Thương con ngựa đau

Tôi đã tới, đã chứng kiến và chia sẻ

Thứ Ba, 01/11/2016, 16:55
...Thứ chúng ta thu lại được, giá trị nhất, vĩ đại nhất, chính là văn hóa sẻ chia. Một dân tộc không thể nào thiếu văn hóa sẻ chia bởi mất đi sự sẻ chia, sẽ không còn là dân tộc nữa.

Bài học đạo đức ngày xưa tôi được dạy chính là người trong một nước phải thương nhau cùng, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Và trước mỗi thiên tai, nhân tai, tôi lại càng cảm nhận rõ hơn đặc tính tương thân tương ái đầy tốt đẹp của dân tộc mình.


Tôi quen một cô gái nhỏ, năm nay tròn 23 tuổi. Cô và bạn học của mình cùng lập ra một quỹ thiện nguyện đi xây cầu dân sinh ở vùng sâu vùng xa được 3 năm nay rồi. Số lượng cầu mà họ đã xây cũng hơn chục cái. Và mỗi nơi tới khảo sát, xây cầu, họ đều dành hai, ba ngày ở lại trong dân, ngủ ở nhà dân, không nề hà điều kiện sinh hoạt thế nào.

Tôi hỏi cô bé: "Con thường dùng thông điệp gì khi thuyết phục những "Mạnh Thường Quân" ủng hộ quỹ?". Cô cười: "Bọn con có một thông điệp là tôi đã tới, đã chứng kiến, và chia sẻ". 

"Vậy là con ám chỉ việc mình đến tất cả những vùng miền khó khăn, cùng sinh hoạt với dân ở đó, và chia sẻ với họ nỗi vất vả?", tôi hỏi thêm. "Cái đó chỉ là một phần chú ạ. Con muốn nói đến cái viễn cảnh rộng hơn. Nơi mình tới không hẳn mang tính địa lý, mà có thể nó mang tính tinh thần nhiều hơn. Mình thấu hiểu được hoàn cảnh của đồng bào có nghĩa mình đã tới được với họ. Mình day dứt với những cái cơ cực của đồng bào, là có nghĩa mình biết mở các giác quan ra để chứng kiến. Còn chia sẻ, đó là hành động mình cần phải làm, như một trách nhiệm, một sứ vụ".

Cô bé ấy tốt nghiệp Khoa Kinh tế chính trị và Khoa Triết, Đại học Oxford, Anh quốc.

Tôi không ngạc nhiên về tầm nhìn của một cô bé được ăn học ở trường đại học số một thế giới, lại là khoa số một của các khoa: Khoa Triết. Nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều về hành động của cô, để mở rộng ra với những hành động rất cụ thể mà nhiều người tôi kính trọng đang làm, như MC Phan Anh, như các đồng nghiệp Bạch Hoàn, Hà Phạm, Nguyễn Mỹ Linh…

Minh họa: Hữu Khoa.

Nhắc đến chuyện nước Anh, tôi xin lan man một chút. Tháng 11 này, đều như hẹn, lại là tháng tưởng niệm của người Anh. Họ tưởng niệm những nạn nhân của Chiến tranh thế giới I, với hình tượng là bông hoa ngu mỹ nhân (poppy). 

Hơn 100 năm trôi qua, cái tình đồng bào của họ sau câu chuyện bi thảm của một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử loài người vẫn còn như mới. Đơn giản, nó đã là văn hóa. Mà cái gì là văn hóa tất nhiên sẽ có khả năng trường tồn.

Những gì mà những người tôi kính trọng ở trên vẫn đang làm, chúng ta có thể coi đó là văn hóa. Văn hóa chia sẻ của người Việt đã thành hình từ trong ca dao, tục ngữ (một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ) cho tới hành động thường ngày. 

Miền Trung thường gặp bão lũ và mỗi lần thiên tai xảy ra, những đợt quyên góp ủng hộ tự phát lại được tổ chức với hiệu quả ngày càng lớn, tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Và điều đáng mừng là sự quyên góp không chỉ cụ thể bằng tiền, dù quyên góp bằng tiền vẫn chiếm đa số. Họ đã lượng theo sức mình mà làm, lượng theo phương pháp phù hợp với mình mà làm.

