Hàng rong và đô thị

Bộ mặt khác của đô thị

Thứ Năm, 05/05/2016, 05:14
Dẫu có xua đuổi, cấm đoán thế nào thì bao năm qua gánh hàng rong vẫn tồn tại như một điều tất yếu trong hơi thở thị thành. Vì vậy, thay vì dẹp sạch nó thì hãy nghĩ đến việc quản lý nó, giúp nó hoạt động trong nề nếp, vệ sinh, văn minh và hiệu quả hơn!

Ở nước ta, tôi tin là gánh hàng rong và tiếng rao đã đi vào tâm thức của không ít thế hệ. Nó còn là một hình ảnh mang tính đặc trưng của quê hương, một hình ảnh mang màu kỷ niệm để mỗi khi đi xa, người ta lại nhớ về nó, về gánh hàng rong và những tiếng rao thân quen.

Tôi không biết chính xác gánh hàng rong có từ khi nào, xuất phát từ đâu nhưng tôi vẫn nhớ như in là từ khi tôi lên 5, vào đầu năm 1990, hình ảnh gánh hàng rong khi đó đã trở nên thân quen với tôi. Đó là hình ảnh của bà Sáu nhà bên kia sông, mỗi sáng, đều gánh chè đi ngang nhà tôi và gọi bà cháu tôi ra mua hàng.

Hình ảnh đôi vai gầy, lưng cong theo cây đòn gánh vì nặng và tiếng rao "ai chè hôn?" của bà cho đến bây giờ vẫn còn in sâu trong ký ức của tôi. Dù đã rất lâu rồi, tôi không còn được ăn chè của bà nữa.

Lên Sài Gòn học, tôi càng thấy nhiều hình ảnh tương tự của bà Sáu ngày xưa. Ở khắp mọi con đường tại thành phố hoa lệ này, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp gánh hàng rong và những tiếng rao. Tuy hình ảnh đó chẳng ăn nhập vào đâu so với những góc phố được trang hoàng lộng lẫy, những căn biệt thự, những cao ốc, những cửa hàng đồ hiệu đắt tiền... nhưng gánh hàng rong vẫn tồn tại như là một phần tất yếu của cuộc sống. 

Sự tồn tại của hàng rong và những tiếng rao khiến các đô thị phồn hoa trở nên thật hơn bất cứ lúc nào. Đó chính là khoảng cách giàu nghèo, là sự chênh lệch về mức sống của những con người cùng thành phố. Dẫu biết rằng khoảng cách giàu nghèo là điều tất yếu phải nảy sinh trong quá trình phát triển. Song, thật khó có thể quen khi khoảng cách này còn quá lớn, khi sự chênh lệch ấy đôi khi không phải lỗi ở người nghèo mà chính sự quyết tâm kéo gần khoảng cách giàu nghèo còn thiếu.

Minh họa: Hữu Khoa.

Trở lại chuyện gánh hàng rong, hình ảnh đó có đẹp không? Tôi xin khẳng định là đẹp. Bằng chứng là nó đã từng đi vào thi ca, hội họa và là kỷ niệm của bao người xa xứ. Nó đẹp bởi nó đã và đang hằng ngày nuôi lớn bao ước mơ của các thế hệ trẻ. Có ai đã thống kê rằng, đất nước chúng ta có bao nhiêu người thành tài từ những bà mẹ bán hàng rong tần tảo sớm hôm hay chưa?! Có lẽ là chưa, nhưng những câu chuyện về người mẹ này, người mẹ kia bán hàng rong nuôi các con vào đại học thì hẳn đã không còn là chuyện hiếm.

Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, người ta thấy ở một đô thị lớn, được tiếng là văn minh, hiện đại mà tồn tại những người bán hàng rong, lại còn lấn chiếm lòng lề đường thì thật là mất mỹ quan đô thị. Thế là chính quyền địa phương có những đợt ra quân dọn dẹp. Cảnh những người bán hàng rong bị rượt đuổi, bị tịch thu hàng hóa, thậm chí là bị đánh đập, còng tay đưa về phường đã trở nên quen dần với không ít người dân sinh sống tại thành phố.

