng không thay đổi được gì. Dù sao ngay lúc này chúng ta cứ ăn mừng việc một bộ phim ngoại quốc cuối cùng cũng đã được thừa nhận tại Oscar cái đã. Dẫu điều gì đang chờ đợi ở tương lai thì kết quả này cũng là một cuộc cách mạng.

Hiền Trang
.
.