Phát triển kinh tế tư nhân: Một hy vọng mạnh mẽ

Có quyết thì phải có cả sách

Thứ Hai, 27/05/2019, 17:12
Tình trạng thâm căn cố đế ở Việt Nam lâu nay không chỉ là câu chuyện kiểu “trên nói rải thảm, ở dưới lại rải đinh” mà thực tế phải là “quyết thì rất rõ, nhưng sách thì lại còn quá yếu và lỏng lẻo”.

Kinh tế tư nhân đang được bàn nhiều từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ theo đúng tinh thần của tháng 6-2017 khi Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết "Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", đó cũng là tiền đề quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV đang diễn ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu: "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế" là một trong bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới.


“Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế”.

Đó chính là phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hội nghị Trung ương 10 vừa rồi. 

Và phát biểu ấy đã mở ra một tín hiệu lạc quan đối với thành phần kinh tế tư nhân. Điển hình, chính doanh nhân Nguyễn Duy Hưng (Công ty SSI) đã phấn khích trích dẫn lại một phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kèm theo bình luận: “Tin rất vui cho doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là với giới doanh nhân Việt Nam”.

Thực tế, việc chú trọng vào thành phần kinh tế tư nhân đã được nhấn mạnh xuyên suốt từ các kỳ hội nghị Trung ương 4, 5, 6 và 7 trước đây mà một trong những điểm nhấn chính yếu vẫn đại ý là khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Cái gì pháp luật không cấm thì thành phần kinh tế tư nhân đều có thể được tham gia. 

Có thể nói, sợi dây xuyên suốt đó đến từ việc thay đổi nhận thức một cách mạnh mẽ và rõ rệt nhất đối với thành phần kinh tế này, đối với tình hình chung của kinh tế thế giới mà trong đó một vấn đề không thể không nêu bật bởi tầm ảnh hưởng của nó là “tương lai của toàn cầu hoá và của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism).

Minh họa: Hùng Dingo.

Việc thay đổi nhận thức mấu chốt và quyết liệt này lại được cộng hưởng bởi thực trạng của nền kinh tế Việt Nam suốt nhiều năm qua, với những sai phạm, thất thoát rất nghiêm trọng ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp từng là mũi nhọn, là lá cờ đầu trong khi ở lãnh địa kinh tế tư nhân, nhiều thành tựu đã và đang bắt đầu cho thấy nguồn lực tư nhân (tức là nguồn lực trong nhân dân) phải nắm vai trò chủ đạo chứ không phải nguồn lực quốc doanh đảm nhiệm nghĩa vụ đó. 

Thực tế, việc để tư nhân làm diễn viên chính trên sân khấu kinh tế và nhà nước lui lại trong vai trò quản lý, điều tiết là đúng với quy luật tự nhiên nhất, đặc biệt là khi tình trạng nhiều lãnh đạo khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chỉ coi nhiệm vụ chính của mình là phấn đấu để leo lên nấc thang chính trị chứ không phải là làm cho doanh nghiệp của mình hùng mạnh hơn, phát triển hơn đúng theo nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho.

Song, nếu xem kỹ lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở kỳ Hội nghị Trung ương 10 vừa rồi, chúng ta sẽ nhận thấy điểm mấu chốt vẫn là câu hỏi: “Nội hàm là gì?”. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đặt ra câu hỏi đó liên tiếp hai lần trong một ví dụ ngắn, như một thách thức đòi hỏi giải pháp thực sự cụ thể, khoa học và giàu thực tiễn chứ không chỉ là nói suông đúng như nguyên văn của ông là “phải hiểu biết rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, cả trong nước và quốc tế. Đấy, văn kiện là thế đấy, không phải cốt có báo cáo”.

Như vậy, qua Hội nghị Trung ương 10, chúng ta có thể thấy rõ quyết sách của Đảng và Nhà nước đối với thành phần kinh tế tư nhân là như thế nào. 