Với tôi, đó là một hình ảnh xấu xí hơn nhiều so với hình ảnh của những người bán hàng rong!

Cá nhân tôi, hình ảnh những người làm công tác trật tự đô thị lạnh lùng "hốt" hết bàn ghế, gánh hàng của bà cụ lên xe, bỏ mặc tiếng van xin của bà lão ở phía sau là một hình ảnh rất tệ. Tôi đã vài lần chứng kiến cảnh này và mỗi lần đều để lại trong tôi một cảm xúc khó chịu. Tôi hiểu những người kia đang làm nhiệm vụ, nhưng trong cái nhiệm vụ được cho là chính đáng ấy có gì đó nghèn nghẹn.

Không tội sao được khi công việc kiếm sống gần như duy nhất phù hợp với điều kiện của họ cứ bị đe dọa, tước đoạt hằng ngày trong khi gánh nặng cuộc sống thì ngày một nặng hơn.

Những người bán hàng rong hầu hết là dân nhập cư và một số ít là người nghèo thành thị. Khi những cánh đồng đang dần nhường chỗ cho các khu công nghiệp, khi những vạt rừng bắt đầu cạn kiệt, những người nông dân nghèo không trình độ, bằng cấp, ngược về thành thị tìm đường mưu sinh. Ở nông thôn, họ không còn cơ hội tồn tại, đồng lương công nhân thì không đủ sống.

Ở thành phố, họ chấp nhận làm công dân hạng 2 với đủ mọi thiệt thòi từ việc tiếp cận dịch vụ công đến các phúc lợi xã hội. Họ tìm những cơ hội nhỏ nhoi để tồn tại và thoát nghèo, đó là gánh hàng rong và hy vọng về những đứa con ngoan, học giỏi. Bán hàng rong là một lựa chọn phù hợp và khôn ngoan với họ trong điều kiện đó. Tất nhiên, đó là cách mưu sinh chính đáng.

Làn sóng di dân cơ học này vẫn diễn ra hằng ngày và những gánh hàng rong cũng từ đó nhiều thêm, bất chấp những nỗ lực dẹp bỏ.

Sài Gòn hơn 40 năm phát triển kể từ sau 1975 đến nay lúc nào cũng có gánh hàng rong và những tiếng rao. Mặc cho thành phố đã có nhiều biện pháp với người bán hàng rong nhưng họ vẫn tồn tại như một điều tất yếu trong hơi thở thị thành. 

Đã nhiều thập niên đi qua mà cảnh người bán hàng rong bị những người giữ gìn trật tự rượt đuổi, bắt giữ vẫn cứ diễn ra hằng ngày, đó thật sự là một điều bất bình thường! Bất bình thường ở chỗ là tại sao người ta cứ cố ngăn cấm những gánh hàng rong xuất hiện trên phố mà không thể tìm ra một giải pháp nào để chung sống hòa bình với nó?!

Có thể nói, trong câu chuyện về trật tự đô thị, gánh hàng rong không có lỗi hoàn toàn mà một phần lỗi chính do những người làm công tác trật tự đô thị, những nhà quy hoạch thành phố chưa thật sự nghĩ đến những gánh hàng rong.

Một thực tế phải thừa nhận rằng, có xua đuổi, cấm đoán thế nào thì bao năm qua bán hàng rong vẫn tồn tại. Cho nên, thay vì mơ đến chuyện dẹp sạch nó thì hãy nghĩ đến việc quản lý nó, giúp những người bán hàng rong hoạt động nề nếp, vệ sinh, văn minh và hiệu quả hơn.

Với cá nhân tôi, đó mới thật sự là vấn đề cốt lõi của câu chuyện gánh hàng rong và văn minh đô thị. Hay nói cách khác, đó là vấn đề của người nghèo đô thị.

Đừng để bất cứ ai trở thành người yếu thế và bị gạt ra bên lề của sự phát triển! Nói điều này nghe có vẻ trái với quy luật của "mâu thuẫn trong phát triển", song chúng ta hoàn toàn có thể mơ ước và thực hiện một điều khá lý tưởng như thế.n

Hoàng Lãm
.
.