Như cậu họa sỹ tôi quen thân chẳng hạn. Cậu chơi motor, chơi Vespa và thích đi phượt. Nhưng để cuộc đi phượt của mình có ý nghĩa, các cậu chọn cách quyên sách vở, quần áo cũ, nhu yếu phẩm và cả nhóm phượt vài chục thanh niên cùng thắt khăn quàng đỏ, định sẵn trước một trường tiểu học vùng hẻo lánh nào đó, mỗi xe chở một thùng quà, lên chia cho học sinh ở đấy, rồi tổ chức đàn ca phục vụ văn nghệ cho các cháu luôn. Họ gọi phong trào của mình đơn giản bằng cái tên cũng như Hashtag #vituinho (vì tụi nhỏ). 

Mùa lụt này, họ lại đi. Với họ, quan điểm rất nhẹ nhàng rằng "qua lụt, các em được quay lại trường càng sớm càng tốt. Nên lại quàng khăn đỏ và mang sách vở, quần áo lên đường thôi".

Những điều họ làm đáng quý không thua gì con số hàng tỷ đồng mà MC Phan Anh vận động được. Trong việc tất cả những nhóm thiện nguyện ấy đang thực hiện, giá trị không phải là thứ để đem ra đánh giá nữa mà là tấm lòng. 

Tôi thích hình ảnh Phan Anh mặc quần short, đi dép xỏ ngón, đội mũ lưỡi trai đi vào vùng lũ lụt. Hình ảnh ấy đẹp hơn bất kỳ một bóng bẩy xiêm y nào trên sân khấu của Phan Anh. Vì đó là hình ảnh của một con người sống có tấm lòng và có chữ tình, một con người dám đảm lãnh trách nhiệm xã hội, một con người lăn xả. 

Tôi không nhìn nhận việc Phan Anh hay những cá nhân khác gây quỹ là chuyện làm từ thiện đơn thuần, mà họ đang là đại sứ cho những tấm lòng khác, là người bưu tá cho những tấm lòng khác, mang sự sẻ chia đến với từng người.

Có thể gọi cái tình sẻ chia ấy của người Việt là một thứ văn hóa. Nó ăn sâu vào mỗi con người Việt từ bao nhiêu năm qua và chỉ chờ được kích hoạt ở đúng thời điểm là nó trở thành một phong trào. 

Như chuyện những người lái xe tải ở TP HCM đó thôi. Họ tình nguyện chở hàng cứu trợ về miền Trung không lấy tiền xe. Họ đóng góp gì? Không chỉ là công sức lao động, tiền xăng xe mà trân quý hơn cả là góp cái tình.

Tất nhiên, trong chuyện làm việc thiện nguyện kia, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Miệng đời bao giờ chẳng đắng cay, nhất là những kẻ dư thừa định kiến và ưa phán xét. Sự chê bôi lúc nào cũng tồn tại, như một thứ phản văn hóa vậy thôi. 

Chỉ mừng là những người dám đảm đương trách nhiệm xã hội kia đã luôn vững tâm, để sóng gió của miệng đời không bao giờ khiến họ nản lòng. Đơn giản, họ làm vì họ sống thấm đẫm trong văn hóa của sẻ chia, mà không cần phải xác lập một động cơ nào cả.

Trở lại với cô cháu gái tuổi 23, tôi thích cách cô dùng slogan 1+1>2 cho quỹ của mình. Cô lý giải: "Chú ủng hộ 1 đồng, con ủng hộ 1 đồng, điều đó không có nghĩa là chúng ta có 2 đồng, mà chúng ta có còn nhiều hơn thế".

Đó là một lý giải rất logic, nếu xét cả về khía cạnh kinh tế. 2 đồng kia sẽ là nguồn cảm hứng để chúng ta thu lại được nhiều hơn nữa, nhằm làm thiện nguyện tốt hơn nữa. Nhưng thứ chúng ta thu lại được, giá trị nhất, vĩ đại nhất, chính là văn hóa sẻ chia. Một dân tộc không thể nào thiếu văn hóa sẻ chia bởi mất đi sự sẻ chia, sẽ không còn là dân tộc nữa.

Hà Quang Minh
.
.