Thương con ngựa đau

Cùng chung một giàn

Chủ Nhật, 06/11/2016, 16:54
Anh em một nhà thì sẽ luôn yêu thương, che chở nhau trong cuộc sống. Và tất cả chúng ta cùng là anh em trong một ngôi nhà lớn mang tên Việt Nam.

Bài học đạo đức ngày xưa tôi được dạy chính là người trong một nước phải thương nhau cùng, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Và trước mỗi thiên tai, nhân tai, tôi lại càng cảm nhận rõ hơn đặc tính tương thân tương ái đầy tốt đẹp của dân tộc mình.


1. Một đồng nghiệp hỏi tôi sao không viết về các ngôi sao làm từ thiện vốn đã và đang ồn ào trên các diễn đàn những ngày qua. Tôi không viết vì vài lý do. Thứ nhất, chuyện gì dính đến người nổi tiếng thì cũng dễ ồn ào thị phi, mà lắm khi những ồn ào ấy chỉ là ồn ào chứ thật ra chẳng có vấn đề gì.

Như chuyện làm từ thiện của họ thì lúc nào cũng có thể "được" đem ra bàn tán, mổ xẻ chứ không đợi đến khi đồng bào miền Trung chịu thiên tai nặng nề như vừa qua. Nào là ngôi sao này làm từ thiện để "đánh bóng" tên tuổi, ngôi sao kia làm từ thiện để lấy lại hình ảnh sau scandal,… đến cả chuyện ăn mặc khi làm từ thiện của ngôi sao cũng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên các mặt báo.

Thứ hai, tôi không có thói quen nghi ngờ hay băn khoăn đến những việc làm mà nó thể hiện lòng tốt và sự có ích cho cuộc đời. Tôi từng thấy nhiều người khi làm từ thiện nhưng cứ hoài nghi rằng, không biết tấm lòng của mình có được trao đúng người, đúng địa chỉ hay không? 

Trong khi đó, việc đúng đối tượng hay không thì phần lớn tùy thuộc vào bản thân người làm thiện nguyện. Thậm chí có những người trực tiếp trao tay cho hoàn cảnh mà mình thấy cần giúp đỡ nhưng cũng hoài nghi rằng, không biết mình có bị lừa hay không. Và có cả những người vì sợ bị lừa nên không làm từ thiện nữa, nhất là đối với những trường hợp người lang thang, cơ nhỡ trên đường phố mà họ đi qua hằng ngày.

Có thể do ai đó vô tình gặp vài sự lừa lọc, giả dối nào đó trong cuộc sống này nên dần mất lòng tin vào nhau, đó cũng là điều dễ hiểu. Song, thật nguy hiểm khi chỉ vì những trường hợp đó mà tự đóng lòng mình lại. Trong nhà Phật có dạy một điều rất hay rằng, khi bạn giúp đỡ ai thì hãy giúp đỡ bằng tâm. Tâm ở đây tức là bằng cả tấm lòng, sự hoan hỷ, vô tư, không toan tính, không hoài nghi… Đó mới là sự từ thiện trọn vẹn và mang lại phúc đức cho gia chủ.

Tôi rất tán thành việc từ thiện như thế!

Minh họa: Hữu Khoa.

2. Những ngày qua, khi miền Trung oằn mình trong lũ dữ, chúng ta lại chứng kiến một tinh thần cao đẹp của người Việt, đó là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. 

Mọi người không phân biệt lứa tuổi, địa vị xã hội, tất cả tùy điều kiện của mình mà cùng nhau đóng góp gửi đến đồng bào miền Trung. Người nghệ sĩ thì dùng sự nổi tiếng và uy tín của mình để kêu gọi người hâm mộ đóng góp; các bạn sinh viên, những người cần lao thì bớt bữa cơm trong ngày để cùng nhau làm điều ý nghĩa.