Song, chúng ta cũng phải nhận thức một cách thẳng thắn rằng tình trạng thâm căn cố đế ở Việt Nam lâu nay không chỉ là câu chuyện kiểu “trên nói rải thảm, ở dưới lại rải đinh” mà thực tế phải là “quyết thì rất rõ, nhưng sách thì lại còn quá yếu và lỏng lẻo”.

Thực sự, quyết sách phải bao gồm cả hai phần là “quyết” và “sách”. Quyết định ủng hộ hơn nữa, tạo cơ hội hơn nữa cho thành phần kinh tế tư nhân là sáng suốt nhưng nó chỉ có thể có hiệu quả nếu có được những sách lược đi kèm thực sự khoa học và minh bạch, có tính ứng dụng ổn định lâu dài. 

Chính vì việc thiếu sách lược rõ ràng mà chuyện ủng hộ thành phần kinh tế tư nhân đã bị biến tướng suốt nhiều năm qua khi khoác tấm áo tuân thủ nghị quyết nhưng thực ra lại mang căn cốt của chuyện tạo lập sân sau, kết nối đường dây cho các nhóm lợi ích. 

Chính vì thế, ngoài những đóng góp to lớn và hiệu quả cho nền kinh tế, thành phần kinh tế tư nhân cũng phạm pháp không ít và đau xót nhất là tất cả các vụ phạm pháp lớn đều dính dáng đến sự bảo kê của một quan chức nào đó.

Chính việc không có sách lược có tính ứng dụng bền vững lâu dài, có tính ứng dụng chung cho toàn ngành hoặc một khối cộng đồng doanh nghiệp đặc thù nào đó đã dẫn tới việc lợi dụng quyết sách để tư lợi và phá hoại nền kinh tế. 

Và để kiến tạo được các sách lược cụ thể, khoa học như thế, dứt khoát cần phải có sự tham góp của những chuyên gia kinh tế có năng lực, có uy tín chứ không chỉ là những bàn thảo của các bộ, ban, ngành, nơi mà thói quen “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cùng thói hư “trục lợi từ cái bé trở đi” đã trở thành một thứ văn hoá tồi.

Và cơ bản nhất vẫn phải là hoàn thiện luật bởi chính sách nào cũng phải dựa trên nền tảng của luật lệ, của hiến pháp. Ngay sau Hội nghị Trung ương 10, Quốc hội sẽ họp và liệu có đại biểu nào nêu bật được những đòi hỏi phải cải cách về luật để có thể phục vụ kinh tế tư nhân được phát triển dựa trên những sách lược sáng suốt hay không? 

Câu hỏi này có lẽ chúng ta tự tìm câu trả lời bằng cách theo dõi các phiên họp Quốc hội vẫn được tường thuật trên truyền hình mỗi ngày.

Một ví dụ đơn cử, vấn đề nhức nhối hiện nay là chuyện tín dụng đen khi nó bắt đầu phức tạp hơn với các công ty thu mua nợ, công ty đòi nợ thuê mà 100% đều là thành phần kinh tế tư nhân. Chính vì luật và quy định về quan hệ vay nợ dân sự còn quá lỏng lẻo mà chính các công ty như vậy vẫn đang hành xử đúng kiểu xã hội đen khiến con nợ phải hoảng sợ, khiến trật tự trị an bị xáo trộn rất nhiều. 

Và thậm chí, có những công ty còn có những móc nối đúng kiểu sân sau của một số cán bộ, công chức có thẩm quyền. Chỉ cần ví dụ đó thôi, chúng ta đủ thấy “quyết” đúng nhưng không có chính sách phù hợp thì có thể mang lại thêm những hỗn loạn như thế nào.

Và bởi thế, trên tinh thần của Hội nghị Trung ương 10, nên hiểu câu hỏi “nội hàm là gì?” mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra chính là một thách thức với câu hỏi dễ hiểu hơn “luật và chính sách kèm theo nghị quyết Trung ương phải là những gì?”.

Hà Quang Minh
.
.