Tôi để ý thấy trong danh sách các nhà hảo tâm đóng góp cho đồng bào miền Trung có những người chỉ vài chục nghìn đồng; hay tại các thùng từ thiện của Hội Chữ thập đỏ cũng có khá nhiều tờ tiền mệnh giá như thế. Nhưng nó đã thể hiện điều đẹp đẽ vô cùng trong cuộc sống này. Bởi không phải khi bạn có thể làm từ thiện với nhiều tiền thì mới được ghi nhận mà ở đây tấm lòng dành cho nhau mới quan trọng làm sao.

Chúng ta vẫn nghe nhiều người ca thán về sự vô cảm ở xã hội hiện đại, sự vô tâm giữa người với người. Nhưng rõ ràng, điều đó chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ đâu đó trong cuộc sống này chứ hoàn toàn không mang tính đại diện cho người Việt, dù là thời nào. Bằng chứng là chúng ta vẫn yêu thương nhau rất thật lòng khi đồng bào nơi nào đó gặp chuyện không may. 

Như chuyện cả nước hướng về miền Trung thân thương đang hứng chịu lũ dữ. Điều đó thể hiện qua những xót xa, những sự đóng góp thiết thực nhất và trong đó có cả những bức xúc nhất khi biết người miền Trung không chỉ đau đớn vì thiên tai mà còn cả do sự vô ý của con người.

Đặc tính vùng địa lý miền Trung hay có thiên tai, bà con nơi đây khó khăn khổ sở đã đành; ngày nay, sự phát triển thủy điện, nạn phá rừng càng hoành hành dải đất miền Trung, càng làm tác hại của thiên tai ngày một thêm nặng nề. Trong đó, thủy điện đang trở thành tai họa dù bản chất thủy điện không phải là tai họa.

Làm thủy điện và bán điện là nguồn thu quan trọng hàng đầu của nhiều quốc gia đang phát triển. Và một đất nước nhiều thủy điện như Bhutan vẫn được cả thế giới ngưỡng mộ về vấn đề môi trường. Hàng chục năm qua vùng hạ lưu sông Đà và cả sông Hồng không còn bị lũ nhờ thủy điện Hòa Bình. 

Khai thác dòng chảy để phục vụ con người, như làm thủy điện, vốn, và lẽ ra phải là điều tốt đẹp, nếu có ý thức nuôi dưỡng các dòng sông. Song, sự khai thác dòng chảy với ý thức khác nhau sẽ dẫn đến chuyện thủy điện là tốt đẹp hay sẽ trở thành tai họa.

Ở nước ta, thủy điện ở nhiều nơi đang trở thành tai họa vì sự tận thu dòng chảy và cách điều hành đang biến những đập thủy điện trên thượng nguồn những dòng sông thành "quả bom nước" khổng lồ treo lơ lửng trên đầu mỗi người dân vùng hạ lưu.

Trở lại câu chuyện tấm lòng con người trong cơn hoạn nạn. Bây giờ, bão miền Trung đã tan nhưng những người bạn và những người tôi quen biết vẫn đang tích cực quyên góp, họ vẫn đang tấp nập chở đầy ắp những tấm chân tình đến với đồng bào mình.

Tôi nhớ ca dao có câu nói về tình cảm anh em trong gia đình rằng: "Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần"; song, qua những tấm lòng mà cả nước hướng về miền Trung trong những ngày mưa lũ vừa qua thì thấy rằng "anh em" ở đây không chỉ còn là anh em trong một ngôi nhà nhỏ mà đó là anh em chung trong một ngôi nhà lớn của đất nước Việt Nam. Chúng ta thương yêu và đùm bọc như anh em ruột thịt với nhau.

Thiên tai là điều khó tránh, có thể, đồng bào miền Trung sẽ còn phải đón những cơn bão dông khác trong hành trình của mình, nhưng tôi tin rằng tình người, tình anh em của người Việt sẽ giúp họ cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày một thêm vững vàng.

Hoàng Lãm
.
.